
Những người giữ “kho báu” ở bản, làng
Trong kho tàng văn hóa truyền thống của 43 dân tộc cùng sinh sống trên vùng đất Quảng Ninh, không ít bản sắc văn hóa đang bị mai một. Trên hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập, nghệ nhân dân gian, người có uy tín được ví như những người giữ "kho báu" ở bản, làng.
Nghệ nhân nặng lòng với hát then
Trời vừa hửng sáng, trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Hoàng Thị Viên (khu Nà Làng, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) đã vang lên tiếng đàn tính hòa quyện cùng tiếng hát then trầm bổng. Bà Viên năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn ngày ngày miệt mài làm công việc sưu tầm, truyền dạy văn hóa người Tày, đặc biệt là những điệu then của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.

“Những làn điệu Then đã theo tôi hơn nửa cuộc đời, qua những mùa hội làng, những ngày lễ trọng đại. Giờ đây, tôi muốn truyền lại cho thế hệ sau, để thế hệ trẻ biết trân trọng di sản cha ông để lại” - bà Viên tâm sự với đôi mắt ánh lên niềm tự hào.
Nói về gốc tích các bài then, làn điệu then của dân tộc Tày, nghệ nhân Hoàng Thị Viên cho hay, hát then có nhiều thể loại, như hát then mùa xuân, hát trong lao động sản xuất, trong lễ cầu mùa, mừng nhà mới, lễ cầu an… Tất cả các bài hát then đều mang ý nghĩa giáo dục, răn dạy con người hướng tới những điều tốt đẹp, tình yêu và cả những kinh nghiệm của người xưa…
Bà Viên chia sẻ: Từng có thời điểm hát then đứng trước nguy cơ bị mai một dần trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày ở Bình Liêu. Để kịp thời gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa quý giá ấy, những nghệ nhân chung thủy với then đã dành tất cả niềm đam mê, tâm huyết để đưa hát then sống lại trong đời sống cộng đồng; giúp thế hệ trẻ không chỉ biết hát, mà còn hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của từng bài hát.
Để việc học hát không trở nên nhàm chán, bà Viên đã kết hợp giảng dạy với những buổi giao lưu biểu diễn tại các hội làng, ngày lễ truyền thống. Bà cùng các nghệ nhân khác vận động thanh, thiếu niên tham gia CLB văn nghệ, giúp họ yêu thích và tự hào hơn về văn hóa dân tộc mình. Không chỉ làm nhiệm vụ truyền dạy lại cho lớp trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày, nghệ nhân Hoàng Thị Viên còn mày mò sáng tác những bài hát mới, từ đó góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật hát then của dân tộc Tày.
Người tâm huyết giữ gìn trang phục dân tộc Dao Thanh Y
Đến trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) hỏi thăm đường vào nhà nghệ nhân Chìu Thị Lan ở bản Mố Kiệc, ai cũng biết, bởi bà là người có nhiều đóng góp tích cực trong việc lưu giữ, truyền dạy kỹ thuật thêu thùa trang phục truyền thống và cách vấn tóc của người Dao Thanh Y. Nghệ nhân Chìu Thị Lan được nhiều người dân trong xã xem như người gìn giữ hồn cốt của trang phục truyền thống. Hằng ngày, ngoài thời gian làm việc, bà lại tỉ mẩn bên khung thêu, đôi tay thoăn thoắt luồn từng mũi chỉ, tạo nên những hoa văn rực rỡ trên nền vải đen.

Gặp chúng tôi, nghệ nhân Chìu Thị Lan hồ hởi, xếp lại chiếc khăn vấn đầu, rồi mang bộ trang phục vừa thêu xong cho chúng tôi xem. Những họa tiết, hoa văn trên bộ trang phục của người Dao rất đẹp và độc đáo, là sự kết hợp của nhiều màu sắc (xanh, đỏ, vàng, đen, trắng...). Nổi bật nhất là các họa tiết hoa, lá, chim… được thêu bằng chỉ len nhiều màu ở vạt áo, vai áo, đai thắt lưng. Mũ đội đầu, yếm ngực cũng được phụ nữ Dao Thanh Y trang trí nhiều họa tiết màu sắc sặc sỡ gắn bó với thiên nhiên và thể hiện tình yêu quê hương.
“Hoa văn trên trang phục của người Dao Thanh Y chúng tôi không chỉ để làm đẹp, mà còn kể những câu chuyện về dòng họ, về tín ngưỡng. Nếu không giữ gìn, thế hệ sau sẽ không còn hiểu hết ý nghĩa của từng đường kim, mũi chỉ” - nghệ nhân Chìu Thị Lan tâm sự.
Đối với phụ nữ Dao Thanh Y, bộ trang phục rất cầu kỳ, nhiều họa tiết hoa văn phải được thêu bằng tay và phối màu theo nét riêng, độc đáo. Vốn là người khéo tay, từ bé bà Lan đã thích được mẹ dạy cách thêu thùa hoa văn, họa tiết và cách mặc trang phục của dân tộc mình.
Chỉ tay vào những bộ quần áo truyền thống vừa mới may xong, nghệ nhân Chìu Thị Lan chia sẻ: Để làm được bộ quần áo truyền thống hoàn chỉnh, mỗi người thợ phải mất ít nhất 3 tháng thêu thùa, người không quen thì phải mất đến cả năm. Do khó học, lại mất nhiều thời gian để hoàn thành 1 bộ trang phục truyền thống, nên ở bản Mố Kiệc giờ không còn nhiều người biết may quần áo truyền thống.
Không muốn để nghề truyền thống mai một, nghệ nhân Chìu Thị Lan chủ động tổ chức các buổi truyền dạy cho phụ nữ trong bản. Ban đầu, nhiều cô gái trẻ không mặn mà với việc thêu thùa, cho rằng những bộ trang phục hiện đại tiện lợi hơn. Nhưng bằng sự kiên nhẫn, bà Lan vừa hướng dẫn cách thêu, vừa kể chuyện về nguồn gốc của từng họa tiết trên áo, nhờ đó ngày càng nhiều bạn trẻ yêu thích và tự tay thêu trang phục cho mình. Bà Lan cũng tích cực vận động thanh niên mặc đồ truyền thống trong các dịp lễ, hội, cưới hỏi, để trang phục Dao Thanh Y luôn hiện diện trong đời sống cộng đồng.
Đặc biệt, khi các tiết học ngoại khóa về văn hóa dân tộc được triển khai trong trường học, bà Lan đã được các trường học trên địa bàn huyện mời đến để truyền dạy cách thêu quần áo, vấn tóc cho học sinh. Bà đã tận tình giảng giải về ý nghĩa của tục vấn tóc, thêu quần áo truyền thống, cầm tay chỉ việc đến khi học sinh hiểu cách làm và có thể tự thực hành được. Và cứ mỗi một bạn trẻ biết vấn tóc là văn hóa dân tộc được lưu truyền, mỗi một học sinh biết yêu và biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của đồng bào mình là bà Lan cảm thấy phấn khởi, thấy vui trong lòng.
Phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong đồng bào DTTS
Nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa truyền thống, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị này. Thông qua các lớp truyền dạy thêu trang phục truyền thống, hát đối, cấp sắc được tổ chức thường xuyên, kết hợp với các hoạt động văn hóa cộng đồng trong các ngày lễ, tết, cũng như ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc được tổ chức rộng khắp, thu hút đông đảo người dân tham gia, đã khơi dậy được niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân trên địa bàn Quảng Ninh.

Không chỉ dừng lại ở những hoạt động mang tính cộng đồng, tỉnh còn dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đối với những nghệ nhân dân gian. Đến nay, Quảng Ninh có 19 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được công nhận. Bên cạnh đó, lớp trẻ cũng đang nối tiếp truyền thống, như anh Tô Đình Hiệu (dân tộc Tày ở Bình Liêu), người đã có công lan tỏa hát then Tày ra quốc tế.
Để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh còn quan tâm gắn công tác bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch bền vững. Các địa phương trong tỉnh đã nhận diện và khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa để tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, như lễ hội soóng cọ của người Sán Chỉ, lễ hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán hay các hoạt động thể thao dân tộc như đánh quay, đi cà kheo, bóng đá nữ… Đây không chỉ là cách làm du lịch hiệu quả, mà còn là phương thức hữu hiệu để văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn và phát triển.
Bà Ân Thị Thìn, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo đánh giá: Những người có uy tín, nghệ nhân dân gian trong cộng đồng không chỉ là nhịp cầu giữ gìn văn hóa truyền thống, mà còn là những nhà lãnh đạo tinh thần, đóng góp vào sự phát triển bền vững của quê hương. Họ không chỉ bảo tồn di sản của cha ông, mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ hiểu và tự hào về cội nguồn. Với sự chung tay của chính quyền và nhân dân, văn hóa các dân tộc trên địa bàn Quảng Ninh chắc chắn sẽ không ngừng phát triển, tạo nên một bức tranh đa sắc màu, vừa truyền thống vừa hiện đại.
Ý kiến ()