
Vốn tín dụng chính sách: Điểm tựa sinh kế của người dân vùng đồng bào dân tộc
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm dành nguồn lực rất lớn chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo. Để thôi thúc ý chí thoát nghèo, loại bỏ tư tuởng ỷ lại, vươn lên làm giàu của người dân, tỉnh đã nhất quán quan điểm chuyển từ “cho không” sang “cho vay” bằng việc ban hành nhiều chính sách riêng có để bố trí nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Ở huyện miền núi Ba Chẽ

Huyện Ba Chẽ từng là vùng lõi nghèo của tỉnh với 7/7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, giờ đây, Ba Chẽ đang từng bước đổi thay mạnh mẽ. Sự đổi thay đó không chỉ ở những con đường bê tông trải dài, những trường học khang trang, những công trình nước sạch dẫn về từng thôn, xóm, còn ở những cánh rừng phủ màu xanh, ngôi nhà cao tầng kiên cố, cuộc sống sung túc. Những đổi thay này có được chính là từ hiệu quả của dòng vốn tín dụng chính sách đã và đang phủ rộng khắp các xã của huyện miền núi Ba Chẽ.
Đi cùng cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ, chúng tôi đến thăm gia đình anh Triệu A Tài (thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc). Ngôi nhà hai tầng với diện tích 300m2 của anh Tài nằm ngay trên con đường của trung tâm xã. Ngôi nhà kiên cố, bề thế, khang trang khiến ai đi qua cũng dễ dàng nhìn thấy.
Anh Tài chia sẻ: Phong tục của người dân tộc Dao chúng tôi là khi con trai lớn, ngoài việc dựng vợ, sẽ được bố mẹ chia cho một mảnh đất rừng làm vốn để làm ăn. Bằng diện tích rừng được bố mẹ cho, vợ chồng tôi đã vay 100 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm. Từ đó, tôi đã đầu tư phân bón, nhân công... để chăm sóc 10ha rừng quế, thông, trà hoa vàng. Một phần vốn vay tôi còn đầu tư chăn nuôi gà thương phẩm, gà giống... Tiền bán gà thịt, gà giống dùng để trả lãi hằng tháng, tiền bán quế, thông, trà hoa vàng khi đến kỳ thu hoạch để trả gốc. Cứ như thế, gia đình vay rồi lại trả, trả rồi lại vay. Nhờ đó, gia đình tôi đã có việc làm thường xuyên, nguồn thu nhập ổn định 200-300 triệu đồng/năm, nhà cửa khang trang, cuộc sống sung túc, con cái ăn học đầy đủ.

Không giống anh Tài, trang trại của anh Triệu Kim Vày, thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ nằm cách khá xa trung tâm xã. Là người dân tộc Dao, cuộc sống gắn liền với núi rừng, anh Vày hiểu rất rõ về con dúi. Sau khi trải qua nhiều công việc để mưu sinh, năm 2016, anh Vày bắt đầu tìm hiểu cách thức nuôi, chăm sóc, nguồn thức ăn cho dúi. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, anh Vày đã mất bao đêm thức trắng để tìm vốn. Trong lúc loay hoay tìm vốn để triển khai mô hình, anh Vày may mắn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Bằng số tiền 100 triệu đồng vay được từ Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ, anh Vày đầu tư xây dựng chuồng và mua 60 con dúi giống từ cơ sở cung cấp giống về nuôi. Đến nay, anh Vày đã có 3 trang trại nuôi dúi giống và thương phẩm, duy trì số lượng thường xuyên trên 400 con, giá bán khoảng 1,5 triệu đồng/con giống, dúi thương phẩm có giá 600.000-650.000 đồng/kg. Mỗi năm, anh thu lãi trên 300 triệu đồng.
Anh Vày cho biết: Để phát triển bất cứ mô hình kinh tế nào người dân cũng cần phải có vốn. Trong khi đó, do trình độ hạn chế, mô hình kinh tế nhỏ lẻ, không có tài sản thế chấp nên việc tiếp cận với vốn vay của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới rất khó khăn. Do đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình là “cứu cánh” cho chúng tôi bởi lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Bên cạnh đó, người dân còn có thể vay vốn từ nhiều chương trình tín dụng khác nhau để phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu, có được cuộc sống đầy đủ.
Không chỉ riêng anh Tài và anh Vày, tính đến nay, toàn huyện hiện có trên 4.515 hộ dân vay vốn tín dụng chính sách với tổng số dư nợ là 420,4 tỷ đồng. Ba Chẽ hiện là địa phương có dư nợ lớn nhất trong tỉnh, số hộ vay đông, song nhiều năm nay không có nợ quá hạn. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả, ý nghĩa và lan tỏa của vốn tín dụng chính sách trong việc giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Trao "cần câu"

Thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH tập trung huy động vốn. Đồng thời, quan tâm xây dựng, lồng ghép các chương trình tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từng giai đoạn (giai đoạn 2016-2020; giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030).

Đặc biệt, ngoài cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn như: Xây dựng cơ chế cho vay hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh; Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để triển khai thực hiện, trong đó, cân đối ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay giải quyết việc làm theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay đến các dự án sản xuất kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó, hàng năm bố trí vốn cho vay đối với chủ rừng tham gia phát triển trồng rừng cây gỗ lớn và cây bản địa; ban hành Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của HĐND tỉnh (cao hơn 1,4 lần so với chuẩn quốc gia)… Trên cơ sở đó, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện mở rộng phạm vi địa bàn, đối tượng và bố trí vốn ngân sách để thực hiện chính sách vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, hiện toàn tỉnh đang triển khai 19 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 5.400 tỷ đồng và trên 90.000 hộ vay vốn.
Việc nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi được triển khai đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích đã và đang phát huy hiệu quả tạo nên sự thay đổi rõ nét ở từng thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Những khoản vay ưu đãi đã đồng hành cùng người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng, hiện thực hóa những mong ước của họ.

Anh Lý Hồng Thêm (thôn Đá Bạc, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả) cho biết: Để phát triển sản xuất, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng. Bằng nguồn vốn tín dụng chính sách, từ mô hình trồng cây ăn quả, giờ đây, tôi đã phát triển thành trang trại du lịch sinh thái với đa dạng dịch vụ như: Câu cá, ăn uống, hái hoa quả… Nhờ đó, trang trại của tôi phát triển từng ngày, thu nhập 300-400 triệu đồng/năm, tạo việc làm 5-7 lao động địa phương. Tôi mong muốn tiếp tục được tổ tiết kiệm và vay vốn và ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để mở rộng sản xuất.
Dòng vốn ngày một chảy mạnh, phủ rộng, trải dài đang cùng đôi tay cần mẫn của mỗi hộ dân vun đắp cho chính họ cuộc sống ấm no, sung túc và hạnh phúc.
Anh Nguyễn Văn Quyết (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu), cho biết: Vợ chồng tôi đều là lao động tự do nên thu nhập không ổn định. Căn nhà cũ đã xuống cấp, dột nát nhưng chưa có đủ tiền xây lại. Biết được nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà, gia đình tôi đã mạnh dạn vay 500 triệu đồng. Với lãi suất ưu đãi, thời gian vay vốn dài, thủ tục đơn giản, cùng với số tiền vay và tích lũy, gia đình đã có đủ kinh phí để xây dựng ngôi nhà kiên cố, cuộc sống ổn định, gia đình rất phấn khởi.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã lan toả góp phần quan trọng tạo nên những gam màu rực rỡ của sự đủ đầy, sung túc và ấm no trên khắp các vùng miền của tỉnh. Và trong những chặng đường tiếp theo, với quyết tâm của tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội sẽ lan tỏa rộng hơn, sâu hơn, nhanh hơn tới mọi vùng miền của Quảng Ninh, thắp sáng những niềm tin ước mơ làm giàu chính đáng trên quê hương, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, nâng cao đời sống nhân dân.
Ý kiến ()