
Kiểm soát chặt, tăng cường xử lý vi phạm về thuốc lá điện tử
Thời gian gần đây, trào lưu hút thuốc lá điện tử gia tăng, nhất là giới thanh thiếu niên - những người luôn hiếu kỳ, tò mò và muốn khám phá. Thế nhưng, có một thực tế đáng lo ngại là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại vô cùng lớn đến sức khoẻ con người, gây ra các bệnh lý như ung thư, tim mạch, đột quỵ, suy tim…
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, người sử dụng nó bắt buộc phải dùng tiếp, nếu không sẽ vật vã khó chịu, không dứt ra được. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, gây ra sinh non, thai chết lưu ở phụ nữ có thai. Nicotine làm giảm lưu lượng máu, gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng. Thuốc lá điện tử được chứng minh đã gây ra bệnh phổi như tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư phổi, hen, đột quỵ não, tim mạch, ung thư.
Hiện tại, có một thực tế là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất dễ tìm kiếm, việc mua bán dễ dàng diễn ra nhanh chóng, thuận tiện từ các trang mạng xã hội. Đây là điều cực kỳ đáng báo động trong giới trẻ vì các sản phẩm này ngoài tính chất độc hại, gây bệnh, còn gây nghiện Nicotine và nghiện ma túy do tình trạng "núp bóng" thuốc lá điện tử trộn ma túy, ảnh hưởng cả một thế hệ tương lai của đất nước.

Trước thực trạng này, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam đã chính thức cấm việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử. Đây là một quyết định được nhân dân ủng hộ nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu những hệ lụy nghiêm trọng mà thuốc lá gây ra, nhất là với thế hệ trẻ. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN thực hiện chính sách cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng với Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan.
Trước đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ nội dung: “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội”. Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể quy định này, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện gây tác hại cho sức khỏe con người.
Để kiểm soát chặt, tăng cường xử lý vi phạm về thuốc lá điện tử, Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất mức phạt với vi phạm quy định sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và mức phạt tiền tăng gấp hai lần nếu tái phạm, đồng thời tịch thu, tiêu huỷ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra, để việc cấm các sản phẩm này có hiệu quả, Bộ Y tế kiến nghị, cần tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...
Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khoẻ con người là rất lớn. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, thì việc tuyên truyền về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng cần được đẩy mạnh, để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của loại thuốc này đến người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Ý kiến ()