20
18
/
994819
Cuộc chiến chống Covid-19: Đảng viên - những người đi trước
longform
Cuộc chiến chống Covid-19: Đảng viên - những người đi trước

“Chống dịch như chống giặc” - trong cuộc chiến đấu chống "giặc" Covid-19 đầy cam go, phức tạp, hơn lúc nào hết, vai trò tiên phong, đi đầu của cán bộ, đảng viên đã và đang được phát huy cao độ. Mỗi cán bộ, đảng viên đã luôn "đi trước một bước, về sau một bước", góp phần để “cuộc chiến” này đi đến thắng lợi cuối cùng.

Chúng tôi gặp bà Đỗ Thị Lâm (sinh năm 1964), Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố 4B, phường Hà Phong (TP Hạ Long) trong con ngõ nhỏ với tiếng loa văng vẳng nội dung về phòng, chống dịch Covid-19. Hình ảnh người phụ nữ đều đặn 2 lần/ngày “cõng” chiếc loa di động, đạp xe rong ruổi khắp các con đường ngõ xóm đã dần trở nên quen thuộc với những người dân khu 4B trong thời gian gần đây.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lâm chia sẻ: Khi nhận được sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường Hà Phong, bản thân là cán bộ, đảng viên ở khu phố, tôi cũng trăn trở, suy nghĩ làm thế nào thông tin đến được với mọi người nhanh nhất, dễ hiểu nhất trong thời đại 4.0 này. Tôi tìm cách đọc và thu các bài tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 bằng điện thoại rồi phát qua máy trợ giảng. Hằng ngày, tôi xách chiếc máy đó đi bộ dọc các con đường trong khu để phát cho mọi người nghe.

“Mưa dầm thấm lâu”, việc làm của bà Lâm đã tạo hiệu ứng tuyên truyền hiệu quả đến người dân trong khu phố. Không còn lạ lẫm, tò mò chạy ra xem và nghe bà Lâm phát loa tuyên truyền như ngày đầu, nhiều người nay còn cho bà mượn loa kéo, xe đạp để đi tuyên truyền cho tiện. Bà Lâm chia sẻ thêm: Tôi thấy việc tuyên truyền mà chỉ lướt qua thì không khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”, nên tôi chọn hình thức đi bộ cầm theo loa để mọi người có thể nghe rõ, hiểu rõ và đầy đủ nhất về dịch Covid-19. Có hôm đi tuyên truyền tôi hỏi mọi người là nghe nhiều vậy có thấy chán không? Nhiều bác cười bảo: Dân chúng tôi không chán. Ngày nào cũng muốn nghe để còn nắm được tình hình diễn biến và biết cách phòng tránh dịch bệnh. Thấy như vậy tôi cũng thấy phấn khởi hơn”.

Bà Lâm cũng chính là người tiên phong trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng loa di động trên địa bàn TP Hạ Long. Đến nay, không chỉ 10 khu phố trên địa bàn phường Hà Phong đều sử dụng hình thức tuyên truyền bằng loa di động mà đã lan tỏa ra các xã, phường trong toàn thành phố. TP Hạ Long hiện đã hỗ trợ, cung cấp bài tuyên truyền thu sẵn và một chiếc loa kéo cho mỗi khu phố để phục vụ công tác tuyên truyền.

Ngược thành thị về với miền núi Bình Liêu những ngày này, mọi người cũng bắt gặp hình ảnh của đồng chí Tằng A Sám, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn, ngày 2 lần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19. Khe Mọi là địa bàn biên giới miền núi vùng sâu, vùng xa, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, do đó, với cương vị là Bí thư Chi bộ, Trưởng khu anh đã đi đầu gương mẫu để bà con học tập, chung sức quyết tâm phòng, chống dịch bệnh.

Anh cùng các đồng chí trong cấp ủy chi bộ không kể ngày đêm phối hợp cùng các đơn vị vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và rà soát các trường hợp có đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai trong tháng 3/2020 để cách ly, theo dõi sức khỏe. Đồng thời, thường xuyên túc trực tại chốt kiểm soát dịch ở thôn để nhắc nhở, kiểm soát các trường hợp qua lại trong thôn.

Thậm chí có những hôm hơn 10 giờ đêm nhận được tin báo ở thôn có người từ Bệnh viện Bạch Mai về, anh Sám lại tất tả phối hợp cùng các lượng lượng đến xác minh ngay. Anh Sám chia sẻ: Làm công tác tại địa phương, nhất là trong lúc "nước sôi lửa bỏng" cả nước chung tay chống dịch không thể không vất vả, vì tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên, mình phải gương mẫu trước mới tạo được uy tín trong nhân dân. Bản thân tôi cũng nhắc nhở mọi người trong gia đình hạn chế tối đa ra đường. Nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc với người khác, luôn mang theo dung dịch sát khuẩn và rửa tay thường xuyên…

 

Mỗi cán bộ, đảng viên đều có cách thức thể hiện khác nhau song tất cả đều chung một mục đích là quyết tâm chung tay phòng, chống dịch Covid-19 cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. 

Tại ngôi nhà của chị Đoàn Thị Lan, đảng viên khu phố 6, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, 7 thành viên đang cần mẫn cắt dán xốp, nhựa... để hoàn thiện những chiếc kính chống giọt bắn trao tặng cho Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và một số xã, phường trên địa bàn thành phố vào cuối tuần này.

Chị Đoàn Thị Lan chia sẻ với chúng tôi: Để chung tay phòng, chống dịch Covid-19, tất cả thành viên trong gia đình tôi đều tham gia làm kính chống giọt bắn để tặng các đơn vị trên địa bàn. Công việc bắt đầu từ 7 rưỡi sáng và có những hôm kết thúc vào 9 rưỡi tối. Trong quá trình làm mọi người đeo khẩu trang nghiêm túc và ngồi cách nhau khoảng 2m. Từ ngày 2/4 tới nay, gia đình tôi đã làm được hơn 1.000 kính chống giọt bắn. Hi vọng những vật dụng này sẽ mang lại hiệu quả, góp phần chung tay vào phòng, chống dịch Covid-19.

Được biết, gia đình chị Lan còn trao tặng khu phố 6, UBND phường Bãi Cháy cùng nhiều người dân, học sinh nghèo gần 4.000 chiếc khẩu trang cùng nhiều xà phòng sát khuẩn, cặp nhiệt độ.

Người dân khu Lạc Thanh (phường Yên Thanh, TP Uông Bí) cũng không ai còn lạ lẫm với hình ảnh ông Vũ Văn Dương, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu cùng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên thực hiện nhiệm vụ kiểm soát các trường hợp ra vào khu phố. Để việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân đi vào, chốt kiểm soát người và phương tiện khu Lạc Thanh được thành lập. Lực lượng nòng cốt chính là các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên trong khu.

Đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng khu giữ vị trí tổ phó của chốt, thường xuyên có mặt tại chốt sát sao giải quyết các tình huống xảy ra. Và gần như sáng nào cũng vậy, ông Vũ Văn Dương cũng có mặt từ rất sớm, cùng các thành viên trong chốt tuyên truyền, nhắc nhở, vận động nhân dân thực hiện việc đeo khẩu trang khi ra đường, không tụ tập đông người, chỉ ra đường khi cần thiết…

Vừa cẩn thận ghi chép lịch trình của những người dân qua lại trong khu, ông Vũ Văn Dương vừa cho biết: Chốt chúng tôi hiện có 33 thành viên, hoạt động nghiêm túc, liên tục 24/24 giờ. Nhiều trường hợp người dân không đeo khẩu trang, dù đi xe máy, xe đạp hay ô tô, chốt trực đều nhắc nhở. Trường hợp người dân không mang khẩu trang sẽ được phát khẩu trang miễn phí. Chúng tôi cũng thực hiện kê khai lịch trình đầy đủ để kiểm soát chặt chẽ phòng, chống dịch Covid-19.

Để đảm bảo cho các thành viên trong chốt hoàn thành nhiệm vụ, người cán bộ khu còn phối hợp vận động được nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ ủng hộ các thực phẩm cần thiết trong những ngày chống dịch…

Cùng với những cán bộ, đảng viên ở khu dân cư, các cán bộ, đảng viên công tác trong các ngành Y tế, Quân đội, Công an cùng nhiều lực lượng liên quan cũng đang ngày đêm túc trực, sẵn sàng chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Trong khu cách ly N3, N4 của Trung đoàn 244 (Bộ CHQS tỉnh) mọi người vẫn bắt gặp hình ảnh của một nữ quân nhân tóc búi gọn gàng ngày ngày tới kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt cho các trường hợp đang thực hiện cách ly. Đó là Thượng úy Bùi Thị Thắm, cán bộ quân y Trung đoàn 244. Mấy tháng nay, chị Thắm đều túc trực tại đơn vị, nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các công dân nhập cảnh về khu vực cách ly. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị Thắm còn kiêm luôn việc dọn dẹp, đưa cơm, đón xe, đặt vé máy bay… cho các trường hợp đang thực hiện cách ly. Bởi vậy, một ngày làm việc của chị Thắm thường kéo dài hơn 8 tiếng, bắt đầu tư 6 giờ sáng và kết thúc có hôm 9-10 giờ tối.

Chị Thắm tâm sự: “Mọi công việc con cái ở nhà tôi đều gửi gắm cả vào chồng và bà ngoại. Tôi cũng như các đồng chí đồng đội luôn nỗ lực hết mình, xung kích đi đầu, đóng góp sức lực nhỏ bé trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi lần chia tay các công dân hoàn thành cách ly ra về chúng tôi mừng lắm. Mừng hơn và tin tưởng hơn vì đã góp phần ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm, không để xuất hiện và lây lan ra cộng đồng.

Bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy, hiện nay đang tăng cường tại Bệnh viện dã chiến số 2. Anh đang thực hiện điều trị cho những người dương tính với Covid-19. Vợ anh Đức cũng đang công tác trong ngành Y tế nên khi nhận nhiệm vụ điều động đến Bệnh viện dã chiến số 2, hai vợ chồng anh đã thống nhất gửi con cho hàng xóm trông giúp để yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Không chỉ tăng cường thực hiện điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong thời gian một tháng, anh Đức còn phải tiếp tục thực hiện cách ly 14 ngày.

Mặc dù khó khăn, nguy hiểm là vậy, bác sĩ Phạm Công Đức cũng như các y, bác sĩ tại Bệnh viện vẫn sẵn sàng đương đầu với dịch bệnh, cùng các bệnh nhân chiến đấu đến cuối cùng.

Bác sĩ Phạm Công Đức chia sẻ: Mỗi chúng tôi xác định phải dấn thân để cùng với xã hội ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19. Vì thế, chúng tôi đã làm việc 24/24 giờ, không kể ngày đêm hay mưa nắng và chấp nhận xa gia đình để góp phần đem lại thành công bước đầu trong trận chiến chống dịch Covid-19. Thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 2, không chỉ đảm bảo điều trị cho các bệnh nhân, bản thân mỗi chúng tôi phải luôn đảm bảo an toàn trong quá trình công tác. Mọi người hãy yên tâm! Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực, sát cánh, chung sức để nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh.

Những việc làm tốt, những hành động đẹp trong giai đoạn cam go phòng, chống dịch của các cán bộ, đảng viên đã khẳng định được tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đây luôn là một hình ảnh quen thuộc, đẹp đẽ, nhất là trong thời kỳ cả nước căng mình chống dịch như hiện nay.

Thực hiện: Trúc Linh

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu