20
18
/
996034
Chuyện về những 'anh nuôi', 'chị nuôi' ở khu cách ly
longform
Chuyện về những 'anh nuôi', 'chị nuôi' ở khu cách ly

Thầm lặng trong gian bếp với những tất bật, lo toan, song chẳng ai trong số “anh nuôi”, “chị nuôi” ở những khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 có nửa lời than vãn. Họ cần mẫn làm việc, trách nhiệm trong từng suất cơm, bảo đảm sao cho bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng tới những người đang thực hiện cách ly. Trong thời kỳ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân căng mình chống dịch, những đóng góp ấy tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại rất đỗi trân quý…

Đã hơn 2 tháng nay, Thiếu tá Ngô Thị Thoa, nhân viên nấu ăn, Ban Hậu cần, Trung đoàn 244 (Bộ CHQS tỉnh) thường bắt đầu ngày làm việc của mình từ khoảng 3 giờ.

Trong lúc mọi người ở khu cách ly vẫn còn chìm trong giấc ngủ thì chị Thoa cùng 10 chiến sỹ và 3 quân nhân chuyên nghiệp tăng cường cho tổ bếp đã có mặt để chuẩn bị bữa ăn đầu tiên trong ngày. Người thái thịt, người nhặt rau, người vo gạo… Mỗi người một việc nhịp nhàng như một dây chuyền mặc định để kịp bữa ăn vào 6 giờ mỗi ngày.

Gắn bó với khu bếp cách ly ngay từ những ngày đầu tiên, chị Thoa được giao đảm nhiệm vị trí “nấu chính”, chế biến, đảm bảo các bữa ăn trong ngày cho công dân thực hiện cách ly. Nhìn động tác chế biến món ăn nhịp nhàng, thoăn thoắt, chúng tôi cứ ngỡ chị như một đầu bếp chuyên nghiệp thực thụ.

Chị Thoa chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi phải chế biến bữa ăn cho hơn một trăm người trong khu cách ly, có những lúc cao điểm lên tới 300 người. Chúng tôi luôn tiếp nhận các ý kiến đóng góp của mọi người để điều chỉnh bổ sung cho các bữa ăn sau phù hợp và ngon miệng hơn. Từ trước đến nay, chúng tôi chưa để xảy ra cơm cháy, cơm khê hay mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà mọi người phải phàn nàn”.

Không còn khoảng thời gian đổ mồ hôi trên thao trường huấn luyện như những ngày trước dịch, giờ đây các chiến sĩ tại Trung đoàn 244 lại trở thành “phụ bếp” trong cuộc chiến chống “giặc" Covid-19. Họ cùng nhau đồng tâm hiệp lực hoàn thành nhiệm vụ phục vụ nhu cầu ăn uống cho các công dân đang thực hiện cách ly và những cán bộ trên tuyến đầu chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất. 

Từ việc chế biến, chia cơm, thức ăn tới tiếp phẩm cho các công dân thực hiện cách ly đều được thành viên trong tổ bếp thực hiện chu đáo, cẩn thận. Công việc cứ vậy nối đuôi nhau, xong bữa sáng lại loay hoay chuẩn bị bữa trưa rồi bữa tối. Kết thúc một ngày làm việc của chị Thoa cũng như các thành viên trong tổ bếp thường vào 21 giờ. Được biết, từ những ngày đầu tiếp nhận công dân cách ly đến nay, chị Thoa vẫn túc trực tại cơ quan mà chưa được về thăm gia đình.

Chị Thoa tâm sự: Mọi công việc gia đình, con cái ở nhà tôi đều gửi gắm cả vào chồng và ông bà nội. Đứa bé thứ hai nhà tôi năm nay mới 3 tuổi nên đi vắng dài ngày tôi cũng lo lắng. Nhưng, nay cả nước đang chung sức chống dịch, hơn nữa là một người lính nên tôi cũng như các đồng chí, đồng đội luôn nỗ lực hết mình, xung kích đi đầu, đóng góp sức lực nhỏ bé trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tinh thần, trách nhiệm cao cả ấy đã được chị cùng đồng đội gửi gắm qua từng suất ăn và được chính những công dân đang thực hiện cách ly cảm nhận, trân quý. Sự cảm kích đến các “anh nuôi”, “chị nuôi” quân đã được mọi người thể hiện qua từng trang giấy lưu bút trong những ngày ở khu cách ly.

“Chúng tôi thật sự cảm ơn những cán bộ, chiến sĩ đã tận tình chăm sóc, giúp đỡ trong những ngày cách ly. Chúng tôi mong các anh luôn được khỏe mạnh, bình an để chung tay cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh, sớm trở lại cuộc sống bình thường” - một người thực hiện cách ly tại Trung đoàn 244 bộc bạch.

Còn tại khu cách ly tập trung của TX Đông Triều thì công việc của các “anh nuôi” cũng không hề nhẹ nhàng. Bình thường “anh nuôi” tại Ban CHQS TX Đông Triều chỉ phải đảm bảo vài chục suất ăn, nhưng ở khu cách ly, họ phải lo tới vài trăm suất. Công việc vất vả, nhưng với tinh thần, trách nhiệm, các “anh nuôi” trong khu cách ly của thị xã đã chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19.

Để đảm bảo công tác hậu cần, phục vụ các bữa cơm cho khu cách ly tập trung của thị xã, Ban CHQS TX Đông Triều đã phân công Đại úy Lê Phúc Hiệu, nhân viên quản lý, Ban Hậu cần trở thành cấp dưỡng cho người cách ly. Khi nhận lệnh, không chút đắn đo, anh Hiệu sẵn sàng có mặt thực hiện nhiệm vụ.

Gần 10 năm gắn bó với công tác nuôi quân, chăm lo cho bộ đội có bữa ăn no, ngon, đủ dinh dưỡng, có lẽ chưa bao giờ Đại úy Hiệu nghĩ rằng có ngày lại ngồi đong đếm thực phẩm chế biến bữa ăn cho gần trăm công dân đang thực hiện cách ly trên địa bàn như bây giờ.


Mặc dù nhà cách đơn vị có vài cây số nhưng từ khi đảm nhận nhiệm vụ cấp dưỡng khu cách ly đến nay đã gần một tháng anh Hiệu chưa về thăm nhà. Anh cũng luôn là người đi sớm về muộn nhất trong khu bếp của Ban CHQS TX Đông Triều.

Là đầu bếp chính, chỉ với 2 nhân viên phụ bếp, mỗi ngày, anh lên thực đơn, đa dạng các món ăn để người cách ly ăn ngon miệng hơn. Anh Hiệu tâm sự: “Khẩu phần ăn của người cách ly chúng tôi thực hiện như với bộ đội tại đơn vị. Các bữa nối tiếp nhau nên gần như chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi. Hàng ngày, sau khi hoàn tất các bữa ăn cho bộ đội tại đơn vị cũng như cán bộ, chiến sĩ và công dân tại khu cách ly, tôi phải ở lại tính toán số lượng các món ăn cho ngày hôm sau, thay đổi thức ăn cho phù hợp, làm sao vừa đảm bảo ngon miệng lại vừa đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không chỉ lo chế biến thức ăn tại đơn vị, anh còn trực tiếp “áp tải” những suất cơm đến tận khu cách ly của thị xã, cùng cán bộ, chiến sĩ phân chia suất cơm cho công dân đang thực hiện cách ly. Từ những phần ăn sáng nóng hổi rồi tới các suất ăn cho bữa trưa, bữa tối đều do đích thân anh Hiệu đảm nhận chu toàn. Thậm chí, có những hôm vào tối muộn có người mới về khu cách ly, anh Hiệu cùng các thành viên trong tổ bếp vẫn sẵn sàng có mặt, bổ sung những suất cơm nóng để họ có thể ấm bụng sau một ngày dài vất vả.

“Chúng tôi, những chiến sỹ của QĐND Việt Nam luôn phụng sự nhiệm vụ của Tổ quốc. Trách nhiệm của tôi lúc này là đảm bảo bữa ăn an toàn cho người dân đang cách ly ở đây. Bởi vậy, dù có phải đi sớm về muộn, chúng tôi vẫn nỗ lực cố gắng để đảm bảo những bữa cơm ngon, canh ngọt được đưa đến tận tay người dân đúng giờ, đúng bữa”, anh Hiệu bộc bạch với chúng tôi.

Tuy không thể so sánh với bữa ăn tại các nhà hàng với những món tự chọn theo sở thích, nhưng bữa ăn tại khu cách ly tập trung của TX Đông Triều cũng phần nào giúp công dân cách ly và những cán bộ đang làm nhiệm vụ tại đây ấm lòng hơn. Bởi trong đó chứa đựng cả tình cảm, trách nhiệm của những người lính bộ đội Cụ Hồ.

Tới vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ Quốc những ngày này, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh những cô giáo tự nguyện tham gia nấu và đưa hàng trăm suất cơm phục vụ cho những các công dân tại khu cách ly tập trung.

Từ đầu tháng 2 đến nay, hàng chục giáo viên của các trường học trên địa bàn TP Móng Cái đã, đang trải qua những ngày đầy ý nghĩa tại tổ bếp phục vụ cho khu cách ly tập trung của thành phố. Tạm xa học sinh, phấn trắng, bảng đen, những cô giáo, thầy giáo bỗng trở thành “anh nuôi”, tình nguyện hằng ngày tham gia nấu hàng trăm suất cơm phục vụ người cách ly, chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch trên địa bàn.

Không phải tới trường như mọi khi, cô giáo Phạm Thị Thành Loan, giáo viên Trường THCS Hòa Lạc (TP Móng Cái), mỗi sáng đều có mặt rất sớm tại nhà ăn công vụ của UBND TP Móng Cái để tham gia chuẩn bị bữa ăn cho các công dân đang thực hiện cách ly.

Mỗi ngày, cô Loan tham gia cùng các thành viên của tổ bếp nhà ăn công vụ chuẩn bị gần 100 suất ăn phục vụ 3 bữa cho 78 người dân đang cách ly và khoảng gần 20 cán bộ y tế, công an, quân đội đang ngày đêm làm nhiệm vụ tại Công ty Center Way (nơi các công dân đang thực hiện cách ly). Mỗi người, mỗi việc chuẩn bị sơ chế thức ăn, chia các suất cơm phục vụ bữa ăn trong ngày cho các công dân.

Mặc dù cường độ làm việc cao, số lượng các suất cơm nhiều nhưng tất cả đều được thực hiện thật nhanh gọn và không kém phần chuyên nghiệp.

Để những bữa ăn luôn được đảm bảo dinh dưỡng, mang lại sức khỏe, tinh thần cho những người ở tuyến đầu, chị Loan còn thường xuyên đề xuất ý kiến, đổi mới thực đơn trong mỗi khẩu phần cho các bữa sáng, trưa, tối. Vì thế, suất cơm nào cũng đầy đủ rau, thịt, cá, gà… đảm bảo dinh dưỡng theo quy định.

Cô giáo Phạm Thị Thành Loan, chia sẻ: Số lượng công dân thực hiện cách ly ở Móng Cái khá đông nên các chị ở nhà ăn công vụ UBND TP Móng Cái rất vất vả trong công tác hậu cần, phục vụ bữa ăn hàng ngày. Bởi vậy, đội ngũ giáo viên trong trường chúng tôi đã tình nguyện, đề xuất giúp đỡ các chị trong thời gian khó khăn này. Chúng tôi luôn coi mọi người thực hiện cách ly, các cán bộ, chiến sĩ như người thân của mình. Điều đó khiến chị em chúng tôi không quản ngại khó khăn quyết tâm chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho từng bữa ăn.

Sạch sẽ cẩn thận trong từng khâu chế biến và bày biện là cảm nhận của chúng tôi khi tận mắt chứng kiến hộp cơm các chị nấu. Mỗi suất cơm đến với tay người dân tại nơi cách ly, hay các cán bộ, y bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống đại dịch Covid-19 đều chứa đựng những tình cảm, sự sẻ chia của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Không chỉ tình nguyện trở thành những “anh nuôi”, “chị nuôi”, chị Loan cũng như các giáo viên còn tham gia thường trực tại các chốt chặn kiểm soát dịch Covid-19 tại các phường trên địa bàn. Đó là những hình ảnh đẹp của những người giáo viên nhân dân trong thời kỳ chống dịch căng thẳng như hiện nay.

Nếu như dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì nguy cơ lượng công dân thực hiện cách ly tập trung tại các địa phương trong toàn tỉnh sẽ tăng lên. Chắc hẳn những cán bộ nuôi quân cũng sẽ phải vất vả gấp đôi, gấp ba. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, các “anh nuôi”, “chị nuôi” luôn có đủ sức mạnh và lòng nhiệt thành để nấu nhiều hơn nữa những bữa cơm ngon, ấm áp tình thương, thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm của người dân cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.

Thực hiện: Trúc Linh

Trình bày: Đỗ Quang

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu