
Chuyển biến mới ở vùng khó Hải Hà
Vùng biên giới, hải đảo của Hải Hà hôm nay đang bừng sáng. Đó cũng là lời khẳng định những chính sách quan tâm, hỗ trợ của tỉnh dành cho vùng DTTS, miền núi, biên giới đã và đang nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Đảo Cái Chiên là xã đảo duy nhất của huyện Hải Hà. Nhờ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, xã đã về đích xây dựng NTM nâng cao vào năm 2023. Đặc biệt, nói tới Cái Chiên là nói tới dịch vụ du lịch. Bởi nơi đây được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan tươi đẹp, với diện tích đất mặt nước biển hơn 24.136,6ha, nhiều bãi cát trắng mịn và những cánh rừng tự nhiên hoang sơ...
Năm 2019, UBND tỉnh đã công nhận Cái Chiên là Khu du lịch cấp tỉnh, tạo động lực quan trọng đánh thức mạnh mẽ tiềm năng du lịch và trở thành điểm sáng về kinh tế du lịch của địa phương. Hiện trên địa bàn xã có 2 phà, 2 tàu cao tốc, 12 xuồng và 22 xe điện phục vụ chào đón khách du lịch; có 2 doanh nghiệp và 22 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú với 235 phòng, 452 giường.
Để phục vụ du lịch hè năm nay, UBND xã đã tích cực chỉ đạo cán bộ, công chức, đoàn viên và nhân dân ra quân dọn dẹp, chỉnh trang các tuyến đường, vệ sinh các bãi biển xanh, sạch, đẹp. Đoàn thanh niên xã cũng đã trang trí một số khu vực tạo điểm nhấn cho du khách check in. Ngoài ra, xã cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các điều kiện về kinh doanh, PCCC, ATTP, ANTT của các doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ trên địa bàn; phân công lịch trực 24/24h trong dịp nghỉ lễ để chủ động xử lý các phát sinh về quản lý đất đai, sự cố PCCC, ATTP, dịch vụ, y tế... Các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, các hộ kinh doanh ăn uống trên đảo cũng đã chủ động trang trí, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực đảm bảo các điều kiện tốt nhất cùng đón chào du khách.

Hay như, Quảng Đức từ một địa phương biên giới khó khăn của huyện Hải Hà, đến nay đã có những thành quả vươn lên đầy ấn tượng, đổi mới cả về diện mạo nông thôn và chất lượng đời sống của nhân dân. Xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 gắn chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo. Người dân tích cực tham gia các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, liên kết sản xuất... Trong phát triển lâm nghiệp, xã tích cực vận dụng cơ chế ưu đãi của tỉnh, thực hiện hỗ trợ 30-50% các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo động lực để người dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương. Tận dụng lợi thế có Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, xã Quảng Đức cũng vận động người dân phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Hiện nay, thương mại, dịch vụ ở Quảng Đức chiếm tới 35% cơ cấu kinh tế của địa phương. Qua đó giúp tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Hải Hà có 5 xã thuộc vùng DTTS và miền núi và 1 xã đảo, gồm: Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Phong, Quảng Thịnh, Đường Hoa, Cái Chiên. Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 06). Trong đó, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, huyện Hải Hà đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển về KT-XH trên địa bàn. Huyện tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ... từ đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM, Nghị quyết 06 tại Hải Hà lên tới hàng trăm tỷ đồng. Riêng nguồn vốn đầu tư thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ tiêu Nghị quyết 06 đề ra đạt hơn 150 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn các hộ đồng bào DTTS vay phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm đạt hơn 45 tỷ đồng. Đến nay Hải Hà đã đạt 18/21 chỉ tiêu theo Nghị quyết 06 đề ra. Trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đến nay đạt hơn 73 triệu đồng/năm.
Ý kiến ()