
Bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai xảy ra nhiều hơn, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh xác định công tác bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng, từ đó tăng cường giải pháp, chú trọng bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách quản lý các di sản nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiện hành cùng các văn bản chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường, đa dạng sinh học, các giá trị tài nguyên thiên nhiên của di sản. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại vùng nuôi biển theo hướng bền vững, có quy hoạch, sử dụng bằng vật liệu thân thiện với môi trường; bảo vệ rừng ngập mặn; phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, không để phát sinh tình trạng rửa trôi bề mặt gây ô nhiễm môi trường vùng ven bờ vịnh Hạ Long...; thành lập mới các khu bảo tồn thiên nhiên, như: Khu đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên; Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; Khu bảo tồn Quảng Nam Châu.
Tác động từ cơn bão số 3 xảy ra ngày 7/9/2024, rừng Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề khiến tỷ lệ che phủ rừng đã bị kéo giảm từ 55,5% thời điểm trước bão xuống 38% thời điểm sau bão. Ngay sau bão, cùng với khôi phục các hoạt động sản xuất, đời sống nhân dân, tỉnh chỉ đạo tập trung khôi phục diện tích rừng thiệt hại. Theo đó, trên địa bàn đã duy trì và bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, củng cố diện tích rừng đặc dụng; hoàn thành giao khoán kinh phí bảo vệ trên 51.800ha rừng phòng hộ, đặc dụng cho 32 đơn vị.
Với sự nỗ lực khôi phục rừng, hết năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 45,5%, vượt mục tiêu năm 2025 về tỷ lệ che phủ rừng (45%). Quý I/2025, toàn tỉnh bước vào vụ trồng rừng mới và đã trồng 15.333ha, bằng 410% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh quyết tâm hoàn thành mục tiêu trồng mới rừng năm 2025.
Cùng với đó, trong quá trình thẩm định nghiên cứu lập quy hoạch các dự án, công trình, tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo, đánh giá kỹ các dự án, điều chỉnh, loại bỏ diện tích có rừng tự nhiên ra khỏi khu vực dự án; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, trừ các dự án đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân cũng như đội ngũ cán bộ các cấp về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các ngành chức năng cũng siết chặt công tác chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhóm tàu, nhóm nghề cần chuyển đổi trong nội bộ nghề khai thác và chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản với những giải pháp và mô hình chuyển đổi nghề phù hợp; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ 100% tàu cá đang hoạt động trên địa bàn; xử lý dứt điểm đối với tàu cá “3 không” và tàu cá tuyến khơi thường xuyên mất tín hiệu VMS trên biển. Trong đó, tăng cường rà soát, thống kê các đối tượng quản lý đảm bảo 5.556 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) để giám sát 24/24h. Đồng thời, thiết lập 10 điểm kiểm tra, kiểm soát tại các bến, cảng, khu neo đậu tránh trú bão về sản lượng khai thác, qua đó đã kiểm soát, truy xuất nguồn gốc trên 79.900 tấn thủy sản, tương đương trên 94% kế hoạch kiểm soát, truy xuất năm 2024.
Cùng với đó, tỉnh duy trì hoạt động đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản 24h/7 ngày. Tính riêng năm 2024, ngành chức năng đã tiếp nhận, xử lý 116 tin báo phản ánh, phát hiện và xử lý 9 trường hợp vi phạm với tổng tiền xử phạt 233,5 triệu đồng. Trong quý I/2025, qua kiểm tra, giám sát, không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tỉnh vẫn theo dõi sát sao 57 tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU để kịp thời xử lý. Ngoài ra, từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh còn tiếp nhận và xử lý 11 hồ sơ cấp phép nuôi biển; tiếp nhận 3 hồ sơ giao biển. Cấp huyện cũng tiếp nhận 648 hồ sơ và hoàn thành giao khu vực biển cho 560 cá nhân. Quý I/2025, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 36.082 tấn, vượt 3,5% so với kế hoạch đề ra.

Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản 1/4 (1959-2025), trong tháng 3/2025, tại đập chính của hồ Yên Lập (phường Minh Thành, TX Quảng Yên), Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND TP Hạ Long, UBND TX Quảng Yên, Hội Nghề cá tỉnh và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với 165.000 con giống, gồm các loại: Cá rô phi, trắm cỏ, trắm đen, mè trắng, mè hoa, cá trôi, cá chép… Cũng trong thời gian này, nhiều địa phương có biển cũng đồng loạt tổ chức thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, như: TP Hạ Long thả khoảng 200.000 con giống thủy sản về môi trường tự nhiên, gồm tôm sú, cá tráp, cá song, cá vược. TX Quảng Yên thả 10 vạn con giống thủy sản, bao gồm các loại cá vược, cá đối, cá chim… Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương.
Ý kiến ()