
Đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục cấp tiểu học
Tại Quảng Ninh, năm học này việc thực hiện đa dạng giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cấp tiểu học tiếp tục được ngành Giáo dục tỉnh chú trọng thực hiện.
Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Bãi Cháy (TP Hạ Long) có 53 lớp với tổng 1.955 học sinh, học 2 buổi/ngày. Toàn trường có 85 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 98,8% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Nhiều năm gần đây, ngôi trường luôn được đánh giá cao về chất lượng. Riêng năm học này, tham gia chung kết cuộc thi “Sơ đồ tư duy” cấp thành phố, 3 học sinh của nhà trường đã đạt giải cao (trong đó có 2 giải nhất). Bên cạnh đó, nhà trường có 4 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 8 giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố.
Quan sát một giờ học tiếng Việt tại lớp 2A9, Trường Tiểu học Bãi Cháy (TP Hạ Long) do cô giáo Nguyễn Thị Hiền giảng dạy theo phương pháp sơ đồ tư duy, chúng tôi nhận thấy, các em học sinh đều rất hứng thú với môn học. Trong suốt giờ dạy, thay vì chỉ dùng sách giáo khoa, cô Hiền còn sử dụng thêm các vật dụng hỗ trợ như tranh, ảnh, bút màu và ti vi để dạy bài học 25 nói và nghe kể chuyện Thánh Gióng. Tiết học nhờ đó sinh động hơn, cô và trò tương tác hiệu quả hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: Phương pháp sơ đồ tư duy rút ra bài học cô đọng, giúp học sinh khắc sâu kiến thức. Các em có thể tư duy một cách trực quan, cũng là cơ sở ban đầu để hình thành cho các em kỹ năng viết đoạn, liên kết đoạn văn.
Cô giáo Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bãi Cháy, cho biết: Năm học này, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh dạy học vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực trong giảng dạy, đặc biệt là sử dụng sơ đồ tư duy dạy học các hoạt động học của học sinh giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu và chủ động hơn trong quá trình học, phát triển tư duy logic và hệ thống, tăng tính chủ động sáng tạo. Trường cũng tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học như các phần mềm OLM, AI, Microsoft Teams, Google Meet…
Nhìn nhận chung trong toàn tỉnh, giáo dục tiểu học ngày càng được quan tâm và đã có nhiều sự đổi thay so với trước. Theo số liệu của Sở GD&ĐT thống kê vào đầu học kỳ 2, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 220 trường phổ thông có cấp tiểu học (4.186 lớp với 123.550 học sinh cấp tiểu học). Trong đó có 153 trường tiểu học; 67 trường liên cấp. Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2024-2025 đã vinh danh 38 giáo viên đạt thành tích xuất sắc; trao giấy chứng nhận cho 377 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh.
Từ tháng 11/2024, 100% học sinh tiểu học của tỉnh đã được học 2 buổi/ngày (vượt chỉ tiêu 1 năm theo Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 9/10/2020 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025).

Để thực hiện điều đó, từ đầu năm học, ngành đã tích cực tập trung sắp xếp, tổ chức các điểm trường, lớp học; có kế hoạch tuyển dụng sớm đối với giáo viên tiểu học, giáo viên Tiếng Anh, Tin học, giáo dục thể chất. Đặc biệt, ưu tiên hợp đồng giáo viên tiểu học, luân chuyển đội ngũ giáo viên đảm bảo hợp lý, bố trí giáo viên dạy liên trường đối với các môn học đặc thù; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học.
Các trường cũng đẩy mạnh việc rà soát nội dung chương trình, bài học, xây dựng hợp lý các chủ đề, tích hợp liên môn, nội môn. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hình thức dạy học trực tuyến liên trường, liên lớp (đảm bảo tỷ trọng nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở cấp tiểu học). Đặc biệt, phối hợp với Trường Đại học Hạ Long, các cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (như giáo viên Tin học).
Có thể thấy, năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị thế với nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt ở cấp tiểu học.
Ý kiến ()