
Thúc đẩy liên kết sản xuất, kinh doanh
Trong bối cảnh chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng tăng trưởng bền vững, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã (HTX), theo hướng bền vững, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự “chuyển mình” của HTX không chỉ góp phần tăng giá trị sản xuất, mà còn đáp ứng những yêu cầu về bảo vệ sinh thái, phát triển liên kết, bao tiêu sản phẩm, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Tạo nền tảng vững chắc
Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế quan trọng, nền kinh tế đa dạng, bao gồm công nghiệp, dịch vụ du lịch và nông nghiệp - thủy sản phát triển. Sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh. Với điều kiện tự nhiên đa dạng, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình nông nghiệp khác nhau, từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, việc hình thành các HTX để cùng tập hợp người dân sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm đã luôn được tỉnh triển khai rộng rãi, xuyên suốt.
Ghi nhận tại TP Móng Cái, địa phương có vị trí địa lý chiến lược và nằm trong vùng kinh tế cửa khẩu, thành phố đã tận dụng tiềm năng để phát triển hệ thống HTX theo hướng bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển, thành phố đã triển khai nhiều đề án trọng điểm, như: Xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, phát triển sản phẩm OCOP, phát triển du lịch nông thôn và Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới… Trong đó, đặc biệt quan tâm phát triển các chuỗi sản phẩm đặc trưng, như: Bò hữu cơ Phú Lâm; tôm thẻ chân trắng đạt chuẩn xuất khẩu; chuỗi dược liệu Bắc Sơn; thịt lợn Móng Cái hữu cơ; khoai lang Móng Cái có nhãn hiệu và du lịch cộng đồng tại Hải Sơn - Bắc Sơn… Các đề án không chỉ chú trọng đầu tư hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật, mà còn định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với nhu cầu thị trường và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đến nay, toàn thành phố có 120 HTX, trong đó 93 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chiếm 77,5% tổng số HTX. Các HTX khẳng định vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực và liên kết tiêu thụ nông sản cho người dân. Tiêu biểu: HTX Sản xuất và dịch vụ thủy sản Đồng Rui (xã Vạn Ninh) đã triển khai mô hình nuôi tôm theo hướng hữu cơ, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu tại Hải Phòng và Trung Quốc; HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Hải Yến (xã Hải Yến) xây dựng chuỗi giá trị trồng rau an toàn, có hợp đồng tiêu thụ ổn định với hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch tại TP Móng Cái và TP Hạ Long…
Ngoài ra, TP Móng Cái còn chú trọng phát triển HTX dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại, trong đó có nhiều HTX đang chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả điều hành và minh bạch tài chính. Các HTX cũng tích cực tham gia chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã đạt chuẩn 3 sao và có mặt trên các sàn thương mại điện tử.
Anh Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái) cho biết: HTX thành lập năm 2014, trải qua nhiều khó khăn, thách thức cùng sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, tới nay HTX đang phát triển ổn định. Đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, nổi bật là tỏi đen, là sản phẩm được chứng nhận 4 sao OCOP và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nhiều sản phẩm của đơn vị, như khoai lang sấy, tỏi đen, chân giò quay... đã có mặt ở nhiều thị trường trong, ngoài tỉnh và bày bán trên các sàn thương mại điện tử. Doanh thu của HTX trung bình khoảng 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động.
Hiện nay, Quảng Ninh là một trong những địa phương có HTX thành lập mới hằng năm cao nhất nước. Từ năm 2020 đến nay toàn tỉnh có 538 HTX được thành lập mới (trung bình 134 HTX thành lập/năm), nâng tổng số 1.087 HTX toàn tỉnh, đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng HTX, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 768 HTX, chiếm 70,65%, 2 liên hiệp HTX; thu hút gần 75.000 thành viên và lao động, tổng vốn điều lệ 4.398 tỷ đồng. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX vào GRDP của tỉnh khoảng 1,2%/năm.

Các HTX hoạt động đa dạng về ngành nghề, tuân thủ những quy định của Luật Hợp tác xã. Đặc biệt, các HTX trên địa bàn tỉnh đang dần chuyển sang hướng sản xuất xanh, hữu cơ như một chiến lược dài hạn. Nhiều mô hình điển hình có thể kể đến, như: HTX Nông nghiệp Hạ Long Xanh chuyển đổi từ sản xuất rau truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ; HTX trồng ổi lê ở Đông Triều áp dụng HACCP để đạt chuẩn xuất khẩu sang Campuchia; HTX nuôi tôm công nghệ cao ở Cẩm Phả sử dụng công nghệ Biofloc tăng hiệu suất và giảm ô nhiễm… Song song với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong HTX được xem là nền tảng then chốt để tăng năng suất, minh bạch vốn và mở rộng thị trường. Nhiều HTX đã áp dụng tem QR, sổ theo dõi sản xuất trên phần mềm, sử dụng hóa đơn điện tử và giao dịch trực tuyến.
Phát biểu tại Hội thảo bàn giải pháp bảo hiểm cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tháng 4/2025, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhận định: Hiện nay, các HTX trên địa bàn tỉnh có mặt trên các trụ cột kinh tế nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp, trong đó được tập trung chính yếu trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. HTX đã có mặt ở các địa bàn trọng yếu vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Không chỉ có ý nghĩa kinh tế về phát huy tài nguyên đất đai, mặt biển rộng lớn của Quảng Ninh, HTX còn đóng vai trò quan trọng là tổ chức kinh tế chính trong đảm bảo an ninh lương thực, cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn và tăng trưởng nông nghiệp, là nền tảng phục vụ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, Quảng Ninh đã đưa HTX trở thành nền tảng quan trọng của chuỗi giá trị, nơi kết nối sản xuất, kết nối giữ gìn văn hóa bản sắc của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc tạo nên sự đoàn kết thống nhất, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị xã hội của tỉnh. Đây là những giá trị vô giá mà các thành phần kinh tế tập thể mang lại, chúng ta nhận thức được sâu sắc vai trò của các HTX để tiếp tục nhận diện và kiến tạo chính sách, tạo nguồn xung lực mới cho các HTX tiếp tục phát triển.
Định hướng phát triển bền vững
Mặc dù đạt nhiều thành tựu, nhưng HTX Quảng Ninh vẫn đối mặt với không ít thách thức, nhất là thiếu nguồn nhân lực trẻ có trình độ chuyên môn; sản phẩm dạng thô chiếm tỷ trọng cao, sơ chế, chế biến rất ít; nhiều HTX quy mô nhỏ, năng lực quản lý hạn chế, khó khăn trong tiếp cận vốn và thị trường; còn chậm đổi mới về phương thức sản xuất, thiếu phương án chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, trung và ngắn hạn... Nhiều HTX vẫn hoạt động manh mún, chưa có định hướng chiến lược lâu dài, thiếu sự liên kết vùng và quy mô chuỗi giá trị còn nhỏ.

Ông Ngô Tất Thắng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đòi hỏi khu vực kinh tế tư nhân, HTX trên địa bàn tỉnh phải tự thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu và tận dụng tối đa những cơ hội phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Liên minh HTX tiếp tục đồng hành, cùng tháo gỡ những nút thắt với các HTX trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để tham mưu, đề xuất cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, HTX trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định tập trung vào các nhóm cơ chế về phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính; vay vốn tín dụng; ứng dụng khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giải pháp bảo hiểm cho HTX…
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của HTX, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Nổi bật là Nghị quyết 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Trong tiến trình xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, tỉnh xác định HTX là mô hình tổ chức kinh tế tập thể có vai trò trung tâm, đóng góp thiết thực vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu. Tỉnh tiếp tục ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, thực hiện quyết liệt, đồng bộ một số giải pháp, như xây dựng, hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế tư nhân, HTX phát triển nhanh, bền vững dựa trên chính sách riêng, đột phá của tỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai các cơ chế đặc thù cho HTX, xây dựng và phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số cho thành viên và người lao động trong HTX có trình độ thực tiễn sản xuất, thực tiễn của thị trường; phát triển hệ thống các sản phẩm OCOP.

Tỉnh cũng chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX, tập trung chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, tài chính, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ chuyển đổi số; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị, trong đó khuyến khích HTX hợp tác với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo sản xuất bền vững và nâng cao năng suất; thực hiện nâng cao năng lực quản trị HTX, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, kinh doanh, xúc tiến thương mại cho các HTX. Đồng thời, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo sự tham gia của HTX trong các chính sách bảo hiểm nhằm giảm thiểu rủi ro cho sản xuất nông nghiệp, phục hồi sản xuất; khuyến khích HTX nông nghiệp phát triển theo mô hình hợp tác liên kết; tăng cường liên kết giữa các HTX, hợp tác với doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản theo chuỗi…; tăng cường việc hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa các thành viên, liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, với chính quyền, và các tổ chức khoa học.
Với sự hỗ trợ từ chính quyền và sự nỗ lực của các thành viên, các HTX trên địa bàn tỉnh đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh trong kỷ nguyên mới.
Ý kiến ()