20
18
/
996761
Chơi tiếp những trận cầu nảy lửa của Than Quảng Ninh
longform
Chơi tiếp những trận cầu nảy lửa của Than Quảng Ninh

 

Nhắc tới bóng đá Quảng Ninh, người hâm mộ vẫn luôn tự hào về truyền thống, thế hệ danh thủ Hùng A, Hùng B, Bùi Uy, Đình Tòng... đóng góp cho đội tuyển quốc gia, đi thi đấu quốc tế. Thế hệ các cầu thủ trẻ và những người đam mê bóng đá Vùng mỏ hôm nay đang tiếp nối truyền thống, viết lên những trang mới cho bóng đá Quảng Ninh.

Từ lâu, bóng đá vùng than đã gắn liền với phong trào công nhân, khí thế Vùng mỏ. Dù trong bối cảnh lịch sử nào, những thăng trầm ra sao, phong trào bóng đá ở vùng than Quảng Ninh luôn giữ được truyền thống. Từ đó đã tạo nên một sân chơi, một phong trào thể thao sôi nổi, sản sinh ra những tài năng xuất sắc. Bóng đá vùng than đã được khẳng định trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử, dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng thời nào cũng sản sinh ra những tài năng, góp phần làm rạng danh bóng đá Vùng mỏ. Thời Pháp thuộc, bóng đá ở khu mỏ Quảng Ninh đã xuất hiện từ khá sớm. Dù trong bối cảnh đặc biệt, Vùng mỏ vẫn sản sinh ra những danh thủ như: Thủ môn Nguyễn Minh Chính, tiền vệ Trần Văn Thân…, đóng góp cho đội tuyển Bắc Kỳ.

Sau giải phóng khu mỏ (25/4/1955), bóng đá được chọn để nhóm lên “ngọn lửa” rèn luyện thể dục, thể thao, đạo đức và tinh thần lao động sản xuất ở khu mỏ vùng Đông Bắc giàu truyền thống cách mạng. Chỉ 1 năm sau, năm 1956, Đội bóng đá thanh niên Hồng Quảng ra đời. Đội là tập hợp của những cầu thủ “chân đất” từ Quảng Yên, Giếng Đáy, Cẩm Phả…, do Ban Cán sự Thanh niên Khu mỏ Hồng Quảng quản lý, tổ chức tập luyện và tham gia thi đấu các giải. Thắng lợi đầu tiên là đoạt chức vô địch hạng C toàn miền Bắc ở ngay năm đầu dự giải. Đội sau đó được Khu ủy Hồng Quảng đổi tên thành Đội bóng đá Công nhân Hồng Quảng. Thắng lợi ban đầu này càng động viên, thúc đẩy tiềm năng bóng đá vùng than.

Giai đoạn 1959-1963 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, tỏa sáng của bóng đá Vùng mỏ. Lúc này, các cơ sở sản xuất và công nghiệp từ bến tàu Hòn Gai, Cửa Ông đến các mỏ than Đèo Nai, Hà Lầm… khắp nơi đều đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi và đội bóng. Tới năm 1963, Vùng mỏ đã có có 63 đội bóng "chân đất" ở cơ sở và 13 đội "chân giày". Thậm chí, một giải bóng đá “chân giày” hạng B mang tên Giải bóng đá công nhân Hồng Quảng (tiền thân của Giải bóng đá truyền thống của tỉnh) đã được khai sinh.

Nhờ sự quan tâm, phong trào lên mạnh, trong một thời gian ngắn, Đội bóng đá Công nhân Hồng Quảng đã đạt được thành tích đáng tự hào. Năm 1959, Đội thăng hạng B, tham gia giải duyên hải và đứng đầu bảng khu vực duyên hải Hồng Quảng, Hải Ninh. Vô địch hạng B, Đội lên chơi hạng A, đoạt luôn cú đúp ngay trong những mùa đầu tham dự giải: Vô địch hạng A của Tổng Công đoàn Việt Nam, vô địch miền Bắc mùa giải năm 1961-1962. Năm 1963 Đội tiếp tục đoạt hạng 3 toàn miền Bắc. Đội còn được chọn để thi đấu giao hữu với các đội tuyển Mông Cổ, Ba Lan, An-giê-ri, Cộng hòa Dân chủ Đức...

Giai đoạn này, bóng đá Vùng mỏ cũng sản sinh ra nhiều tài năng, như: Trần Duy Long, Nguyễn Mạnh Uông, Bùi Hữu Nghi, Nguyễn Văn Toan... Đặc biệt là Trần Chính, tiền đạo nổi tiếng với khả năng chơi đầu, người đầu tiên được gọi vào Đội tuyển thanh niên Việt Nam năm 1958, tham gia giải các nước XHCN. Phong trào bóng đá vùng than đang phát triển sôi nổi thì bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Dù vậy, đội bóng đá vẫn duy trì tập luyện ở nơi sơ tán tại Đông Triều.

Thập niên 1970-1980, sau chiến tranh phá hoại miền Bắc, bóng đá Quảng Ninh lại sôi động trở lại. Đầu năm 1970, phong trào được khôi phục nhanh chóng. Số đội "chân đất" đã lên tới con số 142, "chân giày" hạng B có 14 đội. Lúc này, đội tuyển của tỉnh đã mang tên Đội bóng đá Than Quảng Ninh, giành Huy chương Bạc Giải bóng đá hạng A miền Bắc (Huy chương Vàng thuộc về đội của Trung tâm Thể dục thể thao Trung ương, thực chất là đội tuyển quốc gia). Đây cũng là giai đoạn vàng son của bóng đá Vùng mỏ, chứng kiến sự phát lộ hàng loạt tài năng, như: Bùi Hữu Uy, Trương Công Lịch, Vũ Bá Tòng, Nguyễn Văn Mầu, Phạm Văn Thông, Bùi Trọng Chuyên, Từ Viết Hà... Vang danh nhất là cặp tiền đạo “song Hùng”: Nguyễn Đình Hùng A, được ví như "con sơn dương" bên cánh trái; Nguyễn Đình Hùng B, "ông vua vòng cấm" với lối đá lắt léo. Cặp tiền đạo nổi danh đã làm say đắm người hâm mộ một thời. Bóng đá vùng than có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Đội Than Quảng Ninh dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Chính thời kỳ này luôn nằm trong top 4 đội mạnh nhất hạng A miền Bắc.

Trong những năm 1977-1982, các cầu thủ thuộc "thế hệ vàng" của bóng đá Quảng Ninh luôn có mặt trong đội hình các đội tuyển Việt Nam, có thời điểm đóng góp tới 9 gương mặt xuất sắc. Có 2 người 3 lần được gọi tập trung đội tuyển quốc gia là Nguyễn Văn Mầu (năm 1977, 1981, 1982) và Vũ Bá Tòng (năm 1978, 1979, 1982). Các tuyển thủ này là những cầu thủ Việt Nam mở đầu cho lối đá tấn công biên có hậu vệ dâng cao tham gia ghi bàn.

Những câu chuyện không quên được nhắc đi nhắc lại. "Thế hệ vàng son" với Hùng A, Hùng B, Tòng "cháy"… khi ấy từng quật ngã Thể Công với lứa Cao Cường, Ba Đẻn, Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ…ngay trên sân Hàng Đẫy; hạ Tổng cục Đường sắt còn nguyên bộ khung Hải “lơ”, Hoàng Gia, Mai Đức Chung… Thắng lợi này làm rạng danh bóng đá Vùng mỏ trong con mắt bè bạn trong nước và quốc tế. Đây cũng là lời chia tay của "thế hệ vàng" nhường bước cho thế hệ tài năng không kém như: Phạm Văn Màu, Đinh Cao Nghĩa, Bùi Trọng Chuyên, Từ Viết Hà, Nguyễn Văn Khả, Trần Đức Chiến...

Từ năm 1986, Đội bóng đá Than Quảng Ninh thi đấu không thành công, liên tục "lặn ngụp" ở giải hạng nhì, hạng ba, gặp nhiều khó khăn tưởng chừng phải giải thể. Trong tình cảnh khó khăn đó, bóng đá Vùng mỏ vẫn sản sinh ra thế hệ tài năng, đó là: Đỗ Ngọc Khải, Vũ Bảo Linh, Trần Tuấn Anh... Một điều mà người hâm mộ đội bóng Đất mỏ luôn tự hào là dù qua bao thăng trầm, khó khăn, bóng đá vẫn giữ được cái tên Than Quảng Ninh.

Rồi những làn gió mới từ cơ chế quản lý khi bóng đá Than Quảng Ninh được giao về cho Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam năm 2005 và sau này là Công ty CP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang năm 2014. Nhờ đó, bóng đá Than Quảng Ninh khởi sắc dần, đạt các dấu mốc lịch sử: thăng hạng Nhất năm 2006 và trở lại V-League năm 2014. Với cách làm mới, người hâm mộ đất Mỏ một lần nữa thắp lên hy vọng, một ngày nào đó, đội bóng "con cưng" của họ sẽ tìm lại được ánh hào quang năm xưa...

Trong suốt quãng thời gian dài, Đội bóng đá Than Quảng Ninh đã nỗ lực xây dựng lại hình ảnh "oai hùng" ngày nào. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ở giai đoạn nào thì bóng đá Quảng Ninh cũng luôn có nhân tài, những con người vùng than nhiệt huyết, đam mê trong và ngoài sân cỏ, lèo lái "con thuyền" bóng đá Than Quảng Ninh đi tới thành công.

Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện này, ông Trần Đình Hùng, biệt danh "Hùng C", cựu danh thủ, có tiếng trong công tác đào tạo trẻ những năm 1983, cho biết: Dù còn nhiều khó khăn nhưng các thế hệ chúng tôi cũng như các cầu thủ trẻ của Quảng Ninh luôn ra sân thi đấu, cống hiến hết mình vì niềm đam mê, vì truyền thống Vùng mỏ. Điều đáng tự hào là, trải qua bao biến cố thăng trầm, Quảng Ninh luôn sản sinh ra những gương mặt ưu tú, những con người nhiệt huyết, đam mê cống hiến hết mình vì bóng đá, vì Vùng mỏ thân yêu.

Một trong những con người đó là HLV Đinh Cao Nghĩa, nguyên hậu vệ lừng danh của bóng đá đất mỏ, dẫn dắt Đội bóng đá Than Quảng Ninh ở hạng nhì năm 2005, thăng hạng nhất năm 2006. HLV "cựu danh thủ" này và Giám đốc điều hành CLB Vũ Hạng, nguyên Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng - Kỷ luật VFF, đã vực dậy, nhào nặn, xây dựng nên một tân binh hạng nhất Than Quảng Ninh mạnh mẽ từ các cầu thủ trẻ, ngoại binh chất lượng... Trong đó, có việc phát hiện tài năng của tiền đạo Samson Kayode.

Càng chơi càng tiến bộ, mùa giải đầu tiên lên hạng nhất, Than Quảng Ninh vô địch lượt đi, gần như toàn thắng, đả bại cả Thể Công trên sân Cửa Ông. Kỷ niệm đẹp nhất với HLV Đinh Cao Nghĩa có lẽ là trận thắng đội XSKT Cần Thơ trên sân Cửa Ông với cú hat-trick của cầu thủ Vũ Minh Tuấn, ngày 6/7/2013. Cú hat-trick chính thức đưa Vũ Minh Tuấn và thế hệ tài năng trẻ do HLV Đinh Cao Nghĩa đào tạo ra ánh sáng, đồng thời góp phần đưa Đội bóng đá Than Quảng Ninh trở lại sân chơi chuyên nghiệp sau 25 năm vắng bóng.

Bước vào V-League, từ mùa giải năm 2014, tân binh Than Quảng Ninh có nhiều thay đổi. Đó là sự đột phá thay đổi mô hình quản lý. Đội bóng được giao về cho doanh nghiệp - Công ty CP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang và một "ông bầu" có tâm, đam mê, xuất thân từ gia đình có truyền thống thể thao ở vùng Mỏ - ông Phạm Thanh Hùng. Với mô hình quản lý đổi mới, hiện đại, ông luôn quan tâm giữ chân trụ cột, thu hút những chân sút tốt đầu quân cho đội bóng Vùng mỏ, như Mạc Hồng Quân, Quang Hải, Nghiêm Xuân Tú... Đồng thời, các vấn đề về chăm sóc dinh dưỡng, sân tập, đào tạo, phát lộ tài năng trẻ địa phương làm nòng cốt... được quan tâm sát sao, bài bản, khoa học.

Một điểm nhấn quan trọng đó là việc mời ông Phan Thanh Hùng, HLV Hà Nội FC, dày dạn kinh nghiệm chinh chiến ở V-League, về làm HLV trưởng Đội bóng đá Than Quảng Ninh, từ tháng 3/2016. Nhờ đó, một lối chơi đẹp mắt, hiện đại và hiệu quả được xây dựng dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa các bản hợp đồng chất lượng và các tài năng trẻ đang độ chín, như Hải Huy, Tuấn Linh... Sự đầu tư đó đã phát huy hiệu quả khi Than Quảng Ninh lần đầu tiên bước lên bục vinh quang ở Giải bóng đá Cúp quốc gia 2016 với chức vô địch, tiếp theo đó là Cúp vô địch ở Giải Siêu cúp quốc gia.

Từ vị thế "ngựa ô" của giải, CLB bóng đá Than Quảng Ninh dần khẳng định lối chơi, bản sắc và sức mạnh khi liên tục nằm trong top 4, 5 đội dẫn đầu V-League. Với cách làm và sự kết hợp ấy, mùa giải 2019 Than Quảng Ninh đã giành được chiến tích lịch sử - xếp hạng 3 V-League.

Bước vào mùa giải 2020, dội bóng có sự chuẩn bị tốt hơn, định hình lối chơi kiểm soát bóng, tấn công đa đạng, đẹp mắt và bộ khung vững chắc. Đó là sự chắc chắn ở hàng thủ với thủ môn Tuấn Linh, hậu vệ Thanh Hào, đặc biệt trung vệ Lastro Leven thi đấu ổn định, tạo một "lá chắn thép" trước khung thành đội Than. Ở hàng tiền vệ, "bộ tam nguyên tử" Xuân Tú - Hải Huy - Hồng Quân càng chơi càng hay. Trong khi Xuân Tú vẫn chứng minh dù đã 30 nhưng anh là cầu thủ thường xuyên gây đột biến với những pha lên bóng tốc độ và những quả tạt rất dẻo bên cánh. Hải Huy được ví như "linh hồn" cầm nhịp lối chơi của Than Quảng Ninh ở tuyến giữa, với những đường chuyền sắc sảo, xé toang hàng phòng ngự đối phương. Còn Mạc Hồng Quân sau khi được HLV Phan Thanh Hùng kéo xuống chơi tiền vệ cho thấy khả năng công thủ toàn diện và cái duyên ghi bàn của mình.

Nếu những mùa gần đây, hàng tiền đạo có lẽ chưa thực sự tạo được ấn tượng với người hâm mộ, đặc biệt sau khi chia tay các cựu binh, thì mùa giải năm nay, Than Quảng Ninh đã có bước đi bất ngờ, khôn ngoan khi đưa về những bản hợp đồng chất lượng. Đó là bộ đôi tiền đạo người Jamaica: Jermie Lynch và Diegeo Fargan với lối chơi càn lướt tốt và đầy tốc độ. Với bộ đôi này, Than Quảng Ninh có thể áp dụng lối chơi nhanh, tận dụng kinh nghiệm chinh chiến của Fargan, tốc độ, kỹ thuật và sự nhậy bén của Jermie Lynch. Điều đó đã được chứng tỏ khi các ngoại binh, đặc biệt Jermie Lynch tỏ ra hòa nhập rất nhanh và liên tục tỏa sáng ghi bàn ở các trận đấu hay của Than Quảng Ninh trong khuôn khổ Cúp AFC 2020.

Bên cạnh đó, đội bóng có sự chuẩn bị tốt khi có thêm các bản hợp đồng mới với thủ môn Phan Đình Vũ Hải và tiền vệ Lâm Quý (CLB Hải Phòng); tiền đạo Nguyễn Hữu Khôi (CLB Sanna Khánh Hòa)... Đây là những sự bổ sung cần thiết trong một mùa giải năm 2020 mà đội đặ ra nhiều mục tiêu lớn. Bên cạnh sự bổ sung đó là những gương mặt trẻ đầy tiềm năng, như Phạm Trung Hiếu, Phan Như Thành, Hồ Hùng Cường, Vũ Viết Triều... cùng các cầu thủ đàn anh, được kỳ vọng tiếp tục mang về cho bóng đá Vùng mỏ những thành tích cao hơn.

Với sự chuẩn bị đó, Than Quảng Ninh vững tâm bước vào một mùa giải 2020 mới. Cú "sẩy chân" trên sân Pleiku, để thua 0-1 trước Hoàng Anh Gia Lai ngay vòng 1 V-League, không làm độ bóng mất tự tin. Điều này được chứng minh khi Than Quảng Ninh bước vào trận cầu "đinh" đầy khó khăn trước một Hà Nội FC, nhà đương kim vô địch hùng mạnh trên SVĐ Cẩm Phả, Than Quảng Ninh đã có chiến thắng thuyết phục  3-1, với sự vững chắc, lối chơi thuyết phục.

Mục tiêu hướng tới mùa giải 2020 của thầy, trò HLV Phan Thanh Hùng là "vị trí cao hơn hoặc ít nhất giữ được hạng 3". Với cách làm, định hướng phát triển bóng đá sạch của những con người nhiệt huyết, cùng dàn cầu thủ tài năng, người hâm mộ Vùng mỏ có quyền hy vọng, thế hệ cầu thủ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống, viết nên những trang mới mới cho bóng đá Quảng Ninh.

Tạ Quân

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu