
Bình dân học vụ số trong CNVCLĐ Quảng Ninh
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” như một giải pháp căn cơ nhằm phổ cập kiến thức, kỹ năng số đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lực lượng công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số” do tỉnh phát động, các cấp công đoàn Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan chức năng để triển khai nhiều hoạt động thiết thực, lan tỏa tinh thần học tập và ứng dụng công nghệ số trong lực lượng CNVCLĐ. Từ thành thị đến nông thôn, từ khối hành chính sự nghiệp đến khối doanh nghiệp, phong trào học tập kỹ năng số đang diễn ra sôi nổi, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số từ cơ sở.
Điển hình tại TP Hạ Long, mới đây Hội nghị phát động phong trào “Bình dân học vụ số” đã diễn ra với sự tham dự của hơn 1.500 CNVCLĐ tại các điểm cầu trực tuyến, trong đó có hàng trăm đoàn viên công đoàn và người lao động đến từ các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn. Ngay sau lễ phát động, các tổ chức công đoàn cơ sở đã khẩn trương triển khai kế hoạch hành động cụ thể, từ việc thành lập các tổ hỗ trợ kỹ năng số tại doanh nghiệp, đến việc mời chuyên gia tổ chức các lớp tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và đời sống.
Để phong trào “Bình dân học vụ số” thực sự đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả bền vững, vai trò của Công đoàn các cấp tại Quảng Ninh là không thể thiếu. Theo bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, LĐLĐ tỉnh, với phương châm “đưa chuyển đổi số đến gần người lao động”, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đào tạo nhằm khơi dậy tinh thần học tập, chủ động tiếp cận công nghệ trong đội ngũ CNVCLĐ.
Nội dung đào tạo tập trung vào các kiến thức thiết thực như: Sử dụng thiết bị thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác, truy cập cổng dịch vụ công quốc gia, khai thác ứng dụng thương mại điện tử, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trên không gian mạng…

Đặc biệt, nhiều công đoàn cơ sở còn triển khai mô hình “Tổ công nghệ số cộng đồng tại doanh nghiệp”, trong đó mỗi tổ gồm 3-5 đoàn viên có trình độ CNTT tốt sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các công nhân khác trong cùng phân xưởng hoặc bộ phận. Mô hình này hiện đã được triển khai tại nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành than, điện, xi măng, logistics… góp phần tạo nên môi trường làm việc hiện đại, thông minh, thúc đẩy tinh thần tự học và sáng tạo trong công nhân.
Phong trào “Bình dân học vụ số” đã và đang mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong chất lượng nguồn nhân lực của Quảng Ninh. Không chỉ nâng cao năng suất lao động, việc ứng dụng công nghệ số còn góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí cho người lao động trong quá trình thực hiện TTHC, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý sản xuất - kinh doanh.
Việc số hóa quy trình lao động và kỹ năng sử dụng CNTT còn mở ra cơ hội để người lao động tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử và quản trị thông minh. Đồng thời, phong trào cũng tạo nền tảng để Quảng Ninh phát triển xã hội số toàn diện, nơi mỗi người dân - mỗi người lao động là một “công dân số” thực thụ.
Ý kiến ()