
Phong trào "Bình dân học vụ số" ở thành phố thủ phủ
TP Hạ Long là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức hội nghị phát động triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” (ngày 21/3/2025). Mục tiêu cốt lõi mà thành phố đặt ra là hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số; từ đó xây dựng và hình thành nên những công dân số, đô thị thông minh, trung tâm sáng tạo và phát triển của tỉnh và khu vực Đông Bắc.
Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số”

Năm 1945 khi đất nước ta vừa giành được độc lập, ngày 3/9 trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 việc cấp bách, trong đó chống nạn mù chữ xếp thứ hai, chỉ sau nạn đói. Bác nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ". Ít ngày sau đó, Chính phủ ra liền 3 sắc lệnh, lập Nha Bình dân học vụ, hạn trong 6 tháng, làng và thị trấn nào cũng phải có "ít ra là một lớp bình dân" và cưỡng bách học chữ quốc ngữ trên toàn quốc.
Phong trào “Bình dân học vụ” đã trở thành một cuộc cách mạng về giáo dục. Chỉ sau 1 năm triển khai, phong trào đã tổ chức được 75.000 lớp học với trên 95.000 giáo viên, trên 2,5 triệu người dân biết đọc, biết viết. Tới năm 1948 có 6 triệu người đã thoát nạn mù chữ; đến năm 1952 là 10 triệu người (gần nửa dân số đất nước khi đó), thoát khỏi “giặc dốt” và thanh toán mù chữ ở rất nhiều địa phương; cuối năm 1958 có 93,4% người dân từ 12 đến 50 tuổi đã biết đọc, biết viết; đến năm 1965 hoàn thành xóa nạn mù chữ, đưa dân tộc ta thoát vòng tăm tối. Chỉ sau 20 năm phát động, phong trào "Bình dân học vụ" đã lan tỏa rộng khắp, tạo hiệu quả vượt mong đợi của mọi người. Dân trí được nâng lên, lòng dân, ý Đảng thống nhất, cùng nhau xây dựng Nhà nước mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến tới thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, đưa non sông về một mối.
Trong xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đang mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho nhân loại, tạo cơ hội phát triển đột phá trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số. Nền tảng kinh tế đang chuyển đổi căn bản với các hình thái mới; không gian kinh tế mở rộng chưa từng có…

Để tận dụng được thành tựu văn minh của nhân loại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đảng và Chính phủ xác định dứt khoát phải khẩn trương thực hiện tốt một phương thức phát triển hoàn toàn mới mà các nước phát triển nhất thế giới đang thực hiện ráo riết, chủ yếu dựa trên trí tuệ của con người. Đó là “chuyển đổi số”. Nắm bắt xu hướng đó, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó nêu rõ: “Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm”. Theo đó, việc chuyển đổi số phải được diễn ra toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, y tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
Tiếp tục cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng, ngày 22/12/2024 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". Đồng thời lấy cảm hứng từ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” và phải trở thành một phong trào cách mạng, toàn dân, toàn diện, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.
Hưởng ứng chỉ đạo của Tổng Bí thư và quyết tâm đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW đi vào cuộc sống, TP Hạ Long đã nhanh chóng phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn thành phố.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khẳng định: Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu. Đây cũng là con đường bền vững và ngắn nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hướng đến một "Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng". Đối với Hạ Long, chuyển đổi số chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa tương lai. Từ bài học của phong trào “Bình dân học vụ” cho thấy, để nâng cao dân trí trong chuyển đổi số, cần phải huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, thành phố không chỉ để phong trào dừng lại ở việc tổ chức các lớp học công nghệ, mà còn hướng tới xây dựng một thói quen số, một nền văn hóa số trong đời sống hằng ngày của người dân. Khi đã tự tin, người dân không chỉ dùng tốt dịch vụ công mà còn có thể áp dụng công nghệ số để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, thậm chí tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Hành trình tri thức trong kỷ nguyên mới

Những năm qua, chuyển đổi số trên địa bàn TP Hạ Long đã đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật: 100% hồ sơ TTHC được giải quyết trên môi trường mạng; là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện trả thông báo thuế điện tử lĩnh vực đất đai kết hợp với thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% các cơ sở y tế thực hiện chuyển đổi số, triển khai bệnh án điện tử; 100% bệnh viện ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 100% học sinh các cấp có hồ sơ, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử; bước đầu triển khai có hiệu quả việc khai thác, sử dụng các phần mềm AI trong dạy, học; lắp đặt trên 1.900 camera an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, thành phố vẫn còn những hạn chế, “điểm nghẽn” trong thực hiện chuyển đổi số. Một trong số những "điểm nghẽn" là tỷ lệ cao người dân và một bộ phận cán bộ, đảng viên, CCVC nhận thức về chuyển đổi số và kỹ năng số còn hạn chế. Trong lĩnh vực giáo dục, thành phố chưa có trung tâm đào tạo về CNTT; 100% các trường đang thực hiện giảng dạy môn tin học theo lộ trình của Bộ GD&ĐT. Trong tổng số trên 5.550 doanh nghiệp có khoảng 60% doanh nghiệp ứng dụng KHCN tiên tiến vào sản xuất kinh doanh và mới tập trung ở ngành than, cơ khí đóng tàu, taxi xanh, sản xuất vật liệu xây dựng, điện, nước, công nghệ môi trường, lắp ráp linh kiện điện tử…
Điều đáng nói là trong 4.554 CBCCVC toàn thành phố, chỉ có 22 nhân lực CNTT, viễn thông (6 nhân lực trong cơ quan hành chính; 10 nhân lực trong đơn vị sự nghiệp công lập; 6 nhân lực trong đơn vị sự nghiệp); trong đó 11 người được phân công thực hiện nhiệm vụ đúng với chuyên môn. Khả năng, nhận thức tiếp cận công nghệ số và internet không đồng đều ở các khu vực và tầng lớp khác nhau, nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, người lớn tuổi. Từ đó dẫn đến tâm lý ngại thay đổi thói quen từ truyền thống sang môi trường số, ngại tìm hiểu và thử nghiệm cái mới, lo ngại sợ bị kẻ xấu lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, khiến một số người mất cơ hội tiếp cận thông tin, không thể tận dụng được tính năng, lợi ích của xã hội số. Việc thiếu kiến thức về bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng khiến nhiều người mất dữ liệu và thông tin cá nhân khi sử dụng, khai thác trên môi trường số, từ đó làm tăng nguy cơ tấn công mạng và trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

Theo kế hoạch, mục tiêu đặt ra của thành phố là đến năm 2026 tất cả CBCCVC của thành phố thành thạo các nền tảng số, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn an ninh mạng. Học sinh từ cấp THCS trở lên được trang bị kỹ năng số để học tập và sáng tạo, đồng thời biết cách tự bảo vệ mình trên môi trường số. 100% người dân trưởng thành, 100% người lao động trong các doanh nghiệp, HTX có kiến thức về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng thành thạo thiết bị thông minh.
Thực hiện mục tiêu trên, thành phố xác định chuyển đổi số toàn diện dựa trên 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn; kinh tế số giúp người dân giàu hơn và xã hội số khiến người dân hạnh phúc hơn.

Anh Nguyễn Tuấn Thắng, Bí thư Thành Đoàn Hạ Long, chia sẻ: Ngay sau lễ phát động, Thành Đoàn sẽ thành lập các đội hình “Bình dân học vụ số” do thanh niên làm nòng cốt. Mỗi cơ sở đoàn, hội thành lập ít nhất 1 đội hình “Bình dân học vụ số” tình nguyện đến từng khu phố, từng thôn xóm để hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số, sử dụng máy tính, các thiết bị thông minh, mạng xã hội, nhất là các ứng dụng quan trọng như VNeID, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.

Khối doanh nghiệp cũng có những chuyển đổi tích cực, điển hình như Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh. Cuối tháng 3/2025 Công ty thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một trong những nội dung trọng tâm mà Công ty đặt ra là xác định rõ mục tiêu, các lĩnh vực ưu tiên (quản trị doanh nghiệp, vận hành SXKD, quản lý kỹ thuật, an toàn - môi trường...) và các giải pháp công nghệ phù hợp. Từ đó đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu suất vận hành tổ máy, tối ưu hóa chi phí nhiên liệu, giảm suất hao nhiệt, tăng cường độ tin cậy và khả năng sẵn sàng của thiết bị, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty, nhấn mạnh: Thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng các giải pháp là hành động cụ thể nhằm quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, mà gần đây là các định hướng lớn liên quan đến phát triển KHCN và chuyển đổi số quốc gia, đó là Nghị quyết số 57-NQ/TW và phong trào “Bình dân học vụ số” do TP Hạ Long phát động.
Với những bước đi, cách làm cụ thể trong triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, TP Hạ Long đang từng bước tạo nền tảng vững chắc để hình thành xã hội số, công dân số một cách thực chất, triệt để, đồng bộ, toàn diện. Qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng và hình thành đô thị thông minh, trung tâm sáng tạo và phát triển của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đông Bắc.
Ý kiến ()