
Tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Thời gian qua, Quảng Ninh đặc biệt coi trọng nhiệm vụ phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “Hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Theo đó, tỉnh đã chủ trương nghiên cứu xây dựng các Chương trình, Đề án trọng điểm phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với những lĩnh vực kinh tế có thế mạnh, có tiềm năng của Quảng Ninh.
Kinh tế di sản là một trong những lĩnh vực kinh tế có thế mạnh được tỉnh quan tâm đầu tư các đề án trọng điểm về hạ tầng KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với bề dày lịch sử và nguồn tài nguyên di sản phong phú, tiêu biểu như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, cùng các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống và làng nghề độc đáo, Quảng Ninh đã xác định kinh tế di sản là lĩnh vực trọng điểm. Các chương trình nghiên cứu và đề án trọng điểm không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di sản mà còn giúp khai thác giá trị kinh tế tiềm năng của di sản thông qua du lịch thông minh, phát triển sản phẩm văn hóa và dịch vụ liên quan.

Theo ông Phạm Văn Thành, Trưởng Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin TP Uông Bí, các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo (VR360) được ứng dụng đã tái hiện di sản và danh thắng Yên Tử một cách sống động, từ đó nâng cao trải nghiệm cho du khách và thu hút đầu tư vào ngành du lịch di sản. Những bước đi này đã tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa việc bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển kinh tế, giúp di sản không chỉ là bảo vật mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế địa phương.
Tương tự với lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, Quảng Ninh cũng khẳng định nhiều bước đột phá trong đầu tư hạ tầng KHCN, chuyển đổi số. Đơn cử với ngành than là ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế của Quảng Ninh, sản sinh ra khối lượng lớn phế liệu như đất, đá thải mỏ và chất thải công nghiệp. Đầu tư vào hạ tầng KHCN hiện đại từ phòng thí nghiệm đến hệ thống giám sát tự động đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp xử lý tiên tiến. Trong đó, việc nghiên cứu ứng dụng đồng thời xử lý chất thải để sử dụng rác thải mỏ làm nguyên liệu thay thế than cám trong lò nung clinker không chỉ giúp giảm 15% lượng than nhiên liệu mà còn cắt giảm chi phí sản xuất và giảm lượng khí thải độc hại.

"Hạ tầng KHCN đồng bộ cũng cho phép các cơ quan quản lý và doanh nghiệp theo dõi sát sao các chỉ số môi trường từ hoạt động khai thác và chế biến than. Hệ thống giám sát tự động, các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp đảm bảo các quy trình xử lý chất thải công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Điều này góp phần tạo nền tảng cho các mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai hiệu quả" - ông Phan Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, cho biết.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tỉnh cũng đã tiếp tục duy trì và năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất của mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ, như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đông Triều; các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn; 33 tổ chức khoa học và công nghệ; 25 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 9 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; 1 doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng; 1 doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng; 1 doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; 39 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS.

Để tiếp tục tạo đột phá cho đầu tư hạ tầng KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, năm 2025, tỉnh xây dựng Chương trình hành động nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tỉnh sẽ tập trung phát triển hạ tầng số hiện đại, trong đó nguồn lực nhà nước là chủ yếu; phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững, hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao phủ sóng toàn tỉnh, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số và hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.
Tỉnh cũng sẽ đầu tư phát triển hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số; tích hợp cảm biến, ứng dụng công nghệ số vào hạ tầng thiết yếu; hình thành và từng bước phát triển công nghiệp internet vạn vật (IoT); nghiên cứu xây dựng chương trình chuyển đổi số và quản lý dữ liệu tập trung; chương trình nâng cấp, cải tiến và sáng tạo công nghệ năng lượng, công nghệ khai thác, chế biến hướng tới mục tiêu phát thải ròng về 0 năm 2050 của tỉnh Quảng Ninh.
Ý kiến ()