
Chuyển đổi số ở Vườn quốc gia Bái Tử Long
Với những tiện ích của chuyển đổi số, Vườn quốc gia (VQG) Bái Tử Long đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống quản lý và ứng dụng các phần mềm chuyên dụng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tại Bảo tàng đa dạng sinh học, đơn vị đã tích hợp các màn hình tương tác, mô hình 3D và thực thế ảo (VR) để tái hiện lịch sử hình thành vịnh và hệ sinh thái đặc trưng, mang đến cho du khách một hành trình tham quan sống động. Ban Quản lý VQG Bái Tử Long đã sử dụng công nghệ quét mã QR code bằng điện thoại thông minh giúp du khách truy xuất thông tin liên quan đến hiện vật trưng bày một cách dễ dàng, thuận tiện, có những trải nghiệm mới mẻ.
Theo đó, chỉ cần điện thoại thông minh có kết nối wifi miễn phí tại bảo tàng, du khách cài ứng dụng quét mã QR code (chạy trên nền tảng hệ điều hành Android hoặc iOS), mở ứng dụng chiếu camera quét lên các mã QR code được dán cạnh các hiện vật, toàn bộ thông tin liên quan đến hiện vật sẽ hiện lên màn hình điện thoại, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách. Hiện nay, hơn 50 mẫu vật tại bảo tàng đã được gắn QR code, cung cấp thông tin cơ bản về các loài động, thực vật. Chỉ cần thao tác trong tích tắc, mọi dữ liệu được cập nhật chi tiết: Tên, chủng loại, nguồn gốc, đặc tính sinh trưởng...
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chuyên viên Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Bái Tử Long, cho biết: Trước đây, khi đến tham quan bảo tàng, muốn tìm hiểu những thông tin về các hiện vật, hình ảnh du khách cần đi theo đoàn và liên hệ trước để có hướng dẫn viên phục vụ. Để tạo thuận lợi hơn cho du khách trong việc tham quan, Bảo tàng đã triển khai ứng dụng quét mã tem QR code để du khách có thể tự tìm hiểu thông tin về hiện vật với những trải nghiệm mới mẻ. Đây là một trong những hoạt động góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa công tác bảo tàng, cũng như hình ảnh của VQG Bái Tử Long. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục sưu tầm, cập nhật nội dung, hình ảnh hiện vật mới để mã hóa QR code. Đồng thời, nghiên cứu, đa dạng hóa các hình thức truyền tải nội dung trưng bày như: Tích hợp thêm phần thuyết minh audio guide trên app điện thoại để có thể vừa nghe vừa xem hiện vật, thuyết minh đa ngữ qua mã QR bằng cách dịch và thu âm thêm các thứ tiếng Anh, Pháp..., giúp du khách có thể dễ dàng tiếp cận nội dung thông tin bộ sưu tập của bảo tàng.

Cùng với việc phát triển các ứng dụng hiện đại tại Bảo tàng đa dạng sinh học, Ban quản lý VQG Bái Tử Long còn chủ động phát triển hạ tầng viễn thông chất lượng cao tại các đơn vị, đặc biệt ngoài địa bàn Hạt Kiểm lâm, nhằm tạo động lực phát triển du lịch trong vịnh Bái Tử Long nói chung và VQG Bái Tử Long nói riêng. Đơn vị đã phối hợp với Viettel Quảng Ninh nâng cấp công nghệ 4G băng tần thấp trên các trạm viễn thông Viettel ở khu vực vịnh Bái Tử Long. Cụ thể, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại trạm BTS khu vực đảo Cái Lim, phục vụ việc phát sóng với tốc độ cao và độ phủ rộng khắp các tuyến giao thông thủy và du lịch.
Đến nay, trên 15.700ha diện tích của VQG Bái Tử Long cả trên rừng và dưới biển đã cơ bản được phủ sóng, đặc biệt, tập trung vào các tuyến du lịch trên biển, khu vực nghỉ đêm Máng Hà, quần thể rừng Trâm - cây di sản Việt Nam tại xã Minh Châu… Việc nâng cấp hạ tầng viễn thông tại khu vực vịnh Bái Tử Long, nhất là ở những khu vực địa hình phức tạp sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới, đảm bảo hoàn thiện hạ tầng dùng chung cho nhiều mạng viễn thông, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đặc biệt là du lịch. Dự kiến trong năm nay, bên cạnh phát sóng 4G, khu vực này nâng cấp thêm các trạm phát sóng 5G, đảm bảo chất lượng sóng và băng thông tốt hơn.

Việc ứng dụng công nghệ đã góp phần nâng cao công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cho đội ngũ cán bộ của Ban Quản lý VQG Bái Tử Long. Cụ thể, lực lượng Hạt Kiểm lâm VQG Bái Tử Long đã sử dụng máy định vị cầm tay GPS và các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động tuần tra bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giám sát động vật hoang dã; gắn mã QR cho gần 100 cây gỗ lớn và cây di sản. Đồng thời, sử dụng phần mềm Smart để lưu trữ, khai thác dữ liệu nhằm xây dựng Cơ sở dữ liệu số về VQG Bái Tử Long - Vườn Di sản Asean. Các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn, triển khai các ứng dụng phần mềm như QR Code, Google Drive, Mapinfor, Global mapper, Google earth, Vtool và các phần mềm chuyên ngành khác trong công tác quản lý, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, các nguồn gen động thực vật quý hiếm; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu số về VQG Bái Tử Long - Vườn di sản ASEAN. Hạt dự kiến đầu tư ứng dụng thêm thiết bị flycam để phục vụ việc quản lý, giám sát các hoạt động bảo vệ rừng.
Theo ông Phạm Ngọc Vinh, Giám đốc Ban Quản lý VQG Bái Tử Long, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái lâm nghiệp số toàn diện, từ quản lý rừng, khai thác tài nguyên, đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Từ đó, nâng cao năng lực quản lý, giám sát tài nguyên rừng chính xác, kịp thời thông qua các ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và thực thi công việc của các cơ quan trong Ban Quản lý VGQ Bái Tử Long.
Ý kiến ()