
Ứng dụng KHCN và chuyển đổi số trong lĩnh vực cơ khí
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp cơ khí phải dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và chuyển đổi số để nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình sản xuất. Tại Quảng Ninh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới để gia tăng năng lực cạnh tranh.
Là một trong những doanh nghiệp cơ khí hàng đầu của tỉnh, Công ty CP Cơ khí và lắp máy Việt Nam COLAVI luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua đầu tư vào công nghệ tiên tiến. Năm 2024, công ty đã đầu tư một hệ thống máy cắt Laser khổ lớn công suất 30.000 watt - đây là công nghệ gia công kim loại hiện đại nhất hiện nay. Với máy cắt Laser này, COLAVI có thể gia công các chi tiết kim loại dày, đáp ứng được yêu cầu về độ chính xác và tính tinh xảo của các bản vẽ thiết kế phức tạp. Chị Vũ Thị Thơ, công nhân của công ty, chia sẻ: Năng suất của máy cắt Laser này đã tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây, độ chính xác cao hơn rất nhiều, giúp công nhân làm việc nhàn hơn và hiệu quả hơn.
Không chỉ dừng lại ở máy cắt Laser, COLAVI hiện đang có hàng loạt các thiết bị hiện đại khác như: Robot hàn thông minh, máy khoan, đột CNC, và máy cắt plasma… giúp tự động hóa nhiều công đoạn trong quy trình sản xuất. Anh Trần Văn Cường, Giám đốc Nhà máy Cơ khí của công ty, cho biết: Việc đầu tư vào các máy móc hiện đại này đã giúp chúng tôi tự động hóa hoàn toàn các công đoạn xử lý lỗ, cắt góc và các điểm khuyết trong gia công cơ khí, từ đó nâng cao năng suất sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc đầu tư vào công nghệ, COLAVI hiện là đối tác cung cấp dây chuyền sàng tuyển, băng tải vận chuyển khoáng sản cho nhiều tập đoàn công nghiệp lớn trong nước. Mỗi năm, doanh thu của công ty đạt từ 700-1.000 tỷ đồng, khẳng định vị thế vững chắc của công ty trong ngành cơ khí. Bên cạnh đó, công ty cũng đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ nhân lực, không ngừng cải tiến kỹ thuật và công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường.

Cùng với việc đầu tư vào công nghệ, các doanh nghiệp cơ khí tại Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị và điều hành doanh nghiệp. Điển hình là Công ty CP Công nghiệp Ô tô - Vinacomin đã áp dụng hệ thống giao việc không giấy tờ, cho phép nhân viên có thể nhận nhiệm vụ và cập nhật tiến độ công việc mọi lúc, mọi nơi thông qua thiết bị thông minh. Điều này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả sản xuất mà còn giảm bớt các chi phí hành chính và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Đỗ Hải Hùng, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất giúp công ty nâng cao năng lực điều hành, tối ưu hóa quy trình và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống để các cấp quản lý có thể giám sát các đầu việc một cách chi tiết và chính xác hơn, đồng thời công nhân cũng có thể theo dõi tiến độ công việc và tính toán tiền lương ngay sau mỗi ca làm việc.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng số hóa, việc đầu tư vào công nghệ và tự động hóa sản xuất không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, việc triển khai các nền tảng quản trị thông minh và tối ưu hóa quy trình sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu chi phí và tạo ra giá trị bền vững. Đây là chìa khóa để ngành cơ khí phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nội địa và mở rộng khả năng xuất khẩu. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Ý kiến ()