
Công nghiệp chế biến chế tạo Quảng Ninh: Những bước tiến quan trọng sau Nghị quyết số 01
Ngày 26/3, tại Khu công nghiệp Việt Hưng, TP Hạ Long, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng - nhà máy sản xuất ô tô Skoda đầu tiên tại Đông Nam Á đã chính thức hoàn thành và đi vào vận hành sản xuất, lắp ráp ô tô, với dây chuyền thiết bị được đầu tư để sản xuất, lắp ráp ô tô Skoda – thương hiệu ô tô lâu đời nhất của Cộng hòa Séc. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mới của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh sau hơn 4 năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Có thể thấy, ngay từ năm 2020, Quảng Ninh đã đặt ra lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Quảng Ninh xác định, song hành với việc đẩy mạnh thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo là việc thu hút các nguồn lực FDI thế hệ mới, chất lượng cao và dần nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GDP của tỉnh.
Đánh giá kết quả của Quảng Ninh trong hơn 4 năm thúc đẩy công nghiệp chế biến - chế tạo thể hiện ở những con số. Tổng vốn đầu tư thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gần 10 tỷ đô la, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã chiếm khoảng 68%, tương đương 6,8 tỷ đô la. Quảng Ninh cũng dần hình thành một số khu công nghiệp mang tính chuyên sâu đối với lĩnh vực ngành nghề chế biến, chế tạo như khu công nghiệp về ô tô, xe điện, một số khu chuyên sâu liên quan đến lắp ráp các linh kiện điện tử, khu công nghiệp chuyên sâu liên quan đến ngành dệt may. Quan trọng hơn, Quảng Ninh đã thu hút được các thương hiệu lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vào các địa bàn. Tiêu biểu như Tập đoàn Foxconn, một tên tuổi lớn trong ngành công nghệ cao, đã đầu tư 5 dự án tại Quảng Ninh với tổng vốn gần 1 tỷ đô la Mỹ. Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng là dự án trung tâm trong Tổ hợp Chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng có tổng quy mô 400ha, với số vốn 8.679 tỷ đồng, công suất thiết kế hơn 120.000 xe/năm. Tập đoàn Zinco Sola, một trong những thương hiệu sản xuất tấm quang năng hàng đầu thế giới, đã đầu tư các dự án với tổng vốn 42,5 tỷ đô la Mỹ tại Quảng Ninh. Nhà máy Lite-On Quảng Ninh 690 triệu USD trong Khu công nghiệp Amata và một số thương hiệu khác. Số lượng sản phẩm mới của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng đã tăng cao thêm. Đây là những nhân tố đóng góp rất trực tiếp đến sản phẩm mới và những giá trị tăng trưởng cụ thể cho lĩnh vực này. Hơn hết, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 năm qua trung bình trên 20%. Tính đến hết năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,43% trong GRDP của tỉnh Quảng Ninh, với tốc độ tăng trưởng 21,33%, đây là con số gấp hơn 3 lần so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư trong ngành đạt 2,04 tỷ đô la Mỹ, đồng thời tạo thêm hơn 5.500 việc làm mới.

Trong năm 2025, Quảng Ninh cụ thể hóa chỉ tiêu tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên 33%. Cơ sở của chỉ tiêu này là nhóm các dự án lĩnh vực chế biến, chế tạo đã được cấp phép và đang triển khai hoạt động, bao gồm khoảng 150 dự án, trong đó, có trên 115 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đô la và 35 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đầu tư trên 53.000 tỷ đồng. Đây là những dự án, những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang đóng góp trực tiếp những giá trị sản phẩm trong thời gian vừa qua. Cùng với đó, 10 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2024 với quy mô vốn trên 2 tỷ đô la đang tiến hành xây dựng, hoàn thiện nhà máy, nhà xưởng và đi vào sản xuất vận hành trong năm 2025. Đây là những nhân tố mới, những sản phẩm mới, động lực mới đóng góp trực tiếp vào giá trị tăng trưởng của năm 2025.
Hiện nay, trên tinh thần tiếp tục hỗ trợ công nghiệp chế biến chế tạo phát triển mạnh, Quảng Ninh đồng hành để tháo gỡ những điểm nghẽn và có những tác động khích lệ cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển. Đơn giản như việc kiến nghị sửa đổi các chính sách liên quan đến thuế xuất nhập khẩu, nhập khẩu linh kiện, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, hay tháo gỡ về thể chế, đất đai, hay đầu tư ngoài hàng rào của các KCN. Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh đầu tư sẵn sàng cơ sở hạ tầng, kết nối đến các KCN, giải phóng mặt bằng sẵn… để đón các doanh nghiệp thiện chí đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, năm 2025 này, Quảng Ninh sẽ có 4-5 KCN mới để thu hút các dự án đầu tư mới về công nghiệp chế biến – chế tạo. Cần nhấn mạnh rằng, Quảng Ninh có 21 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh có thể đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia về Việt Nam bám theo các hiệp định thương mại tự do, trong đó, có đầu tư cho công nghiệp chế biến – chế tạo. Nhóm doanh nghiệp chế biến – chế tạo mới này được kỳ vọng sẽ là những dự án đóng góp cho tăng trưởng bền vững và dài hạn trong giai đoạn tiếp theo của Quảng Ninh.
Ý kiến ()