
Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho kinh tế tư nhân
Những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực. Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để phát triển kinh tế tư nhân, Quảng Ninh xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân. Trong đó, thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, coi các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp tục triển khai thực hiện, tập trung vào những lĩnh vực, khó khăn vướng mắc cụ thể để giải quyết dứt điểm. Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và có các cơ chế chính sách, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể để phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực như nguồn vốn, đất đai, mở rộng thị trường...
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 12.021 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đang hoạt động (trong đó 10.832 doanh nghiệp, 801 chi nhánh và 388 văn phòng đại diện), tổng số vốn đăng ký 369.711 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chiếm 97,84%; doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 0,72%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 1,44%.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có tổng số 38.141 hộ kinh doanh; trong đó hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán phải nộp thuế: 22.806; hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải nộp thuế: 13.299; hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai: 2.036. Hộ kinh doanh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, chiếm đến 83,3% trong tổng số hộ kinh doanh (tập trung nhiều tại lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô…).
Cùng các cơ chế, chính sách, Quảng Ninh cũng tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho kinh tế tư nhân. Để khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, tỉnh đã tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức. Công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua có nhiều đổi mới và hiệu quả. HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 5 nghị quyết về kích cầu du lịch để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2020 và năm 2021. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh, Tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án động lực của tỉnh để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh, đất đai, GPMB. Hằng năm, tỉnh tổ chức ít nhất 2 hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp; mỗi cơ quan, địa phương tổ chức ít nhất 4 đợt hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, “Cafe doanh nhân”, tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo các chuyên đề. Trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành điện, các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp Sông Khoai; tổ chức Hội nghị cafe doanh nhân với chủ đề “Đối thoại chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”; xây dựng và vận hành trang Zalo Official Account để tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng kịp thời tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cũng như các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Qua đó, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị. Tỉnh cũng cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh và đem sức mạnh lan tỏa, chia sẻ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tỉnh phát triển song hành. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tỉnh; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và người dân, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ý kiến ()