20
18
/
1100262
Bài 3: “Mở rộng cửa” cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá
longform
Bài 3: “Mở rộng cửa” cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

 

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Bài 3: “Mở rộng cửa” cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

Với quyết tâm đổi mới công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều mô hình sáng tạo nhằm hoàn thiện hệ thống chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Bên cạnh việc chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tỉnh cũng tạo môi trường thuận lợi, điều kiện để thúc đẩy đội ngũ cán bộ đổi mới, phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung...

Hiệu quả từ những mô hình sáng tạo

Thôn Đồng Mộc (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên), cách đây 5 năm, cuộc sống của người dân rất khó khăn với 50% là hộ nghèo; cơ sở hạ tầng lạc hậu, người dân phần lớn ỷ lại vào sự hỗ trợ của huyện và tỉnh. Nay mọi thứ đã thay đổi, thôn giờ không còn hộ nghèo, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Nổi bật là những công trình mang lại diện mạo mới, làm đổi thay đời sống của bà con, như bê tông tuyến đường trục chính của thôn dài hơn 4km; công trình đưa nước tự chảy về từng gia đình, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của bà con; những mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo bền vững. Có được kết quả đó phải kể đến vai trò rất lớn của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chìu Quay Mằn. Ông Đỗ Thanh Toán (thôn Đồng Mộc) cho biết: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chìu Quay Mằn là cán bộ gương mẫu, có trách nhiệm, tận tụy với công việc. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng luôn là trung tâm đoàn kết trong mọi hoạt động của thôn. Bất cứ một phong trào, cuộc vận động nào do Bí thư, trưởng thôn chỉ đạo, tuyên truyền, phát động đều nhận được hưởng ứng rất cao của tất cả người dân trong thôn.

Ảnh với chú thích

Anh Chìu Quay Mằn (bên phải) trong một buổi đi tuyên truyền cho bà con xây dựng đời sống mới 

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chìu Quay Mằn, chia sẻ: Công việc của người đứng đầu thôn bắt buộc phải thường xuyên gần dân, sát dân, sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị, tư tưởng, việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân; từ đó có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao. Do đó, người dân trong thôn rất ủng hộ.

Anh Chìu Quay Mằn là 1/177 người đang thực hiện mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” thông qua quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử” ở 100% thôn, bản, khu phố của Quảng Ninh. Ngày 28-12-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020”. Trong đó, đặt ra mục tiêu thực hiện 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức “Dân có tin rồi Đảng mới cử”. Cụ thể là, chọn những đảng viên vừa được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố để giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ. Bằng hoạt động, điều hành hiệu quả của mình, các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố của tỉnh Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, góp phần củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân; qua đó, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Công tác phát triển đảng viên được đặc biệt quan tâm, nhất là ở thôn, bản, khu phố có ít đảng viên (trong 3 năm 2017-2020 đã có hơn 2.500 đảng viên được các chi bộ thôn, bản, khu phố kết nạp mới).

Ảnh với chú thích

Anh Chìu Quay Mằn (thứ 2 bên trái) trong Hội thi kỹ năng nghiệp vụ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn khu phố năm 2019 cụm số 3, tại huyện Vân Đồn 

Không chỉ thành công ở cấp cơ sở với mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” thông qua quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử”, Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm chức danh. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 2 địa phương (Tiên Yên, Cô Tô), ở cấp xã đang thực hiện bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 119/177 xã, phường, thị trấn; bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND tại 24/177 xã, 150/177 bí thư cấp xã, 13/13 bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan tham mưu cấp ủy với lãnh đạo cơ quan chuyên môn khối chính quyền cấp huyện gồm: Trưởng ban dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ nhiệm UBKT đồng thời là Chánh thanh tra, Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ từ năm 2020 đến nay.

Các mô hình kiêm nhiệm chức danh tại Quảng Ninh đã mang lại “hiệu quả kép” đối với hệ thống chính trị. Rõ thấy nhất là việc giảm được đầu mối cấp trưởng các ban, ngành, góp phần xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả. Qua đó, khắc phục sự cồng kềnh, chồng chéo công việc. Với vai trò vừa là người đứng đầu cấp uỷ Đảng vừa là đứng đầu cơ quan chính quyền, việc truyền tải các chủ trương, nghị quyết sang tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được rút ngắn, công tác tham mưu đảm bảo chặt chẽ, giảm bớt nhiều khâu trung gian so với trước đây nhờ có sự thống nhất, thông suốt, kịp thời trong chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và trong quản lý, điều hành, cụ thể hóa của chính quyền. Các mô hình đã tạo sự chủ động, tập trung cao trong lãnh đạo và thực thi nhiệm vụ. Trong lãnh đạo, vận hành bộ máy linh hoạt, cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh, nhạy, kịp thời và hiệu quả hơn, nhất là giải quyết những vấn đề khó, mới phát sinh ở cơ sở.

Cover

Đồng thời, việc thực hiện các mô hình cũng đề cao trách nhiệm người đứng đầu, góp phần rèn luyện, nâng cao năng lực, phát huy tính năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành công việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền. Thực tế cho thấy, để đảm nhiệm được các vị trí kiêm nhiệm, cán bộ phải hội tụ đủ các yếu tố năng lực, uy tín, sự tâm huyết và trách nhiệm trong công tác quản lý, giải quyết công việc. Các cán bộ thực hiện kiêm nhiệm chức danh cũng đã phát huy được vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, gắn được trách nhiệm của cá nhân với kết quả cụ thể của cơ sở, giảm các cuộc họp... Trọng trách “gánh 2 vai” cũng tạo điều kiện giúp cho cán bộ có điều kiện nâng cao năng lực lãnh đạo, khả năng tư duy, tính quyết đoán, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và để cán bộ rèn luyện trưởng thành; là môi trường để đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện cán bộ tốt dự nguồn cho cấp trên, phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ, ít bị trì trệ, bảo thủ.

Chia sẻ về điều này, đồng chí Đinh Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, cho biết: Cá nhân tôi được cấp ủy tin tưởng giao trọng trách “hai vai” là Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND thị trấn. Cái Rồng là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện, là nơi tập trung đông dân cư sinh sống và làm ăn, buôn bán, cũng là nơi có nhiều dự án được triển khai nên khối lượng công việc rất lớn, vì vậy tôi cùng với tập thể Đảng ủy, Thường trực HĐND, UBND đã thảo luận rất kỹ xây dựng quy chế làm việc rõ ràng khi đứng trên các vai của người đứng đầu. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng xác định lúc nào cũng phải nỗ lực, cố gắng hết sức để làm tròn trọng trách của mình. Quan trọng hơn là phải xác định rõ từng trách nhiệm, đâu là ở “vai” bí thư, đâu là “vai” chủ tịch UBND, xác định được việc gì của mình, việc gì có thể giao cho cấp dưới… Nhưng ở “vai” nào thì yêu cầu bắt buộc đối với những cán bộ thực hiện kiêm nhiệm như tôi là phải không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực, trưởng thành trong từng nhiệm vụ.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng

Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận của Bộ Chính trị chính là sự cổ vũ, động viên to lớn cho những nỗ lực của Quảng Ninh với việc triển khai thực hiện các mô hình kiêm nhiệm chức danh, thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý… trong thời gian qua. 

Cover

Với quyết tâm đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng đề bạt cán bộ lãnh đạo, quản lý; tạo bước đột phá từ khâu phát hiện đến đề bạt, bổ nhiệm để lựa chọn những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Tỉnh ủy Quảng Ninh chủ trương thí điểm tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành từ năm 2013. Đến nay, tỉnh đã tổ chức thi tuyển 8 vị trí chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 155 vị trí chức danh huyện, sở, ngành quản lý.

Ðể thực hiện chủ trương này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các ban, ngành liên quan xây dựng các quy chế, kế hoạch và nội dung thi tuyển một cách cẩn trọng, từng bước, có sự tham gia của từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và có sự hướng dẫn, góp ý của Ban Tổ chức Trung ương, với phương châm khách quan, minh bạch, công tâm, chính xác. Ðối tượng dự thi được mở rộng. Ngoài nguồn cán bộ được quy hoạch tại chỗ, tỉnh khuyến khích đăng ký dự tuyển từ nhiều nguồn khác, đáp ứng các tiêu chí của vị trí chức danh (như về phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn, ngoại ngữ... và kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của hai năm gần đây nhất). Ban tổ chức kỳ thi thực hiện nguyên tắc mở đối với các thí sinh trong lựa chọn, chuẩn bị và bảo vệ đề tài nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu của vị trí cần tuyển. Hội đồng thi tuyển là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Chủ tịch hội đồng; giúp việc hội đồng thi tuyển có ban thẩm định gồm lãnh đạo các cơ quan liên quan xem xét, đối chiếu, thẩm định hồ sơ, xác minh lịch sử chính trị, kết quả công tác phấn đấu của thí sinh; kiểm tra, phỏng vấn sơ tuyển, sát hạch trình độ ngoại ngữ, tin học; giao đề tài cho đối tượng dự thi thực hiện. Trong quá trình thi tuyển, các thí sinh thực hiện trình bày đề án, thi tuyển cạnh tranh, đảm bảo khách quan, công khai, khích lệ những người có tư duy đổi mới, năng động, dám nghĩ, có kế hoạch hành động rõ ràng khả thi.

Cover

Các mô hình kiêm nhiệm chức danh và việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý của Quảng Ninh đã “mở rộng cửa” cho những cán bộ có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Song cùng với việc quyết liệt thực hiện thí điểm các mô hình đổi mới, tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát quyền lực, trong đó thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ và xử lý kiên quyết đối với những vi phạm của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên được giao quyền.

Công tác đánh giá cán bộ được tỉnh cụ thể hóa thành các quy chế; coi trọng hiệu quả công tác, đổi mới cách thức kiểm điểm, đánh giá cán bộ, gắn với nêu gương tự phê bình, hạn chế tình trạng nể nang. Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh đã đánh giá, kiểm điểm gần 2.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Tỉnh cũng thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa, triển khai các quy định về kiểm soát quyền lực; đề cao trách nhiệm giải trình, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Trong đó, chú trọng kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Hoàn thiện cơ chế trách nhiệm trong điều kiện nhất thể hóa, kiêm nhiệm các chức danh, sáp nhập các cơ quan, đơn vị; kiểm soát tốt xung đột lợi ích, chống “lợi ích nhóm”, “sân sau”. Cùng với đó, tăng cường công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ảnh với chú thích

Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ tổ chức hội nghị sơ kết công tác Tổ chức - Nội vụ 9 tháng năm 2021

Từ năm 2017 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra tỉnh Quảng Ninh; chỉ đạo thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các ban đảng, tổ chức đảng tại các cơ quan chính quyền, cơ quan nội chính... để trao đổi, xử lý các vụ việc nhanh chóng, dứt điểm. Gắn kết chặt chẽ với công tác thanh tra Nhà nước, kế thừa kết quả giữa kiểm tra với thanh tra và ngược lại; chủ động sử dụng các kênh thông tin và phản ánh của Nhân dân để phát hiện dấu hiệu vi phạm; phát huy vai trò của cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong giám sát.

Tỉnh cũng chỉ đạo kiên quyết trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; phát hiện, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; nhiều vụ việc được làm rõ, nhiều tập thể, cá nhân được xử lý đúng quy định. Đã thực hiện công khai kết luận kiểm tra và xử lý vi phạm, góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên và củng cố niềm tin của nhân dân. Kết quả trong nhiệm kỳ 2015-2020, cấp uỷ các cấp đã kiểm tra 5.897 đảng viên và 6.990 tổ chức đảng; qua kiểm tra kết luận: 336 đảng viên và 336 tổ chức đảng thực hiện chưa tốt, trong đó có 23 đảng viên và 5 tổ chức đảng có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; giám sát 4.299 đảng viên và 6.216 tổ chức đảng; qua giám sát đã phát hiện và tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 7 tổ chức đảng và 1 đảng viên. Cũng trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 288 đảng viên và 89 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; qua kiểm tra kết luận: 217 đảng viên và 52 tổ chức đảng có vi phạm; giám sát 2.007 đảng viên và 3.049 tổ chức đảng; phát hiện 20 đảng viên, 6 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, đã chuyển sang kiểm tra dấu hiệu vi phạm 14 đảng viên và 6 tổ chức đảng. Sau kiểm tra, giám sát, tỉnh đã thi hành kỷ luật 2.025 đảng viên (Khiển trách 1.571; cảnh cáo 291; cách chức 35; khai trừ 128) và 24 tổ chức đảng (Khiển trách 20; cảnh cáo 4).

Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trong thực tiễn triển khai thực hiện tại Quảng Ninh thấy rằng, việc thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh, tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý… phù hợp với xu thế tất yếu khách quan nhằm giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới hệ thống chính trị với đổi mới kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới đặt ra. Để những người đứng đầu đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, tỉnh Quảng Ninh đã kết hợp quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý với quy hoạch cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, kết hợp luân chuyển, đào tạo cán bộ với việc bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý không là người địa phương ở các cấp trong hệ thống chính trị. Đồng thời, mạnh dạn lựa chọn và đưa những cán bộ được đào tạo bài bản, có lập trường tư tưởng vững vàng, có năng lực đang công tác để đưa vào các chức danh thực hiện nhất thể hóa, nhất là ở cơ sở. Đến nay, cơ bản những cán bộ thực hiện các mô hình thí điểm đều phát huy năng lực, chuyên môn, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương. Qua theo dõi, đánh giá, đội ngũ cán bộ này đều tích cực học hỏi nâng cao trình độ, phát huy được năng lực, trình độ chuyên môn, áp dụng các giải pháp sáng tạo vào thực tiễn công tác và bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình.

Thông qua các mô hình tổ chức mang tính đổi mới như thực hiện người đứng đầu cấp uỷ đồng thời là lãnh đạo chính quyền, thủ trưởng đơn vị; hợp nhất cơ quan tham mưu của cấp uỷ với cơ quan chuyên môn của chính quyền cùng cấp có chức năng tương đồng; thực hiện 100% bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố, thi tuyển các chức danh lãnh đạo... Quảng Ninh đã tạo nét mới về phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ. Cũng qua đó, tạo chuyển biến quan trọng trong toàn Đảng bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng có nhiều chuyển biến rõ rệt; phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, toàn diện, rõ thẩm quyền; ý thức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, đảng viên được củng cố, nâng lên; niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền, từ 73,3% năm 2016 lên 96,1% năm 2019; đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Minh Thu - Trúc Linh


Bài 1: Bản lĩnh người “cầm lái” - nhìn từ đại dịch Covid-19

Bài 2: Đề cao trách nhiệm cá nhân, sự nêu gương

Bài 4: Chăm lo khâu “then chốt của then chốt”

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu