20
18
/
999409
Bài 3: Đường dài cần xung lực mới
longform
Bài 3: Đường dài cần xung lực mới

 

Quảng Ninh đã tiếp tục được vinh danh, đứng ở vị trí người dẫn đầu trên bảng xếp hạng PCI 2019. Kết quả này đã cho thấy những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ cũng những cách làm mới, quyết liệt của tỉnh trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đi đúng hướng, đơm hoa và kết trái ngọt, được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá cao. Đi cùng với sự hân hoan, vui sướng, tỉnh cũng đã sẵn sàng cho một chặng hành trình mới, với những xung lực mới, để tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu, để doanh nghiệp giàu mạnh - địa phương phát triển.

Theo báo cáo PCI 2019, Quảng Ninh giữ vững vị trí cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2019 với 73,40 điểm, tăng 3,04 điểm so với năm 2018 và đạt điểm số cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, trong các chỉ số thành phần PCI của tỉnh, 8/10 lĩnh vực điều hành kinh tế được cải thiện.

Được biết, để có được sự ghi nhận trên, cùng với những giải pháp hiệu quả đã thực hiện trong những năm trước, ngay từ đầu năm 2019, trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 8/3/2019. Kế hoạch xác định rõ mục tiêu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm thực sự thuận lợi, hấp dẫn, quyết tâm duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với một số chỉ tiêu cụ thể.

Đáng chú ý, Kế hoạch 61 đã đặt ra chỉ tiêu khá cao đối với thực hiện Chỉ số PCI năm 2019, như: Tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 70,36 lên 72,10 điểm, tăng 1,74 điểm so với năm 2018. Tất cả 10 chỉ số thành phần PCI đều phải có sự cải thiện so với năm 2018; không có chỉ số nào nằm ngoài top 15... Trong đó, phấn đấu có 7 chỉ số trong top 5/63 (Chi phí Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động), 2 chỉ số trong top 8/63 (Chi phí không chính thức, Tính năng động) và 1 chỉ số trong top 15 (Thiết chế pháp lý - An ninh trật tự); tỉnh cũng xác định ưu tiên tập trung bằng các giải pháp mạnh, cụ thể, sát thực tiễn để cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 3 chỉ số: Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Thiết chế pháp lý - An ninh trật tự.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra 11 nhóm giải pháp chính, 174 nhiệm vụ cụ thể và 128 mục tiêu theo chỉ số thành phần PCI; phân công cho 33 cơ quan, sở, ngành thuộc tỉnh và toàn thể 14 địa phương. Tất cả các nhiệm vụ giao đều có sự giám sát, thống kê chặt chẽ, thường xuyên cập nhật báo cáo những kết quả đã thực hiện qua Tổ công tác PCI tỉnh để tổng hợp, tham mưu các giải pháp cho tỉnh. Trong năm, UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp nhằm đánh giá, phân tích các chỉ số đã đạt, chưa đạt, để có giải pháp phù hợp nhằm cải thiện các chỉ số ở mức tốt nhất.

Từ các giải pháp cụ thể, thiết thực, bài bản, Quảng Ninh đã tiếp tục giữ được ngôi vương PCI liên tiếp năm thứ 3. Theo phân tích của các chuyên gia VCCI và các cơ quan liên quan khi thực hiện khảo sát PCI năm 2019, cơ bản các chỉ số PCI của Quảng Ninh đều có sự cải thiện rõ nét. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin được ghi nhận là một điểm sáng nổi bật. Thep đó, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Số TTHC cấp tỉnh mức độ 3, mức độ 4 đạt 84,6% (trong đó mức độ 3 là 71% và mức độ 4 là 13,6%).

Quảng Ninh đã vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, với việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa các ngành, các cấp, áp dụng mô hình phòng họp không giấy tờ, số hóa dữ liệu điều hành, gửi và nhận văn bản liên thông giữa các ngành, các cấp. Cùng với đó, 19 sở, ngành của tỉnh đã sử dụng con dấu thứ 2 để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả ngay) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tại Trung tâm hành chính công các huyện, thành phố của tỉnh cũng đã sử dụng con dấu thứ 2 đối với cơ quan tư pháp và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng rất chú trọng việc tổ chức, triển khai các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh tới từng cấp, ngành, gắn trách nhiệm của người đứng đầu một cách cụ thể, kết hợp với việc thường xuyên theo dõi, giám sát và đánh giá công khai kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của các đơn vị. Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức đa dạng, triển khai điều tra và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và huyện thị (DDCI) thường niên để thúc đẩy chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền các cấp.

Điều tra PCI 2019 ghi nhận những đánh giá tích cực của doanh nghiệp với những nỗ lực nói trên của Quảng Ninh. Có 76% doanh nghiệp đánh giá thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định, 82% doanh nghiệp cho biết cán bộ thân thiện trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp và 87% doanh nghiệp đánh giá cán bộ giải quyết công việc hiệu quả. Đáng lưu ý, 89% doanh nghiệp đánh giá “UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi truờng kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân" (tỷ lệ đánh giá này năm 2018 là 84%) và 82% doanh nghiệp nhận định "UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh” (năm 2018 là 72%).

Cùng với đó, 82% doanh nghiệp cho biết vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ kịp thời và 93% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi, cách giải quyết của các cơ quan chính quyền tỉnh.

Theo đánh giá, phân tích của nhóm các chuyên gia thực hiện PCI 2019, năm vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải bao gồm: Tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn. Khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm 2020 và thời gian tới bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Tuy nhiên bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam năm 2020 nói chung và tại các địa phương trong nước nói riêng cũng có nhiều cơ hội để tái cơ cấu, bứt phá và vươn lên. Trong số đó, thu hút dòng vốn đầu tư FDI được coi là lợi thế nếu các địa phương biết tận dụng và có chính sách hợp lý. Cùng với đó, việc có những chính sách, giải pháp cụ thể, đúng hướng hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp được xác định là có ưu thế riêng của địa phương sẽ hỗ trợ tối đa hoạt động của doanh nghiệp cũng là đòn bẩy rất tốt thúc đẩy kinh tế địa phương.

Lưu ý với các địa phương trong điều hành nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tiếp tục quan tâm mạnh mẽ và có giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề lao động và việc làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Song song với đó là cải cách thể chế, xây dựng các chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin, cải thiện hạ tầng...

Phát biểu tại lễ công bố PCI 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Chỉ số PCI giúp Quảng Ninh thấy rõ những lĩnh vực cần cải thiện; nhận diện những khoảng cách về chính sách và thực thi chính sách cần lấp đầy, những khó khăn, vướng mắc và cả những trăn trở mà doanh nghiệp cần tháo gỡ, những kỳ vọng và mục tiêu cần hướng tới. Do vậy, tỉnh luôn xác định việc nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục. Thực tế trong thời gian qua chúng ta đã được chứng kiến hàng loạt những chính sách hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả với ngân sách đáng kể mà Chính phủ và các bộ, ngành, trung ương đã dành cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Dưới góc độ địa phương, Quảng Ninh cam kết luôn là người bạn đồng hành, thủy chung của cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe, chia sẻ bằng những giải pháp, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 sớm khắc phục hậu quả, vượt qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, bứt phá vươn lên mạnh mẽ. Qua đó, cùng với Quảng Ninh thực hiện được mục tiêu kép đó là: Vừa phòng chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, trong chính sách điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, Quảng Ninh quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhằm tạo đà bứt phá vươn lên mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, tạo làn sóng mới từ các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp trong cả nước và nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, quyết định đầu tư. Tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược trong phát triển KT-XH với những thành tựu mới, tạo động lực cho tăng trưởng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Đồng thời, tiếp tục khuyến khích sự liên kết, hợp tác và chia sẻ cơ hội giữa các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn lớn với các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mong muốn tạo được sự liên kết và chuyển giao công nghệ tiên tiến giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Kết quả PCI 2019 thật sự là một niềm vui, sự cổ vũ lớn lao đối với cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, tiếp tục ghi một dấu ấn thành công, điểm nhấn trong sự phát triển của Quảng Ninh, khẳng định tư duy đổi mới, bứt phá không ngừng nghỉ xuyên suốt. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng sẽ khởi động đường đua mới PCI 2020 với những xung lực mới, khẳng định thương hiệu PCI Quảng Ninh bằng khát vọng đổi mới và vươn cao.

Hồng Nhung

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu