20
18
/
993658
1000 tỷ đồng phòng chống đại dịch Covid-19: Quảng Ninh không để ai bị bỏ lại phía sau
longform
1000 tỷ đồng phòng chống đại dịch Covid-19: Quảng Ninh không để ai bị bỏ lại phía sau

 

Ngày 31/3, kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Ninh biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết dành 1000 tỷ đồng để đầu tư các trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm bệnh Covid-19; công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bị mất việc do đại dịch Covid-19… với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Như vậy cùng với các cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, cùng với TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh là địa phương thứ hai trong cả nước chính thức có cơ chế hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

 

Cùng cả nước bước vào giai đoạn cam go của cuộc chiến chống giặc Covid-19, thời điểm quyết định thắng lợi nhanh hay chậm của cuộc chiến, Quảng Ninh những ngày qua sục sôi tinh thần quyết thắng trong cuộc chiến không tiếng súng này. Không chần chừ chờ chỉ đạo của Trung ương, nhận diện tình hình, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, Quảng Ninh đã chủ động quyết định: tạm dừng tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở, kể cả đại hội điểm; dừng vận chuyển người bằng xe cơ giới, phương tiện công cộng trên địa bàn và ra/vào tỉnh; đóng cửa các cửa hàng buôn bán những mặt hàng không phải là nhu yếu phẩm thiết yếu; dừng hoạt động giao dịch hành chính trực tiếp tại tất cả các trung tâm hành chính công; thành lập các tổ tự quản tại thôn, bản, khu phố; thực hiện kiểm soát chặt chẽ người dân hoạt động sau 22h hàng ngày, siết chặt vòng kiểm soát đối với các phương tiện, người ra/vào tỉnh… Nhịp sống chậm lại ở vùng Mỏ trong giai đoạn cam go chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày” nhưng nhịp sản xuất để đảm bảo kinh tế phát triển tiếp tục được thực hiện trong sự kiểm soát an toàn nhất. Mọi hoạt động sản xuất được đưa vào phương án chống dịch trong thời kỳ cao điểm, tất cả các phân xưởng, công trường, nhà máy sản xuất đều thực hiện gắt gao quy trình kiểm soát y tế đối với người, phương tiện ra/vào, nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho sản xuất được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, thông suốt.

Người vùng Mỏ vào giai đoạn mới của cuộc chiến với sự bình tâm nhất, chuẩn bị kỹ càng nhất sẵn sàng dự liệu các tình huống xấu nhất để có phương xử trí an toàn nhất. “3 trước, 4 tại chỗ” tiếp tục là phương châm hành động của tỉnh Quảng Ninh trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu này. Đó là thành phố mỏ Hạ Long, Cẩm Phả những đêm thực sự sống chậm sau 22h hàng ngày, nụ cười nhẹ của người thợ mỏ giấu sau chiếc khẩu trang giờ tan khi thấy phố thợ bình yên trong sương sớm. Tiếng gọi cá về bến của ngư dân biển Vân cũng nhẹ hơn trên sóng nước Bái Tử Long. Trên tuyến đường biên giới Móng Cái, Bình Liêu lửa vẫn thắp sáng trong những chốt canh phòng tuyến đầu để đất nước không bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Trong cuộc chiến với dịch bệnh, Quảng Ninh quyết không để ai bị bỏ lại phía sau, ngay từ những ngày đầu chống dịch, tỉnh đã chủ động đầu tư trang sắm các trang thiết bị y tế hiện đại để thực hiện tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong đó, CDC Quảng Ninh là một trong những Trung tâm xét nghiệm bệnh tật đầu tiên trong cả nước thực hiện được xét nghiệm Covid-19 và được Bộ Y tế công nhận. Cùng với số lượng máy thở hiện có của các bệnh viện, mua sắm mới, tỉnh đã huy động được số lượng lớn máy thở của ngành Than để phục vụ cho công tác phòng chống dịch và đén thời điểm hiện nay Quảng Ninh là một trong những tỉnh có số lượng máy thở nhiều nhất cả nước (sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), có 13 phòng áp lực âm được lắp đặt đủ để điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân nặng trong cùng lúc. 2 bệnh viện cách ly đặc biệt với hệ thống trang thiết bị hiệu đại, công suất 1.000 giường bệnh ngay lập tức được thành lập từ giai đoạn đầu chống dịch đã tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng của người dân vào sự quyết liệt phòng chống dịch bệnh. Mạnh tay đầu tư cho y tế để trong cuộc chiến mọi người dân đều được khám, chữa bệnh với điều kiện tốt nhất. Điều đặc biệt nữa là Quảng Ninh đã thực hiện đầu tiên việc khám sức khỏe toàn dân với 97% người dân trên toàn tỉnh đã được khám sàng lọc sức khỏe, có hồ sơ y tế theo dõi, những người trên 60 tuổi có bệnh nền được thăm khám, tư vấn sức khỏe tại nhà. 

Sẵn sàng với tâm thế Quảng Ninh vì cả nước, trong thời gian qua tỉnh đã đón 12.620 công dân Việt Nam về nước qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; đón 27 chuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với 4.092 người, trong đó có 3.530 công dân Việt Nam, 562 người nước ngoài; thực hiện cách ly 650 trường hợp tại cơ sở y tế, 3.400 trường hợp tại cơ sở cách ly tập trung; giám sát, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho trên 3.000 trường hợp, trong đó có 7 trường hợp dương tính, hoàn toàn là những trường hợp người nước ngoài và lưu học sinh từ Châu Âu nhập cảnh vào địa bàn.

Tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, cùng với việc quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, toàn tỉnh vẫn nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội. Kết thúc quý I/2020 mặc dù lĩnh vực du lịch, dịch vụ - một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh, chiếm tỷ trọng tới 45,9% trong cơ cấu kinh tế năm 2019 bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, song tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I ước tăng 7,2%, thuộc mức cao trong cả nước. Thu NSNN trên địa bàn ước đạt 13.067 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 9.801 tỷ đồng, bằng 26% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 3.255 tỷ đồng, bằng 29% dự toán. Quảng Ninh cũng tổ chức thành công 100% đại hội chi bộ, 21% đại hội chi, đảng bộ cơ sở; hoàn thành mục tiêu 100% bí thư đồng thời là trưởng thôn theo quy trình “dân tin, đảng cử”.

Bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, việc nhận diện, ngăn chặn nguồn lây lan bệnh sẽ khó khăn hơn rất nhiều nhưng không vì thế mà chúng ta nao núng, hay lo sợ bởi cuộc chiến càng cam go, quyết liệt thì truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của người vùng Mỏ càng được phát huy hơn. “Chống giặc Covid-19” – cuộc chiến không của riêng ai, mỗi người dân vùng Mỏ tiếp tục là một chiến sỹ, chúng ta kề vai, sát cánh cùng nhau để chiến thắng đến sớm nhất. Hơn lúc nào hết ở giai đoạn này, vào năm 2020 này chúng ta càng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đồng tâm của người vùng Mỏ, san sẻ với nhau gánh nặng do dịch bệnh. Trân trọng tấm lòng các nhà hảo tâm, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhân dân đã ủng hộ cho tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh, HĐND tỉnh quyết định dành 1.000 tỷ đồng để trang sắm các trang thiết bị y tế tốt nhất phục vụ cho công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm bệnh Covid-19; công tác phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ cho những người lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% phải nghỉ việc, không có thu nhập do dịch bệnh Covid-19 trong thời gian 3 tháng”.

 

Nghị quyết 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 của HĐND tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh quy định trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6/2020) người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19; viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Tổng kinh phí 1000 tỷ đồng để trang sắm trang trang thiết bị y tế tốt nhất phục vụ cho công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm bệnh Covid-19; công tác phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người lao động trong các hộ cận nghèo, hộ nghèo, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, mất việc do dịch bệnh Covid-19 được trích từ chi ngân sách dự phòng các cấp, từ giảm kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, mua sắm tài sản, hội nghị, hội thảo… của tỉnh.

Nhận thông tin này trong niềm vui khôn tả, chị Nguyễn Thị Hương, hộ cận nghèo ở phường Hồng Hà (TP Hạ Long) xúc động nói: Tôi bán rau ở chợ, thu nhập không ổn định, lại nuôi 2 con nhỏ, chồng mất sớm, cuộc sống vốn đã rất khó khăn rồi, những ngày gần đây càng khó hơn vì bán hàng ở chợ rất ít khách. Dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của đời sống, người bán rau như tôi cũng còn bị thất nghiệp. Tôi đang rất lo trong những ngày tới chưa biết thế nào thì được bác tổ trưởng thông báo sẽ được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, phấn khởi vô cùng, sự hỗ trợ này rất quý trọng với những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi trong thời điểm dịch dã hiện nay. Có lẽ không chỉ chị Nguyễn Thị Hương mà tất cả những hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Quảng Ninh đều đang rất xúc động khi được quan tâm, sẻ chia, được trợ lực cả về vật chất và tinh thần để vững niềm tin “chống giặc”, thắng giặc.

Chống đại dịch toàn cầu –cuộc chiến không của riêng ai, cả đất nước đang làm tất cả để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này. Những tấm lòng sẻ chia cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang được nhân lên thành vạn, thành triệu tấm lòng. Ông Đào Duy Hảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Cẩm Phả cho biết: Chung tay cùng với tỉnh phòng chống dịch bệnh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế, trong suốt thời gian qua các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cẩm Phả đã rất cố gắng, nỗ lực để đảm bảo việc làm ổn định, thu nhập cho người lao động, góp phần giữ ổn định trật tự, an sinh xã hội. Tiếp tục hành động quyết liệt hơn nữa, Hiệp hội đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp 600 triệu đồng hỗ trợ cùng tỉnh thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi kêu gọi anh em doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiệp hội, trên địa bàn hưởng ứng tích cực hơn nữa, trách nhiệm với cộng đồng với xã hội hơn nữa để cùng chiến thắng trong cuộc chiến này. Các doanh nghiệp của thành phố cũng đã xác định quyết tâm dù có khó khăn đến mấy, có phải sử dụng đến tài sản gia đình, cá nhân để giữ ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động thì cũng sẵn sàng. Tất cả chúng ta quyết tâm, đồng lòng, đoàn kết chắc chắn sẽ vừa chiến thắng dịch bệnh sớm vừa không bị vỡ trận sau cuộc chiến.

Người Quảng Ninh hào sảng, nhận định này có thể chưa thật đủ đầy về cốt cách của người vùng Mỏ nhưng có lẽ đó cũng đúng với một phần của tính cách người vùng Than, vùng đất hội tụ những giá trị riêng có của giai cấp công nhân vùng đồng bằng sông Hồng. Những ngày qua dù rất lo về diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh nhưng không vì thế mà hàng vạn thợ mỏ Quảng Ninh bỏ ca xuống lò, người công nhân vì sợ dịch mà không đến phân xưởng sản xuất, họ vẫn ngày ngày đi trong lò nghe tiếng khoan reo, tiếng gió lùa tiếp tục thi đua lao động sản xuất làm ra thật nhiều than để bù đắp cho sự sụt giảm của các ngành kinh tế khác. Họ vẫn giữ trụ cột là những lao động sản xuất chính, góp phần giữ an yên cho xã hội bằng nhịp sống của vùng Than. Cuộc chiến càng vào giai đoạn cam go thì tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” của người Quảng Ninh càng tỏa sáng, âm vang của chiến thắng Bạch Đằng năm xưa, của chiến thắng trận đầu 5/8, của giá trị tinh thần bất diệt tụ hội nơi đỉnh thiêng Yên Tử tiếp tục bồi đắp sức mạnh để Quảng Ninh cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh sớm nhất.

Ngọc Lan

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu