20
18
/
1020478
Xóa vùng "trắng" điện lưới quốc gia - Bài 3: Để Quảng Ninh phát triển vững bền
longform
Xóa vùng "trắng" điện lưới quốc gia - Bài 3: Để Quảng Ninh phát triển vững bền

 

Việc phủ lưới điện đến 100% hộ dân ở vùng hải đảo, biên giới, thôn, khe bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn toàn tỉnh đã mang đến những đổi thay rõ rệt. Bộ mặt nông thôn của các xã đảo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc. Đời sống của nhân dân đã được cải thiện và nâng lên đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Những trung tâm kinh tế, văn hóa ở các cụm dân cư miền núi, hải đảo dần hình thành, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa và phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc và thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương trong tỉnh.

Sự kiện đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô vào năm 2013 không chỉ biến ước mơ ngàn đời của người dân nơi đây thành hiện thực, mà còn giúp Cô Tô có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một huyện đảo nghèo, Cô Tô nay đã vươn mình trở thành huyện đảo du lịch nổi tiếng của cả nước. Có điện không chỉ mở ra các ngành nghề mới mà còn là cú hích quan trọng để thúc đẩy Cô Tô nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Từ chỗ chỉ có một vài cơ sở lưu trú, thì nay Cô Tô đã có hàng chục khách sạn và chuỗi dịch vụ phục vụ du lịch sôi động, các công trình kiến trúc cao tầng kiên cố mọc lên san sát; cùng với đó hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại. Lượng khách đến với đảo Cô Tô những năm trở lại đây tăng rất nhanh. Nếu năm 2013 chỉ có khoảng 35.000 lượt khách đến Cô Tô, thì năm 2015 con số này là 150.000 và đến năm 2019 là hơn 240.000 lượt khách. Cô Tô giờ đây đông vui, nhộn nhịp suốt ngày đêm…

Du lịch phát triển đã giúp bà con trên đảo thoát nghèo nhanh chóng. Nếu như năm 2016, Cô Tô có 3,19% hộ nghèo, thì đến hết năm 2019 Cô Tô trở thành huyện đầu tiên và duy nhất của Quảng Ninh không còn hộ nghèo. Bà Mai Thị Dung (khu 1, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô), nhớ lại: Lần đầu tiên thấy ánh sáng điện lưới quốc gia, bà con trên đảo ai cũng vui mừng khôn xiết. Ngày đó cũng là dấu mốc bắt đầu cho những đổi thay thấy rõ trên vùng đất này. Giờ đây Cô Tô không còn hộ nghèo, hộ nào cũng có kinh tế khấm khá. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch đã hình thành, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Điện về không chỉ xóa nghèo và đánh thức các xã đảo Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Cái Chiên... mà còn mang đến sức sống mới cho những xã, thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào các dân tộc, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo tại các xã ĐBKK, từ 61,99% cuối năm 2015 xuống còn 13,38% vào năm 2019. Đồn Đạc và Đồng Văn từng là hai trong những xã nghèo nhất của huyện Ba Chẽ và huyện Bình Liêu. Thời điểm trước năm 2012, người dân sinh sống ở các thôn, bản của 2 xã này đều không có điện phục vụ sinh hoạt, khó khăn bộn bề, hầu hết đều là hộ nghèo. Thế nhưng nhờ có điện, cuộc sống của người dân Đồn Đạc và Đồng Văn đã đổi thay từng ngày, giờ đây Đồn Đạc, Đồng Văn không chỉ thoát “mác” nghèo nhất huyện, mà còn ra khỏi diện ĐBKK ở cả 2 cấp xã và thôn, về đích trước kế hoạch do tỉnh, huyện đề ra. Đặc biệt, Đồn Đạc còn là xã có số hộ tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo nhiều nhất huyện Ba Chẽ (44/104 hộ).

Từ ngày có điện, đường sá cũng được đầu tư thuận lợi hơn, kinh tế của các hộ gia đình cũng trên đà phát triển từng ngày. Sau 8 năm có điện, kinh tế của gia đình anh Chìu A Sám ở thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn, đã đi lên trông thấy. Nhà cửa được cơi nới bề thế, xưởng thi công sắt, nhôm kính với 5 thợ lúc nào cũng bận rộn vì nhiều đơn hàng. 6 năm chăm chỉ làm việc và dành dụm, anh mạnh dạn sắm nhiều máy móc hiện đại với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để phục vụ cho xưởng sản xuất. Năm vừa qua, vợ chồng quyết định mua ô tô tải trị giá hơn 400 triệu đồng để thuận tiện cho việc chở hàng đến các công trình. Từ khi có xe anh Sám cũng mạnh dạn nhận những công trình xa hơn, có giá trị hợp đồng lớn hơn. Theo dự tính, nếu tiếp tục có những đơn hàng như hiện nay, anh Sám sẽ mở rộng xưởng sản xuất, thuê thêm thợ và sắm thêm nhiều máy móc phục vụ quá trình thi công.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Mạ Dì Sơn phấn khởi: Ánh sáng điện đi tới đâu thì đói nghèo, lạc hậu bị đẩy lùi xa đến đó. Nhờ có điện, mọi gia đình các thôn, bản của xã đều sáng, ấm khi đêm về; người dân bớt lao động nặng nhọc và năng suất lao động tăng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, từ 69,38% (năm 2016) xuống còn 4,93% (năm 2019). Đồng Văn đã chuyển mình và hoàn toàn thay đổi. Thu nhập của người dân tăng đáng kể, từ 12,8 triệu đồng/người/năm (năm 2015) tăng lên gần 40 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Xã đã ra khỏi diện ĐBKK và đang phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2020 này.

Phát biểu tại lễ đóng điện lưới ra đảo Trần ngày 2/9/2020, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Năm 2013, Quảng Ninh đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô, tiếp đó là 5 xã đảo của huyện Vân Đồn, đảo Cái Chiên của huyện Hải Hà và đảo Trần - đảo xa bờ có dân cư ở. Đây cũng là đảo cuối cùng mà tỉnh hoàn thành đưa điện lưới đến các xã đảo và hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, đồng thời hoàn thành mục tiêu 100% người dân của Quảng Ninh được sử dụng điện lưới quốc gia. Điều này có ý nghĩa rất lớn để đảm bảo phát triển KT-XH nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, đặc biệt là củng cố thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân. Quan trọng hơn là còn góp phần xóa chênh lệch vùng miền và từng bước thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương trong tỉnh.

Nhìn vào thực tế có thể thấy việc hoàn thành dự án đưa điện đến các xã đảo, xây dựng lưới điện nông thôn đã tạo nên sự “thay da đổi thịt” của biết bao xã, thôn, bản, hộ dân ở các địa bàn còn khó khăn của tỉnh. Giờ đây, khi đến những thôn, bản xa xôi hay hải đảo trên địa bàn tỉnh, rất dễ nhận thấy bức tranh hiện đại hoá vùng nông thôn mới đã rõ nét hơn bao giờ hết.

Một Cô Tô từ khi có điện đã bừng sáng, trở thành huyện đảo nông thôn mới đầu tiên trong cả nước với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 USD/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2015-2020) đạt 15,65%, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh (10,7%). Chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên rõ rệt. Nếu như trước đây, sự nghiệp giáo dục ở Cô Tô vô cùng khó khăn do thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, tình trạng học sinh bỏ học để đi biển diễn ra phổ biến, thì đến nay hệ thống trường, lớp đã khang trang với 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đạt từ 90-100%. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, với tỷ lệ 18 bác sĩ/1 vạn dân. An ninh quốc phòng được giữ vững.

Hay một Bình Liêu nay đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch. Kinh tế có bước tăng trưởng đáng kể. Tính riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 13,5%; thu nhập bình quân đạt trên 31,4 triệu đồng/người, tăng bình quân 9,23%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 2.452 hộ (năm 2016), xuống còn 388 hộ (năm 2019). Rồi Ba Chẽ từ một huyện có điều kiện KT-XH khó khăn nay đã vươn lên hoàn thành Chương trình 135, đưa 6/6 xã, 49/49 thôn ra khỏi diện ĐBKK, về đích trước một năm so với lộ trình đề án tỉnh đặt ra; 5/7 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 37,5 triệu đồng/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,69% (năm 2015) xuống còn 2,13% (năm 2019)...

Cụ thể hơn, hiệu quả của việc đưa điện lưới về các xã đảo, vùng nông thôn là giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, quy mô, tập quán canh tác, chăn nuôi, tăng năng suất trồng trọt và chế biến nông lâm sản, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với xu thế phát triển của địa phương. Điện cũng giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng công cụ máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và phát triển ngành nghề mới; giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, trường, trạm y tế.

Không chỉ đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển kinh tế, điện về vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn giúp nhân dân, đồng bào dân tộc được tiếp cận và thụ hưởng nhiều hơn các chính sách về giáo dục, y tế. Học sinh được đến trường, học chữ, học nghề, được tạo công ăn việc làm. Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Cùng với đó, đời sống tinh thần của nhân dân, đồng bào các dân tộc được nâng cao. Các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình, đã cải thiện đời sống văn hóa, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương.

Đến nay, 100% dân số đã được nghe sóng phát thanh, xem truyền hình. Ánh sáng thông tin đã giúp người dân nắm bắt kịp thời mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, từ ngày đưa “nguồn sáng” đến tận các thôn, bản hải đảo, vùng sâu, vùng xa, những vùng lõm thông tin liên lạc cũng được xóa bỏ để đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, nhất là kết nối liên lạc qua điện thoại của người dân. Đến nay, hầu hết người dân đều sử dụng điện thoại di động, được tiếp cận với công nghệ 4.0.

Với những kết quả đạt được, việc đưa điện lưới đến các xã đảo, vùng sâu, vùng xa đã từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong tỉnh; kéo gần khoảng cách hưởng thụ giữa khu vực đồng bằng với nông thôn, miền núi, hải đảo; góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Đó cũng là nền tảng vững bền, đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới!

Bài: Thu Chung - Phạm Tăng - Minh Đức

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu