Không chỉ kéo điện ra những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, 10 năm qua Quảng Ninh và ngành Điện còn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nỗ lực đưa điện đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới. Hành trình bền bỉ kéo điện lên non giúp Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh đầu tiên đạt 100% số hộ dân có điện, về đích trước 2 năm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Con đường bê tông lên thôn Nà Làng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) dài hơn 18 cây số đang được mở rộng, dễ đi hơn trước rất nhiều. Những hàng cột điện chạy dọc hai bên đường tới trung tâm thôn Nà Làng đã thi công cách đây gần 8 năm, đứng vững chãi xen giữa đồi keo bạt ngàn. Tháng 11/2012, Nà Làng là một trong 4 thôn cuối cùng (cùng với Nam Kim Ngọn, Nước Đừng, Khe Vang, xã Đồn Đạc) thực hiện dự án xây dựng lưới điện nông thôn tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2).
Cả 4 thôn đều nằm cách xa trung tâm xã từ 15-30km, vì vậy để đưa điện đến tận các hộ dân là chuyện không dễ dàng. Nhớ lại quãng thời gian đưa lưới điện về các thôn, anh Nịnh Văn Tiến, Trưởng Phòng Kế hoạch, kỹ thuật, an toàn Điện lực Ba Chẽ (Công ty Điện lực Quảng Ninh), cho biết: Nhóm công nhân do anh chỉ huy suốt 2 tháng trời ròng rã trèo đèo, băng rừng, vượt suối, đi bộ vài cây số để đưa điện lưới tiếp cận các điểm dân cư nằm ở nơi hẻo lánh. Khi đó, cả 4 thôn đều chưa có sóng điện thoại, nên việc liên lạc thông tin mất rất nhiều thời gian. Các tuyến đường liên thôn chủ yếu đường cấp phối, vận chuyển thiết bị máy móc hầu như bằng thủ công. Bù lại, bà con rất nhiệt tình, tạo mọi điều kiện hỗ trợ giải phóng mặt bằng, góp công sức tham gia đẩy nhanh tiến độ thi công. Thời điểm kéo điện về các thôn cận Tết Nguyên đán, bà con ai cũng mong ngóng điện về trước Tết.
Đội ngũ thi công dự án đã họp bàn phương án triển khai gấp rút các hạng mục. Trong đó, huy động toàn bộ cán bộ, công nhân ngành Điện phối hợp với lực lượng thanh niên, người dân xã đóng góp ngày công lao động, phát quang cây rừng, mở rộng hành lang an toàn lưới điện, đào hố chôn cột, vận chuyển vật liệu, thiết bị điện, xây dựng, dựng trụ điện... Trên công trường, mọi người khẩn trương hơn bao giờ hết. Chỉ sau hơn 2 tháng thi công, đơn vị đã lắp đặt xong hơn 18km đường dây trung thế, 7km đường dây hạ thế và 4 trạm biến áp. Sau khi kéo đường dây đến các tuyến chính, công nhân chia từng nhóm đến tận nhà hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống dây điện, bảng điện, hướng dẫn sử dụng các thiết bị.
“Sau hơn 60 ngày đêm gấp rút thi công, đúng 29 Tết, hơn 600 hộ dân 4 thôn đã được đóng điện. Chúng tôi xác lập kỷ lục trong thời gian ngắn, điều kiện thi công khó khăn, nhưng đã hoàn thành khối lượng công việc ngoài sức tưởng tượng. Sự kiện kéo điện đến 4 thôn trên đánh dấu giúp ngành điện Ba Chẽ hoàn thành mục tiêu đưa điện tới 100% trung tâm thôn, bản” - anh Tiến xúc động nhớ lại.
Thống kê trong giai đoạn 2010-2019, Quảng Ninh ưu tiên huy động trên 3.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn được đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống lưới điện. Trong đó, dấu ấn đặc biệt phải kể đến giai đoạn 2011-2013 triển khai Dự án xây dựng lưới điện nông thôn tỉnh với tổng mức đầu tư 372 tỷ đồng (vốn tỉnh hơn 150 tỷ đồng). Dự án được triển khai tại 182 thôn, khe, bản vùng sâu, vùng xa của 12 huyện, thị xã, thành phố (trừ TP Hạ Long và huyện Cô Tô). Đây là một trong những dự án có quy mô lớn với 179 trạm biến áp, kéo hơn 267km đường dây trung thế, hơn 429km đường dây hạ thế.
Cuối năm 2013, Dự án xây dựng lưới điện nông thôn tỉnh hoàn thành cấp điện đến 9.402 hộ dân. Dự án hoàn thành có ý nghĩa chính trị rất lớn, bởi đa số các hộ dân thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc hoàn thành dự án giúp Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành đưa hệ thống lưới điện quốc gia đến 100% các thôn, bản.
Đặc thù địa hình của Quảng Ninh chủ yếu đồi núi, vùng sâu, vùng xa, dân cư phân bố rải rác, việc kéo điện đến những khu vực này gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với mục tiêu, quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2014-2019 tỉnh tiếp tục triển khai các dự án chống quá tải điện, nâng cấp các trạm biến áp, phủ sóng điện lưới đến từng hộ gia đình.
Tiêu biểu gần đây nhất, tháng 10/2018, tỉnh đã đầu tư hơn 54,1 tỷ đồng Dự án cấp điện cho các cụm/điểm dân cư dưới 20 hộ trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng lưới điện. Đây là dự án cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia và điện từ năng lượng mặt trời, được triển khai tại 8 địa phương Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Hoành Bồ (thời điểm trước sáp nhập với TP Hạ Long), Cô Tô, Đông Triều, cho 486 hộ. Chỉ sau hơn 3 tháng triển khai lắp đặt, đến tháng 1/2019 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần giúp Quảng Ninh đạt mục tiêu 100% hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia hoặc sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời.
Tết Nguyên đán 2013 là cái Tết đặc biệt, ấm cúng, vui mừng, phấn khởi nhất đối với những hộ dân thôn Nà Làng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ). Sau bao nhiêu năm mong chờ, đúng 29 Tết, điện đã được thắp sáng đến từng nóc nhà trong thôn.
Nhớ lại giây phút đó, bà Đặng Thị Xuân (40 tuổi, thôn Nà Làng) đến nay vẫn còn bồi hồi, xúc động: “3 ngày trước khi đóng điện, bà con trong thôn vui mừng rủ nhau xuống phố mua sắm ti vi, quạt, tủ lạnh… đón Tết. Thời khắc bóng điện trong nhà mình bừng sáng, đám trẻ con đứa nào cũng vui, phấn khởi, háo hức vì sắp được xem ti vi. Xuân năm đó, các hộ dân trong thôn đón Tết quây quần bên chiếc ti vi, chung vui với cả nước đón giao thừa, xem pháo hoa qua kênh truyền hình. Với tôi đây là một niềm vui lớn, sự kiện đáng nhớ nhất trong đời. Từ ngày có điện, cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi rất nhiều, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo thành công”.
Là một trong những thôn xa xôi và khó khăn nhất của huyện Bình Liêu, gần chục năm trước đây, cuộc sống của các hộ dân thôn Sông Moóc B (xã Đồng Văn) phải sống chung với cảnh “khát điện”. Những ngôi nhà nằm lưng chừng núi quanh năm bao trùm trong bóng tối. Hình ảnh bếp củi, đèn dầu là nguồn sáng của mỗi gia đình. Những hộ khá giả hơn thì mua máy phát điện đặt dưới khe suối tận dụng dòng chảy của nước suối để có điện sử dụng.
Từ năm 2012, điện lưới quốc gia đã về với thôn Sông Moóc B, hầu hết các hộ dân trong thôn đã được sử dụng điện. Riêng 12 hộ cuối cùng của thôn nằm ở địa bàn hẻo lánh, chia cắt, hiểm trở, đi lại khó khăn, đến tháng 1/2019 cũng đã được tỉnh hỗ trợ lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời (Dự án cấp điện cho các cụm/điểm dân cư dưới 20 hộ trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng lưới điện). Đến nay, 100% số hộ dân trong thôn đều có điện sinh hoạt. Ánh điện lan tỏa đến từng nóc nhà dân mang theo niềm vui mừng như vỡ òa.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Sông Moóc B Tằng Dản Phồng vui mừng chia sẻ: “Đến giờ, tôi cũng chưa tin nổi là điện đã về thôn, vào từng ngôi nhà ở thôn sớm đến vậy. Từ ngày điện phủ sóng khắp thôn, bà con được tiếp thêm động lực, chịu khó làm ăn dành dụm tiền sắm sang các thiết bị điện trong gia đình. Quả thực, có điện đời sống của bà con ngày càng khởi sắc, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, mở ra hy vọng mới. Việc học hành của con trẻ trong thôn thuận lợi hơn nhiều”.
Ông Nguyễn Sông Thao, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Thời gian qua, tỉnh và ngành Điện đã triển khai nhiều dự án chiến lược để kéo điện đến nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xã, biên giới. Sự hợp tác này đã mang hiệu quả lớn, thể hiện quyết sách đúng trong việc đưa điện lưới quốc gia về những vùng đặc biệt khó khăn. Thực tế có những nơi dự án kéo điện đến cả chục cây số chỉ phục vụ vài hộ dân, hóa đơn tiền điện mỗi hộ vài chục nghìn đồng/tháng, tuy nhiên không thể mang lợi nhuận kinh doanh ra so sánh. Bởi việc đầu tư kéo điện lưới quốc gia đến vùng khó có ý nghĩa rất quan trọng, giúp hàng nghìn hộ dân được thụ hưởng. Những nơi có điện đi qua đều tiếp thêm luồng sinh khí mới, cuộc sống của người dân vùng cao như bừng sáng lên. Có điện, cuộc sống người dân những vùng “trắng điện” giờ đã đổi thay, khởi sắc lên từng ngày”.
Bài 3: Để Quảng Ninh phát triển vững bền
Bài: Thu Chung - Phạm Tăng - Minh Đức
Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()