Quảng Ninh là một trong những địa phương của cả nước có rất nhiều tuyến đảo, nằm xa đất liền. Dù được tỉnh quan tâm đầu tư rất lớn để phát triển đời sống, kinh tế, nhưng đối với người dân từ nhiều đời trên đảo, có điện lưới quốc gia vẫn là giấc mơ, ước vọng lớn... Giờ đây giấc mơ này đã thành hiện thực nhờ vào quyết tâm, nỗ lực và sự đồng lòng của cả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trở lại đảo Trần (huyện Cô Tô) vào những ngày đầu tháng 9/2020, chúng tôi cảm nhận được không khí vui vẻ, phấn khởi và âm thanh náo nhiệt phát ra từ những chiếc tivi, hay dàn loa đài rộn ràng như “tết sớm” nơi đảo tiền tiêu. Không còn những tháng ngày chờ đến giờ để chạy máy nổ, cũng như không còn những ngày phải hao tổn kinh tế vì sử dụng máy phát nữa. Giờ đây, tất cả các hộ dân, cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo đã được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia.
Được triển khai từ tháng 4/2020, Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng đã được hoàn thành, chính thức đóng điện ra đảo tiền tiêu vào ngày 2/9/2020. Có điện lưới, những niềm vui, niềm cảm xúc như được vỡ òa. Trước đó, ngay khi nhận được thông tin sẽ có điện lưới vào ngày 2/9, nhiều hộ gia đình đã phấn khởi vào đất liền để sắm sửa thêm quạt, tivi, tủ lạnh cấp đông, loa đài…
Anh Phạm Văn Dinh (người dân thôn đảo Trần), chia sẻ: Trước đây khi chúng tôi mới ra đảo an cư, cuộc sống hoang sơ lắm, đặc biệt là chưa có nguồn điện, phải dùng điện máy phát chung, rồi được đầu tư điện năng lượng mặt trời, nhưng nguồn điện lại không ổn định, khiến cho các thiết bị điện hay bị hỏng hóc. Muốn có điện chúng tôi phải đầu tư mua máy nổ để sử dụng, nhưng tốn kém. Bình quân mỗi tháng cũng mất từ 6-8 triệu đồng nguyên liệu chạy máy. Giờ đây, chúng tôi đã được sử dụng điện lưới với nguồn điện ổn định, việc sử dụng các thiết bị điện cũng dễ dàng hơn và thỏa được lòng mong muốn bấy lâu của người dân trên đảo. Thực sự, chúng tôi thấy rất vui và phấn khởi. Có điện lưới sẽ là động lực để người dân tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, làm ăn sinh sống ổn định và bám biển, bám đảo.
Cô giáo Ngần Thị Minh (Trường Trung học liên cấp đảo Trần), cũng vui mừng tâm sự: Điện lưới ra đảo đã giúp cho việc học hành của các em nhỏ được nâng cao hơn. Đặc biệt là việc xây dựng giáo án và truyền đạt kiến thức qua các bài giảng điện tử sinh động, hấp dẫn sẽ giúp cho việc học tập của các em hiệu quả hơn. Tôi thật sự mong muốn trong một tương lai rất gần, các em được tiếp cận công nghệ thông tin, bài giảng sinh động giống như các "lớp học thông minh” trong đất liền.
Việc đưa điện lưới quốc gia đồng bộ ra đảo Trần có ý nghĩa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thực hiện nhiệm vụ quan trọng của quốc gia đó là đảm bảo an ninh quốc phòng nơi tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đồng chí Ngô Huy Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Trần, cho biết: Đảo Trần là hòn đảo nhỏ, nhưng chiếm giữ vị trí đặc biệt trên vùng biển Đông Bắc, việc thực hiện đưa người dân ra đảo Trần và đầu tư đưa điện lưới quốc gia ra đảo là chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc trong thời đại 4.0 hiện nay. Có điện lưới sẽ giúp cho việc thông tin, liên lạc với đất liền được ổn định hơn, khoảng cách giữa tuyến canh gác, phòng thủ biển đảo và đất liền được rút ngắn, nhằm tạo sự an toàn, vững chắc trong công tác giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.
Quảng Ninh có 1 huyện đảo Cô Tô và 8 xã đảo thuộc các huyện Vân Đồn, Hải Hà và TP Móng Cái. Trước năm 2010, chỉ có 2 xã đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (TP Móng Cái) có điện lưới quốc gia. Đặc biệt, huyện đảo Cô Tô - một trong những huyện đảo lớn nhất của cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển, nhưng vẫn chưa có lưới điện quốc gia. Để có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, người dân chủ yếu sử dụng các biện pháp thủ công, hoặc nguồn điện diesel. Do giá điện diesel rất cao và nhiều khó khăn khác, nên khả năng cấp điện từ nguồn này rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu điện sinh hoạt, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho huyện đảo.
Nhận thức rõ những hạn chế này, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đưa điện ra các xã đảo và xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong 3 đột phá trong thực hiện Nghị quyết của Đảng. Tháng 11/2012, dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô đã chính thức được khởi công. Bao gồm tuyến đường dây trên không 110kV, trạm biến áp từ TP Cẩm Phả đến xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn và toàn bộ hệ thống lưới điện phân phối trên huyện đảo Cô Tô, do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư 265 tỷ đồng; tuyến đường dây từ Vân Đồn ra Cô Tô dài 58,5km, trong đó có 25km cáp ngầm 22kV xuyên biển, với kinh phí 1.106 tỷ đồng, do tỉnh Quảng Ninh đầu tư.
Điện ra đảo xa, đó là cả một hành trình đầy gian nan, thử thách. Không chỉ là số tiền đầu tư vô cùng lớn, mà quan trọng hơn, để đưa được cáp ngầm ra đảo phải đi qua nhiều đoạn tuyến với địa hình, địa chất phức tạp, đòi hỏi phải có năng lực kỹ thuật giỏi, biện pháp thi công hiện đại.
Quá trình rải cáp ngầm từ đất liền (Vân Đồn) đến Cô Tô còn gặp rất nhiều bất lợi do phải thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi với 5 cơn bão đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ. Hơn nữa, hướng tuyến đi qua nhiều địa hình đồi núi hiểm trở, cheo leo, cách xa đất liền, nên công tác vận chuyển vật tư, vật liệu và bố trí thi công gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tuyến đường dây 110kV từ Trạm 110kV Vân Đồn 1 đến vị trí VT67.
Nhớ lại hành trình đưa điện lưới từ đất liền ra đảo Cô Tô, ông Phùng Ngọc Phong, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Địa hình thi công hiểm trở, núi đá dựng đứng sát mép nước, ven đảo thì đất bùn, khoảng cách các cụm đảo như từ Cái Rồng ra Cái Lim và từ Bản Sen ra Ba Mùn đến hơn 2km, phương tiện giao thông qua lại lớn đòi hỏi khoảng vượt phải cao… Đặc biệt việc thi công tuyến đường dây từ Vân Đồn ra Cô Tô là khó khăn nhất do phải xẻ rãnh dưới đáy biển để lắp cáp ngầm ở độ sâu khoảng 30m và phải dùng kinh khí cầu để lắp đặt dây trên không. Nhiều tổ thi công phải đổi 3-4 tốp thợ vì thợ bỏ việc do không chịu được thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, lại ở giữa biển nước mênh mông...
Nhưng rồi tất cả mọi khó khăn đã vượt qua, sau 350 ngày đêm khẩn trương thi công với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, sáng tạo” công trình đã hoàn thành và ánh sáng điện lưới quốc gia đã về chan hòa trên đảo Cô Tô - hòn đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Từ thành công trong việc đưa điện ra đảo Cô Tô, tháng 4/2014 Quảng Ninh tiếp tục vượt qua những “thử thách biển khơi” thực hiện Dự án đưa điện lưới ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn gồm: Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Ngọc Vừng và Thắng Lợi, với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công phải vận chuyển khối lượng khổng lồ hơn 1.500 cột hạ thế, gần 800 cột trung thế, vật tư, vật liệu qua cảng. Đặc biệt, riêng tuyến đường dây trung thế cấp điện cho 2 đảo Thắng Lợi và Ngọc Vừng phải dựng cột cao 98m, có khoảng cột vượt biển dài hơn 1.200m để đảm bảo cho tàu lớn qua lại là công việc thực hiện rất khó khăn. Sau đúng 255 ngày đêm với sự quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, công nhân, vượt mọi khó khăn về thời tiết và địa hình phức tạp đã thực hiện thi công dự án đúng tiến độ, đảm bảo cấp điện cho hơn 2.000 hộ dân và các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn các xã đảo.
Nối tiếp thành công của các dự án đưa điện lưới ra xã đảo, đáp ứng mong mỏi của người dân, cộng với những kinh nghiệm đã tích lũy được từ những dự án trước. Đầu năm 2016, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện thành công Dự án đưa điện lưới ra xã đảo Cái Chiên, thuộc giai đoạn 1 của dự án Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần (Cô Tô) và đảo Cái Chiên (Hải Hà), với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Ngay sau khi hoàn thành đóng điện ở Cái Chiên, tỉnh và ngành Điện đã bắt tay ngay vào việc hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thực hiện giai đoạn 2 của dự án là đưa điện ra đảo Trần (Cô Tô). Tháng 1/2020, dự án đưa điện lưới ra đảo Trần chính thức được khởi công. Sau hơn 200 ngày đêm khẩn trương thi công, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng dịp 2/9, gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, đầy đủ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ an ninh quốc phòng tại đảo.
Việc hoàn thành dự án đưa điện ra đảo Trần đã đánh dấu bước tiến mới của ngành điện và tỉnh trong việc đưa điện lưới ra các xã đảo. Đây cũng là dấu mốc quan trọng giúp Quảng Ninh hoàn thành tiêu chí cấp điện lưới đến 100% hộ dân trên các xã đảo và đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu cả nước trong việc hoàn thành tiêu chí đưa điện lưới ra các xã đảo trên địa bàn toàn tỉnh.
Bài 2: Hành trình bền bỉ kéo điện lên non
Bài: Thu Chung - Phạm Tăng - Minh Đức
Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()