Quảng Ninh - vùng đất địa đầu Tổ quốc, được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Lịch sử ngàn năm hình thành, phát triển đã để lại cho Quảng Ninh hệ thống di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể giàu có, quý giá. Đây là điều kiện để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di tích gắn với phát triển du lịch, làm trợ lực cho chiến lược đưa Quảng Ninh thành trọng điểm dịch vụ du lịch của cả nước.
613 di tích lịch sử văn hóa, 361 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 4 di tích đặc biệt cấp quốc gia, 54 di tích cấp quốc gia, 6 lễ hội nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, số còn lại là di tích được xếp hạng cấp tỉnh hoặc nằm trong danh mục kiểm kê di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh. Những con số trên cho thấy sự dày đặc, giàu có, quý giá của hệ thống di tích, di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Di tích, di sản của Quảng Ninh còn rất đa dạng, phong phú về loại hình, tính chất. Nhìn vào đó có thể thấy được những vĩ nhân, anh hùng lịch sử từng có mặt và tạo nên kỳ tích tại Quảng Ninh; thấy được nghệ thuật kiến trúc, diễn xướng, chiến lược quân sự, thương mại đỉnh cao trong lịch sử trên mảnh đất Quảng Ninh; thấy được truyền thống, khí chất và sự tài hoa của con người Quảng Ninh…
Dấu ấn của nhà Trần tại Quảng Ninh quá đậm đặc, trong cả những gì còn hiện diện cũng như những gì chỉ là huyền thoại, huyền tích xung quanh nó. Đó là lăng mộ của 8 vị vua nhà Trần cùng gia thất; là đất Phật Yên Tử mà vị vua nhà Trần - Trần Nhân Tông đắc đạo, hóa Phật, khai sáng cho Việt Nam dòng phật giáo nhập thế Trúc Lâm Yên Tử; là trận Bạch Đằng giúp vị tướng nhà Trần, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được cả thế giới vinh danh nhà quân sự tài ba…
Một thương cảng Vân Đồn không lẫn với bất cứ thương cảng nào bởi đó là thương cảng quốc tế đầu tiên của Đại Việt, thành lập vào thời Lý, ghi dấu sự hội nhập thương mại chính ngạch ở tầm quốc gia đầu tiên của Việt Nam cổ đại với bạn bè năm châu.
Những di tích cách mạng trải dài từ vùng Đệ tứ chiến khu Đông Triều đến dọc đường biên giới, các khu mỏ… ghi dấu ấn một thời kỳ đấu tranh cam go, quyết liệt, dũng cảm của quân dân Quảng Ninh để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Những công trình đền chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc, văn hóa lễ hội, tín ngưỡng người Việt qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn… vẫn được gìn giữ. Còn đó nghệ thuật diễn xướng hò biển, hát đúm nổi bật của người dân vùng cửa biển Hạ Long và lối hát giao duyên mộc mạc sọong cô, sóong cọ, hát then… của gái trai dân tộc thiểu số vùng sơn cước.
Hệ thống di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Ninh khiến mỗi người Quảng Ninh cảm thấy tự hào và có sự hấp dẫn, có sức hút lạ kỳ, thôi thúc bất cứ ai ít nhất một lần trong đời cũng muốn đặt chân đến vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, doanh nghiệp và nhân dân, hệ thống các di tích, di sản văn hóa Quảng Ninh được đầu tư phục dựng, bảo vệ, phát huy, giống như “ngọc trong đá” càng mài càng sáng, khiến sức hút của các di tích, di sản ngày càng lớn. Theo báo cáo của Sở Du lịch, hiện khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm (từ mồng 1 - 6/1 âm lịch), Quảng Ninh đón khoảng 70 - 100 vạn du khách, thì 70% trong đó là lượng du khách có mặt tại các di tích, di sản trên địa bàn. Điều này cho thấy di tích, di sản đã và đang là thành tố rất quan trọng của du lịch Quảng Ninh.
Yên Tử là một điển hình về thành công trong việc di tích được chung tay bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị, trở thành điểm du lịch trọng yếu của tỉnh. Tính trong khoảng 10 năm qua, gần 3.000 tỷ đồng đã được đổ về Yên Tử để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và các điểm di tích. Trung tâm Văn hóa Trúc lâm Yên Tử chính là công trình kết tinh tinh hoa sáng tạo, tình yêu đối với Yên Tử của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, doanh nghiệp đến với Yên Tử từ những ngày đầu tiên. Điều này khiến cho Yên Tử trong mắt du khách thêm linh thiêng, trân quý mà vẫn hiện đại, cho phép du khách được hưởng thụ những giá trị Yên Tử ở chiều sâu và chất lượng cao nhất. Cũng có lẽ bởi vậy mà Yên Tử đón trung bình 2 triệu lượt khách mỗi năm, ở cả 4 mùa trong năm thay vì một mùa lễ hội, chiếm đến 60% tổng lượng du khách thuộc loại hình du lịch tâm linh tại Quảng Ninh, trở thành điểm du lịch có tổng lượng du khách chỉ đứng thứ 2 sau Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Lượng du khách đến với đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) chỉ đứng sau Yên Tử. Khoản tiền công đức mà mỗi du khách dành cho Cửa Ông không chỉ đảm bảo đầu tư trở lại cho di tích, mà còn đóng góp vào ngân sách nhà nước đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Các di tích khác như Ba Vàng, Cái Bầu, Quan Lạn, Trà Cổ, Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng, Khu du tích nhà Trần tại Đông Triều… vào mỗi thời điểm khai hội đều đón lượng khách đông kỷ lục. Miếu Tiên Công với nét đặc sắc là lễ rước người, chùa Trà Cổ với hội thi ông voi, đình Quan Lạn với hội đua thuyền, di tích Bạch Đằng với lễ giỗ trận… đã không chỉ trở thành ngày hội của riêng những người con quê hương, mà còn là ngày vui của nhân dân trong nước và quốc tế.
Từ nét đẹp văn hóa của người vùng biển, vùng cao, vùng nông thôn Quảng Ninh, du lịch Quảng Ninh có cơ hội hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá tại Bình Liêu, trung tâm du lịch văn hóa lịch sử tại Quảng Yên, Vân Đồn. Các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa, di tích, di sản của Quảng Ninh như “Một ngày làm ngư dân trên biển”, “Khám phá Quan Lạn”, “Cốc cốc đảo Hà Nam”, “Hành trình theo dấu chân đức Phật tại Yên Tử”... rất được du khách yêu thích.
Với sự góp mặt của hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa, du lịch Quảng Ninh lớn mạnh thực sự. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch Quảng Ninh tăng trung bình 12 - 15% mỗi năm, tăng đến 30 - 50% so với thời điểm năm 2015.
Cụ thể năm 2016, Quảng Ninh đạt tổng lượng du khách 8,3 triệu lượt, trong đó du khách quốc tế 3,5 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch 13.000 tỷ đồng. Các năm sau đó là 2017, 2018, 2019, các thông số tổng lượng khách, số khách quốc tế, doanh thu đều tăng năm sau cao hơn năm trước ở mức 10 - 25%. Tiêu biểu năm 2019, tổng khách là 14 triệu lượt, tăng 14%, trong đó khách quốc tế 5,75 triệu lượt, tăng 15%, tổng doanh thu 29.500 tỷ đồng, tăng 25%, trong đó đóng góp vào ngân sách địa phương gần 3.570 tỷ đồng, tăng 30%, chiếm 11% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh.
Những năm gần đây, ngành chức năng tỉnh cũng tính thời gian lưu trú của du khách và lượng tiền 1 khách du lịch chi tiêu, qua đó cho thấy con số rất đáng mừng so với mức chung của toàn quốc. Ví dụ năm 2019 thời gian lưu trú trung bình của du khách là 2,7 ngày, tổng tiền 1 du khách chi tiêu là 2,5 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trung bình toàn quốc.
Theo tính toán của Sở VH&TT, số di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào điểm, tour, tuyến du lịch cố định của tỉnh mới chiếm chưa đến 20% tổng số di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể mà tỉnh có. Điều này cho thấy dư địa của di tích, di sản dành cho phát triển du lịch còn rất lớn. Đáng nói một số di tích, di sản có tính chất, giá trị to lớn, hiện còn giữ được những hiện vật, lễ hội, nghi thức tín ngưỡng gốc… song chưa được phát huy một cách đúng mức, chưa biến nó trở thành tài nguyên du lịch.
Với cụm Di tích quốc gia đặc biệt Thương cảng cổ Vân Đồn, hiện vẫn còn sự hiện diện của hệ thống các bến sông nối tiếp nhau với dày đặc các tầng hiện vật gốm sứ phát lộ ngay trên bề mặt; dấu vết các cống ngầm, kè đá, neo đậu đỗ nằm dưới mặt nước, có chỗ lấp ló khi triều xuống; các vị trí được cho là kho tàng, bến bãi bốc xếp hàng hóa, các nền móng công trình văn hóa, tín ngưỡng phục vụ người dân khu vực cảng đã từng được khai quật. Chỉ từng ấy, nếu được “mục sở thị” thì bất cứ người dân nào cũng có thể hình dung được cảnh buôn bán, trao đổi hàng hóa sầm uất một thời, thể hiện trình độ giao thương, hội nhập thương mại từ sớm, cũng thể hiện vị thế của người Việt với các nước trong khu vực, quốc tế. Với giới chuyên môn thì giá trị của di tích Thương cảng cổ Vân Đồn còn được nhìn nhận lớn hơn rất nhiều.
Thế nhưng lâu nay Thương cảng cổ Vân Đồn gần như bị lãng quên, nhiều năm không được đầu tư, tôn tạo hay phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến di tích này. Những giá trị của di tích này dường như vẫn chỉ nằm trong hồ sơ trích ngang lưu trữ trong kho chứ chưa thực sự được tận dụng và phát huy.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng cũng là một vốn quý của du lịch Quảng Ninh hiện chưa được phát huy đúng mức. Những năm qua, quá trình đầu tư nhỏ giọt khiến Di tích đặc biệt quốc gia này thay vì rất quy mô như kỳ vọng thì lại chưa có tính tổng thể, chưa có điểm nhấn và đặc biệt chưa phát triển đi kèm hệ thống dịch vụ phụ trợ. Chính bởi vậy mặc dù du khách đến với Bạch Đằng không nhỏ, song chủ yếu là lễ Phật, vãn cảnh. Doanh thu từ du lịch Bạch Đằng hiện chưa phát sinh, không chỉ không tạo được nguồn thu mà mọi hoạt động đầu tư ở đây vẫn trông chờ vào ngân sách nhà nước. Theo giới chuyên môn đây là một sự lãng phí, bởi bản thân di tích có giá trị lịch sử văn hóa rất lớn, là một phần tri thức lịch sử mà dường như mỗi người Việt đều biết, phần khác vị trí của Bạch Đằng hiện nay cũng rất thuận lợi, có thể đón được nhiều dòng khách.
Nhiều di tích, lễ hội khác của Quảng Ninh dù thu hút được đông đảo du khách, tuy nhiên do khâu phát huy giá trị chưa gắn với phát triển du lịch nên chưa thực sự tạo nên giá trị cao như mong muốn. Di tích, di sản và du lịch vẫn phát triển như 2 đường thẳng song song mà chưa kết nối chặt chẽ với nhau...
Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch Quảng Ninh. Hiện Quảng Ninh đã và đang bước đầu khai thác tốt nguồn tài nguyên di tích, di sản, tuy nhiên dư địa phát triển của lĩnh vực này còn lớn, cho phép du lịch Quảng Ninh còn có cơ hội để bứt phá, mang lại giá trị cao hơn trong thời gian tới.
Việt Hoa
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()