20
18
/
1053002
Từ nghị quyết đầu tiên xây hành trình bền vững
longform
Từ nghị quyết đầu tiên xây hành trình bền vững

 

 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang được các chuyên gia kinh tế ví như “ngôi sao đang lên” đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhận diện rõ xu thế này, tỉnh Quảng Ninh đã sớm chuẩn bị những nền tảng quan trọng. Đặc biệt, tháng 11/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ 2020-2025 - Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết một lần nữa khẳng định quyết tâm cũng như kỳ vọng rất lớn của tỉnh đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Quảng Ninh có nền công nghiệp phát triển từ rất sớm, đặc biệt là trong khai khoáng. Đây cũng là ngành chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2010, cơ bản ngành công nghiệp của tỉnh chỉ tập trung trong lĩnh vực khai thác. Việc sử dụng các thiết bị trong ngành còn thiếu đồng bộ, nhiều công đoạn sản xuất sử dụng sức người là chủ yếu. Điều này dẫn đến giá trị ngành công nghiệp được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cùng với đó là những nguy cơ về ô nhiễm môi trường trong ngành công nghiệp khai thác.

Nhận diện rõ điều này, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã dành sự ưu tiên, quan tâm lớn đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, từng bước xây nền móng vững chắc để khẳng định vai trò động lực trong phát triển KT-XH. Theo đó, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010-2020 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt 12,5%/năm. Đến năm 2020, quy mô ngành đạt 20.305 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2010; chỉ số sản xuất (IIP) ước đạt 10,07%.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư thực hiện nghi thức động thổ, xây dựng dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long), tháng 9/2020
Lễ động thổ dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng
tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long), tháng 9/2020.

Quảng Ninh cũng dần trở thành mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp chế biến, chế tạo lựa chọn, phát triển. Quy mô doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo tại tỉnh phát triển khá nhanh, bình quân tăng 11,2%/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 841 doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo, chiếm 81,8% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp, tăng 550 doanh nghiệp so với năm 2010. Tổng nguồn vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến nay đạt 68.997 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư toàn ngành công nghiệp, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư xã hội toàn tỉnh (giai đoạn 2012-2014 có số vốn đầu tư tăng mạnh nhất, trung bình đạt 9.100 tỷ đồng/năm). Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển dịch rõ nét; trong đó giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần tỷ trọng đóng góp vào GRDP toàn tỉnh, từ 6,7% (năm 2010) tăng lên 9,6% (năm 2020). Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có nhiều lợi thế của tỉnh, như: Dệt may, chế biến thực phẩm, cơ khí, chế biến vật liệu xây dựng,… đang phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường; từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm và khẳng định uy tín trên thị trường.

Các dự án chế biến, chế tạo trong KCN, KKT, CCN đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại lao động, giải quyết việc làm, đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Năm 2020, nền kinh tế của Quảng Ninh đã chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Từ đây, vai trò của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo lại càng được khẳng định, là một trong những động lực tạo nên sự tăng trưởng ổn định, bền vững cho nền kinh tế.

Tháng 8/2020, Quảng Ninh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc. Tại hội nghị này, các đại biểu, nhà đầu tư Hàn Quốc đã bày tỏ sự hứng thú đối với các dự án tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo. Phó Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Jeong Woo Jin đánh giá: Trong thu hút đầu tư, Quảng Ninh đã có lộ trình thực hiện rất bài bản. Từ việc nhanh chóng đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, hoàn thiện các KCN, KKT, cho đến các chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư. Tỉnh cũng thông tin rất rõ đến nhà đầu tư về định hướng thu hút các ngành, nghề lĩnh vực. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất quan tâm và mong muốn tìm cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh. Trong đó, những lĩnh vực về chế biến, chế tạo chúng tôi nghĩ Hàn Quốc có nhiều thế mạnh để phát triển tại Quảng Ninh.

Khu công nghiệp Đông Mai được Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Foxconn lựa chọn xây dựng nhà máy và cho ra đời các sản phẩm công nghệ cao
Khu công nghiệp Đông Mai được Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Foxconn
lựa chọn xây dựng nhà máy và cho ra đời các sản phẩm công nghệ cao.

Trong thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp rất dè dặt đầu tư phát triển các dự án mới, thì Quảng Ninh lại thu hút được những dự án “siêu khủng”. Cuối tháng 9/2020, Tập đoàn Thành Công - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối ô tô tại Việt Nam, đã khởi công xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long), trên tổng diện tích 340ha. Tổ hợp được xây dựng không chỉ là nguồn cung cấp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô cốt lõi hiện tại của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu rộng lớn. Đối với tỉnh, việc triển khai xây dựng Tổ hợp sẽ tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần vào tăng thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế theo hướng bền vững mà Quảng Ninh đã định hướng tập trung  thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, năm 2020 vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh và có đà tăng trưởng nhất định. Đáng chú ý, tháng 11/2020, nhà máy của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) - Tập đoàn toàn cầu xếp thứ 24 trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới (theo Tạp chí Fortune Mỹ), đã cho ra đời lô sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tiên sản xuất tại Quảng Ninh sau đúng 1 năm đầu tư. Đây là địa phương thứ 2 tại Việt Nam (sau tỉnh Bắc Ninh) được Foxconn lựa chọn để đầu tư. Theo tính toán của Tập đoàn, năm 2021 nhà máy sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi, giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD; sẽ nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD những năm tiếp theo.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đến nay cũng đã được nhiều địa phương trong nước quan tâm, với những chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào những lợi thế sẵn có, Quảng Ninh khó lòng có thể bứt phá, tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn mới.

Đây là lý do vì sao ngay trong những bước khởi đầu của nhiệm kỳ mới 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã sớm ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Quan điểm xuyên suốt Nghị quyết là phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ở từng vùng, từng địa phương, từng KKT, KCN, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi trong các KKT để phát triển KCN và dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.

Khu làm việc của công nhân Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam (KCN Đông Mai).
Khu làm việc của công nhân Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam (KCN Đông Mai).

Nghị quyết đã xây dựng rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện, tập trung vào việc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; tổ chức phân bố không gian trong xây dựng Quy hoạch tỉnh; phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng; huy động nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN và hợp tác quốc tế; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

 

Nghị quyết 01-NQ/TU sẽ mở ra hướng phát triển hoàn toàn mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ gắn với phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách đủ mạnh thuộc thẩm quyền trong việc thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số thông qua Trường Đại học Hạ Long và Trường CĐ Nghề Việt - Hàn và các cơ sở dạy nghề chất lượng cao. Định hướng phát triển ngành nghề sẽ tập trung công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp y dược, công nghiệp thời trang, chế biến sâu sản phẩm gỗ, thủy sản…

Từ nghị quyết đột phá đầu tiên trong nhiệm kỳ mới chắc chắn sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thật sự là động lực và có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng bền vững của tỉnh giai đoạn 2020-2025.

 
 

Thực hiện: Hồng Nhung

Trình bày: Đỗ Quang

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu