20
18
/
1069665
Tầm nhìn từ định hình không gian phát triển tâm - tuyến Quảng Ninh: Bài 2: Mở không gian rộng lớn, xứng tầm cho Hạ Long
longform
Tầm nhìn từ định hình không gian phát triển tâm - tuyến Quảng Ninh: Bài 2: Mở không gian rộng lớn, xứng tầm cho Hạ Long

 

Cùng với sự đổi mới của đất nước, Quảng Ninh đã cho thấy tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn và liên tục đổi mới để vươn lên trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Tinh thần đổi mới đó thêm khẳng định khi huyện Hoành Bồ được sáp nhập vào TP Hạ Long với sự đồng thuận gần như tuyệt đối của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương.

 

Dự án cầu Cửa Lục 1, dự án đường kết nối cầu Cửa Lục 2 lên Đồng Sơn, Kỳ Thượng đến QL4B... là những dự án trọng điểm đã và đang được tỉnh, TP Hạ Long tập trung đầu tư, nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh, phục vụ nhân dân các phường, xã huyện Hoành Bồ trước đây với trung tâm TP Hạ Long, tháo gỡ được những "điểm nghẽn" về điều kiện đi lại, môi trường tự nhiên, quỹ đất hạn hẹp - vốn là thách thức từ nhiều năm của cả 2 khu vực. Đây cũng là động lực để tiếp tục tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội phía Bắc Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lục Thị Điển (dân tộc Dao, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) cho biết: Hoành Bồ sáp nhập vào Hạ Long có ý nghĩa, tầm quan trọng rất lớn đối với người dân. Chúng tôi có cơ hội học hỏi nhiều điều, cách làm hay để phát triển, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Từ khi sáp nhập, tôi thấy các giải pháp, biện pháp của tỉnh chỉ đạo rất khẩn trương, nhanh, gọn, đặc biệt là có nhiều công trình, dự án mới được triển khai, khiến cho mảnh đất Hoành Bồ trước đây đổi thay từng ngày, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố thủ phủ.

Không chỉ rút ngắn khoảng cách về địa lý, khi Hoành Bồ sáp nhập vào Hạ Long, những "nút thắt" về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giữa 2 khu vực cũng dần được gỡ bỏ, người dân đang được hưởng lợi. Điển hình ở lĩnh vực giáo dục, từ ngôi trường 10 năm nợ tiêu chí chuẩn quốc gia, nhờ mở rộng khu đất từng là trụ sở Huyện ủy Hoành Bồ cũ, năm học này, thầy trò Trường THPT Hoành Bồ được chuyển đến ngôi trường mới rộng gấp 5 lần trường cũ với đầy đủ trang thiết bị. Sau 1 năm sáp nhập, địa bàn huyện Hoành Bồ cũ đang được các nhà đầu tư lớn quan tâm, với hàng loạt dự án công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... hứa hẹn thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống người dân.

Nhờ cách làm bài bản, thận trọng, tính toán kỹ các yếu tố liên quan, nên khi sáp nhập 2 đơn vị hành chính thành 1, tổ chức bộ máy của TP Hạ Long mới đã vận hành ổn định, thông suốt, trôi chảy ngay từ ngày đầu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao, phục vụ tốt hơn cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp.

Đồng chí Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết: TP Hạ Long mới đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống quy chế, quy định. Trong đó đặc biệt chú trọng các vấn đề mới, thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, người lao động khi sáp nhập. Đồng thời, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị của các đơn vị, không để việc sắp xếp đơn vị hành chính làm ảnh hưởng đến các hoạt động của nhân dân. Sau sáp nhập, tổ chức bộ máy thành phố giảm 44 đầu mối, đan xen cán bộ cơ sở cũ với đội ngũ chuyên môn sâu, tinh gọn, mà vẫn vận hành ổn định, thông suốt, phục vụ hiệu quả người dân doanh nghiệp…

Chỉ sau hơn 1 năm sáp nhập, hình ảnh TP Hạ Long mới (thành phố thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất nước) đã dần hiện hữu. Một loạt dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, từng bước tháo gỡ những "điểm nghẽn" về giao thông, môi trường, quỹ đất, tạo cú hích thu hút đầu tư với nhiều dư địa phát triển khi thành phố được mở rộng.

Theo Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 702/QĐ-TTg ngày 7/6/2019 và tầm nhìn về một Hạ Long mới trong tương lai, mỗi chiến lược phát triển của thành phố đều có tác động lan tỏa rất mạnh đến sự phát triển của các địa bàn lân cận và kết quả chung của tỉnh. Để tạo nền tảng cho TP Hạ Long trong tầm phát triển mới, việc tập trung nguồn lực để thực hiện các công trình hạ tầng động lực, kết nối là rất cần thiết. Theo đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên vốn để triển khai các dự án tạo sự kết nối đồng bộ về hạ tầng, không gian phát triển của Hạ Long và Hoành Bồ. Năm 2021, những con đường mới sẽ được hình thành, gần nhất là các cầu Cửa Lục 1 và 3 mang tên "Cánh chim biển", "Bình minh trên Vịnh Hạ Long"; xa hơn là hầm đường bộ xuyên Vịnh Cửa Lục, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với tầm nhìn từ Vịnh Hạ Long sang Vịnh Bái Tử Long và nhiều “cánh tay” nối dài khác.

Nhiều cảng bến, đô thị, trung tâm thương mại cũng sẽ mọc lên, giúp phát huy tài nguyên du lịch, lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu đặc sắc, mới lạ, hấp dẫn ở tầm quốc tế. Đồng thời qua đó cũng góp phần mở rộng không gian phát triển đô thị về phía Bắc TP Hạ Long, hình thành nên các khu đô thị ven Vịnh Cửa Lục, đánh thức tiềm năng về không gian quỹ đất rộng lớn khu vực Hà Khánh, Thống Nhất, Lê Lợi; tạo ra cơ chế hiệu quả trong kiểm soát, phòng chống ô nhiễm Vịnh Hạ Long từ nguồn thải của Vịnh Cửa Lục do các hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động dân sinh từ thượng nguồn... Nhiều bứt phá mới đang được kỳ vọng cho thành phố di sản của Quảng Ninh.

Sự kiện sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của thành phố thủ phủ - thực sự mang một tầm vóc mới, mở ra vận hội, thời cơ mới để thu hút tối đa mọi nguồn lực, phát triển đột phá, nhanh, bền vững. Qua đó Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là địa phương đi đầu trong việc đổi mới, tiên phong thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, vì mục tiêu phát triển nhanh, mạnh, vững chắc của tỉnh cũng như sự phát triển của đất nước.

Nhìn từ thực tiễn trong nước và quốc tế, các đô thị muốn phát triển bền vững đều phải có một chiến lược phát triển về không gian riêng. Việc sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long sẽ mang lại lời giải về không gian phát triển cho thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh. Trong các quy hoạch chiến lược của tỉnh cũng đã đánh giá Hạ Long và Hoành Bồ có mối liên hệ gắn bó đặc biệt trên hầu hết phương diện. Hai địa phương có nhiều điểm tương đồng, gắn kết khách quan với nhau từ lịch sử, văn hóa, địa giới, kết nối kinh tế - xã hội. Việc sáp nhập sẽ giúp các địa phương có thêm nguồn lực để phát triển, đồng thời tháo gỡ được những "điểm nghẽn" cơ bản trong phát triển của 2 địa phương này trước đây.

Việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển cho TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ là chủ trương rất lớn, một công việc hệ trọng mang tính lịch sử không chỉ với hai địa phương, mà với tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện chủ trương của Đảng tại các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU (ngày 2/10/2019). Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Thường trực Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo rất rõ, cụ thể từng nội dung công việc cần triển khai thực hiện trên một quan điểm, tinh thần chung là phát triển Hạ Long, Hoành Bồ lên một tầm cao mới, kinh tế phát triển, thiên nhiên được bảo tồn, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, văn hóa được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Đồng chí Trần Đức Lâm, Bí thư Thành ủy Hạ Long, thời điểm thực hiện sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, khẳng định: Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cần có hạt nhân khởi động đủ tầm sức mạnh. Do đó, việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào Hạ Long sẽ tạo cho TP Hạ Long mới có một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20-30 năm, mà trong tương lai xa sẽ trở thành một thành phố với các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng mọi yêu cầu về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng chủ yếu, có môi trường trong lành, cảnh quan đẹp... Đồng thời cũng là giải pháp tối ưu phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của huyện Hoành Bồ vốn dĩ chưa được khơi dậy.

Câu chuyện mở rộng không gian phát triển, không đơn thuần chỉ là việc nhập 2 địa phương trở thành 1 địa phương có diện tích lớn hơn. Mà đi cùng với đó, hệ thống chính trị sẽ phải giải quyết, làm rõ rất nhiều nội dung, trong đó sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính địa phương là một trong những nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, đây không phải là một "bài toán lớn" đối với Quảng Ninh, bởi từ trước tới nay, Quảng Ninh luôn được biết đến về việc tiên phong và thành công trong công tác đổi mới, sắp xếp lại bộ máy hành chính trên tinh thần quyết liệt, dám nghĩ dám làm, mang lại hiệu quả cao. Vì lý do đó, có thể nói đây là một trong những quyết định táo bạo mang lại một xung lực phát triển mới cho Quảng Ninh.

Minh Thu

Trình bày: Tất Đạt

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu