Kinh nghiệm từ các nước có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới và trong khu vực như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đều chỉ ra rằng: Biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng là phải dựa vào việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ KH&CN. Hòa chung “dòng chảy” đó, cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung trí tuệ, nguồn lực để đưa KH&CN hiện diện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, trở thành kim chỉ nam, dẫn đường cho sự phát triển. Qua đó, từng bước tiệm cận mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
KH&CN - nhân tố quyết định tác động và chi phối đến sự phát triển của các mặt đời sống KT-XH. Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng này, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm cũng như nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực KH&CN. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN. Sau 4 năm thực hiện, nghị quyết này cũng đã cho thấy những tác động tích cực, bước đầu đã đưa KH&CN tác động vào sự phát triển của doanh nghiệp. Việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN cũng được triển khai hiệu quả hơn; đầu tư cho KH&CN đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp…
Dù đã có những bước tiến nhất định, Quảng Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động KH&CN chưa có nhiều bứt phá, thực sự trở thành động lực phát triển KT-XH. Sự quan tâm, nhất là của người đứng đầu một số ngành, địa phương còn chưa đúng mức, thụ động và lúng túng; việc huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động KH&CN chưa hợp lý. Hầu hết mới chỉ dừng lại ở chi đầu tư, chi sự nghiệp KH&CN còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao, nhất là trong các doanh nghiệp.
Cùng với đó là quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp vẫn còn chậm, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm còn hạn chế. Môi trường đầu tư kinh doanh và cơ chế, chính sách thu hút các ngành ứng dụng công nghệ tiên tiến chưa đủ mạnh. Đặc biệt, KH&CN dù có hiện diện nhưng vẫn còn khá mờ nhạt ở các lĩnh vực được xem là ưu thế của tỉnh như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục…
Nhận diện rõ những điểm nghẽn, hạn chế này, năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và công bố quy hoạch phát triển KH&CN của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong quy hoạch này, những mục tiêu, yêu cầu, giải pháp mang tầm chiến lược để tạo sự đột phá cho KH&CN đều được tỉnh xây dựng kỹ lưỡng dựa trên hiện trạng, cơ sở thực tế và có sự tham vấn, đóng góp của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước. Kỳ vọng được tỉnh nhấn mạnh là phấn đấu đưa KH&CN trở thành nền tảng và động lực then chốt trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh tiên tiến trong vùng Đồng bằng sông Hồng về KH&CN vào năm 2020.
Nhận diện, định vị lại những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, trong nhiệm kỳ 2015-2020, hoạt động KH&CN tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ với những quyết sách có trọng tâm, trọng điểm. Bắt nhịp kịp thời và khai thác triệt để ưu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 được tỉnh xác định là điểm mấu chốt để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng. Từ quan điểm này, Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN đến năm 2020 ra đời. Đây chính là chính sách động lực, tạo sức bật cho các ngành, lĩnh vực.
Nghị quyết số 07-NQ/TU được xây dựng với 3 mục tiêu cốt lõi: Phát triển nguồn nhân lực KH&CN; đầu tư xây dựng hạ tầng KH&CN; tăng cường tiềm lực KH&CN, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao phục vụ phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh.
Trên cơ sở đó, những mục tiêu cụ thể cũng được xác định rõ ràng như: Xây dựng, hình thành được các khu nông nghiệp, thủy sản có ứng dụng công nghệ cao; 100% sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật; phát triển thêm 20 nhãn hiệu sản phẩm gắn với địa danh, loại hình dịch vụ có thế mạnh; số doanh nghiệp áp dụng thành công hệ thống, công cụ quản lý chất lượng tiên tiến cao gấp 2 lần so với năm 2015; thực hiện thí điểm xây dựng TP Hạ Long trở thành đô thị thông minh, tiến tới nhân rộng ở một số địa phương, lĩnh vực…
Đặc biệt, hằng năm tỉnh sẽ dành 4-5% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương cho hoạt động KH&CN, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm như: du lịch, dịch vụ thương mại, CNTT, y tế, giáo dục.
Đến nay, sau gần 4 năm triển khai, các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết đã cơ bản hoàn thành. Hoạt động KH&CN cũng tạo được nhiều dấu ấn quan trọng trên các ngành, nghề, từ đó thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Hiện tỉnh đã thành lập được 1 khu nông nghiệp công nghệ cao tại TX Đông Triều với hệ thống nhà màng, tưới tiêu, kiểm soát nhiệt độ công nghệ hiện đại, an toàn và 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà với công nghệ sản xuất tôm giống chất lượng cao, đến nay đã đưa ra thị trường gần 1 tỷ con tôm giống.
Các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục cũng từng bước đạt được những thành tựu nhất định. Y tế thông minh với hệ thống bệnh viện thông minh là Sản Nhi, Bãi Cháy và Đa khoa tỉnh đã và đang được hình thành. Việc cung cấp dịch vụ y tế từ “thụ động” đã dần chuyển sang hướng “chủ động”. Công tác quản lý, khám chữa bệnh được nâng cao; giảm thời gian, chi phí cho người bệnh; được người dân đánh giá tích cực, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Trong giáo dục, toàn tỉnh có 66 trường và trên 500 lớp học tiên tiến, thông minh, mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng như trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.
Điểm nhấn rõ nét nhất là dáng dấp của các đô thị thông minh với KH&CN là nền tảng cốt lõi tại các thành phố như: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí đã dần hiện hữu, tạo nên diện mạo mới cho đô thị Quảng Ninh. Đặc biệt, từ tháng 8/2019, Quảng Ninh đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh. Trung tâm này cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để tỉnh có thể đưa ra những quyết sách kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề. Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... bằng vài thao tác bấm nút cực kỳ đơn giản trên thiết bị di động.
Khẳng định sự nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng thành phố thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Đây là mô hình thể hiện sự tiên tiến, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn yêu cầu trong đổi mới quản lý, sáng tạo trong điều hành phát triển KT-XH của tỉnh. Do vậy quan điểm lãnh đạo tỉnh đó là, sẽ quyết tâm cao nhất để hoàn thành mô hình thành phố thông minh. Đây là việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế đổi mới, phát triển của tỉnh và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Những bước tiến về KT-XH dưới sự “trợ lực” từ KH&CN đã đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, mạnh mẽ, khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trên chuyến tàu công nghệ. Thành quả từ giải pháp công nghệ cũng đưa Quảng Ninh vươn tới danh hiệu danh giá “chính quyền số xuất sắc” do tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương trao tặng vào năm 2018, khi những nỗ lực về đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào xây dựng chính quyền điện tử.
Cùng với Nghị quyết số 07-NQ/TU, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh cũng tập trung triển khai nhiều cơ chế, chính sách liên quan nhằm tăng cường hơn nữa tiềm lực, khả năng ứng dụng KH&CN vào tất cả các ngành, lĩnh vực. Qua đó, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH một cách bền vững, hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại vào cuối năm 2020 này.
Thực hiện: Nguyên Ngọc - Nguyễn Hoa - Lan Anh
Trình bày: Đỗ Quang
Bài 2: Y tế thông minh – khẳng định năng lực vượt trội
Ý kiến ()