Cuối năm 2018, Quảng Ninh đồng loạt đưa vào khai thác chuỗi dự án giao thông trọng điểm, đánh dấu giai đoạn phát triển mới. Trong đó, riêng đối với hạ tầng giao thông đường bộ, Quảng Ninh là một trong những địa phương ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất, với tổng số trên 100km đường cao tốc. Hiện nay, tỉnh đang dồn toàn lực để phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành hơn 80km cao tốc từ huyện Vân Đồn tới TP Móng Cái. Khi đó, Quảng Ninh sẽ có tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài gần 200km và sẽ là địa phương có tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (bằng 1/10 tổng số đường cao tốc toàn quốc).
Điều đặc biệt, các tuyến cao tốc đều do Quảng Ninh tự làm, khác hẳn với các tuyến cao tốc đang có trong nước do Chính phủ đầu tư. Các tuyến đường đã cho thấy rõ vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía Bắc và các sân bay quốc tế gồm: Nội Bài (Hà Nội) - Cát Bi (Hải Phòng) - Vân Đồn (Quảng Ninh).
Khi cắt băng khánh thành cầu Bạch Đằng, thông xe tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vào đầu tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây chính là bước đột phá quan trọng về hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Thủ tướng phân tích: Có 4 lý do để khẳng định tính đột phá mạnh mẽ của dự án này. Thứ nhất, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng không chỉ phát huy mạnh mẽ hơn giá trị của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mà quan trọng hơn, còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng tam giác kinh tế phía Bắc, mở rộng không gian phát triển cho toàn khu vực. Thứ hai, dự án hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển - là tài nguyên quý giá của con người. Thứ ba, đây là cây cầu “made in Việt Nam”, khẳng định sự tự lực, tự cường, tự làm chủ công nghệ của người Việt Nam. Và thứ tư, quan trọng nhất, đây là minh chứng cụ thể cho tư duy dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, là sự đột phá cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bởi Quảng Ninh - tỉnh đầu tiên trong cả nước chủ động báo cáo đề xuất Trung ương cho phép được dùng ngân sách tỉnh để làm tuyến đường cao tốc này.
Còn nhớ 7 năm về trước, khi Quảng Ninh đề xuất được dùng ngân sách tỉnh để GPMB làm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, nhiều lãnh đạo bộ, ngành Trung ương cảm thấy e ngại tính khả thi. Bởi từ trước đến nay việc làm cao tốc là nằm trong danh mục chi thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương và Quảng Ninh mặc dù là địa phương tự cân đối, có một phần đóng góp về ngân sách Trung ương, nhưng cũng chưa phải là giàu để làm được việc chưa có tiền lệ này.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 13-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng ban hành ngày 16/1/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước sẽ có 2.000km cao tốc (thời điểm đó, cả nước mới chỉ có khoảng 140km đường cao tốc). Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, mặc dù sở hữu nhiều lợi thế, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, KT-XH, an ninh, quốc phòng, là cửa ngõ kết nối giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc... song tỉnh chưa phải là trọng điểm trong kế hoạch đầu tư của Bộ GTVT. Vì thế, trong các danh mục chi đầu tư đường cao tốc giai đoạn này chưa có tên Quảng Ninh. Theo quy hoạch đường cao tốc Việt Nam của Bộ GTVT, phải đến giai đoạn 2030, đường cao tốc mới hình thành tại Quảng Ninh (cao tốc Nội Bài - Hạ Long) nằm trong quy hoạch tổng số 6.400km đường cao tốc của cả nước.
Như vậy giai đoạn trước năm 2030, giao thông đối ngoại của Quảng Ninh sẽ vẫn chủ yếu thông qua tuyến QL18 và QL10 vốn đã mãn tải từ nhiều năm trước, kìm hãm sự phát triển và là nút thắt đối với nền kinh tế vốn rất nhiều dư địa.
Quyết tâm gỡ bỏ nút thắt, khơi thông nền kinh tế là ấp ủ qua rất nhiều nhiệm kỳ, thế hệ lãnh đạo của Quảng Ninh. Bởi bên kia sông Bạch Đằng, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được hoàn thành, chỉ còn 25km nữa thì Hạ Long sẽ kết nối vào tuyến cao tốc quan trọng này trong hành lang phát triển kinh tế khu vực phía Bắc. Với tư duy năng động, sáng tạo và đổi mới của hệ thống chính trị giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng, Quảng Ninh đã không bị động ngồi chờ. Thay vào đó, tỉnh chủ động báo cáo, đề xuất Chính phủ được tự làm đường cao tốc. Tháng 9/2014, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, bao gồm cả đường và cầu Bạch Đằng. Tháng 9/2018 tuyến cao tốc đầu tiên của tỉnh đã đưa vào khai thác. Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tự huy động các nguồn lực hợp pháp để làm đường cao tốc.
Trong bối cảnh xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lợi thế các cửa khẩu quốc tế được phát huy, Quảng Ninh cũng là tỉnh có nhiều cửa khẩu nhất Việt Nam. Do đó, nếu sở hữu tuyến cao tốc dọc tỉnh kéo dài đến Móng Cái, Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm kết nối thuận lợi của hai hành lang kinh tế (Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh - Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ trong giao thương với các nước Đông Nam Á, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng với Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội để Quảng Ninh khai thác những giá trị nổi trội, khác biệt, động lực thúc đẩy kinh tế liên vùng phát triển.
Trên cơ sở tranh thủ sự hỗ trợ và ủng hộ từ Trung ương, Quảng Ninh đã nhanh chóng huy động nguồn lực xã hội để đầu tư tiếp tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài hơn 60km, hoàn thành vào cuối năm 2018. Tỉnh cũng từ chối vốn vay ODA với các ràng buộc ngặt nghèo để huy động nguồn lực mới triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài gần 90km dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Như vậy, tổng chiều dài đường cao tốc tại Quảng Ninh được nâng lên gần 180km chạy dọc tỉnh, kết nối các trung tâm kinh tế Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái và hàng chục KCN, KKT của tỉnh trong tương lai.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trục xương sống cao tốc này, tháng 7/2020, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã phát động Chiến dịch 30 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh. Với quan điểm “cứ đi rồi sẽ đến, quyết tâm làm chắc chắn sẽ làm được”, Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo chiến dịch, tại địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cơ sở, phân công các tổ kiểm đếm và lập phương án đền bù, tổ tuyên truyền vận động và hỗ trợ di dời để triển khai GPMB cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh.
Điều đáng nói, dù chiến dịch phát động trong 30 ngày đêm, nhưng chỉ sau đúng 15 ngày kể từ thời điểm phát động, cả 5 địa phương có tuyến cao tốc đi qua đều tổ chức bàn giao mặt bằng với tổng số 187,12ha, liên quan đến 1.186 hộ dân và tổ chức cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Chiến dịch GPMB "thần tốc" của tỉnh thành công chỉ trong 1/2 thời gian dự kiến, trên tinh thần đồng thuận, phấn khởi. Đây là kỳ tích mới trong GPMB của Quảng Ninh từ trước đến nay.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Thành công trong GPMB, đảm bảo yêu cầu để các dự án cao tốc đẩy nhanh tiến độ là nhờ tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, với tư duy sáng tạo, đổi mới và quyết liệt. Đặc biệt, với những cách tuyên truyền phù hợp, khơi dậy niềm tự hào, giá trị văn hóa con người Quảng Ninh, có thể nói rằng, tỉnh đã tạm ứng niềm tin với nhân dân để đổi lại một con đường chiến lược. Chính bởi làm được điều đó, nên tuy không nằm trong quy hoạch phát triển đường cao tốc quốc gia, song bằng sự chủ động, Quảng Ninh đã và đang hình thành một trục đường cao tốc kéo dài gần 180km nối từ TP Hải Phòng đến Móng Cái, đóng góp gần 1/10 mục tiêu có 2.000km đường cao tốc theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tuyến cao tốc hình thành, Quảng Ninh sẽ là tỉnh sở hữu đường cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ của Quảng Ninh là “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”, mở rộng cánh cửa kết nối Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc, đón nhận nhiều cơ hội mới.
Thực hiện: Đỗ Phương
Trình bày: Đỗ Quang
Ý kiến ()