Biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, ô nhiễm, thiên tai, dịch bệnh… là mối đe dọa, gây ảnh hưởng lâu dài đến toàn cầu chứ không riêng một quốc gia nào. Còn nhớ 5 năm trước, Quảng Ninh phải gánh chịu một đợt mưa lớn kéo dài, được đánh giá là chưa từng có trong vòng hơn 40 năm, gây chết người, sập đổ nhà cửa, ngập lụt diện tích canh tác, ách tắc giao thông, sạt lở bãi thải mỏ, hư hỏng công trình của các cơ quan, bệnh viện, công trình giao thông thủy lợi…
Người dân phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) có lẽ sẽ không bao giờ quên được trận mưa lũ lịch sử diễn ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2015 gây ra cái chết thương tâm cho 3 người trong một gia đình, khiến cho hàng trăm ngôi nhà của người dân khu 4 chìm trong biển nước, hàng nghìn tấn than của Công ty CP Than Mông Dương trộn lẫn với bùn, cát...
Ngồi bên hiên ngôi nhà tái định cư xây dựng 5 năm trước, ông Bùi Như Khuê (khu 9, phường Mông Dương) khá hài lòng với cuộc sống, thu nhập hiện tại. Khi nói về cơn “đại hồng thủy” đổ xuống Mông Dương năm 2015, ông Khuê mở lời bằng câu cảm thán: “Thật kinh hoàng”. “Nhà tôi ở vị trí khá cao, trước nay chưa từng biết nước đọng là gì chứ nói gì đến lũ lụt. Vậy mà trận mưa năm ấy, nước cùng với bùn tràn vào ngập ngang căn nhà. Đi sơ tán mấy ngày, khi trở lại, chúng tôi mất trắng. Tất cả nhà cửa, tài sản xây dựng, tích cóp bao năm đều bị vùi trong bùn, nước” – ông Khuê kể lại.
|
|
Trận mưa lũ lịch sử cũng để lại ký ức không bao giờ quên được đối với bà Trần Thị Bình, sống cùng khu phố cũ với ông Khuê và nay cũng ở cùng nơi tái định cư. Bà Bình nhớ lại: Sau 2 ngày mưa tầm tã, đến trưa ngày 27/7/2015, tôi nhìn ra phía trước thấy đống cát xỉ thải chuyển động, trôi ầm ập xuống phía dưới. Xỉ trôi xuống khiến suối bị tắc, nước dâng lên ngập ngang bụng. Gia đình tôi dọn tạm lên tầng 2. Nhưng chỉ mưa thêm chưa đầy 2 tiếng, nước dâng cao hơn. Lúc ấy, bà cháu chỉ biết kéo nhau chạy nhanh lên đồi cao để tránh ngập. Thật may là mấy bà cháu tôi chạy đi sớm, không thì bùn xỉ, nước vùi cả ba bà cháu.
Trận “đại hồng thủy” năm 2015 biến Mông Dương trở thành một trong những vùng “rốn lũ”. Là cán bộ thường trực công tác phòng chống lụt bão của phường, trong suốt cả tuần mưa lũ, ông Phạm Ngọc Lự, Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương, ngược xuôi với công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả. Những con số thiệt hại, những gia đình phải sơ tán, những trường học, khu xóm ngập lụt… được ông cập nhật, ghi lại, báo cáo cấp trên. “Chưa khi nào chúng tôi phải đối mặt với thiên tai dữ dằn đến vậy. Mưa tầm tã cả tuần lại đúng đợt triều cường khiến Mông Dương biến thành biển nước. Thiệt hại mà mưa lũ gây ra phải mất vài năm, thậm chí lâu hơn mới có thể khắc phục được. Đến tận bây giờ, 5 năm sau trận mưa lũ lịch sử, chính quyền và người dân Mông Dương vẫn nhớ và lấy đó làm bài học để luôn cảnh giác, cẩn thận ứng phó với thiên tai” – ông Phạm Ngọc Lự, Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương, chia sẻ.
|
|
Theo số liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lượng mưa ngày lớn nhất trong giai đoạn 1990-2015 là 386,5mm vào tháng 7 năm 2015. Đây chính là số liệu về trận mưa lịch sử vào cuối tháng 7 năm 2015 gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho Quảng Ninh. Con số 386,5 mm là một con số mang tính lịch sử về lượng mưa ngày tại Quảng Ninh. Riêng tổng lượng mưa trong tháng 7 năm 2015 đã đạt tới con số 900,5 mm, tức chiếm hơn 1/3 tổng lượng mưa năm 2015 và gần bằng tổng lượng mưa năm 1991 (là năm có lượng mưa thấp nhất). Điều này là một minh chứng rõ ràng cho sự biến đổi khí hậu những năm gần đây tại Quảng Ninh.
Không chỉ lượng mưa có sự thay đổi lúc nhiều lúc ít, Quảng Ninh cũng gặp những thay đổi đáng kể về nhiệt độ như nắng nóng kéo dài, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ quét, sạt lở đất,…
Mới đây nhất, tháng 7 vừa qua, dù đang ở mùa mưa nhưng nhiều hồ thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh lại khô hạn bất thường do lượng mưa quá thấp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Như hồ Yên Lập - hồ lớn nhất tỉnh, từ khi đi vào hoạt động (năm 1982) đến nay, lần đầu tiên trong lịch sử, mực nước trong hồ xuống mức thấp nhất. Thời điểm đo ngày 30/6/2020, mực nước hồ Yên Lập chỉ còn 17,68 mét tương đương 32,8 triệu m3 nước, bằng ¼ dung tích thiết kế. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nước trong hồ giảm 54,3 triệu m3. Nhiều hồ chứa nước tại các địa phương như hồ Khe Cát, Khe Táu (Tiên Yên); Trại Lốc 1, Khe Ươn 1 (Đông Triều); Yên Dưỡng, Tân Lập (Uông Bí); Sau Làng (Hạ Long)... cũng ở tình trạng tương tự.
|
|
Trong những năm qua, ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đến đời sống dân cư và các vấn đề xã hội ở Quảng Ninh đã có biểu hiện rất rõ nét. Khu vực dễ bị tổn thương là các cộng đồng sinh sống ở vùng nông thôn, ven biển; đối tượng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu là người già, phụ nữ, trẻ em. Tại các vùng núi cao cũng như khu vực ven biển, biến đổi khí hậu làm tăng diện tích có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, việc di dân tại các khu vực này đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Như khó khăn về quỹ đất bố trí các khu tái định cư, vấn đề đất canh tác, công ăn, việc làm của người dân...
Quảng Ninh là một trong những địa phương hàng năm chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, bão lụt bất thường. Đợt lụt lịch sử năm 2015 chính là ví dụ điển hình để các cấp chính quyền, đơn vị, nhân dân phải luôn xác định công tác phòng chống thiên tai là vô cùng quan trọng, không thể chủ quan, lơ là và phải chủ động trong mọi tình huống.
Hoàng Nhi
Trình bày: Hải Anh
Trong gần 2 thập kỷ qua của thế kỷ XXI thế giới cũng đã trải qua chiến tranh, xung đột sắc tộc, thiên tai, dịch bệnh… nhưng phạm vi ảnh hưởng, tác động chưa mang tính quy mô toàn cầu như dịch bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV2 gây ra vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. 215 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc bệnh, Covid-19 trở thành một thách thức về an ninh phi truyền thống mang tính chất toàn cầu. Là địa bàn đứng ở vị trí tuyến đầu trong cuộc chiến “chống giặc” Covid-19, với sức mạnh của tinh thần đoàn kết và tính kỷ luật, bằng phương châm tác chiến “3 trước, 4 tại chỗ” Quảng Ninh đã chốt chặn an toàn cho Tổ quốc từ cửa ngõ địa đầu Đông Bắc, là tiền đề rất quan trọng để hậu phương lớn kịp thời ứng phó trong một biến cố lịch sử của thế kỷ XXI.
|
|
Nhìn lại những ngày đầu ngăn chặn dịch từ bên kia biên giới (nơi khởi phát và là tâm dịch của thế giới), ở tuyến đầu cuộc chiến, Quảng Ninh đã đặt tiền đề rất quan trọng làm nên niềm vui chiến thắng ngày hôm nay, từ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ “người tiên phong”, chặn dịch bằng chiến thuật “3 trước”, “4 tại chỗ” để chốt chặn dịch bệnh nơi cửa ngõ, giữ tâm thế bình an cho hậu phương chuẩn bị binh lực bước vào cuộc chiến. Đó là vào thời điểm cuối tháng 1/2020, dịch bệnh tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh, người chết lên tới hàng nghìn người và tăng kỷ lục mỗi ngày, thành phố phải thực hiện phong tỏa vô thời hạn...
|
|
Trước tình hình đó, cả nước theo dõi sát sao di biến động ở các địa bàn có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, bởi ở thời điểm đó tại Móng Cái - Quảng Ninh mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí có ngày lên tới hàng nghìn người Việt nhập cảnh qua cửa khẩu, họ khẩn cấp di dời khỏi tâm dịch của thế giới chạy về quê hương càng làm gia tăng sự lo lắng của cả nước lên gấp bội phần.
|
|
Xác định trong mỗi cuộc chiến, muốn chiến thắng phải nắm thế chủ động, với vai trò của địa bàn tuyến đầu của đất nước, từ những ngày đầu trực tiếp đối mặt với nỗi sợ hãi, thậm chí hoảng loạn ở nơi tâm dịch của thế giới tại TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), Quảng Ninh - tỉnh đầu tiên trong cả nước bước vào cuộc chiến “chống giặc” Covid-19 bằng những chiến lược ứng phó, ngăn chặn đại dịch hiệu quả, giữ thế chủ động, hạ đường cong nhiễm bệnh để cả nước yên tâm chuẩn bị binh lực sẵn sàng cho cuộc chiến dài lâu. “3 trước” của Quảng Ninh (nhận diện trước, chủ động phòng, chống trước; chuẩn bị phương án, phương tiện vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) và thực hiện “4 tại chỗ” (gồm: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) ngay lập tức được kích hoạt.
Cuối tháng 1/2020 (sau khi dịch bùng phát tại Trung Quốc được thế giới công bố) gần 100 chốt kiểm soát được thiết lập hoạt động 24/24h tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở kéo dài dọc tuyến biên giới trên bộ từ Móng Cái đến Hải Hà, Bình Liêu. Thực hiện cách ly nghiêm ngặt tất cả người Việt Nam nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái từ 16h00 ngày 1/2/2020, để quản lý và theo dõi, giám sát sức khỏe trong 14 ngày; TP Móng Cái tạm dừng hoạt động tại tất cả các chợ trên địa bàn, các điểm vui chơi, giải trí và thực hiện kiểm soát chặt chẽ người ra, vào địa bàn tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái và Trạm kiểm soát liên hợp Km15, cư dân của ba địa bàn vùng biên gồm Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu được khuyến cáo hạn chế di chuyển khỏi địa bàn và thực hiện khám sức khỏe toàn dân lập hồ sơ theo dõi quản lý điện tử.
|
|
Sau này rất nhiều những kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 được Ban Chỉ đạo quốc gia rút ra và một trong những giải pháp then chốt để hạ đường cong của dịch bệnh trong cộng đồng đó là giãn cách, cách ly toàn xã hội thì Quảng Ninh đã đi trước, làm trước cả nước ngay từ giai đoạn 1 của “cuộc chiến”.
Ở vị trí tuyến đầu chống dịch Quảng Ninh đã thực hiện tốt trọng trách giữ an toàn cho hậu phương trước khi bước vào các giai đoạn sau của “cuộc chiến” và cũng là những kinh nghiệm để tỉnh tiếp tục thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ trong những giai đoạn sau phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sự chủ động, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch hiệu quả vừa giữ nhịp phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.
Bước vào cuộc chiến không tiếng súng “chống giặc” Covid-19, Quảng Ninh vừa thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn dịch không để lây lan, xâm nhiễm vào địa bàn, bảo vệ cho hậu phương an toàn vừa thực hiện những trọng trách quốc gia được Chính phủ giao phó. Đó là khi thế giới tạm “đóng cửa” với Vũ Hán (Trung Quốc) do tình hình dịch bệnh tại đây chưa thể kiểm soát được thì Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao đã mở cửa Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đón 30 người Việt Nam từ Vũ Hán trở về ngày 10/2 - đúng vào những ngày đỉnh dịch ở phía bên kia biên giới.
|
|
Liên tiếp sau đó thực hiện nhiệm vụ là cảng hàng không duy nhất ở miền Bắc đón các chuyến bay quốc tế chở người Việt từ các vùng dịch bệnh trên thế giới về nước, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã đón 45 chuyến bay tiếp theo đưa trên 7.200 người là công dân Việt Nam và các chuyên gia, lao động tay nghề cao người nước ngoài về Việt Nam. Những chuyến bay đặc biệt đưa đồng bào từ các vùng dịch ở các nước Anh, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã được đón tiếp an toàn, cách ly đúng quy trình, Quảng Ninh không chỉ thực hiện trọn vẹn trọng trách quốc gia, mà còn làm tốt nghĩa đồng bào.
Không chỉ đón các chuyến bay đưa người Việt từ các vùng dịch trên thế giới về nước mà tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh đã đón các chuyến bay chở các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam làm việc, để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn mối quan hệ hợp tác quốc tế lâu dài của đất nước.
Ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, mọi chuyến bay quốc tế phải tạm ngừng hoạt động, Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ và chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh đón các chuyến bay đưa các chuyên gia nước ngoài, các kỹ sư Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc tại các tập đoàn lớn rất an toàn. Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao về cách phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương xuất sắc. Những việc làm của tỉnh Quảng Ninh đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp với các chuyên gia, kỹ sư của Hàn Quốc, chúng tôi mong muốn được làm cầu nối xúc tiến khách du lịch Hàn Quốc tới Quảng Ninh và các nhà đầu tư tới tìm hiểu cơ hội hợp tác trên lĩnh vực dịch vụ du lịch và chế biến chế tạo ứng dụng công nghệ cao tại các các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh.
Không chỉ là thực hiện nhiệm vụ đón các chuyến bay đưa người Việt Nam ở các vùng dịch về, đón các chuyên gia quốc tế sang làm việc mà trọng trách với quốc gia của Quảng Ninh còn là việc giữ ổn định nhịp sản xuất, đóng góp cho tăng trưởng của đất nước. Trong bối cảnh sản xuất cả thế giới bị đình trệ do dịch bệnh, thì ở Quảng Ninh 9 tháng qua hàng vạn thợ mỏ vẫn vẫn ngày ngày thi đua lao động sản xuất làm ra thật nhiều than để bù đắp cho sự sụt giảm của các ngành kinh tế khác, đảm bảo cung ứng đủ 41 triệu tấn than nguyên khai cho các ngành sản xuất nhiệt điện, phân bón, xi măng trong nước.
Đặc biệt giữ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh an toàn nhất trước dịch bệnh, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất của các nhà máy trên địa bàn và xuất khẩu hàng hóa, chiến thuật “đóng - mở” đã được tỉnh Quảng Ninh áp dụng thực hiện linh hoạt. Khi dịch bệnh đang bùng phát dữ dội, ngay lập tức Quảng Ninh thực hiện việc tạm dừng việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu để củng cố các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan, xâm nhiễm; khi dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ từ cả hai bên biên giới, tỉnh đã thống nhất hai bên thực hiện thông quan cầu Bắc Luân II, mở cửa giao thương trở lại hoạt động xuất nhập khẩu ổn định, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất ở cả hai nước.
|
|
Đến thời điểm này nhìn lại có thể khẳng định rằng, năm 2020, đối diện với yếu tố an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu là dịch bệnh Covid-19, với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, Quảng Ninh đã kiểm soát tốt tình hình, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch từ những ngày đầu của “cuộc chiến”, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của địa phương tuyến đầu không để dịch bệnh xâm nhiễm qua biên giới từ khu vực Đông Bắc. Đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm quốc gia, dân tộc khi đón an toàn các chuyến bay đưa đồng bào từ các vùng dịch trên thế giới về nước, đón các chuyên gia quốc tế vào Việt Nam làm việc qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, góp phần cùng cả nước hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội cho nhân dân, giữ vững nhịp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020. Quảng Ninh là một điểm sáng của cả nước về phòng chống dịch bệnh thành công, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngọc Lan
Trình bày: Hải Anh
Trở lại những nơi cơn lũ lịch sử năm 2015 đã đi qua, chúng tôi cảm nhận một cuộc sống hoàn toàn mới đã nảy sinh trên những vùng rốn lũ năm nào. Những khu tái định cư an toàn, khang trang với cuộc sống bình yên, no đủ, niềm vui, niềm tin của người dân lan tỏa từ câu chuyện, ánh mắt, nụ cười....
Những ngày chớm thu, tàu từ thị trấn Cái Rồng lướt trên mặt biển xanh ngắt dưới nắng vàng, soi bóng vịnh Bái Tử Long huyền ảo ra cập bến tàu xã Bản Sen (Vân Đồn). Một bến tàu mới khang trang, rộng rãi đang được thi khẩn trương hoàn thiện.
Anh Chu Quốc Phong, công chức văn phòng UBND xã hồ hởi khoe: “Các cô thấy Bản Sen thay đổi nhiều không? Mọi nguồn lực đều được tập trung để nhanh chóng đưa các công trình hạ tầng thiết yếu vào hoạt động. Ngay chỗ các cô đang đứng là bến cập tàu xã Bản Sen được đầu tư trên 45,5 tỷ đồng. Đây là công trình giao thông cấp 3, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển, phát triển kinh tế của xã đảo Bản Sen. Ngoài ra, nhiều con đường kết nối giao thông của xã cũng đang gấp rút thi công”.
|
|
Quả như lời anh Phong nói, con đường bê tông dẫn vào thôn Bản Sen cũ cũng đang được nâng cấp, cải tạo giai đoạn 2. Đây cũng là trục chính nối xã Bản Sen với thôn Tân Lập (xã Quan Lạn), tạo điều kiện cho người dân đi lại và thông thương giữa hai xã đảo. Tôi cố gắng quan sát tìm lại dấu tích của trận mưa lụt lịch sử năm 2015 nhưng con đường thì đã được thảm bê tổng rộng rãi, những ngôi nhà chìm trong biển nước năm nào đều đã được người dân san phẳng làm nơi thâm canh trồng trọt, thôn Bản Sen của 5 năm trước đã được di dời đến khu tái định cư mới.
Đó là khu tái định cư nằm trên một ngọn đồi ở thôn Nà Sắn. Khu vực này nằm trên cao và gần biển, không lo bị ngập lụt do mưa lũ và thuận lợi cho người dân thực hiện việc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Dưới hàng keo lâu năm mọc xung quanh đồi, khu tái định cư khang trang, đẹp như tranh vẽ, với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, kiên cố nằm san sát nhau, chẳng kém gì một khu phố sầm uất.
Được biết, cuối năm 2016, toàn bộ 27 hộ dân thôn Bản Sen được di chuyển khỏi cùng có nguy cơ mưa lũ, sạt lở, trong đó có 22 hộ được chuyển tới khu tái định cư tại thôn Nà Sắn để ổn định cuộc sống, cùng với những chính sách hỗ trợ về cấp đất, đầu tư điện, nước miễn phí... Mỗi hộ gia đình được nhận một mảnh đất từ 250m2-400m2, để xây nhà và trồng cây.
Đến thăm ngôi nhà rộng gần 200m2, nằm yên bình dưới tán lá bạch đàn của gia đình bà Phạm Thị Đằng, chúng tôi được nghe bà kể câu chuyện về cuộc sống mới, về những niềm vui thật giản dị của người dân nơi đây. “Bây giờ chúng tôi yên tâm ăn no ngủ kỹ rồi, không còn phải giật mình mỗi đêm vì sợ ngập lụt nữa. So với thôn cũ, điều kiện ở khu tái định cư tốt hơn, tiện cả trăm bề. Khu ở mới chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 1km, hạ tầng cơ sở đầy đủ; nơi đây cao ráo, không khí trong lành, cảnh quan đẹp, lại gần bến bãi, tiện cho bà con làm thêm nghề biển, học sinh đến trường… Đặc biệt, thích nhất là ở đây có sóng điện thoại, liên lạc thuận tiện, người dân sinh hoạt, làm việc dễ dàng hơn.”
|
|
Ông Đinh Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, cho biết: Người dân thôn Bản Sen giờ không còn phải lo lắng mỗi khi mưa lũ. Không chỉ sản xuất nông nghiệp như trước, hiện 90% số hộ dân ở khu tái định cư đã được vay vốn để nuôi trồng thủy sản; nhiều hộ đã liên kết cùng đầu tư phát triển ngành nghề này. Mấy năm nay, bà con chủ yếu tập trung nuôi ngao và hàu, mang lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao.
Ở những vùng ảnh hưởng của mưa lũ mà chúng tôi đi qua, cuộc sống của người dân đã đổi khác. Không chỉ xã đảo Bản Sen, ngay ở vùng “rỗn lũ” Mông Dương, cảnh tượng kinh hoàng và những hậu quả của cơn mưa lũ lịch sử năm 2015 giờ chỉ còn trong ký ức, trong câu chuyện kể của người dân. Được tái định cư ở chỗ ở mới, ai nấy đều phấn khởi, cuộc sống bình thường mà họ mong ước, đôi khi chỉ đơn giản là không phải chạy lũ.
Ở tổ 5, khu 4, phường Mông Dương, có 4 hộ dân được tái định cư. Không còn sống thấp thỏm trong ngôi nhà ven đồi ngay “rốn lũ”, những hộ dân như ông Bùi Như Khuê đã có cuộc sống mới ổn định trong ngôi nhà khang trang nằm ngay trong khu trung tâm. Ông Khuê phấn khởi nói: Nhờ có chính sách di dân khỏi vùng lũ của chính quyền mà gia đình tôi ổn định cuộc sống. Với 150m2 đất được cấp, khoản hỗ trợ tái định cư và số tiền tiết kiệm của mình, chúng tôi đã xây được ngôi nhà hơn 100m2 này. Giờ có nhà mới kiên cố, vợ chồng tôi đã trút bỏ được nỗi lo khi mưa bão đến. Ngày ngày, vợ chồng tôi bán thêm hàng tạp hóa, sửa chữa đồ gia dụng, không phải lo nghĩ mưa to gió lớn nữa”.
Lấp lánh trong ánh mắt của ông và sự chia sẻ chân thành, giản dị ấy chính là niềm vui, là sự tin tưởng vào các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bởi không chỉ riêng ông, mà nhiều gia đình đã “an cư lạc nghiệp” ở vùng đất mới, cuộc sống được nâng cao hơn.
Ngay cạnh nhà ông Bùi Như Khuê, anh Lê Đình Quyền cũng ổn định cuộc sống mới trong căn nhà kiên cố nằm ven sông Mông Dương. Đây cũng là mong ước từ rất lâu của hai vợ chồng anh Quyền. Anh chia sẻ: Vợ chồng tôi chỉ là công nhân, trước sống ở ven đồi, cách đường chính khoảng 500m. Dù biết mưa lũ nguy hiểm nhưng gia đình không có điều kiện nên luôn sống trong thấp thỏm mỗi khi mùa mưa đến. Cái năm xảy ra trận mưa lụt lịch sử, ăn một bát cơm cũng nơm nớp, sợ nước ngập rồi lo chạy đồ đạc. Nhưng nay được chuyển đến nơi ở mới thoáng đãng, khang trang và vững chắc hơn, nhất là các con được an toàn, đi học thuận tiện, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi.
Đợt mưa lụt lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 đã gây thiệt hại nặng nề cho 105 hộ dân ở rải rác tại các tổ 1, 2, 3, khu 4, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả). Ngay sau khi sự việc xảy ra, TP Cẩm Phả đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với phường Mông Dương tổ chức thực hiện kiểm đếm, lên phương án chuyển họ đến nơi ở mới. Số tiền được chi trả cho các hộ dân là 97,9 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Công ty CP Than Cọc Sáu.
Nhớ lại những tháng ngày chống chọi với trận “đại hồng thủy” năm ấy, có lẽ, người dân sẽ vẫn còn ngậm ngùi trước những thiệt hại, khó khăn mà mưa lũ gây ra. Nhưng vượt qua tất cả những mất mát ấy, có một điều không thể không nhắc đến, chính là tinh thần đoàn kết, sẻ chia, “tương thân tương ái” mà đồng bào cả nước dành cho Quảng Ninh.
Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong 3 tháng phải bố trí tái định cư cho người dân có nhà bị sạt đổ, vùi lấp.
Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã trích 4,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ cứu trợ của tỉnh hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại. Ông Phạm Ngọc Lự, Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương cho biết: “Thời điểm đó, đã có hàng chục tấn gạo, hàng nghìn thùng mỳ tôm, nước uống, tiền mặt và cơ số các vật dụng sinh hoạt khác trong khắp cả nước được vận chuyển đến Mông Dương, giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Chỉ sau 2 tuần, 64 hộ gia đình bị ảnh hưởng của phường Mông Dương đã ổn định cuộc sống với đầy đủ vật dụng cần thiết, những hộ gia đình còn lại đã tự tìm được chỗ ở tạm.
Cùng với sự chung tay của cộng đồng, Quảng Ninh cũng tự lực, đoàn kết vươn lên. Sức mạnh của tinh thần “Kỷ luật – Đồng tâm” được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. UBND tỉnh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Tỉnh cũng đã chỉ đạo hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại vật nuôi do đợt mưa lũ này, để mua con giống với mức hỗ trợ 25.000 đồng/con gia cầm; 1.200.000 đồng/con lợn; 15.000.000 đồng/con trâu hoặc bò, ngựa; đồng thời chỉ đạo của địa phương tập trung hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất ngay sau khi mưa lũ kết thúc.
|
|
Sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện khẩn cấp, đó là xây dựng Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, tổng nhu cầu di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm trên địa bàn 12 địa phương thuộc tỉnh là 2.106 hộ được thực hiện theo 3 giai đoạn: giai đoạn năm 2016, giai đoạn năm 2017-2018 và giai đoạn năm 2019-2020 (2 địa phương không có hộ dân cần di dời là thành phố Móng Cái và thị xã Quảng Yên).Đến hết ngày 31/12/2018, toàn tỉnh hoàn thành 100% kế hoạch di dời, đề đích sớm 2 năm so với kế hoạch đặt ra. Các hộ dân sau khi di dời đã ổn định đời sống.
Đây có thể nói là nỗ lực, cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm. Nhất là, trong điều kiện tỉnh Quảng Ninh đang được đánh giá là địa phương chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, liên tiếp phải chịu các hình thái thời tiết cực đoan, trong đó có mưa lớn kéo dài, gió, bão...
5 năm đã trôi qua, trận mưa lụt lịch sử năm nào cũng trở thành quá khứ. Người dân ở những vùng “rốn lũ” đã ổn định cuộc sống. Với họ, bình yên chính là hiện tại và tương lai. Còn với các cấp chính quyền, những kinh nghiệm ứng phó phòng chống mưa lũ chính là bài học quý giá trước sự biến đổi bất thường của thời tiết, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn luôn chủ động, sẵn sàng, bảo vệ sự an toàn và bình yên cho nhân dân.
Ngày 31/3, kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Ninh biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết dành 1000 tỷ đồng để đầu tư các trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm bệnh Covid-19; công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bị mất việc do đại dịch Covid-19… với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh là địa phương thứ hai trong cả nước chính thức có cơ chế hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
|
|
Đến thời điểm này nhìn lại những ngày tháng chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 thấy rằng, truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của người Quảng Ninh đã tạo nên những thắng lợi "kép" trong cuộc chiến. Tỉnh vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng của người dân, thực hiện tốt trọng trách quốc gia, vừa đảm bảo giữ ổn định phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, góp phần cùng cả nước hạn chế thấp nhất những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh tác động, gây ra. Điều đáng trân quý hơn cả đó là những tấm lòng của người dân Quảng Ninh, tinh thần đoàn kết lan tỏa tạo thành những lá chắn thép trước dịch bệnh.
Đó là, trong bối cảnh sản xuất cả thế giới bị đình trệ do dịch bệnh, thì ở Quảng Ninh năm 2020 hàng vạn thợ mỏ vẫn lên mỏ, xuống lò, thi đua lao động sản xuất làm ra thật nhiều than để bù đắp cho sự sụt giảm của các ngành kinh tế khác. Hơn 100.000 thợ mỏ được đảm bảo an toàn tuyệt đối trước dịch bệnh, từ Quảng Ninh sẽ sản xuất 41 triệu tấn than nguyên khai trong năm 2020, đảm bảo cung cấp cho các ngành sản xuất nhiệt điện, phân bón, xi măng trong nước.
|
|
Rồi những ngày đầu dịch dã, người dân ở thành phố vùng biên Móng Cái, ở các huyện miền núi biên giới Hải Hà, Bình Liêu đã không di cư về sâu trong nội địa để làm khó cho kiểm soát tình hình dịch bệnh. Là chủ các doanh nghiệp đã quyết định dành toàn bộ khách sạn làm nơi cách ly người Việt Nam về nước qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái dù rằng đang là những ngày Tết. Là các cô giáo, các cán bộ văn phòng các xã, phường tình nguyện làm công tác hậu cần phục vụ cho đồng bào ở các khu cách ly. Là những chiến sỹ áo trắng, chiến sỹ quân hàm xanh căng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Là hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh dành hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để không ai bị bỏ lại phía sau.
Và đặc biệt đó là một Quảng Ninh sẵn sàng vì cả nước, bảo vệ tuyệt đối an toàn, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Quảng Ninh là cảng hàng không duy nhất ở phía Bắc thực hiện đón các chuyến bay quốc tế không thường lệ trong suốt thời kỳ dịch dã, những chuyến bay nặng nghĩa đồng bào, là thương hiệu, uy tín của quốc gia đối với quốc tế, với các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài...
Ông Đào Duy Hảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Cẩm Phả cho biết: Chung tay cùng với tỉnh phòng chống dịch bệnh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế, trong suốt thời gian qua các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cẩm Phả đã rất cố gắng, nỗ lực để đảm bảo việc làm ổn định, thu nhập cho người lao động, góp phần giữ ổn định trật tự, an sinh xã hội. Tiếp tục hành động quyết liệt hơn nữa, Hiệp hội đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp gần 1 tỷ đồng hỗ trợ cùng tỉnh thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Có những giai đoạn của cuộc chiến với giặc Covid-19, các doanh nghiệp của thành phố cũng đã xác định quyết tâm dù có khó khăn đến mấy, có phải sử dụng đến tài sản gia đình, cá nhân để giữ ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động thì cũng sẵn sàng. Tất cả chúng ta quyết tâm, đồng lòng, đoàn kết chắc chắn sẽ chiến thắng dịch bệnh sớm, giữ ổn định và tiếp tục phát triển.
2 biến cố lịch sử xảy ra trong vòng 5 năm trở lại đây, thiên tai, dịch bệnh dù có khốc liệt đến đâu nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí khắc phục khó khăn, chủ động ứng phó, Quảng Ninh đã vượt qua những thách thức mang yếu tố an ninh phi truyền thống mang tính chất toàn cầu.
Hoàng Quỳnh
Trình bày: Hải Anh
Với vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, các hình thái kinh tế - xã hội (đồng bằng, miền núi, biên giới, hải đảo; du lịch, dịch vụ, công nghiệp), Quảng Ninh phải đối mặt với thách thức giữa phát triển nhanh, bền vững với gia tăng khoảng cách giàu nghèo và biến đổi khí hậu. Thách thức đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng: Vừa phải phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, vừa phải chủ động góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ một cách thường xuyên, trực tiếp ở một địa bàn tiền tiêu của Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường và sự thách thức của những hình thái phức tạp an ninh phi truyền thống.
|
|
Những biến cố mang tính lịch sử như đợt lũ lụt năm 2015, dịch bệnh Covid-19 năm 2020 là sự cảnh báo rất rõ ràng để Quảng Ninh nhận thức sâu sắc hơn về tốc độ lan tỏa và phạm vi ảnh hưởng của các yếu tố an ninh phi truyền thống luôn thường trực, đe dọa sự ổn định, phát triển và ngày càng diễn biến phức tạp.
Vừa thích ứng, vừa có giải pháp ứng phó hiệu quả trong những năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Tỉnh đã thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc như: Xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình; dành nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho vùng dân tộc, miền núi của tỉnh về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, y tế, giáo dục, việc làm. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, bảo vệ và phát triển rừng vành đai đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”; đưa dân ra sinh sống ổn định và đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần thuộc huyện Cô Tô... Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống cảng biển và cảng lưỡng dụng trên các tuyến đảo được đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hoàn thành và đưa vào sử dụng 9 khu neo đậu, củng cố đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ 304 chiếc; hình thành 20 mô hình liên kết sản xuất tại các địa phương Vân Đồn, Hải Hà, Quảng Yên, Cẩm Phả.
|
|
Cùng với đó, tỉnh thực hiện củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc, gắn với thế trận các lực lượng của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 đóng chân trên địa bàn. Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo, chủ động nắm tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Ưu tiên, hỗ trợ nguồn lực dành cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ, thống nhất; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ các doanh nghiệp và cấp xã sát thực tế, bảo đảm an toàn. Duy trì thực hiện nghiêm túc các hiệp định, quy chế bảo vệ biên giới, cửa khẩu.
Những giải pháp trên đã giúp cho an ninh, chính trị được giữ vững, an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo được tăng cường, bảo đảm. Công tác bảo vệ bí mật nhà nước được quan tâm, chấn chỉnh. Chủ động đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; nắm chắc tình hình, đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành, công khai hóa các hội, nhóm, tổ chức chính trị đối lập, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, các mục tiêu, công trình trọng điểm của tỉnh. Trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm được triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét. Kịp thời đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, kinh tế, môi trường, tham nhũng, chức vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan người nước ngoài; xử lý nghiêm các vi phạm về than, khoáng sản, đấu tranh mạnh với tệ nạn xã hội. Kết quả điều tra, khám phá các vụ án đạt tỷ lệ cao; tội phạm về hình sự được kiềm chế. Trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông từng bước được giảm thiểu, kéo giảm cả ba tiêu chí. Công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn được tăng cường, thực hiện tốt phương châm “ba trước”, “bốn tại chỗ”.
|
|
Lực lượng vũ trang của tỉnh được xây dựng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng các đơn vị thường trực, ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị tuyến biên giới, biển đảo. Thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân hằng năm; chú trọng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao; lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, duy trì hoạt động các trung đội dân quân cơ động, dân quân tự vệ biển, tiểu đội dân quân thường trực biên giới. Chăm lo xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, toàn diện, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ; thực hiện đúng lộ trình bố trí công an xã chính quy. Đi đầu thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy địa phương, cơ sở. Hiện có 23 đồng chí cán bộ biên phòng tăng cường cấp ủy (phó bí thư) của 23 xã, phường, 5 đồng chí (đồn trưởng hoặc chính trị viên) tham gia cấp ủy 5 huyện, thành phố biên giới, biển đảo (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Vân Đồn, Cô Tô).
|
|
Để giải quyết và ứng phó hiệu quả với tác động của an ninh phi truyền thống trong bối cảnh ở địa bàn có vị trí địa chiến lược về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, tỉnh Quảng Ninh xác định một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.
Cụ thể, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của địa bàn có đường biên giới trên bộ, trên biển, tỉnh sẽ củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững mạnh, toàn diện; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nhất là địa bàn chiến lược, trọng điểm tuyến biên giới, biển đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm của Đảng về “đối tác”, “đối tượng” tạo thế đan xen lợi ích; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới, biển đảo; triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các nghị quyết của Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, an ninh quốc gia trong tình hình mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, công chức và toàn dân. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, nòng cốt là lực lượng thường trực quân đội, biên phòng, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức chiến đấu cao; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao và lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Xây dựng lực lượng công an xã chính quy ngang tầm nhiệm vụ.
|
|
Đối với những tác động xấu từ hiểm họa của an ninh phi truyền thống đối với phát triển kinh tế - xã hội sẽ được ứng phó bằng việc kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với lực lượng vũ trang, bảo đảm chính sách hậu phương quân đội và công an. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, ổn định đời sống, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng khu vực biên giới vững mạnh gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới. Hỗ trợ ngư dân xây dựng các đội tàu đánh bắt xa bờ đủ mạnh để bám biển, kết hợp sản xuất với bảo vệ chủ quyền biển đảo; quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đất quốc phòng. Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; tiếp tục đề xuất cơ chế, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống đường tuần tra, kè sông, suối, đường ra các mốc biên giới.
Ngăn ngừa, làm hạn chế tác động của an ninh phi truyền thống đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp, tỉnh Quảng Ninh, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng khoa học, thiết thực, kịp thời và hiệu quả. Tăng cường dự báo, chủ động nắm bắt, xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội tạo sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời định hướng phù hợp; tổng kết thực tiễn, tổ chức các diễn đàn trao đổi về những vấn đề phức tạp, còn có nhận thức khác nhau. Chủ động nắm chắc và dự báo sát, đúng tình hình địa bàn, biên giới, đối tượng từ sớm, từ xa; kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; phòng chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn khủng bố, phá hoại trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
|
|
Bảo đảm an ninh chính trị, chú trọng an ninh mạng, an ninh kinh tế, xã hội, tôn giáo, môi trường, tài chính - tiền tệ, an ninh con người, an ninh trên các địa bàn trọng điểm. Chủ động ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường, nguồn nước, các tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuẩn bị đồng bộ, chu đáo các phương án, kế hoạch, không để bị động, bất ngờ. Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn xã hội, tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, ma túy, sử dụng vũ khí nóng, “tín dụng đen”, công nghệ cao; tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản, môi trường... Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế, giảm mạnh tai nạn giao thông, tai nạn lao động, cháy, nổ; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh; nâng cao ý thức, văn hóa pháp luật; tạo môi trường ổn định, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngọc Lan
Đồ hoạ: Hải Anh
Interactive: Tất Đạt
Ý kiến ()