Quảng Ninh duy trì đà tăng trưởng
Phát huy những kết quả của việc thực hiện thành công mục tiêu kép trong 2 năm 2020, 2021, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, KT-XH của Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh hoàn thành toàn diện các mục tiêu cả năm 2022.
Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế
Nhằm tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, tỉnh đã chủ động triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Với chiến lược bài bản, thần tốc, đồng bộ, Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 diện rộng toàn dân mũi 1, 2, 3, bảo đảm tuyệt đối an toàn, hiệu quả. Đồng thời, là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, phấn đấu hoàn thành cơ bản trước ngày 5/9/2022.
Hiện tỉnh đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 trên toàn địa bàn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan có thẩm quyền, phù hợp với thực tế địa phương. Việc đi đầu thực hiện thành công chiến lược vắc-xin đã tạo hiệu quả rõ rệt, giảm sâu ca mắc mới, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch nhanh chóng phục hồi.
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, bài bản, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 của Quảng Ninh đạt 10,66%, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát huy tối đa vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đạt 12,04%, chiếm 55,7% trong GRDP của tỉnh. Đáng chú ý, các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực công nghiệp - xây dựng là công nghiệp khai khoáng, xây dựng, lại ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong những tháng đầu năm. Cụ thể, ngành khai khoáng tăng 15,16%, ngành xây dựng tăng 17,3%.
Ngay sau khi mở cửa trở lại ngành du lịch từ 15/3, Quảng Ninh đã tận dụng tối đa thời cơ, triển khai đa dạng hoạt động kích cầu du lịch, tổ chức hàng loạt sự kiện lớn như: SEA Games 31, lễ hội Carnaval Hạ Long, Festival áo dài… Qua đó, thu hút 5,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 12.129 tỷ đồng, góp phần đưa khu vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng 11,15%.
Với mục tiêu thu NSNN năm 2022 đạt 52.600 tỷ đồng, từ tỉnh đến các sở, ngành và địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, sâu sát nhiều giải pháp tăng thu ngay từ đầu năm. Nhờ đó, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 27.190 tỷ đồng, bằng 52% dự toán năm, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động XNK ước đạt 6.450 tỷ đồng, bằng 61% dự toán năm, tăng 29% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 20.740 tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm, tăng 14% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được đẩy mạnh. Quảng Ninh đã kết nối chính thức hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cung cấp 3 dịch vụ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đến hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đối với 5 lĩnh vực; hoàn thành giai đoạn 1 của hóa đơn điện tử với 9.327 doanh nghiệp đăng ký sử dụng...
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt trên 11%
Năm 2022, Quảng Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt trên 11%, tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, thu hút khách du lịch đạt tối thiểu 10 triệu khách… Để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, giữ vững thành quả phòng chống dịch, thực hiện hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo đi vào hoạt động sớm nhất, tháo gỡ tối đa khó khăn cho ngành than, điện, để tận dụng cơ hội thị trường tăng tối đa sản lượng, kịp thời giải quyết vướng mắc cho các dự án về mặt bằng thi công, mỏ đất san lấp, đường công vụ…
Quảng Ninh sẽ triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu du lịch. Trong đó, chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, tập đoàn du lịch; hoàn thiện đề án “Phục hồi ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm, thủy sản ở mức thấp với 3,28%. Trong những tháng còn lại của năm, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng; kiên quyết xóa bỏ các lồng bè phao xốp gây ô nhiễm môi trường trên biển; phấn đấu trồng trên 1.100ha rừng lim, giổi, lát…
Song song với đó, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng công trình, dự án, tiến độ. Phấn đấu đến hết quý III, tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 80% kế hoạch vốn, đến 31/12, đạt 100% kế hoạch vốn bố trí dự toán đầu năm.
Tỉnh sẽ kiểm điểm các chủ đầu tư nếu sau ngày 30/6 không giải ngân được 50% kế hoạch vốn giao đầu năm, nhất là dự án chuyển tiếp. Các địa phương, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu không hoàn thành theo yêu cầu chung của tỉnh. Sau ngày 30/6, tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư đối với dự án chậm triển khai, không đảm bảo tỷ lệ giải ngân cho dự án có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả công trình, thúc đẩy KT-XH địa phương.
Ý kiến ()