20
18
/
1015766
Phía sau cánh cổng trại tạm giam
longform
Phía sau cánh cổng trại tạm giam

 

Bên trong Trại tạm giam Công an Quảng Ninh là cả một thế giới thu nhỏ với hàng nghìn con người vì lỗi lầm, phạm pháp mà bị hạn chế quyền công dân. Bởi thế, để đảm bảo an toàn trong trại, các CBCS luôn phải căng mình làm nhiệm vụ, vừa trấn áp, vừa khuyên can, cảm hóa các đối tượng thực hiện đúng những quy định của pháp luật về điều tra, tố tụng và thi hành án.

 

Với các cán bộ Trại tạm giam Công an Quảng Ninh, công việc của họ là ngày ngày tiếp xúc, quản lý các phạm nhân, nhiệm vụ khá nặng nề. Sau 8 tiếng làm việc, ca trực ngoài giờ lại tiếp tục với những người được phân công, kéo dài từ sau tiếng kẻng lúc 16h cho đến 22h.

20h30, toàn đội trực gồm 17 đồng chí tập hợp dưới sân trại, sau đó mở cửa kiểm tra các buồng có người tạm giữ, tạm giam mới nhập trại và những phạm nhân án tử hình. Trung tá Nguyễn Văn Huy, quyền Đội trưởng Đội quản giáo, cho biết: “Đây là công việc hằng ngày của đội trực, nhằm nắm tình hình số đối tượng mới vào, vừa động viên tinh thần, cũng như nhanh chóng phát hiện những biểu hiện bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra hậu quả xấu”.

22h, một hồi kẻng vang khắp trại báo hiệu đã đến giờ ngủ của các phạm nhân. Tổ trực nhắc nhở một số buồng giam vẫn đang chuyện trò, có vài tiếng hát buồn thê lương văng vẳng trong khu giam tử tù. Trung úy Hà Văn Bình, cán bộ Đội quản giáo, kể: “Họ đều là những tử tù ở trại mấy năm rồi mà chưa đi thi hành án, chắc cũng vì buồn quá mà cất tiếng hát như trải lòng mình, nhiều khi như lời hối hận muộn màng…”. 

Theo trung úy Bình, ca trực đêm 2 tiếng/ca sẽ bắt đầu từ 22h. Giữa đêm, tiếng còi xe đặc chủng vọng từ phía cổng, đó là dấu hiệu một người mới sắp nhập Trại.

Đang trong mùa dịch Covid-19 nên tất cả các xe chở người bị tạm giữ, tạm giam nhập Trại đều được phun thuốc khử trùng khi đi qua cổng. Sau khi tổ trực an ninh kiểm tra tư trang cá nhân và thân thể phạm nhân, tổ trực y tế sẽ khám sức khỏe ban đầu và lấy thông tin khai báo dịch tễ. Phạm nhân được đưa vào khu cách ly tạm thời trong 14 ngày.

0h, ca trực kết thúc, trung úy Bình chia sẻ: "Nếu các ca sau có việc đột xuất, bất thường thì toàn đội trực đều phải có mặt để giải quyết. Vì thế, dẫu về phòng, nhưng giấc ngủ chập chờn, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng nhận lệnh, bật dậy bất cứ lúc nào".

0h30, từ khu nhà giam có tiếng hô rất to: “Báo cáo cán bộ! Có người cấp cứu…”. Ngay lập tức, những bước chân vội vã dồn về; tiếng loạch xoạch chìa khóa tra vào ổ, tiếng then sắt khô khốc rít lên qua mấy lớp cửa.

Phía trong phòng giam hẹp, tối, đối tượng Đỗ Đức K (buồng giam số 15, khu A1) đang nhăn nhó ôm bụng. K vốn trú tại TP Hạ Long, có 6 tiền án và hiện vừa bị tuyên án 15 tháng tù vì tàng trữ, sử dụng ma túy. K nhanh chóng được đưa lên Bệnh xá. Khi biết bác sĩ không phát hiện ra bệnh, đối tượng này mới nói thật là do thời tiết quá nóng bức, trong phòng ngột ngạt, cảm thấy khó thở, nên giả bệnh để được ra ngoài hít thở khí trời. 

2h, tiếng cán bộ trực camera giám sát vang lên trong bộ đàm: "Buồng giam số 2, khu giam A12, người bị kết án tử hình có biểu hiện bất thường, đội trực quản giáo kiểm tra ngay".

Rất nhanh sau tiếng thông báo, cánh cửa buồng giam số 2, khu giam A12 được mở ra. Trương Quang Q, đối tượng bị kết án tử hình về tội giết người và mua bán ma túy đang ngồi trên sàn, trùm chăn kín mít, miệng lẩm bẩm những tiếng vô nghĩa. Cán bộ trực lật tấm chăn ra gọi Q, nhưng y vẫn nhắm nghiền mắt, miệng lẩm bẩm không ngớt. Chỉ đến khi cán bộ vỗ vào vai hỏi lại lần nữa, lúc này y mới ngơ ngác, nói như van nài: “Ôi cán bộ, cán bộ đuổi giúp tôi mấy người trên tường kia đi…”. Q bị ám ảnh vì tội ác của mình gây ra, nên thường tưởng tượng ra hình ảnh người đã bị mình giết hại về kêu than, khóc lóc đòi mạng.

8h, ca trực kết thúc. Một ngày làm việc mới lại bắt đầu.

Mỗi đêm, 2 cán bộ trực camera giám sát hơn 60 màn hình ở các buồng giam tử tù và buồng giam trọng án, chỉ cần một biểu hiện bất thường, dù là nhỏ nhất cũng phải báo ngay tổ trực quản giáo. Trên 8 chòi canh và vọng gác xung quanh Trại là lực lượng gác của Đội bảo vệ. 16 cán bộ quản giáo luân phiên đi tuần liên tục trong các khu giam. Các bộ phận trực ban, y tế, hồ sơ, lái xe… luôn trong tư thế sẵn sàng nhận phạm nhân mới. Cứ như vậy, một ca trực của Trại có khoảng 30 cán bộ làm nhiệm vụ.

Trung tá Nguyễn Văn Huy cho biết: Trong trại, những đối tượng mới được đưa vào còn hoang mang, lo lắng, chán chường; không ít trường hợp sợ quá mà tìm cách tự sát, nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Có những đối tượng chống đối, không chấp hành mệnh lệnh, hung hăng, chửi bới, xúc phạm cán bộ, thậm chí có đối tượng nhiễm HIV cố tình lao vào cắn xé, tấn công, hoặc đe dọa cán bộ. Số bị kết án tử hình cũng là đối tượng thường xuyên có những hành vi chống phá.

Mặc dù đã lâu, nhưng trung tá Huy không thể quên được đối tượng cộm cán, nhiễm HIV, có biệt danh Tiến “điên”, có nhiều tiền án và đều liên quan đến ma túy. Bị đưa vào khu giam đối tượng trọng án, thế nhưng, hắn không chấp hành, quyết chống đối, không bước vào buồng giam, mà dùng mảnh nhựa cứng và cắn tay để đe dọa, khiến các cán bộ phải rất khó khăn khuyên can, đồng thời dùng các biện pháp nghiệp vụ, hắn mới chịu khuất phục.

Càng ở lâu trong tù, sự thay đổi của con người càng trở nên rõ nét. Có những đối tượng bị kết án tử hình, tạm giam 7-10 năm nhưng chưa được thi hành án, giữa 4 bức tường lạnh lẽo, chật chội của trại giam, phần người dường như ngày càng mất đi. Họ dần trở nên côn đồ, máu lạnh, nhiều chiêu trò, thủ đoạn. Chính những điều đó gây khó khăn rất nhiều cho cán bộ quản giáo.

Phía dưới gương mặt sắc, ráo hoảnh của Khúc H. (đối tượng SN 1979, trú tại TP Hà Nội) vẫn in hằn vết sẹo dài quanh cổ. Đó là những gì còn sót lại sau cuộc tự tử bất thành lúc mới nhập Trại, rất may là bạn tù phát hiện, được cán bộ trại giam đưa đi cấp cứu kịp thời. Từ khi mới 14 tuổi H. đã biết đến những buồng giam; đã 3 lần thay tên đổi họ để trốn truy nã sau khi tham gia một vụ giết người 11 năm trước. Với 4 tiền án, không thiết sống vì nghĩ mình sẽ bị tử hình, nên hắn tìm đến cái chết.

"Chính nhờ nơi này, nhờ cán bộ Tuấn và các cán bộ an ủi, cho tôi được gặp lại vợ con mình, để tôi thấy cuộc đời mình vẫn chưa phải đã kết thúc" - H. ngậm ngùi.

Trực tiếp quản lý, cũng là người đem đến cho H. cuộc đời thứ hai là thượng úy Dương Quốc Tuấn, cán bộ Đội quản giáo đã hết lòng động viên, chăm sóc, khuyên can để H. tiếp tục sống, đợi ngày hoàn lương sau khi chịu án 30 năm tù.

Thượng úy Tuấn cho biết: Trong trại, nhất là trong khu giam các đối tượng trọng án, có rất nhiều đối tượng như Khúc H. Vì mức án họ phải chịu thường là chung thân, tử hình, nhẹ cũng 20-30 năm tù, nên diễn biến tâm lý thường rất bất ổn. Chúng tôi phải tìm hiểu tâm lý, hoàn cảnh gia đình của các đối tượng, rồi đánh trúng vào điểm yếu để động viên họ không nghĩ đến cái chết, cảm hóa để họ phối hợp với lực lượng chức năng điều tra và thi hành án.

Với các phạm nhân trong Trại tạm giam, cán bộ quản giáo vừa là người quản lý, trông coi, giáo dục, lại vừa như người thân, như anh em, lúc lại như người cha, người mẹ trong gia đình (đối với những can phạm ít tuổi). 

Cánh cửa buồng giam khép lại, thế giới của người bị tạm giam chỉ còn là 4 bức tường với chút ánh sáng le lói qua khung cửa nhỏ, tiếng bạn tù, tiếng lòng ám ảnh và tiếng nhắc nhở, hỏi han, chia sẻ thông tin về diễn biến cuộc sống bên ngoài của cán bộ quản giáo. Phía sau cánh cửa lạnh lùng ấy là sự đối lập của ánh sáng và bóng tối, của thiện và ác, của cuộc sống tự do và ngục tù. Và những cán bộ Trại tạm giam chính là những nhân tố vô cùng quan trọng trong quá trình điều tra, phá án, cũng như làm sống lại cả một đời người...

Hằng Ngần - Thu Hường
Trình bày: Tất Đạt

[links()]

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu