20
18
/
1100318
Phát triển kinh tế ở khu vực phía Tây
longform
Phát triển kinh tế ở khu vực phía Tây
 
Phát triển kinh tế ở khu vực phía Tây

KKT ven biển Quảng Yên đã được xác định là động lực tăng trưởng mới ở tuyến hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh. Mục tiêu của KKT này là xây dựng và phát triển thành KKT ven biển đa ngành, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại, thông minh của Quảng Ninh và khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Ảnh với chú thích

Ảnh trong văn bản

Tháng 9/2020, Chính phủ chính thức phê duyệt đồng ý thành lập KKT ven biển Quảng Yên. Nếu quan tâm đến sự phát triển của KKT này, có thể thấy, Quảng Ninh đã chuẩn bị một nền móng khá vững chắc. Bởi, từ giai đoạn đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh đã “nung nấu” ý định sẽ tập trung đầu tư từng bước để định hình vùng ven biển Quảng Yên trở thành KKT phát triển đồng bộ, dựa trên những lợi thế sẵn có, cũng như tạo trợ lực để tỉnh chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.

Theo đó, từ năm 2012 trở đi, KKT này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển KCN, cảng biển và dịch vụ cảng, như: Tập đoàn Amata (Thái Lan) nghiên cứu đầu tư dự án xây dựng Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao; Tập đoàn Quốc tế CDC, Công ty Middle East (Singapore), Công ty Infra Asia Investment (Hong Kong) đã thành lập Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong để đầu tư Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và KCN tại khu vực Đầm Nhà Mạc; Công ty International Port Engineering and Management (Bỉ) và Công ty Infra Asia Investment (Hong Kong) đã thành lập Công ty CP KCN Tiền Phong để đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN và cảng Nam Tiền Phong;…

TX Quảng Yên là địa phương có nhiều KCN nhất tỉnh 5/11 KCN, hội tụ tốt nhất các điều kiện để phát triển theo định hướng trở thành khu kinh tế ven biển thông minh, hiện đại. Còn nhớ, tháng 3/2018, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Thái Lan, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên, cho các nhà đầu tư Thái Lan.  Dự án được triển khai trên diện tích 714ha thuộc địa bàn TX Quảng Yên, thực hiện trong 5 giai đoạn, tổng vốn đầu tư là 3.534,9 tỷ đồng (tương đương 155,59 triệu USD). Đây là dự án phát triển hạ tầng KCN đầu tiên của nhà đầu tư Thái Lan cũng là dự án đầu tư hạ tầng KCN thứ 4 do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2014-2018. Dự án có mục tiêu là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Sông Khoai và thu hút các dự án đầu tư vào KCN; thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh song song với việc đảm bảo sự cân bằng xã hội và đặc biệt là bảo vệ môi trường. Trong đó, đối tượng khách hàng của KCN sẽ là các dự án thuộc lĩnh vực: Công nghệ chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ phần mềm…

Ảnh với chú thích

Chia sẻ trong buổi lễ trao giấy chứng nhận, bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Amata Việt Nam PCL (Tập đoàn Amata), cho biết: Quảng Ninh là địa phương thứ 2 sau Đồng Nai được Tập đoàn lựa chọn để đầu tư dự án. Tiềm năng phát triển tại các KCN, KKT của tỉnh nói chung và tại TX Quảng Yên còn rất lớn. Chúng tôi đã lựa chọn Quảng Ninh, bởi địa phương đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cần thiết mà nhà đầu tư chúng tôi mong muốn. Đó là yêu cầu về mặt bằng phát triển dự án tốt, chính sách tốt, hệ thống xử lý thủ tục hành chính nhanh gọn…

Không chỉ thu hút nhà đầu tư ngoại, TX Quảng Yên cũng dần trở thành địa điểm hấp dẫn đầu tư với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư lớn trong nước như: Công ty CP sửa chữa tàu biển NOSCO-VINALINES đầu tư dự án nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu biển; Công ty CP Vận tải và Thương mại Xuân Trường Hai thực hiện dự án đầu tư cảng tổng hợp và khu liên hiệp thu mua, chế biến bảo quản tiêu thụ nông thủy sản; Công ty TNHH MTV sửa chữa ô tô Hải Phòng thực hiện dự án đầu tư Dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Bạch Đằng…  Các dự án đã tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, và trong tương lai chắc chắn sẽ góp phần tăng xuất khẩu, tăng thu ngân sách, tạo hình ảnh tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời góp phần hình thành cụm liên kết ngành tại KKT Quảng Yên nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Mặc dù vậy, Quảng Ninh đã sớm nhìn nhận rõ, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, khiến KKT tại TX Quảng Yên vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về thâm nhập và mở rộng thị trường, về thu hút đầu tư giữa các địa phương trong nước, cũng như các nước trong khu vực,… Để nhanh chóng nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển và góp phần bứt phá chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh nói riêng cũng như của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung, Quảng Ninh đã sớm triển khai xây dựng Đề án Thành lập KKT ven biển Quảng Yên, một cách bài bản, khoa học. Đề án đã báo cáo, lấy ý kiến các Bộ, ban, ngành Trung ương và được đánh giá cao.

Ảnh trong văn bản

Tháng 9/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg về việc thành lập KKT ven biển Quảng Yên. Quyết định đã mở ra đường hướng phát triển KKT ven biển Quảng Yên theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, là động lực tăng trưởng cho cả tuyến hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh.

Ảnh với chú thích

Theo đó, KKT ven biển Quảng Yên có diện tích 13.303ha gồm: Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên có diện tích 6.403,7ha; trong đó, TP Uông Bí là 2.551ha thuộc 5 phường (Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh, Quang Trung và Trưng Vương); TX Quảng Yên là 3.852,7ha thuộc 8 xã, phường (Đông Mai, Minh Thành, Sông Khoai, Cộng Hòa, Hiệp Hòa, Yên Giang, Tân An và Hoàng Tân). Khu dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc thuộc TX Quảng Yên, với diện tích 6.899,3ha, thuộc 7 phường, xã: Nam Hòa, Yên Hải, Phong Cốc, Phong Hải, Tiền Phong, Liên Vị và Liên Hòa.

Ảnh với chú thích

Theo quyết định thành lập được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển chủ yếu của KKT ven biển Quảng Yên nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các khu kinh tế ven biển như: Vân Đồn, Đình Vũ - Cát Hải, Thái Bình nhằm phát triển nhóm các khu kinh tế ven biển để phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng khu kinh tế và xây dựng mối liên kết về phát triển KT-XH giữa các khu kinh tế với khu vực lân cận. Đồng thời, xây dựng và phát triển thành khu kinh tế ven biển đa ngành, hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại, thông minh của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đồng bằng sông Hồng. Tạo môi trường sống hiện đại thông qua phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trung tâm nghiên cứu và phát triển; tạo việc làm, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động.

Ảnh với chú thích

Chủ tịch UBND TX Quảng Yên Trần Đức Thắng cho biết: Ngay sau khi KKT Quảng Yên được thành lập, nhiệm vụ của Quảng Yên và các đơn vị chức năng là khẩn trương phối hợp thực hiện các nhiệm vụ về công tác quản lý KKT, thực hiện các quy hoạch theo quy định, thu hút đầu tư. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ GPMB, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư vào các KCN trên địa bàn thị xã; cùng với đó là đẩy mạnh tiến độ các dự án, công trình động lực như các tuyến đường kết nối, hạ tầng khu đô thị,…

Theo lộ trình phát triển, giai đoạn I (từ năm 2020 - 2021) xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ cho dự án trong khu kinh tế; giai đoạn II (từ năm 2021-2025) tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và các khu chức năng của khu kinh tế; giai đoạn III (từ năm 2026 - 2035) đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của toàn KKT ven biển Quảng Yên, từng bước hình thành đô thị thông minh.

Hồng Nhung

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu