
Phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số
Quảng Ninh đang tích cực nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Tỉnh đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị một số làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với việc đầu tư phục dựng các lễ hội truyền thống để trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch riêng có, độc đáo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những điểm sáng trong quá trình bảo tồn gắn với phát triển du lịch cộng đồng là thí điểm tại bốn làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025 theo Kế hoạch 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh. 4 làng gồm: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái); Làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn); Làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và Làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu).
Các đơn vị, địa phương tích cực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng dân tộc thiểu số như: Văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống... Một số loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được phục dựng và phát huy giá trị. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số như: Nghi lễ Cấp sắc của người Dao, Lễ hội Đại Phan của dân tộc Sán Dìu; Hội hát soóng cọ của người Sán Chỉ; nghi lễ Then của người Tày; làn điệu soọng cô của người Sán Dìu; Tục kiêng gió của người Dao; Lễ mừng cơm mới của người Tày, đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, nghi thức Then của người Tày Quảng Ninh được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nằm trong số 11 tỉnh có Then Tày, Nùng, Thái của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Đi liền với các lễ hội truyền thống là các trò chơi dân gian, các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống, trang phục, tri thức dân gian, văn hóa ẩm thực truyền thống được gìn giữ ở các làng bản. Những không gian đó được coi là “bảo tàng sống” để các du khách có các trải nghiệm khám phá. Để gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc, nhiều môn như: Đẩy gậy, đua thuyền, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... đã được đưa vào thi đấu chính thức tại các giải thể thao thường niên của tỉnh. Sở VH-TT&DL đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế, chính sách về bảo tồn, khôi phục và phát huy những môn thể thao dân tộc.
Đối với hệ thống di sản văn hóa vật thể ở vùng dân tộc thiểu số, tỉnh tiếp tục chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh; bảo tồn bản, làng truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức gìn giữ trang phục truyền thống, công cụ lao động sản xuất truyền thống, nhạc cụ đang còn lưu giữ, sử dụng trong sinh hoạt thường ngày.
Đặc biệt, tỉnh còn thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa mới sáng tạo như: Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc, Ngày hội văn hóa - thể thao tỉnh Quảng Ninh… Trong đó, có những hoạt động đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo như: Bóng đá nữ Sán Chỉ ở Bình Liêu, Hội thi Vua gà huyện Tiên Yên, Hội thi ẩm thực gà Tiên Yên. Các loại hình chợ phiên tại Hà Lâu (Tiên Yên), Lương Minh, Đồn Đạc (Ba Chẽ), Pò Hèn (Móng Cái), Đồng Văn (Bình Liêu)… không chỉ là nơi giao lưu mua bán nông sản, thủ công mỹ nghệ mà còn là sân khấu trình diễn dân ca, dân vũ, gian hàng ẩm thực dân tộc. Tất cả đã mang đến một không gian sinh hoạt văn hóa nhiều màu sắc, góp phần khẳng định dấu ấn của một vùng đất Quảng Ninh giàu bản sắc văn hóa các dân tộc.
Mô hình câu lạc bộ được củng cố, nhân rộng, thu hút đông đảo người dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia các lớp học múa, hát, học nghề truyền thống, từ đó góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn bản sắc dân tộc. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 55 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Với nền tảng chính sách rõ ràng, Quảng Ninh đang từng bước kiến tạo môi trường thuận lợi để bản sắc văn hóa dân tộc tỏa sáng, trở thành tài sản chung, nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Ý kiến ()