20
18
/
1100133
Nỗ lực đưa các anh về với Đất Mẹ
longform
Nỗ lực đưa các anh về với Đất Mẹ

Cover

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn những liệt sĩ nằm lại nơi chiến trường, rất nhiều người vẫn đau đáu một nỗi niềm khi chưa tìm thấy phần mộ người thân đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc. Với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, đã có hàng trăm hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm, quy tập, mang tới nhiều niềm vui cho các gia đình liệt sĩ khi đưa các anh về trong vòng tay ấm áp của Đất Mẹ.

Ảnh trong văn bản

Cuối đông năm 2019, ngày 3/1, tại Di tích nhà tù Khe Tù (khu phố Long Tiên, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên), nơi từng là nhà tù do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1917, diễn ra lễ động thổ, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Mặc cho cái rét buốt, mưa lạnh của núi rừng miền Đông Bắc, các cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh đầy quyết tâm bắt đầu hành trình tìm hài cốt những đồng đội đã mãi mãi nằm xuống mảnh đất này.

Cùng với Hỏa Lò, Sơn La…, Khe Tù vốn là nơi giam cầm, hành quyết, thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng trung kiên; nơi chứng kiến tội ác của quân thù và xương máu của bao chiến sĩ đã đổ xuống. Nơi đây cũng từng diễn ra trận đánh oanh liệt của các tù nhân cộng sản cùng lực lượng vũ trang huyện Tiên Yên phá hủy toàn bộ kho xăng dầu và 7 sà lan chở dầu, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm và vũ khí của thực dân Pháp (tháng 5/1949)…

Ảnh với chú thích

Trải qua hơn 70 năm, những đổi thay về địa hình, địa vật và tác động của thời tiết, khí hậu, cộng với việc các liệt sĩ bị kẻ thù vùi lấp sơ sài trong luống mộ Khe Tù, đã khiến cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, bằng tất cả sự kính trọng, tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao, các lực lượng tham gia quy tập vẫn khắc phục khó khăn, tiến hành tìm kiếm thận trọng, tỉ mỉ.

Ảnh với chú thích

Là người trực tiếp bốc, thu lượm hài cốt của những chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống nơi đây, Trung tá Vũ Quang Trà, hiện là Trợ lý Tuyên huấn Ban CHQS huyện Vân Đồn, chia sẻ: Thời điểm khai quật diễn ra vào tháng 1, trước Tết Nguyên đán, thời tiết mưa phùn. Các vị trí tìm kiếm chưa xác định được chính xác, nên anh em chúng tôi phải đào bới trên diện tích rộng. Quá trình thăm dò, tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Có những khu vực mộ tập thể chỉ còn lại cát trắng, cát đen (xương người bị phân hủy). Có những ngôi mộ khi đào lên chỉ còn xương cổ chân, xương đùi. Những di vật còn lại chủ yếu là cùm sắt, còng số 8, thìa bạc, chai lọ, dây chuyền… Vất vả là thế, nhưng chúng tôi luôn cố gắng bằng tất cả sự quyết tâm, tình cảm của những người lính, cố gắng tìm cho được đồng đội của mình.

Ròng rã gần 1 tháng trời, trên 2.500m2, cây cối, lau sậy đã được các anh phát quang, trên 9.170m3 đất đá đã được bộ đội vận chuyển, với tổng diện tích trên 12.000m2. Biết bao giọt mồ hôi, thậm chí cả những giọt nước mắt đã rơi trong suốt quá trình tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ngày tìm thấy các anh trong lòng đất cũng là lúc những người đi tìm kiếm đã thấm mệt, nhưng trên tất cả, họ có được niềm vui, sự động viên vì đã thấy được đồng đội.

Ảnh với chú thích

“Mỗi khi tìm thấy một bộ phận hài cốt, anh em chúng tôi vô cùng vui mừng, xúc động vì đã đúng hướng tìm kiếm, nhưng ai nấy đều không khỏi xót xa, tiếc thương cho đồng đội đã từng nằm lại nơi này đầy đau đớn. Điều đáng buồn là hầu hết không tìm được thân nhân cho những người đã ngã xuống, bởi thời gian đã quá lâu, dấu tích về danh tính liệt sĩ đã không còn. Khi chúng tôi tiến hành tìm kiếm, có một ông cụ chừng hơn 80 tuổi ở tỉnh Thái Nguyên cung cấp cho chúng tôi một số thông tin, bởi ông từng là tù nhân nơi đây đã trốn thoát thành công, nhưng từ đó đến nay chúng tôi không còn liên hệ được với cụ nữa, không biết cụ còn sống hay đã ra đi…” - Trung tá Trà kể lại.


Ảnh trong văn bản

Chiến tranh đã lùi xa, nhân chứng hầu như đã mất, chỉ còn 1-2 người tuổi đã cao với những thông tin không cụ thể, địa bàn trải rộng, việc tìm kiếm vô cùng vất vả. “Do đó quá trình tổ chức tìm kiếm của chúng tôi hết sức tỉ mỉ, cẩn thận, tránh trường hợp tìm qua rồi mà không phát hiện được ra. Dù đã nhiều lần tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhưng lần tìm kiếm nào cũng để lại trong chúng tôi rất nhiều cảm xúc, vừa tự hào và vừa lo lắng. Đặc biệt là đối với lần tìm kiếm tại Khe Tù” - Thượng tá Trần Văn Khởn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tiên Yên, trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Di tích nhà tù Khe Tù, xúc động chia sẻ.

Ảnh với chú thích

Sau thời gian dài tìm kiếm, ngày 28/1/2019, tại Trung đoàn 42, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 (Quân khu 3), Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ thời kỳ chống Pháp hy sinh tại nhà tù Khe Tù đã được tổ chức long trọng. Toàn bộ số liệt sĩ bị chôn trong 2 ngôi mộ tập thể trong lòng đất Khe Tù hơn nửa thế kỷ đã được lực lượng tìm kiếm cất bốc, thu gom vào 23 quách (tiểu sành); được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tiên Yên. Tiết trời đông năm ấy vẫn giá lạnh, nhưng bất kỳ ai có mặt ở buổi lễ đều cảm thấy ấm lòng hơn, vì các anh đã được về với Đất Mẹ, trang trọng, đầy trân quý như lúc các anh được quê hương chào đón khi sinh ra.

Khó khăn là thế, nhưng việc tìm kiếm và quy tập được phần mộ liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp tại Khe Tù về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ đã thực sự cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự nỗ lực, lòng biết ơn của đồng chí, đồng đội và nhân dân, những thế hệ đi sau với các chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ảnh trong văn bản

Xác định việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sâu sắc đạo lý truyền thống của dân tộc, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị, Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của các bộ, ngành trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 515 về công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 1237 và Đề án 150). Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức, các lực lượng đối với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được nâng cao. 


Ảnh với chú thích
 

Năm 2018, sau khi Ban Chỉ đạo 515 tỉnh được kiện toàn trên cơ sở Ban Chỉ đạo 1237, trực tiếp Ban đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai tổ chức thực hiện hai Đề án bằng nhiều hình thức, biện pháp đến 100% cơ sở, xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố. Nhờ đó, việc tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai bài bản, huy động sự vào cuộc của đông đảo nhân dân. 

Trên phạm vi toàn tỉnh đã tiến hành phát phiếu khảo sát, thu thập thông tin đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Cùng với đó, công tác triển khai lấy mẫu sinh phẩm hài cốt và thân nhân liệt sĩ phục vụ giám định ADN để xác định hài cốt liệt sĩ được tiến hành chặt chẽ. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 515 đã làm tốt công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Ảnh với chú thích

Tìm kiếm thông tin liệt sĩ và đưa các anh về với Đất Mẹ là cả một hành trình dài đầy gian nan nhưng cũng đầy nỗ lực của các lực lượng tham gia. Dù vất vả, nhưng lực lượng chức năng đã tích cực giúp đỡ các gia đình có nguyện vọng đưa hài cốt từ địa phương khác về nghĩa trang liệt sĩ địa phương và ngược lại. Mỗi một chuyến đi, cả những thân nhân và người tham gia không khỏi xúc động, bởi với nhiều gia đình liệt sĩ, đó là cả nỗi khắc khoải mong chờ, là ước muốn lớn nhất sau bao năm đi tìm phần mộ của người thân.

“Bao nhiêu năm nay gia đình chỉ đau đáu muốn tìm mộ anh trai tôi, để biết anh nằm xuống ở đâu chúng tôi mới an lòng. Gia đình được cán bộ của tỉnh hướng dẫn, đăng ký cho đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn để tìm. Sau những chuyến đi, chúng tôi vô cùng cảm động khi được hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm và cuối cùng đã tìm được mộ của anh tôi. Không có niềm vui, hạnh phúc nào hơn khi anh tôi mất rất lâu giờ mới tìm lại được hài cốt, cũng là mong mỏi của cha mẹ tôi khi nhắm mắt” - Bà Bùi Thị Phương (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) chia sẻ nghẹn ngào trong nước mắt.

Ảnh trong văn bản

Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đón nhận 54 hài cốt liệt sĩ từ địa phương khác chuyển về; bàn giao 65 hài cốt liệt sĩ chuyển đi địa phương khác; cung cấp thông tin 32 hồ sơ liệt sĩ cho Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Bộ Tư pháp) để khớp nối thông tin xác định hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp chứng thực.

Ảnh với chú thích

Đến tháng 5/2021, toàn tỉnh đã xác định có 4.179 mộ liệt sĩ; trong đó có 3.954 mộ liệt sĩ có hài cốt, 225 mộ không có hài cốt. Qua rà soát, xác minh kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đã xác định được 679 liệt sĩ an táng ban đầu trên địa bàn tỉnh; trong đó, 615 liệt sĩ đã được tìm kiếm quy tập trên địa bàn tỉnh, 7 liệt sĩ chưa tìm kiếm quy tập, 57 liệt sĩ chưa có thông tin kết luận.

Ảnh với chú thích
 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào, song theo đánh giá tổng thể của cơ quan chức năng, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, cần tiếp tục có thêm giải pháp mới. Thiếu tá Nguyễn Văn Lý, Trưởng Ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh), cho biết: Nhân chứng biết về thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng ít; số còn lại tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm, gây khó khăn trong cung cấp thông tin. Trong khi đó, sau nhiều lần giải thể, sáp nhập, công tác bàn giao hồ sơ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ quy tập hài cốt liệt sĩ giữa các đơn vị, địa phương cho Bộ CHQS tỉnh gặp khó, nhất là hồ sơ, danh sách liệt sĩ thời kỳ chống Pháp. Bên cạnh đó, thời gian an táng đã lâu, nhiều hài cốt đã bị phân hủy ở mức độ cao, chưa xác định được thân nhân liệt sĩ, vì thế việc giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng là một thách thức vô cùng lớn. Song còn thông tin liệt sĩ là chúng tôi sẽ còn nỗ lực tìm kiếm.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn những liệt sĩ nằm lại nơi chiến trường. Với sự nỗ lực và tấm lòng của các thế hệ hôm nay, nhiều hài cốt liệt sĩ đã được đón về cùng với các đồng đội trong lòng Đất Mẹ. Tuy thế, trong số các anh, còn nhiều người chưa rõ danh tính, còn nhiều người chưa tìm được phần mộ.

Ảnh với chú thích

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin giai đoạn 2013-2020, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh đã khẳng định: Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt và  xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là việc làm hết sức quan trọng, đáp ứng một phần nguyện vọng của nhân dân và thân nhân gia đình liệt sĩ, góp phần thực hiện, giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội; đồng thời thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa của tỉnh đối với những hy sinh, cống hiến to lớn của các liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.  Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2030 hoàn thành cơ bản Đề án 1237 và Đề án 150 giai đoạn 2021-2030. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị, phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân, nỗ lực để đưa các anh về với Đất Mẹ, trả lại tên cho những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

Ngọc Linh - Hằng Ngần

Đồ họa: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu