20
18
/
1100135
Những lớp học trong đêm ở vùng cao Bình Liêu
longform
Những lớp học trong đêm ở vùng cao Bình Liêu

Cover

Ở nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa của huyện Bình Liêu hiện nay, đều đặn vào khung giờ 20-22h từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, những lớp học đặc biệt lại sáng đèn. Gọi đặc biệt bởi đây là lớp xóa mù chữ, học viên đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, cao tuổi, ban ngày bận công việc đồng áng, nương rẫy. Để gieo được con chữ, những thầy, cô giáo, đa phần là trẻ, đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả. "Ánh sáng" từ con chữ chắc chắn sẽ góp phần tiếp tục thay đổi diện mạo những thôn, bản vùng cao của huyện miền núi, biên giới này.

Ảnh trong văn bản

Xã Đồng Tâm hiện có hơn 900 hộ dân, sinh sống rải rác tại 16 thôn. Trong đó, thôn Phiêng Sáp cách trung tâm xã khoảng 6km, điều kiện sinh hoạt của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, khi lớp xóa mù chữ được mở tại thôn (tháng 7/2021), đã thu hút được 17 học viên trong thôn tham gia.

Khác với những lớp học chữ thường thấy, ở lớp học xóa mù chữ thôn Phiêng Sáp rất đa dạng về độ tuổi. Người cao tuổi nhất gần 70, thấp nhất gần 20; có người đã ở tuổi làm ông, làm bà, nhưng lần đầu tiên mới biết đến con chữ. Tất cả họ đều mong được học để biết đọc, biết viết chữ. Dù nét bút còn ngượng nghịu, vụng về, nhưng ai nấy đều rất hăng say học tập.

Để được học chữ, chị Chìu Tài Múi (37 tuổi, dân tộc Dao) không ngại địu con thơ đi học cùng mẹ. Một tay bế con đã say giấc, tay kia cầm bút tập tô chữ cái, chị Múi vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Trong thôn giờ nhiều người biết đọc, biết viết, mình không biết chữ thì lạc hậu lắm. Sau một thời gian theo học lớp xóa mù chữ, giờ đây tôi có thể ghép vần đọc được một số từ đơn giản. Hy vọng sau khóa học tôi sẽ biết đọc, biết viết tiếng Việt thành thạo. Nếu vậy đây sẽ là sự kiện đặc biệt đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Biết chữ sẽ không sợ nghèo, sợ dốt nữa".

Theo chị Múi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con, nên ngày nhỏ chị không được đi học. Bao năm sống trong cảnh mù chữ, cuộc sống của chị giống như "bóng tối thu nhỏ". Chị ấp ủ từ lâu mong muốn thoát khỏi cảnh mù chữ để biết đọc, biết viết giống như nhiều người bình thường, nhưng vì nhiều lý do, cơ hội theo học con chữ của chị cứ thế bị "trôi" đi mất. Được cán bộ xã và giáo viên tuyên truyền vận động, giữa tháng 6/2021 khi biết tin lớp xóa mù chữ được mở tại điểm trường Phiêng Sáp (Trường Tiểu học Đồng Tâm), chị Múi đã quyết định đăng ký, cố gắng theo học.

Cover

Giống như lớp xóa mù chữ ở điểm trường Phiêng Sáp, đều đặn từ 20-22h từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, tại Nhà Văn hóa thôn Phặc Chè - Nà Choòng (xã Hoành Mô) lại sáng đèn, vang lên tiếng ê, a tập đánh vần. Học viên lớp xoa mù chữ có độ tuổi từ 30-60, đa phần là trụ cột chính của gia đình, nên luôn bận bịu với con cái, việc nhà, việc nương rẫy... Bàn tay chai sạn vốn quen cầm cuốc, cầm dao…, nay run run cầm bút viết từng nét chữ giống như học sinh lớp 1, có chút ngượng nghịu, vướng víu, nhưng nhìn vào ánh mắt của họ, chúng tôi thấy cả niềm hân hoan, vui sướng. 

Vợ chồng chị Trần Thị Chậu (38 tuổi, dân tộc Sán Chỉ, thôn Phặc Chè, xã Hoành Mô) có 4 con, đứa lớn nhất năm nay học lớp 9, nhỏ nhất học lớp 2. Các con đều biết chữ từ lâu, nên vợ chồng chị quyết tâm phải đi học. Chị Chậu tâm sự: “Không biết chữ khổ lắm, muốn dùng điện thoại để đọc tin tức, hay gọi điện, nhắn tin cũng không biết. Mỗi lần đến xã để xin giấy tờ, vì không biết chữ mình phải đưa con đi cùng để nó viết chữ giúp, không thì lại phải nhờ cán bộ xã viết giúp, khá bất tiện. Khi nghe cán bộ đến nhà nói có lớp xóa mù chữ, vợ chồng tôi vui lắm, đăng ký ngay. Hai vợ chồng quyết tâm học tập chăm chỉ, chưa nghỉ buổi học nào đâu. Từ nhỏ đến giờ tôi chỉ quen cầm cuốc, cầm cày, nay phải tập cầm bút viết cũng hơi ngượng, nhưng vui. Được các thầy, cô giáo chỉ bảo nhiệt tình, nên giờ tôi đã thuộc, viết được nhiều chữ cái và bắt đầu học ghép vần rồi. Tôi vui lắm, đi học mới thấy có nhiều lợi ích. Hai vợ chồng bảo nhau quyết tâm không bỏ dở giữa chừng".

Cover

Ảnh trong văn bản

Dạy chữ ở vùng cao vốn đã khó khăn, vất vả trăm bề, thì dạy chữ ở những lớp xóa mù chữ khu vực này, nhất là cho đối tượng cao tuổi, khả năng tiếp thu cũng hạn chế, càng gian nan hơn. Bởi vậy, để "gieo" được con chữ, không chỉ là khắc phục khó khăn, lòng yêu nghề, mà hơn hết là tình yêu với vùng đất, đồng bào nơi đây của những thầy, cô giáo vùng cao.

Năm 2017, chị Nông Thị Lan (xã Hoành Mô) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Với mong muốn được cống hiến cho quê hương, chị đã xin làm giáo viên tại Trường Tiểu học Đồng Tâm. 3 năm liên tiếp (từ năm 2018 đến nay) chị đều là giáo viên đứng lớp xóa mù chữ tại những địa bàn xa xôi, vất vả nhất của huyện Bình Liêu. Trong đó năm 2019, lớp xóa mù chữ xa nhất mà cô giáo Lan đảm nhận là ở thôn Kéo Chản, xã Đồng Văn. Để đến lớp học, chị phải lặn lội đi bộ cả chục cây số. Nhiều hôm mưa lũ, nước suối dâng cao, chị phải tận dụng phòng trống tại điểm trường để tá túc qua đêm. 

Cô giáo Lan cho biết: Khi mới nhận nhiệm vụ đứng lớp tôi cũng rất lo, vì không biết với độ tuổi cao như vậy, học viên có tiếp thu được không. Khó nhất là học viên người dân tộc thiểu số, sử dụng nhiều ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau, nên việc dạy chữ khó hơn. Ban đầu học thì cũng khó lắm, tay ai cũng cứng đơ tưởng không viết được, thế nhưng sau một thời gian học tập, bà con tiến bộ thấy rõ, có thể đọc, viết được. Tôi đang giảng dạy lớp xóa mù chữ tại Nhà Văn hóa thôn Phặc Chè - Nà Choòng (xã Hoành Mô). Bà con rất chăm chỉ đến lớp, chịu khó nghe giáo viên uốn nắn. Sau vài ngày học làm quen còn bỡ ngỡ, bây giờ ai cũng tự tin, mạnh dạn, xung phong lên bảng.

Cover

Huyện Bình Liêu là địa phương có tỷ lệ mù chữ cao nhất tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục TH&THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn", thời gian qua công tác xóa mù chữ cho người dân được huyện rất quan tâm. Từ năm 2011 đến hết tháng 5/2021, huyện đã mở được 96 lớp xóa mù chữ; cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ cho 1.625 học viên, trong đó có 410 học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 2 (lớp 4 và lớp 5).

Huyện đang giữ vững chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2 tại 7/7 xã, thị trấn (đạt 100%). Tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ mức độ 2 là 19.834/21.257, đạt 93,3% (tăng 4,92% so với năm 2011). Năm 2021 huyện có kế hoạch mở 9 lớp xóa mù chữ cho 156 học viên tại 5 xã vùng cao: Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Húc Động, Lục Hồn. Đến nay, huyện đã tổ chức khai giảng 5 lớp; các lớp còn lại sẽ khai giảng cuối tháng 7 này. Lớp xóa mù chữ kéo dài 6 tháng, học từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, bắt đầu từ 20-22h. Giáo viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ được lựa chọn kỹ, ưu tiên người địa phương, giáo viên trẻ, cống hiến với nghề. Để mở được lớp xóa mù chữ, chính quyền địa phương và giáo viên phải vận động bà con nhiều lần. Đặc biệt, để xóa mù chữ cho đồng bào, cán bộ, giáo viên đã “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với bà con.

Cover

Cô giáo Hoàng Thị Huyền, đứng lớp xóa mù chữ tại điểm trường Phiêng Sáp (Trường Tiểu học Đồng Tâm), chia sẻ: Muốn giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, trước hết phải giúp bà con xóa mù chữ để biết tính toán, làm ăn. Trăn trở với suy nghĩ đó, nên dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng cố gắng mang chữ đến với bà con vùng cao. Qua gần 2 tuần giảng dạy lớp xóa mù chữ tại điểm trường Phiêng Sáp, lúc đầu do tâm lý e ngại, tự ti, nên lớp học chỉ gần chục người. Dần dần, người này rủ người kia, được tiếp xúc với con chữ, thì họ rất hào hứng, lớp học ngày càng đông. Chúng tôi cố gắng động viên và đưa ra những kiến thức dễ nhất cho bà con tập làm quen. Nhìn những nét chữ khởi đầu cho tương lai là động lực lớn để chúng tôi vượt qua khó khăn, tiếp tục bám lớp gieo con chữ giúp bà con tiếp cận tri thức, phục vụ cuộc sống, vận dụng kiến thức phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Cover

Chia tay những học viên, thầy cô giáo lớp xóa mù chữ nơi đây, chúng tôi tin với sự nhiệt huyết, yêu nghề của những người giáo viên, cùng quyết tâm học chữ của bà con dân bản, sẽ giúp những thôn bản xa xôi của huyện vùng cao này tiếp tục có nhiều đổi mới. 

Phạm Tăng

Đồ họa: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu