70 trái tim cùng đập những nhịp khỏe mạnh, cũng là từng đó ca mổ tim hở đã được thực hiện thành công trong gần 5 năm qua tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ninh. Những trái tim tưởng chừng "lỡ nhịp" với cuộc sống, giờ đây đã được hồi sinh nhờ bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, BVĐK tỉnh - phẫu thuật viên đầu tiên của Quảng Ninh có thể thực hiện các ca mổ tim hở, góp phần mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều người không may bị bệnh.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (38 tuổi, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) hiện đã trở lại cuộc sống thường ngày với gia đình và công việc. Không ai nghĩ, chỉ cách đây 6 tháng, chị đã tưởng chừng không qua khỏi khi bị vỡ tim sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Lúc đó, có những giây phút trái tim của chị đã ngừng đập, phải hồi sức cấp cứu ngừng tuần hoàn. Và ca mổ tim xuyên đêm 8/1/2020 do các bác sĩ BVĐK tỉnh mà đứng đầu là bác sĩ Phạm Việt Hùng đã được thực hiện thành công, mang lại sự hồi sinh cho chị Thúy.
Khi bệnh viện “báo động đỏ” có trường hợp vỡ tim nguy kịch, bác sĩ Hùng cũng các đồng nghiệp nhanh chóng có mặt, mở lồng ngực phát hiện vị trí đường vỡ tim. Đánh giá vị trí vỡ phức tạp, cần được sửa chữa tỉ mỉ và chắc chắn, các bác sĩ đã quyết định sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo trong quá trình mổ. Bệnh nhân nhanh chóng được đặt các đường ống chạy tim phổi máy hỗ trợ tuần hoàn để làm rỗng tim, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật viên xử lý vị trí vỡ tim một cách chính xác, tránh làm tổn thương động mạch vành và thần kinh tim khi khâu, cũng như kiểm soát toàn bộ những tổn thương khác có thể phát hiện phía sau quả tim. Sau 4 giờ phẫu thuật xuyên đêm, ca mổ thành công, trái tim bệnh nhân đập đều trở lại.
Giờ đây, trái tim của chị Thúy đã được chữa lành, đập những nhịp hoàn toàn bình thường. Không giống như những người đã mổ tim hở khác, chị không phải uống thuốc tim mạch và vẫn đi làm hằng ngày. Chị Thúy vui vẻ chia sẻ: “Sau mổ tim 2 ngày là tôi có thể đứng lên đi lại với sự giúp đỡ của người nhà. Từ khi xuất viện đến nay, sức khỏe của tôi gần như trở lại bình thường. Có được may mắn này, tôi vô cùng biết ơn những người dân, các y bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 đã kịp thời đưa tôi đến viện; đặc biệt là sự tận tâm, tận lực của các cán bộ, y bác sĩ BVKĐ tỉnh nói chung và bác sĩ Phạm Việt Hùng nói riêng. Cuộc đời tôi như được hồi sinh lần thứ 2”.
Với bác sĩ Hùng, ca mổ tim cấp cứu cho bệnh nhân Thúy là một câu chuyện đặc biệt khó quên. Bác sĩ Hùng, cho biết: “Mặc dù, tôi đã từng phẫu thuật nhiều ca tim hở, nhưng đây là trường hợp mổ tim cấp cứu có dùng máy tim phổi nhân tạo mà đòi hỏi thời gian chuẩn bị rất gấp với chấn thương khó và phức tạp. Chúng tôi phải quyết định mọi thứ rất nhanh và rất may mắn ca mổ đã thành công nhờ quyết định chính xác cũng như sự phối hợp nhịp nhàng của cả bệnh viện trong đêm".
Còn bà Tằng Tài Múi (50 tuổi, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) hơn 1 tháng nay đột nhiên khó thở, khó nói, sụp mi mắt, kèm mệt mỏi nhiều, ăn uống kém và gầy sút nhanh. Khi đến khám tại BVĐK tỉnh, bà Múi được phát hiện có khối u tuyến ức (kích thước 4x6cm), được chẩn đoán nhược cơ/u tuyến ức. Đây là bệnh lý hiếm gặp, nếu không nhanh chóng phẫu thuật, bệnh nhân sẽ gặp những biến chứng và nguy cơ tử vong do suy tim. Thời điểm này, bệnh nhân điều trị bằng thuốc không hiệu quả, do đó ngày 9/7 vừa qua, bác sĩ Hùng đã trực tiếp phẫu thuật cắt u tuyến ức qua nội soi cho bệnh nhân này.
Chỉ có 3 vết mổ nhỏ (0,5-1,5cm) ở ngực bên phải, bác sĩ Hùng cùng đồng nghiệp đã đưa các thiết bị nội soi để cắt khối u tuyến ức. Đây là kỹ thuật khó, ít bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được, bởi phẫu thuật đòi hỏi lấy toàn bộ tổ chức mỡ và khối u vùng trước tim với các mạch máu lớn, trong khi đó trái tim vẫn đập liên tục, nhưng các bác sĩ phải khéo léo bóc tách khối u. Chỉ một sơ suất nhỏ, những mạch máu ở cạnh tim đều có nguy cơ bị tổn thương và không có cơ hội để sửa chữa. Với sự thuần thục trong từng đường cắt, bác sĩ Hùng chỉ thực hiện ca mổ trong 1 tiếng đồng hồ. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, không đau và diễn biến sức khỏe tốt.
Bác sĩ Hùng tâm sự: Sau mỗi ca phẫu thuật, gặp lại bệnh nhân khỏe mạnh, nhịp tim trở lại bình thường, tôi cũng như các y bác sĩ vô cùng hạnh phúc và thực sự mới thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi cảm thấy trân trọng sự tin tưởng của các bệnh nhân, bởi mỗi ca mổ tim là một bài học lớn, không ca nào hoàn toàn giống ca nào và luôn mang đến cho tôi những điều mới mẻ cần phải học hỏi. Đây cũng là cơ hội để chúng khẳng định sự phát triển đi lên trong lĩnh vực phẫu thuật tim hở tại BVĐK tỉnh.
Bác sĩ Phạm Việt Hùng (SN 1977, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn); tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 2001. Từ năm 2002 đến năm 2012, bác sĩ Hùng đã trải qua nhiều đơn vị công tác: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí; BVĐK tỉnh; Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City - Hà Nội.
Năm 2013, khi BVĐK tỉnh rất cần một bác sĩ ngoại khoa giỏi và bác sĩ Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc bệnh viện đã không ngần ngại gọi mời bác sĩ Phạm Việt Hùng quay trở lại làm việc. Bác sĩ Hùng bảo: Khi anh Mạnh gọi điện có nói với tôi một câu: “Em sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, quê hương đã nuôi em trưởng thành, vì vậy em nên về quê hương, góp sức mình cống hiến, giúp đỡ cho nhân dân mình...”. Quả thực câu nói đó đã khiến tôi trăn trở và thấy cần phải làm gì đó cho quê hương mình.
Trở lại công tác từ năm 2013 đến nay, bác sĩ Phạm Việt Hùng đã đóng góp tích cực, xây dựng thương hiệu, uy tín của bệnh viện. BVĐK tỉnh cũng là cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nên người bác sĩ tài năng này. Những ân tình nơi đây là một lý do khiến anh tận tụy gắn bó, cống hiến tài năng, công sức của mình trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Tạo nên “thương hiệu” nhất đối với bác sĩ Hùng, chính là việc anh trở thành phẫu thuật viên đầu tiên thực hiện kỹ thuật mổ tim hở tại Trung tâm Phẫu thuật và can thiệp Tim mạch, BVĐK tỉnh. Trước kia, bệnh nhân mắc bệnh lý về tim mạch thường phải chuyển lên tuyến trên, thậm chí có những người tử vong trên đường đi. Trước thực tế đó, ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh xây dựng, phát triển Trung tâm Phẫu thuật và can thiệp Tim mạch tại BVĐK tỉnh. Lúc này, khó khăn nhất vẫn là tìm một bác sĩ phẫu thuật có thể tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở. Bởi đây là kỹ thuật chuyên khoa sâu, khó và ít bệnh nhân.
Năm 2015, bác sĩ Phạm Việt Hùng bắt đầu học về kỹ thuật mổ tim hở trong 1 năm tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Lúc này anh đã 38 tuổi, là bác sĩ phẫu thuật chính của rất nhiều lĩnh vực, như: Tiêu hóa, gan mật, tiết niệu, ung bướu, lồng ngực. Được đào tạo bài bản với nhiều chứng chỉ về phẫu thuật ở cả trong và ngoài nước, bác sĩ Hùng đã đảm đương nhiều ca phẫu thuật lớn với kỹ thuật khó, chuyên môn sâu về mổ mở và mổ nội soi, như: Cắt thực quản, khối tá tụy, cắt gan, dạ dày, đại trực tràng, phổi, tuyến giáp... Với bác sĩ ngoại khoa, việc có thể đảm đương nhiều ca mổ lớn với kỹ thuật khó là mong ước của nhiều người, nhưng không ngần ngại gác lại những thành tích đạt được, bác sĩ Hùng tiếp tục là người “mở đường” phát triển thêm kỹ thuật chuyên sâu, nhằm phục vụ người dân ngay tại địa phương.
Từ giữa năm 2016, với sự hỗ trợ của chuyên gia, bác sĩ Phạm Việt Hùng đã lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật mổ tim hở. BVĐK Quảng Ninh trở thành cơ sở y tế đầu tiên trong tỉnh mổ tim hở, đến nay bệnh viện đã duy trì và tổ chức 24 đợt, phẫu thuật thành công cho 70 trường hợp. Bệnh nhân mắc bệnh lý về tim mạch tại Quảng Ninh hiện không phải chuyển lên tuyến trên; nhiều ca cấp cứu tim được xử trí kịp thời, người bệnh được cứu sống.
Ngoài phẫu thuật tim và các phẫu thuật ở khoa Ngoại tổng hợp, bác sĩ Hùng còn tham gia mổ vi phẫu nối mạch máu, chi thể đứt rời, thay ghép động mạch chủ, động mạch ngoại vi. Với một bác sĩ ở tuyến tỉnh thì số lĩnh vực mà anh đang làm được thật đáng nể và hiếm có.
Khi được hỏi lý do chuyển sang lĩnh vực mới, bác sĩ Hùng chia sẻ: Thầy của tôi - PGS. TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng chuyển từ chuyên ngành phẫu thuật tiêu hóa sang phẫu thuật tim mạch khi ngoài 30 tuổi. Vì vậy, tôi chuyển sang lĩnh vực mới này ở độ tuổi đó cũng là bình thường. Đến nay, tôi thấy đây đã lựa chọn đúng đắn và càng học, tìm hiểu thì càng say mê với chuyên ngành này. Để tiếp tục nâng cao trình độ, tôi đang được lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện đi học chuyên khoa cấp II trong 2 năm với chuyên ngành phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực. Đồng thời, trong thời gian này tôi cũng học thêm kỹ thuật mổ tim nội soi tại Bệnh viện E (Hà Nội). Đây là kỹ thuật giúp người bệnh giảm biến chứng và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn sau phẫu thuật, dự kiến sẽ triển khai cuối năm nay.
Ngay khi ra trường, bác sĩ Phạm Việt Hùng làm việc tại khoa Ngoại, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Lúc đó, anh cũng có dịp được làm việc với AHLĐ, TTND Nguyễn Ngọc Hàm khi ông đang là cố vấn cho bệnh viện. Với một bác sĩ trẻ mới ra trường, được học tập và làm việc với một bác sĩ giỏi, nhiệt huyết, say mê với nghề, đó thực sự là động lực và tấm gương để anh noi theo. Bác sĩ Hùng tâm sự: “Khi làm việc với AHLĐ, TTND Nguyễn Ngọc Hàm, tôi luôn cảm thấy niềm đam mê, yêu nghề và luôn có những suy nghĩ đổi mới, đi trước từ ông. Ông cũng nhiều lần nói đến việc cần phải phát triển các chuyên khoa sâu”.
Ngoài ra, anh còn làm việc nhiều năm với bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng (Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) khi còn là Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh. “Tôi đã phụ mổ với anh ấy (bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng) rất nhiều năm, đây cũng chính là cơ hội để tôi học tập nâng cao chuyên môn. Đặc biệt khi nhìn anh ấy say sưa, hết mình với công việc, chính tôi cũng bị hút theo” - Bác sĩ Phạm Việt Hùng nói.
Được học tập, làm việc với những người thầy, người đồng nghiệp tận tụy, hết lòng với công việc, bác sĩ Hùng coi đó là cơ may để hoàn thiện bản thân và được truyền ngọn lửa đam mê với nghề.
Nhờ có ngọn lửa đam mê nghề mà anh đã sẵn sàng trải qua nhiều khó khăn, vất vả ban đầu. Anh kể: Với chuyên ngành tim mạch, tôi phải học lại từ đầu. Tôi vừa đi làm, vừa đi học ở Hà Nội. Đôi khi phải “cầu cạnh” những người trẻ hơn để họ giúp mình. Lúc đó quả thực có chút “tự ái”, nhưng bằng khát vọng muốn cống hiến, nên tôi cố gắng vượt qua tất cả.
Thời gian mà bác sĩ Hùng giành cho bệnh nhân chiếm tối đa trong quỹ thời gian của mình. Trong một ngày, suy nghĩ đầu tiên khi thức dậy hay cuối cùng lúc đi ngủ đều hướng về bệnh nhân. Là một thầy thuốc, hơn ai hết bác sĩ Phạm Việt Hùng thấu hiểu niềm tin, hy vọng mà người bệnh và gia đình họ gửi gắm, đặt cược nơi mình. Bởi vậy, khi người bác sĩ nhận chữa trị, chăm sóc cho một bệnh nhân là không ngừng lo lắng, suy nghĩ, thậm chí suy nghĩ liên tục để tìm cách chẩn đoán, điều trị tận gốc nguồn cơn bệnh. Với trường hợp bệnh nặng, bác sĩ Hùng trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp, hoặc trao đổi với các thầy giáo ở tuyến trên để nhờ sự giúp đỡ.
Trong cuộc trò chuyện của mình, bác sĩ Hùng nhắc nhiều đến việc phát triển kỹ thuật tim hở cho các bác sĩ trẻ trong bệnh viện sau này. Bởi theo anh, khi mình “mở đường” cho chuyên khoa sâu phẫu thuật tim hở thì rất cần có những bác sĩ trẻ thực sự say mê, tâm huyết để tiếp tục phát triển. Bởi vậy, anh luôn cố gắng tìm cách truyền cảm hứng, đem lại sự hăng say nghiên cứu, cũng như rèn luyện kỹ năng cho các bác sĩ trẻ.
5 năm trong hành trình xây dựng và phát triển, bác sĩ Phạm Việt Hùng đã góp sức tích cực đưa BVĐK tỉnh trở thành một bệnh viện chuyên khoa sâu về tim mạch. Anh nói: “Mổ tim hở là niềm mơ ước của nhiều thế hệ thấy thuốc đi trước tại Quảng Ninh. Nên được góp sức của mình để giữ lại cho cuộc đời này những nhịp đập an yên trong mỗi trái tim là điều tôi vô cùng tự hào và hạnh phúc...”.
Thực hiện: Nguyễn Hoa
Trình bày: Đỗ Quang
Ý kiến ()