
Nâng giá trị điểm đến thông qua mã QR
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm quản lý, khai thác hiệu quả các dữ liệu, tối ưu hóa chất lượng trải nghiệm cho du khách là yếu tố quan trọng nâng cao giá trị điểm đến, tăng hiệu quả quảng bá, giới thiệu du lịch của từng địa phương. Hiện các đơn vị đang tiếp cận nhanh chóng với công nghệ, đặc biệt sử dụng mã QR để phát triển du lịch thông minh, góp phần tạo ra các sản phẩm dịch vụ hấp dẫn.
Vừa qua, Báo Nhân Dân đã công bố dự án “Yêu lắm Việt Nam, kết hợp công nghệ kết nối không dây (NFC) và dữ liệu số” nhằm lan tỏa tình yêu đất nước, quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch trên mọi miền Tổ quốc. Nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh đã được gắn chíp NFC miễn phí nhằm tạo trải nghiệm khám phá độc đáo cho du khách, hỗ trợ, thúc đẩy du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Các điểm du lịch được gắn chíp NFC tại Quảng Ninh, gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (TP Uông Bí), Bảo tàng Quảng Ninh (TP Hạ Long); Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; đình Trà Cổ (TP Móng Cái).
Chỉ với một chạm điện thoại kết nối NFC, du khách có thể mở ra không gian số với nhiều tính năng được tích hợp. Từ việc check-in với sự hỗ trợ của các hướng dẫn viên AI để khám phá thông tin, lịch sử địa điểm, cho tới xây dựng hành trình tham quan cá nhân hóa hay hoàn thành để nhận các món quà tặng và điểm thưởng. Trang web www.yeulamvietnam.vn được thiết kế với giao diện hiện đại, dễ tương tác cùng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh giúp du khách có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin chính thống về địa danh.
Chị Nguyễn Mai Hương (du khách Hà Nội) chia sẻ: Tôi đã đến Cô Tô nhiều lần nhưng thực sự vẫn chưa hiểu hết giá trị văn hóa, lịch sử của nhiều điểm đến du lịch tại đây. Thông qua việc kết nối NFC tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi biết thêm nhiều thông tin về khu di tích này, từ đó thêm tin yêu và tự hào về Bác Hồ kính yêu cũng như vùng biển đảo quê hương.
Hiện, nhiều điểm đến, khu du lịch trên địa bàn đều đã gắn mã QR để mang đến tiện ích và gia tăng trải nghiệm cho du khách. Như tại Bảo tàng đa dạng sinh học (Vườn quốc gia Bái Tử Long), đơn vị đã tích hợp các màn hình tương tác, mô hình 3D và thực thế ảo (VR) để tái hiện lịch sử hình thành vịnh và hệ sinh thái đặc trưng, mang đến cho du khách một hành trình tham quan sống động. Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã sử dụng công nghệ quét mã QR bằng điện thoại thông minh giúp du khách truy xuất thông tin liên quan đến hiện vật trưng bày một cách dễ dàng, thuận tiện, có những trải nghiệm mới mẻ. Hiện nay, hơn 50 mẫu vật tại bảo tàng đã được gắn QR, cung cấp thông tin cơ bản về các loài động, thực vật. Chỉ cần thao tác trong tích tắc, mọi dữ liệu được cập nhật chi tiết: Tên, chủng loại, nguồn gốc, đặc tính sinh trưởng...

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chuyên viên Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, cho biết: Trước đây, khi đến tham quan bảo tàng, muốn tìm hiểu những thông tin về các hiện vật, hình ảnh du khách cần đi theo đoàn và liên hệ trước để có hướng dẫn viên phục vụ. Để tạo thuận lợi hơn cho du khách trong việc tham quan, Bảo tàng đã triển khai ứng dụng quét mã tem QR để du khách có thể tự tìm hiểu thông tin về hiện vật với những trải nghiệm mới mẻ. Đây là một trong những hoạt động góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa công tác bảo tàng, cũng như hình ảnh của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục sưu tầm, cập nhật nội dung, hình ảnh hiện vật mới để mã hóa QR.
Hiện có gần 200/370 điểm di tích tại 13 địa phương trong tỉnh đã được số hóa và gắn mã QR, giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin về lịch sử, văn hóa của các điểm đến. Ngoài ra, mã QR còn được các đơn vị áp dụng để thanh toán, sử dụng qua cổng soát vé để thuận tiện cho việc tham quan.
Theo Kế hoạch số 214/KH-UBND (ngày 25/9/2024) của UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh xác định "Lấy trải nghiệm, hài lòng của khách du lịch làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch". Cụ thể, trong thời gian tới, tỉnh hoàn thiện hệ thống dữ liệu số về du lịch, mã hóa thông tin các khu, điểm du lịch bằng mã QR, tích hợp dữ liệu và bản đồ số, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh phục vụ du khách. Các nền tảng kỹ thuật sẽ được nâng cấp, tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư, tài nguyên và môi trường để tối ưu hóa công tác quản lý. Đồng thời, Quảng Ninh cũng chú trọng xây dựng cổng thông tin du lịch đồng bộ, tiện ích, hỗ trợ hiệu quả cho người dùng và nhà quản lý. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và công nghệ giám sát cũng được đẩy mạnh, nhằm phục vụ hiệu quả công tác dự báo, điều hành và xây dựng chính sách phát triển du lịch phù hợp với xu thế số hóa hiện nay.
Đặc biệt, tỉnh triển khai số hóa toàn diện các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa - du lịch, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa tập trung, đồng bộ, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, lưu trữ và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả, lâu dài. Thông qua việc số hóa, các di tích sẽ được giới thiệu sinh động bằng nhiều hình thức trực quan hiện đại như video 3D, audio thuyết minh tự động, e-magazine tương tác, bản đồ di sản số và các trang web chuyên biệt. Nội dung sẽ được trình bày song ngữ (tiếng Việt và tiếng nước ngoài), tích hợp mã QR và liên kết nền tảng số du lịch thông minh, giúp người dân và du khách dễ dàng tiếp cận thông tin chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh.
Ý kiến ()