
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT thống nhất công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2024 mức cao nhất
Chiều ngày 8/5, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã làm việc với UBND tỉnh về việc kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đỗ Đức Huế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) và đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tỉnh cùng chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo với Đoàn công tác về việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đại diện lãnh đạo Sở GĐ&ĐT cho biết: Mạng lưới, quy mô trường, lớp trên toàn tỉnh đều được bố trí thuận lợi, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh. Nhiều địa phương tích cực, chủ động trong chuẩn bị điều kiện phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học đáp ứng các điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Các trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn làm tốt công tác huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đầu năm học, tăng cường các biện pháp quản lý để hạn chế đến mức thấp nhất học sinh bỏ học giữa chừng, nâng cao chất lượng giáo dục để giảm tỷ lệ học sinh lưu ban. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được phân công kiêm nhiệm công tác phổ cập luôn nhiệt tình công tác, với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Các địa phương đều thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với tinh thần quyết tâm cao; linh hoạt, trong việc xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, đặc thù môn học; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động dạy học được đẩy mạnh.
Nhờ đó, công tác triển khai phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể: 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, hồ sơ cấp tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, cấp tỉnh đủ điều kiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Đối với kết quả xóa mù chữ, tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 và 2 từ 15-60 tuổi đều đạt trên 99%.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đều đánh giá rất cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh và các địa phương đối với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Nhất là khi tỉnh Quảng Ninh có đặc thù về miền núi, biên giới hải đảo, nhiều hộ dân sống rải rác, thưa thớt nhưng tỷ lệ huy động trẻ đến lớp vẫn đạt gần 100%. Qua đó, quy trình triển khai đảm bảo nghiêm túc, bài bản theo đúng quy định; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được chú trọng đầu tư đồng bộ. Đồng thời, Đoàn công tác cũng đề nghị UBND tỉnh làm rõ thêm kết quả về cơ cấu đội ngũ giáo viên, việc huy động học viên ra lớp ở các vùng sâu, vùng xa…

Thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí Đỗ Đức Huế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) thống nhất kết quả công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2024. Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, ban hành quyết định công nhận trong thời gian sớm nhất. Kết quả này sẽ đưa Quảng Ninh vào tốp 1 trong 10 địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chuẩn phổ cập giáo dục THCS, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non và xoá mù chữ ở mức cao nhất.
Để giữ vững kết quả đạt được, Đoàn kiểm tra kiến nghị tiếp tục nâng cao hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp; đẩy mạnh thông tin truyền thông về ý nghĩa, vai trò của phổ cập giáo dục với sự phát triển của địa phương; đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS và định hướng phân luồng học sinh sau THPT; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; phát huy công tác xã hội hóa để nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tiếp tục kiểm tra số liệu phổ cập đảm bảo tính chính xác… Đặc biệt là sớm kiện toàn Ban chỉ đạo cấp xã sau khi giải thể cấp huyện.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định điểm mạnh, điểm yếu trong công tác phổ cập giáo dục để có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho giáo viên, học sinh. Đối với những kiến nghị của Đoàn công tác, tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu để khắc phục, đảm bảo công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, đảm bảo môi trường học tập an toàn, hiện đại, bình đẳng, học sinh phát triển toàn diện.
Trước đó, từ ngày 6/5 đến sáng 8/5, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các địa phương bao gồm: Kiểm tra hồ sơ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo mức độ; đối chiếu với kết quả, số liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên hệ thống thông tin quản lý dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đồng thời, đoàn cũng đi kiểm tra thực tế tại một số hộ gia đình, trường Tiểu học, THCS trên địa bàn các địa phương để đối chiếu thông tin thực tế từ người dân với phiếu điều tra phổ cập giáo dục, kiểm tra hồ sơ công nhận các địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3 và chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 năm 2024.
Ý kiến ()