20
18
/
1054135
Mùa xuân đầu tiên đảo Trần có điện lưới quốc gia
longform
Mùa xuân đầu tiên đảo Trần có điện lưới quốc gia

 

Xuân này, quân và dân đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, ăn Tết cổ truyền đặc biệt hơn mọi năm bởi đây là Tết đầu tiên đảo Trần có điện lưới quốc gia. Đảo Trần hiện nay bừng sáng như ngọn hải đăng khổng lồ giữa vùng biển, đảo tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc, báo hiệu một năm mới với nhiều đổi mới.

Chuyến xuồng cao tốc chở chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh từ đất liền cập cảng Vụng Tây của đảo Trần vào thời điểm năm mới 2021 cận kề. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân lên đảo đó là không khí nhộn nhịp, hối hả của quân và dân nơi đây chuẩn bị đón chào năm mới. Trên bến, dưới thuyền, ai cũng khẩn trương với công việc của mình. Chỗ thì đông người đón hàng hóa từ đất liền ra; nơi khác thì tấp nập, khẩn trương với những mẻ cá mới đánh bắt được để mang vào đất liền bán và mua thêm rau, củ, quả, thịt về bảo quản dùng dần...

Đảo Trần là đảo xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh, chỉ cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ khoảng 4-5km. Trên đảo, ngoài các đơn vị quân đội, biên phòng, trạm ra-đa, còn có 12 hộ dân với 52 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt, thu mua hải sản, buôn bán. Trường học trên đảo có 2 lớp với 7 học sinh, được trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học...

 Từng nhiều lần đến đảo Trần, nhưng có lẽ, lần quay trở lại này để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc hơn cả. Đón chúng tôi ở cổng đơn vị, Thượng tá Ngô Huy Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Trần, khoe: Ngày 2/9/2020 là một ngày trọng đại đối với quân và dân trên đảo. Bởi, công trình đầu tư tuyến điện lưới từ đất liền kéo ra đảo Trần dài hơn 13km, tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, sau 150 ngày thi công thần tốc đã chính thức hoàn thành, nối dòng điện thông suốt. Từ ngày có điện lưới quốc gia, cuộc sống của quân và dân trên đảo đã đổi khác rất nhiều, nhà nào cũng mua sắm các thiết bị điện gia dụng, sinh hoạt gia đình cũng tiện lợi hơn.

Dạo một vòng quanh khuôn viên của đơn vị, chúng tôi được chứng kiến không khí vui tươi, háo hức chuẩn bị đón Tết của CBCS trong đơn vị. Trên phòng khách, các chiến sĩ trẻ vừa cười nói rôm rả, vừa tỉ mẩn trang trí những cành đào, cành quất được mang từ đất liền ra. Cành đào ở đảo năm nay rực rỡ hơn bởi những dàn đèn điện nhấp nháy. Dưới nhà bếp, các chiến sĩ tất bật chuẩn bị gói bánh chưng. Đối với những người lính Biên phòng nơi đầu sóng ngọn gió, xuân này vui hơn vì đơn vị đã có điện lưới để sử dụng.

 Đang chỉ đạo CBCS trang trí khuôn viên doanh trại để đón năm mới, Trung tá Đào Hồng Nguyên, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng đảo Trần, quay sang trò chuyện với chúng tôi. Anh cho hay: Thời gian trước do không có điện lưới nên đơn vị chỉ dùng máy phát điện vào lúc ăn cơm rồi cho bộ đội đi ngủ sớm. Hôm nào có sự kiện trọng đại, Đồn cũng chỉ dám nổ máy phát điện đến 21 giờ. Nhưng năm nay thì khác rồi, có điện lưới, những ngày lễ anh em bật nhạc rất vui. Để Tết thêm rực rỡ, một số anh em về phép, khi trở lại đơn vị đã mang theo những dây đèn nháy để trang trí cành đào, cành quất chơi Tết. Niềm khao khát có điện lưới vốn là mong ước thường trực của bao thế hệ CBCS các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ ở đây giờ chỉ còn là ký ức.

Ăn xong bữa cơm tối, CBCS Đồn Biên phòng đảo Trần tập trung xem bản tin thời sự trên ti vi, một số chiến sĩ trẻ thì say sưa đọc báo, nghiên cứu tài liệu. Cầm tờ báo trên tay, binh nhất Nguyễn Văn Bính kể: “Em sinh ra và lớn lên ở phường Đức Chính, TX Đông Triều. Đầu năm 2019 em ra đảo Trần nhận nhiệm vụ. Tối đầu tiên ngủ trong căn phòng không điện, không quạt ở doanh trại, em trằn trọc mãi không ngủ được. Lúc ấy em đã tưởng mình sẽ không chịu nổi, nhưng rồi ở một thời gian chúng em cũng quen dần với cuộc sống thiếu thốn nơi đảo xa. Từ ngày có điện lưới đến giờ, cả đơn vị ai cũng mừng. Em và mấy chiến sĩ trẻ có điều kiện tranh thủ buổi tối để ôn thi đại học”.

Binh nhất Nguyễn Mạnh Toàn thì bộc bạch: Nhà em ở TP Hạ Long. Học xong lớp 12, em làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Đóng quân ở nơi quanh năm chỉ có nắng và gió, điện lưới không có, nhưng lại cho chúng em nhiều nghị lực phấn đấu. Em quyết tâm ôn thi vào trường Quân đội để được phục vụ lâu dài. Nhờ có điện lưới, việc học tập của chúng em thuận lợi hơn nhiều. Em tin chắc là ước mơ của mình và đồng đội sẽ trở thành hiện thực.

Gần 20 giờ, chúng tôi “xuống phố”. Đây cũng là cách mà CBCS Đồn Biên phòng đảo Trần hay gọi về thôn Đảo Trần. Từ trên đỉnh đồi cao nhìn xuống, thôn Đảo Trần rực sáng không khác gì phố thị. Trên đường đưa chúng tôi “xuống phố”, Thiếu tá Hồ Đức Tuệ, nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng đảo Trần, hồ hởi khoe: Mới cách đây vài tháng, khi có việc xuống với bà con, cả khu dân cư chỉ le lói ánh đèn, thấy u tịch lắm. Nhưng nay, cả khu dân cư bừng sáng ánh điện, tiếng nhạc rộn ràng khắp nơi. Nhờ có điện lưới, thôn Đảo Trần đã và đang trở nên trù phú, ấm áp không thua kém gì đất liền.

Trong căn nhà rực sáng ánh điện, chị Nguyễn Thị Cảnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn đảo Trần, cùng bà con sinh sống trên đảo quây quần gói bánh chưng ăn Tết. Gặp chúng tôi chị Cảnh hồ hởi khoe: “Gần 20 năm vợ chồng tôi chuyển ra đảo Trần sinh sống đến nay, chưa năm nào gia đình tôi đón xuân với nhiều niềm vui như Tết này. Nhớ khi chưa có điện lưới, có lúc phải soi đèn mà gói bánh, luộc bánh chưng. Còn bây giờ, nhà nhà trên đảo đều sáng rỡ, phấn khởi lắm.

Trong nhà chị Cảnh có rất nhiều đồ điện gia dụng còn mới tinh, như: Nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh, tủ bảo quản hải sản, bình nóng lạnh... Chị Cảnh kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu khó khăn khi gia đình chị mới đặt chân lên đảo Trần: Anh Hiển chồng chị sinh ra và lớn lên ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, là con lớn trong gia đình có 4 con. Năm 2000, anh Hiển ra Hải Hà làm thuê. Lúc bấy giờ, gia đình chị Cảnh có thuyền làm dịch vụ mua bán thủy sản, nên anh Hiển xin vào làm việc. Cảm mến chàng trai chịu thương, chịu khó lại thật thà, chị Cảnh đem lòng yêu thương. Cuối năm 2001, họ cưới nhau. Tài sản duy nhất mà anh chị có được là con thuyền nhỏ bố vợ cho làm của hồi môn. Thực ra, lúc ấy buôn bán quanh bến ở Hải Hà cũng đủ để nuôi nhau, nhưng không chịu an phận nghèo khó, trong một lần theo hàng xóm ra khu vực Đảo Trần mua gom thủy sản, anh Hiển nhận thấy nếu làm căn nhà tạm ở đây vừa đánh bắt, vừa mua gom thì sẽ khá hơn. Nghĩ là làm, anh về bàn với vợ chuyển cả gia đình ra đảo sinh sống.

Ban đầu khi nghe tin vợ chồng chị Cảnh ra đảo Trần sinh sống, nhiều người cho rằng vợ chồng chị "khùng". Vì ở nơi heo hút ấy, điện không có, nước không có, dân không có, ra đó có khác gì... đi đày. Nhưng rất may, bố chị Cảnh lại động viên: “Cứ thử ra đó làm ăn xem thế nào, không được thì lại quay về cũng chưa muộn”. Lựa một ngày trời yên, biển lặng, vợ chồng anh chị dong thuyền nhằm hướng đảo Trần thẳng tiến. Thấy có người dân tự nguyện ra đảo sinh sống, các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân nơi đây đã cử CBCS đến giúp dựng tạm một căn lều để sinh sống. Kể từ đó, hàng xóm của anh chị là những chú bộ đội trên đảo. Thấm thoắt vợ chồng chị đã ở đảo Trần gần 20 năm.

Trong căn nhà vững chắc với nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị, chị Nguyễn Thị Cảnh xúc động: “Gần 20 năm sinh sống tại đây, được sự đùm bọc, giúp đỡ của bộ đội, giờ vợ chồng tôi đã có cuộc sống khá sung túc. Nay có điện lưới nữa gia đình tôi càng yên tâm bám biển, bám đảo. Cậu con lớn của tôi vừa học xong lớp 12 liền làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Cháu bảo, nếu trúng tuyển, sẽ xin ra đảo Trần làm nhiệm vụ”.

Không giống như gia đình chị Nguyễn Thị Cảnh, vợ chồng anh Nguyễn Văn Linh lại ra đảo Trần theo chương trình di dân của tỉnh từ năm 2015. Căn hộ của gia đình anh Linh cũng khá tươm tất. Anh Linh cho biết: Ban đầu khi huyện Hải Hà vận động ra đảo Trần, vợ chồng tôi cũng đắn đo lắm. Nhưng khi được cho ra đảo tham quan, thấy khí hậu nơi đây cũng khá thuận, biển lại nhiều cá, tôm, thế là tôi viết đơn tình nguyện đi ngay. Đến bây giờ tôi thấy quyết định này rất đúng đắn. Ngoài căn nhà được Nhà nước xây  hỗ trợ, tôi còn dành dụm được tiền xây lại căn nhà ở quê cho các cháu vào đi học. Có điện lưới thì sẽ xây dựng được nhà xưởng để bảo quản, chế biến hải sản, nên mấy hộ đang bàn góp tiền đóng tàu to hơn, công suất lớn hơn để phục vụ vận chuyển khách du lịch kết hợp đánh bắt hải sản”.

Trong câu chuyện với người dân ở đảo, chúng tôi nhận thấy hầu hết người dân đều rất phấn khởi vì dòng điện lưới quốc gia khi kéo ra đảo sẽ giúp mang lại những sức bật mới về kinh tế-xã hội. Nhưng quan trọng trước hết với người dân nơi đây là ánh sáng từ nguồn điện lưới quốc gia đã giúp họ giảm đi gánh nặng chi phí sinh hoạt, có điều kiện nhiều hơn để phát triển kinh tế.

Ngày thứ 2 trên đảo chúng tôi có dịp gặp ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô. Nói về sự kiện trọng đại đảo Trần có điện lưới quốc gia, người lãnh đạo huyện đảo Cô Tô cho biết: Điện lưới quốc gia được kéo ra đảo Trần đã giúp tháo bỏ “chiếc vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển của hòn đảo nhiều tiềm năng. Bởi, điện được xem là điều kiện tiên quyết, mở đường cho những giá trị tiếp theo.

Cũng theo ông Lê Hùng Sơn: Hiện nay, cơ sở vật chất trên đảo cơ bản hoàn thiện. Các gia đình cũng đều được xây dựng nhà kiên cố, vững chắc. Năm 2015, tỉnh đã triển khai xây dựng công trình Cột cờ Tổ quốc đảo Trần, kinh phí gần 2 tỷ đồng. Thời gian gần đây, thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên khám phá miền biên giới thiêng liêng hùng vĩ, tham gia xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh”, đảo Trần đã thu hút hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên đến tham quan theo hành trình khám phá vùng biên giới, hải đảo và thăm cột cờ, nên đã mở ra hướng đi mới cho đảo về phát triển du lịch. Cái khó nhất là điện lưới đã được giải quyết, đặc biệt hiện tỉnh đã có chủ trương xây dựng đảo Trần thành đảo du lịch nên chắc chắn trong thời gian không xa, đảo Trần sẽ trở thành điểm du lịch biển, đảo hấp dẫn…

Bài: Nguyễn Chiến

Trình bày: Vũ Đức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu