20
18
/
1100115
Lấp lánh hi vọng một nẻo về tươi sáng
longform
Lấp lánh hi vọng một nẻo về tươi sáng

Cover

Trong gian nhà lợp mái tôn, những chiếc quạt không thể xua được nắng nóng giữa trưa hè tháng 6, cô và trò gạt mồ hôi để giảng dạy, học tập chắt chiu, ghi nhớ từng con chữ. Đó là cảnh thường thấy ở lớp học xóa mù chữ mở tại Ban quản lý học viên số 1, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh.

“Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày…”. Để đọc được câu ca quen thuộc này, học viên Tuấn phải mất hơn 2 tháng “đánh vật” từ những chữ cái o, a, ô, ê; ghép vần, ghép chữ; đánh vần rồi đến đọc trơn. Cố gắng lắm nhưng đôi khi Tuấn vẫn nhầm hoặc quên dấu, đọc sai. Còn viết, dù nắn nót viết thật chậm mà có lúc Tuấn vẫn phải tẩy xóa, viết lại. Môn toán với 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia, nhiều lúc khiến Tuấn hơi nản.

Sinh năm 1995, từ tuổi nhi đồng Tuấn đã phải đi trường giáo dưỡng vì thường xuyên đánh lộn. Không học hành đến nơi đến chốn, lang thang cùng chúng bạn sử dụng ma túy, Tuấn bỏ rơi tuổi trẻ, thanh xuân, bỏ rơi luôn chữ nghĩa. “Em không dám bảo với các bạn là mình không biết chữ, sợ chúng nó cười. Mù chữ khổ thật, đơn giản như số điện thoại của mọi người, em lưu số rồi cố nhớ nó là của ai, chứ không biết lưu tên. Đến nhắn tin cho người yêu, em cũng phải nhờ thằng bạn nhắn hộ” - Tuấn kể.

Cover

Học viên Thắng sinh năm 1997, ngồi cùng bàn với Tuấn. Nhà Thắng ở phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên). Bố, mẹ Thắng cho ăn Thắng ăn học đàng hoàng, nhưng Thắng mải chơi, thường xuyên bỏ học. Chữ được, chữ mất khiến Thắng chán nản rồi bỏ học hẳn, đi theo đám bạn, nay chỗ này, mai chỗ kia, rồi sa đà vào nghiện hút. Vào Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, Thắng nằm trong "top” thanh niên trẻ mà không viết nổi tên mình, làm gì cũng phải giơ ngón tay, lăn mực điểm chỉ.

Cùng ở TX Quảng Yên, học viên Biền (năm nay 40 tuổi) sinh ra trong một gia đình có tới 9 người con, anh là thứ 7. Gia đình quá khó khăn, anh không được đi học. “Không biết chữ, vẫy xe đi đâu cũng khó. Vì xấu hổ nên không dám hỏi lơ xe là xe về đâu, thế nên nhiều khi vẫy hai, ba chuyến mới tìm đúng tuyến mà đi. Mua bán, làm ăn gì cũng tính toán chậm hơn mọi người. Khổ nhất là bạn bè rủ đi hát karaoke, không biết chữ nên cũng không tìm được bài mình thích” - học viên Biền kể.

Ảnh căn trái

Anh Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục - Tái hòa nhập cộng đồng (Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh), cho biết: Có khá nhiều học viên tại Cơ sở mù chữ. Không biết chữ khiến học viên thua kém, khó khăn về mọi mặt, từ điều trị, cắt cơn đến sinh hoạt, học nghề… đều gặp hạn chế. Thực hiện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, căn cứ chức năng nhiệm vụ của Phòng, chúng tôi đã tham mưu cho Ban Giám đốc Cơ sở mở các lớp học xóa mù chữ cho học viên từ tháng 4/2020.

Lớp đầu tiên ở Cơ sở có 8 học viên tham gia. Do thời gian cai nghiện của mỗi người khác nhau, từ 6 tháng đến 1 năm, nên các thầy, cô ở Cơ sở xây dựng chương trình phù hợp để cố gắng người nào cũng học được hết lớp 3 chương trình xóa mù chữ của Bộ GD&ĐT. Để học viên có sách, các thầy, cô đến các trường tiểu học ở vùng núi như các xã Đồng Lâm, Đồng Sơn (TP Hạ Long), mượn sách về phô tô cho học viên. Bàn ghế, bảng đen, bút vở, giấy mực… được Cơ sở mua sắm, trang bị để học viên có điều kiện học tốt nhất.

Thời điểm này, Cơ sở có 1 lớp xóa mù chữ, ghép 2 trình độ: Lớp 1 có 13 học viên; lớp 2 có 7 học viên. Người trẻ nhất là học viên Thắng, 24 tuổi; người lớn tuổi nhất là học viên Vui, 50 tuổi. Thấu nỗi khổ của không biết chữ, không biết tính toán, nên dù đã lớn tuổi nhưng các học viên đều chịu khó, cố gắng để biết đọc, biết tính. Mọi người đến lớp rất đều. 7h30 mỗi ngày, tiếng kẻng trong Cơ sở vang lên thúc giục mọi người đến lớp. “Không có trống, không có chuông, nhưng cứ sau tiếng kẻng là chúng tôi lên lớp đủ. Sĩ số hiếm khi báo vắng lắm” - học viên Vui nói.

Hai mươi học viên ngồi ngay ngắn, có người tóc đã điểm bạc, có những bàn tay đầy vết xăm trổ, có những gương mặt chằng chịt sẹo. Tất cả nhìn lên bảng, đọc bài theo tiếng gõ thước của cô giáo Nguyễn Thị Tâm. “Học viên ở nhiều lứa tuổi, bên ngoài xã hội vốn là những người “có máu mặt”, có người số lần hút, chích ma túy gấp chục lần số tuổi. Nhưng ở họ, tôi thấy được mong muốn, khát khao được biết đọc, biết viết” - cô giáo Tâm chia sẻ.

Cover

Mong muốn, khát khao là có, nhưng để mỗi học viên ham học, theo học lại là một chuyện khác. Cô giáo Tâm cho biết: Dạy xóa mù chữ cho những người bình thường đã khó, dạy cho những người đã một thời lầm lỗi do vướng vào tệ nạn ma túy lại càng khó hơn. Một phần họ ngại do lớn tuổi rồi vẫn đi học, phần khác họ luôn mặc cảm, tự ti. Do đó giáo viên vừa phải dạy chữ, vừa phải là nhà tâm lý, thường xuyên gần gũi, nắm bắt được tâm lý của từng người để kịp thời động viên họ vượt qua những mặc cảm, đồng thời cũng phải kiên nhẫn, giúp họ có thêm động lực để tiếp thu bài.

Những bàn tay gân guốc, ngón tay to dài, chật vật cầm cây bút bé nhỏ. Có người do ảnh hưởng bởi sử dụng ma túy nhiều năm khiến tay bị run. Có người nhận thức chậm, chỉ đọc, viết thôi đã khó rồi, học sang toán, làm tính vô cùng chật vật. Cô giáo Tâm, thầy giáo Dũng lại phải kiên trì uốn nắn, sửa cho học viên từng nét chữ, dạy từng bài toán để học viên được xóa mù chữ.

“Chịu khó trồng cây sẽ có ngày được hái quả”, câu nói này đúng cho cả người dạy và người học. Sau những ngày tháng kiên nhẫn, miệt mài, từ những học viên còn bỡ ngỡ, không biết viết tên của mình, đến nay trong số họ nhiều người đã đọc thông, viết thạo, biết thực hiện 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Các thầy cô giáo được hái “trái ngọt” là niềm vui, ánh mắt rạng rỡ của học viên mỗi khi đọc trọn vẹn được một bài thơ, làm tốt một phép tính, hay tự giác mượn sách, truyện ở lớp về phòng tập đọc. 

 

Cover

“Ở trong này các thầy cô dạy anh từng chữ và nời ăn tiếng nói lên anh mới biết chữ để viết thư cho em, mong em thông cảm và tha thứ cho anh. Em ạ, giá như anh không nghiện thì vợ chồng mình rất hạnh phúc, nhưng thôi, thời gian hãy còn nhiều, lên em không phải no, để chứng mình cho em thấy đợi anh về, anh bù đắp cho em, em nhé…”.

“Con trong này vẫn khỏe, đã cai được nghiện. Đặc biệt là vào trong này con đã được đi học và giờ đã đọc thông viết thạo nên mới viết được thư để gửi về cho mẹ. Lần này về con hứa sẽ không chơi bời nữa dồi. Và sẽ làm lại từ đầu để bù đắp lại những sự hy sinh mất mất mát của mẹ trong những tháng ngày vừa qua…”.

Đây là đoạn trích trong 2 bức thư của học viên Bùi Khắc Đường (TP Hạ Long) gửi về cho vợ và học viên Phạm Văn Triều (TP Cẩm Phả) gửi về cho mẹ sau khi học hết lớp 3 chương trình xóa mù chữ ở Cơ sở. Nét bút mềm mại, ngay lối thẳng hàng, tuy vẫn còn lỗi chính tả, nhưng với họ và cả các thầy, cô giáo ở đây là món quà vô giá. Anh Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục - Tái hòa nhập cộng đồng (Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh), sau khi giúp học viên chụp ảnh bức thư gửi về cho gia đình qua tin nhắn zalo, đã xin giữ lại 2 bức thư làm kỷ niệm.

“Sau này cai nghiện xong, có đi tìm người yêu, em cũng sẽ không phải nhờ ai nhắn tin giúp nữa” -  học viên Tuấn, trẻ, điển trai nhất lớp, nói. Còn với người chín chắn như học viên Biền, chỉ mong nhanh đọc viết, tính toán thạo để “ra ngoài còn biết đường làm ăn nghiêm chỉnh”.

Cover

Nắng vẫn như thắp lửa trong khuôn viên Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Rời lớp học đặc biệt này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui ánh lên trong ánh mắt các thầy cô và dường như trong mỗi học viên, hi vọng về một nẻo về tươi sáng hơn của những con người đã một thời lầm lỗi cũng đang lấp lánh…

Cover

Hoàng Quý

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu