20
18
/
1100320
Kinh nghiệm của quán quân PCI 2020
longform
Kinh nghiệm của quán quân PCI 2020

Cover

Kinh nghiệm của quán quân PCI 2020

Tháng 4/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID tổ chức lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020. Ttại Lễ công bố, tỉnh Quảng Ninh lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh ở vị trí dẫn đầu toàn quốc về chỉ số này.

Các giải pháp rõ ràng, cụ thể

Theo nhận định của các chuyên gia VCCI, các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của Quảng Ninh những năm qua, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, khi “cơn bão” Covid-19 có ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung, hoạt động doanh nghiệp nói riêng khá rõ ràng, cụ thể. Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đánh giá: Trong bối cảnh dịch bệnh, Quảng Ninh vẫn tổ chức được nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, quy mô từ cấp huyện, sở, ngành cho tới cấp tỉnh, để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng kinh doanh. Trong đó phải kể đến việc kịp thời đưa ra một số nghị quyết hỗ trợ khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch, với gói kích cầu hàng trăm tỷ đồng. Hay những giải pháp tháo gỡ khó khăn rất kịp thời cho các ngành trọng điểm như Than, Điện; đẩy mạnh hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo… 

Ảnh với chú thích
Ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - trao đổi với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam và Quyền Giám đốc USAID Việt Nam bên lề buổi lễ. Ảnh: Minh Hà

Điểm nổi bật trong PCI của Quảng Ninh năm 2020 là các chỉ số thành phần có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2019. Trong đó: Chi phí gia nhập thị trường tăng 0,56 điểm; Tiếp cận đất đai tăng 0,12 điểm (tăng 16 hạng so với 2019); Chi phí thời gian tăng 0,64 điểm; Đào tạo lao động tăng 0,46 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,9 điểm (tăng 17 hạng so với 2019); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 0,18 điểm. Ngoài ra, nhiều chỉ số của Quảng Ninh năm nay tiếp tục giữ vững điểm số xếp hạng và vượt xa các địa phương xếp hạng phía sau.

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, để đạt được kết quả Chỉ số PCI năm 2020, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đó là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ảnh với chú thích
Chuyên gia VCCI tham vấn một số giải pháp nâng cao chỉ số PCI cho tỉnh tại Hội nghị phân tích các chỉ số PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI, ICT Index Quảng Ninh, tháng 7/2021. Ảnh: Minh Hà

Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp dựa trên 3 trụ cột, gồm: Chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công; và ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng thành phố thông minh.

Để duy trì được vị trí dẫn đầu, vượt qua chính mình, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra chỉ tiêu “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”. Đây là lần đầu tiên, các chỉ số này được đưa vào thành một chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cũng là địa phương duy nhất trong cả nước đưa các chỉ số này vào Văn kiện Đại hội. Đây chính là sự cam kết, đồng hành của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực hiệu quả...

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong khó khăn

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh, kết quả đánh giá các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác CCHC, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo giá trị. Hội nghị phân tích các chỉ số diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, gợi mở với sự tham gia, thảo luận và phát biểu của các chuyên gia, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và ý kiến phát biểu của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh... đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh với công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới một nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, qua kết quả tổng hợp, phân tích cũng cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm và tìm biện pháp khắc phục. Quảng Ninh không được sớm tự mãn về thành tích đứng đầu đã đạt được, mà nên tập trung phân tích sâu vào các chỉ số thành phần còn đứng ở thứ hạng thấp, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương đang làm tốt hơn. Thách thức Quảng Ninh phải đối mặt và vượt qua đó là vượt qua chính mình, thực sự trở thành địa phương đi đầu, dẫn dắt công cuộc đổi mới.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cải cách là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, cần phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt. Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần phát huy những kết quả đạt được, đồng thời nhận diện những tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục. Tất cả đều phải được thực hiện trên tinh thần quyết tâm cao nhất, nỗ lực nhiều nhất; thực hiện thắng lợi nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 về chỉ tiêu “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”; bám sát tinh thần và triển khai có hiệu quả, thực chất Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 26/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Đề án đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025”, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.

Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị phải chủ động hỗ trợ giải quyết nhanh chóng kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp ở các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Chủ động tiếp thu, nắm bắt nhanh tình hình doanh nghiệp, nhà đầu tư khu vực dân doanh để có các giải pháp kịp thời hỗ trợ…

Cover

Ngày 2/7/2021,  các chỉ số PAR INDEX, PCI, SIPAS, PAPI, ICT và công bố kết quả xếp hạng các chỉ số của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2020.


Được biết, từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, đã tích cực triển khai nhanh chóng thực hiện các chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách thuế, bảo hiểm, giảm các loại phí, lệ phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương. Đầu tháng 7/2021, tỉnh đã thành lập Tổ Công tác hỗ trợ dự án đầu tư (Investor Care) nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn các nhà đầu tư khi thực hiện nghiên cứu, triển khai các dự án tại tỉnh.

Với các giải pháp cụ thể, tình hình phát triển doanh nghiệp tại tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, 7 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 1.157 đơn vị thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020, tổng số vốn đăng ký 13.521 tỷ đồng, tăng 83% cùng kỳ; có 623 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 60% cùng kỳ; 230 doanh nghiệp giải thể, giảm 22% cùng kỳ. Về tình hình thu hút đầu tư, trong tháng 7, tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.236 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng đạt trên 282.236 tỷ đồng. Trong đó: Cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 24.926,5 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 38 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là 257.310 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh tiếp tục tập trung các giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp…

Ngọc Lan

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu