20
18
/
1066476
Khôi phục kinh tế trong trạng thái bình thường mới
longform
Khôi phục kinh tế trong trạng thái bình thường mới

 

 

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 tại Việt Nam (bắt đầu từ thời điểm cuối tháng 1/2021), bằng những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, chỉ trong thời gian rất ngắn Quảng Ninh đã kiểm soát tốt tình hình, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh khẩn trương “vào guồng”. Cùng với đó, tỉnh cũng đưa ra nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với tinh thần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới, thúc đẩy tăng trưởng.

Dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp ngay trong những tháng đầu năm 2021 có tác động rất lớn đến nền kinh tế của tỉnh. Khu vực dịch vụ, du lịch là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Đặc biệt từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, các sự kiện, chương trình kích cầu du lịch đều không thực hiện được; khách du lịch đạt thấp so với kịch bản đề ra, trong khi đây là thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng cao và là thời gian thu hút du khách tham quan, lễ hội ngày xuân.

Thống kê của cơ quan chức năng, dịp cao điểm sau Tết Nguyên đán, các địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh lượng khách sụt giảm mạnh so với kế hoạch đặt ra, như: Hạ Long đạt 66,7%, Cẩm Phả đạt 50%, Vân Đồn đạt 20%, Đông Triều đạt 15%... Cùng với đó, hoạt động mua bán, vận tải hàng hóa giảm mạnh; nguồn cung lao động, nguyên liệu sản xuất bị thiếu hụt; đa số các doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói, gạch ốp lát trên địa bàn Đông Triều hoạt động cầm chừng, đạt 60-70% kế hoạch đề ra, do việc tiêu thụ gặp khó khăn trong khâu vận chuyển.

Theo số liệu tổng hợp của Sở KH&ĐT, tính chung trong 2 tháng đầu năm, chỉ số phát triển ngành khai khoáng của tỉnh đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2020; tổng lượng khách du lịch giảm 47%; doanh thu du lịch giảm 43% so với cùng kỳ; một số khoản thu thuế, phí chưa đạt tiến độ thu bình quân; các doanh nghiệp vận tải khách rất khó khăn, sản lượng vận tải khách chỉ đạt khoảng 8,1 triệu lượt khách, bằng 62% so với cùng kỳ; tiêu thụ xăng dầu giảm 10%, tương đương doanh thu ước đạt 2.985 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ...

Sự sụt giảm trên một số ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh trong 2 tháng đầu năm phản ánh đúng tình hình thực tế khách quan. Bởi đây là khoảng thời gian cao điểm của Quảng Ninh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cần thực hiện những giải pháp mạnh để sớm khoanh vùng, dập dịch, đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Với quan điểm đảm bảo an toàn tối đa cho nhân dân trước dịch bệnh, nhưng cũng không để nền kinh tế ngưng trệ, sụt giảm, các giải pháp điều hành kinh tế của tỉnh được triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình. Từ cuối tháng 1/2021, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá những khó khăn, thách thức đối với ngành, lĩnh vực mình quản lý trong từng tháng, từng quý; đồng thời, nhận diện các dư địa phát triển để khai thác tốt nguồn lực, tạo đà tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở từng bước kiểm soát dịch bệnh, ở mỗi địa bàn khác nhau, trong từng thời điểm, tỉnh có cách điều hành phù hợp. Đơn cử, trong thời điểm các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Đông Triều có ca bệnh phát sinh trong cộng đồng, tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tồn đọng; đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu; đảm bảo an toàn tại các khu vực sản xuất… Còn đối với các địa bàn không có dịch, hỗ trợ tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở đảm bảo an toàn; đẩy mạnh hoạt động lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; đẩy mạnh đầu cư công; đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, nhất là đối với các dự án về hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu kinh tế... Tỉnh cũng từng bước đưa trở lại các hoạt động về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại trung tâm hành chính công ở các địa phương; khôi phục dần hoạt động vận tải; cho phép du lịch nội tỉnh hoạt động trở lại...

Điều này lý giải vì sao bức tranh kinh tế ngay trong 2 tháng đầu năm vẫn có những điểm sáng, đó là: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 33,65%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 18,4%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 4,8% so với cùng kỳ...

Dù chịu những tác động lớn từ dịch Covid-19 ngay trong những tháng đầu năm, tuy nhiên, với việc điều hành linh hoạt các nhiệm vụ phát triển KT-XH đã tạo điểm tựa vững chắc để Quảng Ninh không thay đổi kịch bản tăng trưởng năm 2021, kiên định với mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số và tăng thu ngân sách tương ứng với mục tiêu tăng trưởng. Theo đó, phấn đấu cả năm, tốc độ tăng trưởng tăng 10,1%. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,3%; dịch vụ tăng 11,5%; thuế sản phẩm tăng 8,9%; thu NSNN đạt 53.700 tỷ đồng; tổng khách du lịch ước đạt 10 triệu lượt. Riêng quý 1, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tăng 9,2%; thu NSNN đạt trên 11.600 tỷ đồng.


Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá: Dư địa tăng trưởng và cơ hội phát triển nhanh, bền vững KT-XH của Quảng Ninh đang rất lớn. Đồng thời, từ nền tảng thành tựu 35 năm đổi mới, của 10 năm qua, của giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kép năm 2020 cùng với niềm tin lớn của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, hiện đại, đồng bộ đang hoàn thành; đội ngũ cán bộ hội tụ bản lĩnh, trình độ, năng lực, kinh nghiệm... là những yếu tố thuận lợi góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh năm 2021.

Để sớm lấy lại đà tăng trưởng, từ đầu tháng 3, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã triển khai kế hoạch làm việc với ban thường vụ các địa phương để đánh giá việc thực hiện các kết luận thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Đến ngày 12/3, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã làm việc với 2 địa phương là huyện Vân Đồn và TP Cẩm Phả. Chỉ đạo tại các buổi làm việc này, trên cơ sở báo cáo từ địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã cho ý kiến, định hướng nhiều nội dung, giải pháp quan trọng, bám sát thực tiễn phát triển tại địa phương.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng làm việc với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn của tỉnh như FLC, Vingroup...  liên quan đến việc phối hợp, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh các dự án đầu tư; làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp kiểm tra tại hiện trường nhiều dự án, công trình trọng điểm, khu công nghiệp, khu kinh tế… của tỉnh, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, chủ đầu tư, để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tồn tại.

Đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế, tỉnh đều có chỉ đạo, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể. Đơn cử, đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giao Sở Công Thương chủ trì cùng các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động các đơn vị ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu của các doanh nghiệp trong tỉnh (xăng dầu, gạch, ngói, xi măng...); tham mưu đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng với việc phát triển các hình thức bán hàng online qua website, facebook, điện thoại, zalo để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mọi khách hàng; tìm kiếm thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh để tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu (dầu thực vật, dệt may, thiết bị điện tử...). Tỉnh cũng xem xét để cho phép một số địa phương có đủ điều kiện chủ động đánh giá các tiêu chí về phát triển kinh tế ban đêm, nhằm kéo dài thời gian hoạt động của một số loại hình dịch vụ, du lịch trên địa bàn.


Trong lĩnh vực du lịch, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Du lịch đang chủ trì cùng các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh, rà soát, điều chỉnh các chương trình, sự kiện, thu hút khách du lịch. Xây dựng các kế hoạch chi tiết để triển khai các hoạt động phát động chương trình kích cầu du lịch theo Kế hoạch kích cầu năm 2021 phù hợp với tình hình mới. Triển khai chiến dịch truyền thông về Quảng Ninh là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn ngay khi hoạt động văn hóa tâm linh, du lịch trên địa bàn tỉnh được hoạt động trở lại….

Để hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế, đối với hoạt động đầu tư công, tỉnh đã chỉ đạo, quý I/2021 phải hoàn thành dứt điểm thủ tục đầu tư; 6 tháng đầu năm giải quyết ít nhất 50% kế hoạch vốn; đến ngày 30/9 giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã họp, cho ý kiến vào đề án và dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án sớm được thông qua sẽ tiếp tục khẳng định quyết tâm của tỉnh đối với việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng nền hành chính tỉnh Quảng Ninh hiện đại, chuyên nghiệp; tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp phát triển...

Hồng Nhung

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu