Khắc phục hậu quả cơn bão số 5
Sáng 30-9, bão số 5 - cơn bão có cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng - đã trực tiếp đổ bộ vào địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận. Mặc dù khi vào đến đất liền cường độ của bão đã giảm đi, nhưng sức gió vẫn ở cấp 9, cấp 10 và gây mưa vừa, mưa to ở nhiều địa phương. Huyện đảo Cô Tô là nơi có sức gió mạnh nhất (cấp 10, giật cấp 11, cấp 12); lượng mưa đo được ở Cửa Ông (Cẩm Phả), Hải Hà, Cô Tô là trên 100mm. Gió mạnh cộng với mưa to tuy không gây thiệt hại về người, nhưng theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng và các địa phương bão gió đã làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân như đắm tàu thuyền, tốc mái nhà, vỡ, trôi dạt lồng bè nuôi thuỷ sản, đổ cột điện, dập nát hoa màu; ngoài ra mưa bão còn làm sạt lở một số đoạn đê kè ven biển, sụt lún đất, đường đi ở một vài khu dân cư, đổ gãy nhiều cây xanh trên các tuyến đường giao thông... ước tính thiệt hại có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.
Để chủ động đối phó với cơn bão số 5 và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ khi cơn bão còn ở xa đất liền, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản, công điện khẩn chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương chủ động các phương án phòng chống bão, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Trước và trong quá trình bão đổ bộ vào địa bàn tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão ở các địa phương, địa bàn trọng điểm, xung yếu.
Mặc dù đã có sự chỉ đạo từ rất sớm và dự báo được mức độ ảnh hưởng của cơn bão, nhưng thực tế ở một số địa phương việc triển khai vẫn chưa kiên quyết, triệt để, thiếu biện pháp an toàn. Cụ thể, vẫn còn người dân sống tại làng chài, trên các nhà bè nuôi trồng thuỷ sản chưa được di chuyển đến nơi an toàn; nhiều tàu thuyền chưa được neo đậu, chằng chống chắc chắn. Vì vậy khi bão vào lực lượng cứu hộ đã phải vất vả sơ tán người dân, và một số tàu thuyền đã bị đắm cạn, trôi dạt... Đây là tồn tại cần được rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão.
Để sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân và khôi phục sản xuất, ngay sau khi bão tan các ngành chức năng và địa phương cần khẩn trương huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả của cơn bão, tu bổ lại đê kè, đường đi lối lại; hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân bị thiệt hại nặng; tổ chức trồng lại hoa màu, khôi phục chăn nuôi; dọn vệ sinh môi trường đường phố; tiêu thoát úng cho những khu vực trũng... Đặc biệt cần đề phòng hoàn lưu của bão có thể gây ra mưa to trên diện rộng làm ngập úng, sạt lở đất đá trên địa bàn, phát sinh lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi...
Thanh Tùng
Ý kiến ()