Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, ngày 27/10/2020, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong một nhiệm kỳ mới thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền với nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, tỉnh đã tạo ra một chương trình mới, bài bản, hiệu quả đó là chương trình “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP). Chương trình đã thực sự nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi tư duy sản xuất, từng bước hình thành sản xuất hàng hóa. Song hơn hết, từ những thành công của Quảng Ninh, chương trình đã lan tỏa ra cả nước.
Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi với đa dạng các loại đặc sản, từ trên rừng, dưới biển tới đồng bằng. Nguồn nguyên liệu này cùng với sự sáng tạo trong chế biến của con người mỗi vùng, miền gắn với điều kiện sinh sống đặc thù đã tạo cho những sản vật Quảng Ninh mang nét nét đặc sắc riêng.
Tuy nhiên, có một tồn tại từ bấy lâu nay, đó là các sản phẩm này là chưa được thương mại hóa. Các lý do trực tiếp dẫn đến điều này là người dân chưa biết cách tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm và tiếp thị, khả năng sáng tạo còn thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, sản phẩm không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Việc bảo vệ, giữ gìn thương hiệu của sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng nhái đối với các sản phẩm này chưa được thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, chưa có sự hỗ trợ một cách có hệ thống cho việc phát triển các sản phẩm truyền thống. Do vậy, các sản phẩm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.
Với phương châm “cái gì có lợi cho dân thì phải kiên quyết làm” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt trong mọi hoạt động, tỉnh đã quyết tâm xây dựng đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” gắn với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trong những năm 2012, 2013, chương trình OCOP là một mô hình lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh, do đó chưa có tiền lệ về phương pháp luận, cơ chế chính sách, mô hình hiệu quả để học tập. Các cán bộ chủ chốt của tỉnh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OVOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi…
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, chính sách hiện hành, hiệu quả của mô hình đã triển khai tại Việt Nam. Từ đó, năm 2013, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2013 – 2016 theo hướng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đề án có mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội nông thôn.
Tiếp tục phát huy sức mạnh từ nguồn lực nhân dân đã được chứng minh từ thực tiễn, chương trình OCOP được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản đó là: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Do vậy, chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.
Từ chủ trương của tỉnh, chương trình đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp tới các địa phương, tổ chức và nhân dân, tạo nên khi thế thi đua sôi nổi ở khắp nơi, trở thành điểm nhấn quan trọng để nâng cao chất và lượng của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Bằng các giải pháp khác nhau, người dân hồ hởi, tích cực, chủ động tham gia chương trình. Trong giai đoạn 2013-2016, từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động thành lập Ban Điều hành OCOP, triển khai các dự án phát triển sản xuất, tổ chức hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm...
Trong 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP với trên 210 sản phẩm. Trong đó, không ít sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường ngoài nước như: Gốm Quang Vinh, nước mắm Cái Rồng, miến dong Bình Liêu... Doanh thu OCOP Quảng Ninh trong 3 năm cũng đạt đến gần 700 tỷ đồng, con số lớn, rất đáng phấn khởi trên bình diện sản phẩm OCOP là những sản vật địa phương có giá trị nhỏ. Điều này cho thấy ý chí, khát khao phát triển sản xuất, làm giàu đã được bắt đầu và bùng cháy từ chính người nông dân, trên chính mảnh đất của mình. Và cũng từ chương trình đã có nhiều tỷ phú OCOP.
Anh Nịnh Văn Trắng, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ là điển hình nhất về những tỷ phú “chân đất” đi lên từ chương trình OCOP. Từ một anh nông dân người dân tộc Sán Chỉ chưa rõ hết mặt chữ cái, kiếm sống bằng nghề khai thác lâm sản, thu nhập bấp bênh đã trở thành Giám đốc một công ty kinh doanh nổi tiếng khu vực miền Đông Quảng Ninh.
Vùng núi rừng Đạp Thanh quê anh có cây trà hoa vàng. Là người bản địa, sống dựa vào rừng, anh biết đây là loại cây quý. Tuy nhiên, giống như bao người khác, khi đó anh Trắng chỉ biết lên rừng kiếm thật nhiều trà hoa vàng nhằm mục đích bán cho thương lái. Chỉ đến khi được tiếp cận chương trình OCOP thì anh mới thật sự có ý thức xây dựng, phát triển và tạo dựng thương hiệu cho loại sản phẩm đặc sản của quê hương này.
Từ những kiến thức thực tế kết hợp với quy trình sản xuất được học qua các khóa tập huấn, cùng với sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ có được trong chương trình OCOP, anh Trắng từng bước đưa cây trà hoa vàng trên rừng núi tự nhiên về trồng trong vườn nhà, nhân giống cây, mở rộng diện tích trồng. Đồng thời, chế biến các thành phần của cây thành các sản phẩm khác nhau. Anh còn được hỗ trợ bao bì, nhãn mác, mã vạch sản phẩm, tạo điều kiện cho sản phẩm trà hoa vàng tham gia các hoạt động đánh giá, phân loại sản phẩm, xúc tiến thương mại. Nhờ đó, sản phẩm trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng nhanh chóng tạo được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, lan tỏa trong toàn tỉnh mà còn nhiều tỉnh thành lân cận, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện sản lượng tiêu thụ mỗi năm của anh Nịnh Văn Trắng đạt 200kg hoa khô, 500kg lá khô; doanh thu 3-4 tỷ đồng.
Chương trình OCOP là một nét riêng có, khẳng định là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011–2015 của Quảng Ninh, được Nhà nước ghi nhận bằng việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất vào tháng 12-2015.
Với những kết quả đã được của Quảng Ninh, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” để triển khai trên phạm vi cả nước. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng trong triển khai chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới của Việt Nam, đồng thời, ghi nhận những nỗ lực của Quảng Ninh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa X về tam nông và chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 bởi chương trình OCOP- Chương trình kinh tế nông nghiệp mang dấu ấn sáng tạo của Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đánh giá: Thực ra trước Quảng Ninh đã có một số tỉnh, thành phố triển khai những chương trình phát triển sản phẩm nhưng Quảng Ninh là điển hình trong cách làm tổng thể, hệ thống và mạnh mẽ nhất. Chương trình OCOP Quảng Ninh đã khẳng định hướng đi đúng đắn, sâu sắc, bài bản của tỉnh trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh địa phương. Thực tế cách làm dày công từ bộ máy, cơ chế, công cụ quản lý OCOP của Quảng Ninh là chất liệu tốt cho chính chúng tôi trong hoạch định chính sách phát triển sản phẩm trung ương nói chung cũng như việc các địa phương có thể vận dụng để triển khai đề án phát triển sản phẩm trên địa bàn mình. Đây cũng chính là là nền tảng để Bộ tham mưu, đề xuất, báo cáo Chính phủ xây dựng kế hoạch, chính sách thực hiện chương trình, nhân rộng cả nước.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã phê duyệt Đề án chương trình OCOP giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, nâng tầm OCOP từ đề án trở thành chương trình kinh tế quan trọng để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư, triển khai các dự án khai thác thế mạnh của nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh trong cả nước và dần từng bước trên thị trường quốc tế.Không dừng lại ở những thành công đã có, thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giai đoạn II (2016-2020), Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 07-CT/TU ngày 27/5/2016 nêu rõ quan điểm: “Xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài”, “tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến”, “tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng; đầu tư của doanh nghiệp là động lực; Nhà nước giữ vai trò định hướng, hỗ trợ”. Do đó, Quảng Ninh tiếp tục đưa chương trình OCOP với bước chuyển mới từ “lượng” sang “chất”, góp phần đưa chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới sang giai đoạn mới, hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn được là nền móng, là địa bàn cung cấp nguyên liệu đầu vào, nhân lực, vật lực để phát triển công nghiệp, dịch vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015.
Theo nội dung đề án, nhiệm vụ, lộ trình, các bước thực hiện chương trình OCOP của tỉnh theo từng năm trong giai đoạn 2017-2020 khá rõ ràng, cụ thể, bài bản. Điểm rõ nét nhất đó là người dân luôn là chủ thể của chương trình, thể hiện ở nguồn kinh phí thực hiện huy động từ cộng đồng là cơ bản (khoảng 76%), phần ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ là thứ yếu (khoảng 24%). Và điều quan trọng là các sản phẩm OCOP của tỉnh trong giai đoạn này phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của thị trường trong nước và các tiêu chí của thương hiệu quốc gia...
Tỉnh đã kiện toàn bộ máy bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo chương trình OCOP, từ tỉnh đến địa phương đều bố trí cán bộ chuyên môn phụ trách, ban hành quy định quản lý, sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN đối với tem, nhãn, đổi mới các tiêu chí đánh giá trong cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP, triển khai phần mềm quản lý chương trình và sản phẩm bằng tem điện tử thông minh sử dụng mã Qr-code...
Nhằm chuyên nghiệp hóa sản phẩm, tỉnh đã sửa đổi chu trình OCOP phù hợp với nhu cầu phát triển gồm các bước: Tuyên truyền, hướng dẫn; nhận ý tưởng sản phẩm; nhận kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá xếp hạng cấp huyện, tỉnh; xúc tiến thương mại. Chương trình OCOP sẽ được thực hiện trên nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển, giải pháp, chính sách cho nhóm 12 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm định hướng cấp quốc gia.
Sự thay đổi đó đã tác động không nhỏ đến các đơn vị tham gia chương trình. Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất cũng đang chủ động tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại, chuyên nghiệp hóa sản phẩm.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn) là đơn vị duy nhất có 2 sản phẩm được xếp hạng 5 sao OCOP ngay từ lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP năm 2016. Không dừng lại ở đó, Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền rửa, vệ sinh, đóng lọ tự động, khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối thay thế cho phương pháp thủ công trước đây. Đồng thời, thường xuyên thay đổi bao bì, đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh, cho biết: Hiện nay, các sản phẩm của Công ty đã có mặt tại các thị trường lớn trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành khác. Công ty sẽ tiếp tục nỗ lực ứng dụng KHCN vào sản xuất, xây dựng nhà xưởng với dây chuyền hiện đại, đổi mới về mẫu mã đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian tới Công ty dự kiến xuất khẩu sản phẩm đến những thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Đến nay, Quảng Ninh đã có 171 đơn vị tham gia với 461 sản phẩm OCOP; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.
Chương trình OCOP không chỉ tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi tư duy sản xuất mà nó đã thực sự tạo nền tảng cho Quảng Ninh có những thuận lợi đưa nông sản địa phương vươn ra “biển lớn”. Đồng thời, tạo động lực để ngành nông nghiệp phát triển hiện đại, xây dựng nông thôn văn minh.
Thực hiện: Cao Quỳnh
Trình bày: Đỗ Quang
Bài 1: Những sáng tạo riêng, những cách làm riêng
Bài 2: "Xóa trắng" những thôn, xã nghèo – Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Ý kiến ()