20
18
/
1019183
Hành trình 10 năm "làm mới" vùng nông thôn - Bài 1: Những sáng tạo riêng, những cách làm riêng
longform
Hành trình 10 năm "làm mới" vùng nông thôn - Bài 1: Những sáng tạo riêng, những cách làm riêng

 

Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Quảng Ninh đã có 5 địa phương cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, 90 xã đạt chuẩn NTM; 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 41,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3,8 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,68% (năm 2010) xuống còn 1% (năm 2019). Đặc biệt Quảng Ninh là tỉnh có huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, có xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu.

Đạt được kết quả ấn tượng này là nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, sự đồng lòng, chung sức của người dân. Đặc biệt là những cách làm sáng tạo, linh hoạt, sát hợp với thực tiễn, được đánh giá là “riêng có, khác biệt” của Quảng Ninh.

Với vị trí đặc biệt của tỉnh địa đầu vùng Đông Bắc Tổ quốc, nông thôn Quảng Ninh khá đa dạng, có cả xã khu vực đồng bằng, miền núi, ven đô và hải đảo, trong đó xã miền núi là chủ yếu. Khi bắt đầu chương trình xây dựng NTM, Quảng Ninh có tới 53 xã khó khăn, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Hiện trạng các xã so với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM đạt thấp. Số xã đạt dưới 50% bộ tiêu chí còn tới 58 xã; nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ... Lợi thế trong chương trình xây dựng NTM đối với Quảng Ninh rất ít. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh nhận thức phải có quyết tâm cao, bước đi và cách làm mang tính đột phá.

Ngay sau khi Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2010, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020. Đây cũng là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong một nhiệm kỳ mới nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn Quảng Ninh.

Nghị quyết 01-NQ/TU xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chủ thể chính xây dựng NTM là nông dân; xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ. Triển khai Chương trình xây dựng NTM, Quảng Ninh không lựa chọn thí điểm như hầu hết các địa phương khác trong cả nước mà tiến hành thực hiện đồng loạt tại 125/125 xã, 13/14 đơn vị cấp huyện (trừ TP Hạ Long).

Trong từng giai đoạn, công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh phù hợp với thực tiễn của quá trình triển khai. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp do đồng chí Bí thư cấp uỷ các cấp làm Trưởng Ban chỉ đạo, nhằm đảm bảo sự vào cuộc một cách toàn diện, triệt để của cả hệ thống chính trị. Cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cũng được thành lập từ tỉnh đến cơ sở phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020 (trên cơ sở gộp 2 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM), để tập trung chỉ đạo. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020”, nâng tầm từ 1 đề án, lên thành Chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh. Từ tỉnh đến địa phương đều bố trí cán bộ chuyên môn phụ trách, theo dõi Chương trình xây dựng NTM và Chương trình OCOP.

Đối với địa phương, 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, thành lập Văn phòng Điều phối NTM; bố trí cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách ở cấp huyện và cấp xã để thực hiện Chương trình; 111 xã (đạt 100%) kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã.

Cho đến nay, việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình đã đồng bộ ở tất cả các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Việc bố trí cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách cấp huyện, xã giúp cho công tác tổng hợp, tham mưu được thường xuyên, kịp thời. Thông qua việc phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành hướng dẫn địa phương thực hiện các tiêu chí đã phát huy được trách nhiệm, vai trò của các ngành trong bám, nắm cơ sở, thông qua đó sự phối hợp cũng khăng khít, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách riêng, tạo hành lang pháp lý phục vụ cho chương trình đạt hiệu quả. Trong đó phải kể đến: Chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng NTM, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn…

Tỉnh cũng đã ban hành các tiêu chí về NTM tỉnh Quảng Ninh; phê duyệt các đề án, dự án, kế hoạch cụ thể thực hiện lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn. Triển khai Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Đề án 196 về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, để có chính sách ưu tiên, hỗ trợ các xã, thôn ĐBKK có điều kiện vươn lên thoát nghèo và tiếp tục xây dựng NTM.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Quảng Ninh bằng quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần sáng tạo trong chỉ đạo, chủ động, linh hoạt trong quá trình thực hiện bằng nhiều cách làm khác biệt, riêng có. Trong đó, xác định “Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng”, nên công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, vào cuộc từ trên xuống dưới được tỉnh đặc biệt quan tâm. Công tác triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền, vận động thực hiện Nghị quyết về xây dựng NTM được các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng triển khai với hình thức phong phú, đa dạng, sâu sắc, chuyển tải những nội dung cốt lõi nhất đến rộng rãi cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp quần chúng nhân dân. Qua đó, nhận thức về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt, đến nay cả hệ thống chính trị và người dân đã chủ động tham gia chương trình; từ tập trung xây dựng các tiêu chí NTM về lượng chuyển sang hoàn thiện các tiêu chí về chất, đầu tư cho phát triển sản xuất và môi trường nhiều hơn.

Xây dựng NTM ở Quảng Ninh không là việc của riêng ai, mà trở thành phong trào sâu rộng, là chương trình của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đúng như tên gọi “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM”. MTTQ và các đoàn thể tỉnh đóng vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động khơi dậy và phát huy sự đóng góp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng, giám sát thực hiện Chương trình theo hướng lựa chọn phụ trách nội dung, lĩnh vực, mô hình cụ thể, thiết thực.

Sự chung sức, đồng lòng giúp cho xây dựng NTM lan tỏa sâu rộng, lồng ghép vào các phong trào được toàn dân hưởng ứng, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; Thi đua “Dân vận khéo”, gắn xây dựng vườn mẫu với “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”.  Từng đoàn thể lại có các phong trào riêng đặc thù, như: “Thắp sáng đường quê” của Hội CCB,  “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh” của Hội Phụ nữ; Mặt trận Tổ quốc phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; Đoàn Thanh niên phong trào “Thanh niên chung sức xây dựng NTM”. Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh triển khai phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM”.

Quảng Ninh còn thực hiện thành công phong trào “Thành thị giúp nông thôn”. Cụ thể, TP Uông Bí giúp đỡ huyện Hoành Bồ (cũ), TP Hạ Long giúp đỡ huyện Ba Chẽ, TP Cẩm Phả giúp đỡ huyện Bình Liêu. Thông qua sự giúp đỡ hỗ trợ này, góp phần không nhỏ giúp các địa phương khó khăn trong tỉnh có thêm hỗ trợ cả về kinh nghiệm, nguồn lực và con người khi thực hiện chương trình xây dựng NTM. Ngoài ra, các phong trào khác như “Công nông liên minh trong xây dựng NTM”, “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng NTM” thông qua sự kết nối chặt chẽ của tỉnh với các tổ chức, đơn vị liên quan cũng đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Trong huy động nguồn lực, giai đoạn 2011-2019, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đạt 120.814.472 triệu đồng. Đáng chú ý là 4 năm (2016-2019) đã huy động cao hơn 5 năm của giai đoạn I (2011-2015). Các quy định của Trung ương về cơ cấu vốn đều đảm bảo ở mức tốt hơn; tỉnh huy động được nguồn lực lớn từ các tổ chức tín dụng đầu tư vào phát triển sản xuất; đã thực hiện được mục tiêu vốn ngân sách giảm dần qua các năm và chuyển sang vốn xã hội hóa.

Đích đến, mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân, cả vật chất và tinh thần, để đời sống người dân sung túc hơn. Do vậy, Quảng Ninh đã triển khai những giải pháp sáng tạo, đột phá về sản xuất và thu nhập. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) với những cách làm sáng tạo, đạt được kết quả to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng ĐBKK. Đặc biệt, từ thành công của Chương trình OCOP Quảng Ninh, tháng 5/2018, Chính phủ đã quyết định phát triển OCOP thành chương trình quốc gia, triển khai nhân rộng ra khắp cả nước.

Quảng Ninh cũng là địa phương xây dựng đề án về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020 (gọi tắt là Đề án 196). Đề án 196 là sáng tạo và cách làm riêng của tỉnh trong thực hiện Chương trình 135. Với các giải pháp đồng bộ và sáng tạo, Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình 135 trong năm 2019, về sớm 1 năm; đồng thời là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình 135.

Chặng đường 10 năm xây dựng NTM của Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào. Xây dựng NTM “Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, do vậy, giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn và phù hợp với quá trình đô thị hóa hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục đầu tư nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường để xây dựng NTM bền vững; tiếp tục đột phá, sáng tạo những cách làm và hướng đi mới.

Thực hiện: Hoàng Quý

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu