Ngau sau khi tái khởi động các hoạt động du lịch, Quảng Ninh đã đi tiên phong trong cả nước khi đưa ra gói kích cầu trị giá 200 tỷ đồng. Trong đó, miễn phí vào các điểm tham quan Vịnh Hạ Long (không áp dụng cho vé ngủ đêm), Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích và danh thắng Yên Tử trong thời gian từ ngày 14/5 đến hết tháng 5/2020 và một số ngày kỷ niệm, ngày lễ trong năm; giảm 50% phí tham quan các ngày còn lại của tháng 6 và tháng 7 năm nay; miễn phí vé tuyến xe buýt từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Hạ Long đến Dốc Đỏ (phường Phương Đông, TP Uông Bí) và ngược lại đến hết năm 2020.
Gói kích cầu này nhằm thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến Quảng Ninh. Đây cũng là hoạt động thiết thực tạo ra hiệu quả lan tỏa, thu hút các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này chung tay vực dậy ngành Du lịch sau dịch Covid-19.
Thời điểm tái khởi động ngành Du lịch cũng là lúc bước vào mùa du lịch hè 2020. Nắm bắt thời cơ này, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều sự kiện thu hút du khách. Từ tháng 5 đến tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức 71 sự kiện, bao gồm: 19 sự kiện, hoạt động do tỉnh tổ chức; 40 sự kiện, hoạt động do các địa phương tổ chức; 12 sự kiện, hoạt động do các đơn vị tổ chức tại địa bàn Quảng Ninh. Nhiều hoạt động thu hút số lượng lớn khách du lịch tới Quảng Ninh đã được tổ chức từ đầu tháng 5 đến nay, như: Khánh thành cầu Bài Thơ và đường bao biển Trần Quốc Nghiễn; chương trình nghệ thuật Chào hè Hạ Long - Quảng Ninh 2020; khánh thành Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Cẩm Phả)...
Trong tháng 6 vừa qua, Quảng Ninh cũng lần đầu tiên tổ chức các chiến dịch quảng bá du lịch sâu rộng tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk với sự quan tâm của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp. Tại các địa phương này, Quảng Ninh đã giới thiệu điểm đến, quảng bá chương trình kích cầu du lịch, thảo luận việc xây dựng các sản phẩm liên kết vùng thu hút khách 2 chiều thông qua sân bay Vân Đồn với mục tiêu: “Một hành trình, hai điểm đến”.
Các giải pháp kích cầu của tỉnh đã thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra khí thế mới cho ngành Du lịch Quảng Ninh. Các doanh nghiệp đã thực hiện những hoạt động cụ thể như khuyến mại, giảm giá, tặng kèm dịch vụ... Ông Đỗ Quốc Vượng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, cho biết: Các giải pháp kích cầu du lịch sau dịch Covid-19 của tỉnh là giải pháp then chốt để khôi phục ngành Du lịch. Hưởng ứng chương trình kích cầu của tỉnh, đơn vị đã áp dụng khuyến mại đồng giá vé 200.000 đồng/khách trong tháng 5. Trong tháng 6, đơn vị áp dụng giảm giá lên tới 40% khi mua các combo vui chơi ở công viên. Căn cứ vào lượng khách, công ty sẽ nghiên cứu kéo dài chương trình khuyến mại để thu hút du khách.
Hay như Liên minh kích cầu du lịch Quảng Ninh, từ ngày 1/6 đến hết tháng 7, đã thực hiện gói kích cầu sản phẩm du lịch với nhiều combo giảm từ 30-50% giá so với trước đây. Các combo được xây dựng nội dung đa dạng, thời gian linh hoạt, địa điểm phong phú để du khách có sự lựa chọn đa dạng hơn khi đến với Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh đã xác định việc xây dựng các chương trình kích cầu du lịch không chỉ mang tính thời vụ, ngắn hạn trong giai đoạn hiện nay, mà phải là nền tảng quan trọng xây dựng du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, việc đảm bảo chất lượng vẫn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, từ đó, giới thiệu, giữ gìn, quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh trong mắt du khách.
Để đảm bảo môi trường du lịch, tỉnh đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác đảm bảo môi trường du lịch trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý thị trường, giá cả, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự đô thị; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các ngành chức năng và địa phương đảm bảo an toàn giao thông, xử lý nghiêm tình trạng xe trá hình, đảm bảo an toàn tại các bãi tắm du lịch.
Giữa tháng 6 vừa qua, TP Hạ Long đã xử lý nghiêm 3 vụ việc du khách phản ánh về tàu du lịch, khách sạn có những ứng xử, việc làm không đúng quy định, gây phản cảm, bức xúc đối với du khách của Cơ sở lưu trú OYO Hải Anh VIP, tàu Hải Anh 10 QN-6018, tàu Âu Lạc 18. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch đã xử lý dứt điểm 7 kiến nghị của du khách qua đường dây nóng về du lịch.
Ông Bùi Duy Đông, Chi hội trưởng Chi hội du lịch Vân Đồn, cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn 2 xã Quan Lạn và Minh Châu đã có một số cơ sở kinh doanh du lịch phá giá, quảng cáo cung cấp trọn gói dịch vụ ăn, nghỉ, đi lại chỉ từ 460.000-660.000 đồng. Việc hạ giá sẽ khiến cho các cơ sở kinh doanh phải trả giá. Bởi khi đưa ra giá quá thấp mà không tính toán kỹ lưỡng đến chi phí sẽ khiến chất lượng thấp, cơ sở bị lỗ, kinh doanh chộp giật. Vì vậy, Chi hội đã tuyên truyền, thuyết phục, vận động các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thực hiện giảm giá, song vẫn duy trì, nâng cao chất lượng, gia tăng dịch vụ cho khách hàng để quảng bá hình ảnh du lịch của các xã đảo nói riêng và Quảng Ninh nói chung.
Dịch Covid-19 lắng xuống, khó khăn là điều không tránh khỏi, song nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư cơ sở vật chất, tung ra các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng để phục vụ du khách, nhằm biến thách thức thành cơ hội. Ở TX Đông Triều, Khu du lịch Quảng Ninh Gate bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 8/5 nhưng đến dịp 1/6 mới có khách. Đối tượng khách của khu du lịch nay chủ yếu là khách lẻ, khách địa phương... thay cho các đoàn khách học sinh trước đây. Trước thực tế này, đơn vị đã nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao chất lượng dịch vụ tại khu du lịch.
Bà Nguyễn Thị Trang, Phó Giám đốc điều hành Khu du lịch Quảng Ninh Gate, cho biết: Xác định đối tượng khách hàng chính của khu du lịch trong thời điểm này là doanh nghiệp và gia đình, nên chúng tôi đang đẩy mạnh đầu tư về cơ sở lưu trú. Chúng tôi đã hoàn thiện một loạt khu nhà nghỉ container với nhiều loại phòng (đơn, đôi, tập thể) cùng với các nhà nghỉ cộng đồng nhìn ra ven đê thoáng mát. Đơn vị hiện đang xây dựng khu resort 4 sao, khu rừng thần kỳ, trung tâm mua sắm... Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng tung ra các combo với giá ưu đãi để thu hút du khách lưu trú, trải nghiệm, sử dụng dịch vụ.
Các hoạt động kích cầu của Quảng Ninh trong thời gian qua không chỉ nỗ lực vực dậy ngành Du lịch sau dịch Covid-19, mà còn tạo đà cho du lịch bứt phá. Không phải chỉ bây giờ, nhiều giải pháp thúc đẩy ngành Du lịch phát triển đã và đang được triển khai.
Trong đó, căn cứ vào thực tế hoạt động dịch vụ về đêm trên địa bàn, tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xây dựng thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm. Địa điểm lựa chọn phải đảm bảo các điều kiện về thu hút du khách, kết cấu hạ tầng phù hợp, kinh tế phát triển… Các hoạt động chính của kinh tế ban đêm gồm 4 loại hình dịch vụ: Văn hóa, vui chơi giải trí; ăn uống; mua sắm và du lịch đảm bảo lành mạnh.
Phát huy thế mạnh về du lịch cộng đồng, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng với 38 điểm du lịch có tiềm năng được các địa phương đề xuất phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ có chính sách cụ thể để hỗ trợ thực hiện. Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng này sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp thường lệ giữa năm) của HĐND tỉnh tới đây.
Cùng với đó, tỉnh cũng xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có tích hợp xây dựng Đề án Làng dân tộc thiểu số. Sở Du lịch hiện đang hoàn thiện Đề án tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô đến năm 2030 trình các cấp có thẩm quyền. Những đề án này được kỳ vọng khai thác thế mạnh của địa phương, cung cấp sản phẩm mới thu hút khách du lịch, tạo sức bật bền vững từ nội tại cho ngành Du lịch.
Để du lịch Quảng Ninh vươn xa hơn, nhiều doanh nghiệp mong muốn tỉnh cần có giải pháp đồng bộ, bền vững, lâu dài hơn nữa. Chi hội trưởng Chi hội du lịch Vân Đồn Bùi Duy Đông chia sẻ: Thực tế, việc đầu tư, quảng bá, truyền thông cho ngành Du lịch hiện tập trung chủ yếu tại một số khu vực nhất định như: Hạ Long, Yên Tử... Trong khi đó, nhiều địa điểm du lịch chưa được quan tâm khai thác xứng với tiềm năng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh sẽ có chiến lược truyền thông mạnh mẽ hơn nữa đối với các khu vực biển đảo; có chiến lược đầu tư bài bản, song cũng gìn giữ các giá trị, xây dựng những cơ chế để thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới phát triển đối với những cơ sở lưu trú sẵn có.
Còn chia sẻ của bà Phạm Thu Hương, Giám đốc Công ty CP Vũng Đục, thì cần có những giải pháp để kết nối các điểm du lịch tạo thành chuỗi những sản phẩm. Để tạo ra một môi trường du lịch phát triển bền vững, nhân sự cũng là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và có những chính sách cụ thể nhằm nâng cao chất lượng. Đồng thời, chú trọng vào việc cải thiện văn hóa du lịch của du khách, đưa ra những tiêu chuẩn hóa dịch vụ, những khóa đào tạo phù hợp đối với các cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Tổn thất sau dịch bệnh Covid-19 là điều không tránh khỏi, song đây chính là cơ hội để ngành Du lịch nhìn nhận, đánh giá và thay đổi. Sự thay đổi này từ chính sách, hành động cho tới sản phẩm, nhằm mục tiêu khai thác thị trường đầy tiềm năng vốn chưa được quan tâm đúng mức bấy lâu nay là khách nội địa. Tin rằng, với sự quyết tâm giải quyết triệt để những vấn đề này của tỉnh, ngành Du lịch Quảng Ninh sẽ vượt qua những thách thức hiện nay, bứt phá vươn lên mạnh mẽ.
Thực hiện: Cao Quỳnh
Trình bày: Đỗ Quang
Ý kiến ()