
Du lịch Quảng Ninh: Chuyển đổi số để bứt phá
Từ Vịnh Hạ Long đến Yên Tử, du lịch Quảng Ninh đang chuyển mình theo hướng thông minh, hiện đại. Chuyển đổi số trở thành bước đi chiến lược nhằm nâng cao trải nghiệm du khách, tăng hiệu quả quản lý và hướng tới phát triển bền vững. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay làm du lịch theo cách mới - thuận tiện hơn, chất lượng hơn.
Làm du lịch theo cách mới
Theo Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 25/9/2024 của UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh xác định "Lấy trải nghiệm, hài lòng của khách du lịch làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch". Điều này thể hiện rõ cam kết và mục tiêu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời tối ưu hóa mọi quy trình nhằm mang lại sự hài lòng tối đa cho du khách.

Nhận thức rõ chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, ngành du lịch Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao trải nghiệm du khách và phát triển bền vững. Tỉnh đã xây dựng hệ thống du lịch thông minh, hỗ trợ du khách trải nghiệm tốt hơn, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hiệu quả hơn và cơ quan quản lý có thể phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá và quản lý hoạt động du lịch. Hiện có gần 200 trong tổng số 370 điểm di tích tại 13 địa phương trong tỉnh đã được số hóa và gắn mã QR, giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin về lịch sử, văn hóa của các điểm đến. Tại TP Móng Cái, gần 20 mã QR đã được triển khai tại các điểm di tích, lịch sử, du lịch như đình Trà Cổ, đền Xã Tắc, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Nhà lưu niệm Bác Hồ về thăm Móng Cái, Cột mốc 1368...
Trên cơ sở hạ tầng số, nhiều điểm đến trọng điểm tại Quảng Ninh đã từng bước chuyển mình theo hướng thông minh, thân thiện, tiện ích. Tại Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới, hệ thống vé điện tử, cổng kiểm soát tự động, camera giám sát, gắn mã QR cho danh thắng, điểm đến… được triển khai đồng bộ, không chỉ phục vụ du khách mà còn hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên. Anh Nguyễn Hữu Hải, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, là hướng dẫn viên thường xuyên đưa khách đến tham quan đảo Ti-Tốp, cho biết: Khách du lịch khi đến đảo thường xuyên quét QR cung cấp thông tin giới thiệu đảo Ti-Tốp để tìm hiểu thêm thông tin về hòn đảo này. Bài viết về đảo có cả tiếng Việt và tiếng Anh, nên nhiều khi tôi cũng tham khảo để mang thông tin đến du khách nước ngoài nhanh hơn, chính xác hơn.

Bảo tàng Quảng Ninh là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số để nâng cao trải nghiệm cho du khách. Từ năm 2015, Bảo tàng đã xây dựng mô hình "Bảo tàng ảo" sử dụng công nghệ 3D, cho phép du khách tham quan trực tuyến toàn bộ không gian trưng bày thông qua website baotangao.baotangquangninh.vn. Để tăng cường tính tương tác và cá nhân hóa trải nghiệm, Bảo tàng đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) với khoảng 60 bộ thuyết minh, bao phủ 28 điểm tham quan. Hệ thống này đặc biệt phù hợp với du khách cá nhân và khách quốc tế, giúp họ tự do khám phá theo nhịp độ riêng. Ngoài ra, Bảo tàng Quảng Ninh còn áp dụng hệ thống vé điện tử, cho phép du khách mua vé trực tuyến và sử dụng mã QR để vào tham quan, góp phần hạn chế giao dịch tiền mặt và nâng cao hiệu quả quản lý. Với hàng nghìn hiện vật được trưng bày, Bảo tàng đã số hóa nhiều hiện vật và không gian trưng bày, kết hợp với các màn hình cảm ứng và công nghệ tương tác, tạo nên một không gian văn hóa sống động và hiện đại.
![]() Thông tin bằng 2 thứ tiếng về đảo Ti-Tốp. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tích cực tham gia thương mại điện tử, sử dụng website để quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp thông tin số liệu, báo cáo thống kê hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã áp dụng công nghệ tự động trong quy trình đặt phòng, check-in, check-out, thanh toán không tiền mặt. Một số công ty lữ hành triển khai trải nghiệm du lịch bằng công nghệ VR/AR, giúp khách hàng "du lịch thử" trước khi lựa chọn sản phẩm. Hiện nay, mã QR được sử dụng rộng rãi tại các điểm dịch vụ để cung cấp thông tin, menu số, phản hồi khách hàng. Đặc biệt, việc tích hợp AI chatbot trên các nền tảng chăm sóc khách hàng giúp du khách dễ dàng tra cứu thông tin, nhận tư vấn trực tuyến 24/7, gia tăng sự hài lòng và tiện ích. Những ứng dụng công nghệ ấy không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn giúp doanh nghiệp nắm bắt hành vi người tiêu dùng, tối ưu hoạt động kinh doanh. Anh Ninh Xuân Tiến, Khách sạn Mường Thanh Luxury Hạ Long Centre Quảng Ninh, cho biết: “Những phần mềm khai báo lưu trú hiện tại rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian và nhân lực, nhân viên chỉ cần một vài thao tác là có thể nhanh chóng hoàn thành công việc. Đồng thời tạo sự minh bạch, chính xác khi chúng tôi muốn tra soát lại thông tin”. |
Còn chị Thanh Tú, sống tại Bắc Kinh (Trung Quốc), về thăm quê hương hồi tháng 2/2025, chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần về Quảng Ninh là tôi phải nhờ người nhà tìm phương tiện, chỗ nghỉ, mà giá cả thì không rõ ràng, lo lắng đủ thứ. Bây giờ, mọi thông tin đều công khai, cập nhật liên tục trên các ứng dụng, có cả đánh giá dịch vụ từ du khách quốc tế nên yên tâm hơn hẳn. Tôi chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là đặt được dịch vụ, thanh toán cũng rất nhanh gọn, tiện lợi.”
Những việc cần làm để đi xa hơn
Mặc dù Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong chuyển đổi số, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần được khắc phục để việc triển khai công nghệ trong du lịch có thể đạt hiệu quả bền vững và toàn diện.
Một trong những thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số du lịch Quảng Ninh là hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ. Các điểm du lịch trọng điểm như Vịnh Hạ Long, Yên Tử đã triển khai hệ thống vé điện tử và ứng dụng du lịch thông minh, nhưng các khu vực hải đảo như Cô Tô, Minh Châu, Ngọc Vừng… vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận internet tốc độ cao và trang bị các thiết bị công nghệ phục vụ du khách. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự thuận tiện của du khách mà còn làm gián đoạn quá trình triển khai các giải pháp công nghệ đồng bộ, như bán vé trực tuyến, hỗ trợ thông tin qua mã QR hay app du lịch.

Bên cạnh đó, một bộ phận nhân viên trong ngành du lịch đặc biệt là tại các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ hay các hộ kinh doanh gia đình chưa có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ số. Nhiều doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, nhất là các hộ kinh doanh gia đình, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực hỗ trợ và triển khai hạ tầng công nghệ số do thiếu cơ chế, chính sách cụ thể…
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh đặt ra định hướng đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số toàn diện, trở thành địa phương đi đầu trong phát triển du lịch thông minh. Tỉnh tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch số đồng bộ, phát triển các nền tảng như bản đồ số, vé điện tử, ứng dụng du lịch thông minh tích hợp công nghệ VR/AR, AI chatbot... Cùng với đó là tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ ra quyết định và nâng cao hiệu quả quản lý. Nguồn nhân lực số cũng được chú trọng, thông qua đào tạo, tập huấn kỹ năng công nghệ cho cán bộ và doanh nghiệp. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh mạng, tỉnh hướng tới xây dựng môi trường du lịch số thân thiện, thuận tiện cho du khách. Tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh phấn đấu trở thành trung tâm du lịch quốc tế, với du lịch số đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế số địa phương.

Trước mắt, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm nhằm tạo bước đột phá trong quản lý và phát triển du lịch. Trước hết là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về chuyển đổi số; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Cùng với đó, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống dữ liệu số về du lịch, mã hóa thông tin các khu, điểm du lịch bằng mã QR, tích hợp dữ liệu và bản đồ số, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh phục vụ du khách. Các nền tảng kỹ thuật sẽ được nâng cấp, tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư, tài nguyên và môi trường để tối ưu hóa công tác quản lý. Đồng thời, Quảng Ninh cũng chú trọng xây dựng cổng thông tin du lịch đồng bộ, tiện ích, hỗ trợ hiệu quả cho người dùng và nhà quản lý. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và công nghệ giám sát cũng được đẩy mạnh, nhằm phục vụ hiệu quả công tác dự báo, điều hành và xây dựng chính sách phát triển du lịch phù hợp với xu thế số hóa hiện nay.
Đặc biệt, tỉnh sẽ triển khai số hóa toàn diện các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa - du lịch, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa tập trung, đồng bộ, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, lưu trữ và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả, lâu dài. Thông qua việc số hóa, các di tích sẽ được giới thiệu sinh động bằng nhiều hình thức trực quan hiện đại như video 3D, audio thuyết minh tự động, E-magazine tương tác, bản đồ di sản số và các trang web chuyên biệt. Nội dung sẽ được trình bày song ngữ (tiếng Việt và tiếng nước ngoài), tích hợp mã QR và liên kết nền tảng số du lịch thông minh, giúp người dân và du khách dễ dàng tiếp cận thông tin chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh.

Không chỉ góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, việc số hóa còn tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với di sản, thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ trong chuỗi giá trị du lịch. Đây cũng là bước đi quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 31/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chuyển đổi số là nền tảng vững chắc để ngành du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững trong thời đại mới. Đây là quá trình đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo và thích ứng liên tục. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự hưởng ứng của người dân và cả sự thay đổi thói quen, hành vi của chính du khách. Khi chuyển đổi số trở thành động lực chung, du lịch Quảng Ninh sẽ không chỉ bắt kịp xu thế, mà còn bứt phá mạnh mẽ trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mới.
Ý kiến ()