
Vọng mãi lời tri ân
Theo suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” luôn được tỉnh Quảng Ninh xây dựng, gìn giữ, nhằm tri ân những người con của quê hương đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.
Những hành trình ý nghĩa
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, biết bao người dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, máu của họ đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, giúp dân tộc ta đơm hoa độc lập, kết trái tự do. Bằng tấm lòng tri ân sâu sắc, cùng đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn" và lòng biết ơn vô hạn với các anh hùng liệt sĩ, những năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, thực hiện tốt chính sách "Đền ơn đáp nghĩa"; thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với các gia đình chính sách, người có công.

Vào dịp tháng 7 hằng năm, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đều có hành trình về những chiến trường ác liệt năm nào để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Với những điểm đến như: Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Ngã ba Đồng Lộc... Tất cả các thành viên trong đoàn đều được ôn lại những năm tháng đau thương, nhưng vô cùng trung dũng, kiên cường của dân tộc và hướng lòng mình về những nơi là biểu tượng cho quá khứ hào hùng, cho sự hy sinh lẫm liệt vì Tổ quốc thân thương. Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh đã dâng hoa, dâng hương, bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc với sự cống hiến, hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ vì hòa bình, độc lập của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
Cùng với những chuyến hành hương về những địa chỉ đỏ để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tháng 7 ở các địa phương trong tỉnh, hàng vạn ngọn nến tri ân hòa cùng khói hương thiêng liêng cũng được thắp lên ở khắp các nghĩa trang liệt sĩ. Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Thế Minh cho biết: Thắp hương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ là hành động đẹp của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh. Những hoạt động này không chỉ tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, mà còn giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của dân tộc, để từ đó biết phấn đấu, cố gắng phát huy tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Thấm nhuần đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh luôn hăng hái tham gia những hoạt động, phong trào cụ thể, thiết thực. Điều đó được thể hiện qua những đề án được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác giáo dục để thế hệ trẻ luôn nhận thức được trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, những người đã hiến dâng cuộc đời, máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhiều hoạt động thiết thực
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 7.000 liệt sĩ hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc quyết sinh, gần 10.000 thương, bệnh binh để lại một phần xương máu, sức lực ở các chiến trường. Để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, những năm qua tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định đối với người có công.
Không chỉ vậy, tỉnh còn ban hành các nghị quyết riêng với nhiều chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện hỗ trợ, chăm lo cho người có công với cách mạng trên địa bàn. Trong đó việc sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ gia đình người có công luôn được quan tâm, thực hiện tốt, tạo thành phong trào lan tỏa rộng khắp trong xã hội.

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã triển khai hỗ trợ nhà ở cho hơn 12.000 gia đình người có công với tổng kinh phí trên 482 tỷ đồng, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương hoàn thành Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sớm nhất cả nước.
Tiếp nối chính sách nhân văn này, năm 2023 tỉnh đã thông qua Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn Quảng Ninh năm 2023. Với đề án này, tỉnh dành 81 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.450 nhà ở cho hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ. Đây tiếp tục là chương trình có ý nghĩa an sinh rất lớn, bảo đảm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Nguyễn Hữu Trí (khu 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) là thương binh hạng 4/4. Năm 2024 ông Trí được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà theo diện gia đình có công với cách mạng, cùng với sự hỗ trợ của người thân, gia đình ông đã xây dựng được căn nhà khang trang. Ông Trí chia sẻ: Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng là chính sách rất ý nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Sự hỗ trợ đó đã tạo điều kiện cho gia đình chúng tôi có thêm kinh phí để xây dựng ngôi nhà này.
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và các gia đình chính sách, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng cao hơn mức của Trung ương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và gia đình chính sách.

Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND (ngày 8/12/2023) quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh đã được HĐND tỉnh khóa XIV thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Ngoài mức hỗ trợ do ngân sách Trung ương đảm bảo, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ thêm tiền điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo niên hạn điều dưỡng hằng năm và hai năm một lần, như: Điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh được nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 1,4 triệu đồng/người/lần lên 1,8 triệu đồng/người/lần; hỗ trợ tổ chức tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước theo chi phí thực tế, tối đa không quá 1,35 triệu đồng/người/lần…
Thương binh Hoàng Văn Lợi (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) cho biết: Những đợt điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công, chúng tôi không chỉ được chăm sóc về sức khoẻ, được đi tham quan các danh lam thắng cảnh trong nước, mà còn có điều kiện gặp gỡ giao lưu, ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa, nắm bắt tình hình đời sống của nhau để tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Có thể khẳng định, với những hành động thiết thực và chính sách cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã và đang thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công với cách mạng, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn và nghĩa tình.
Ý kiến ()