
Hội thảo "50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh sau ngày thống nhất đất nước"
Sáng 24/4, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tổ chức hội thảo “50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh sau ngày thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025).
Các đồng chí: PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, đến dự hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, chào mừng các văn nghệ sĩ, nhà khoa học đến với Quảng Ninh - vùng đất có hình sông thế núi, cảnh quan và con người là đề tài, là nguồn cảm hứng thăng hoa cho rất nhiều nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm để đời.
Xác định vị trí, tầm quan trọng của VHNT trong đời sống xã hội, 50 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo, đầu tư cho lĩnh vực này. VHNT đã khẳng định được vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống, kinh tế, xã hội, được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”. Trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp, BCH Đảng bộ tỉnh đều ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hoá. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển VHNT tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn mới.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, VHNT ngày càng đổi mới và bám sát thực tiễn, phản ánh sinh động cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu và xây dựng nền văn hoá giàu bản sắc Quảng Ninh, nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã có bước phát triển toàn diện về quy mô và chất lượng, không ngừng đổi mới tuy duy sáng tác để bắt kịp yêu cầu của thời đại.
Đồng chí mong muốn VHNT tiếp tục phát huy vai trò là một kênh truyền dẫn tư tưởng, định hướng giá trị, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; góp phần làm giàu thêm nền tảng văn hoá tinh thần của một tỉnh năng động hội nhập nhưng không hoà tan, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc.
Đội ngũ văn nghệ sĩ cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, đổi mới tư duy, đột phá trong sáng tạo VHNT để xứng đáng với niềm tin mà Đảng và nhân dân đã giao phó; đồng thời tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng về VHNT, đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, tuyên truyền và quảng bá VHNT, đặc biệt là các tác phẩm về đề tài Vùng mỏ anh hùng, hệ giá trị văn hoá con người Quảng Ninh, công cuộc đổi mới và hội nhập; chăm lo xây dựng đội ngũ kế cận; đổi mới tổ chức hoạt động của Hội; tăng cường giao lưu và hợp tác về VHNT.

Tại hội thảo, đã có 7 tham luận được trình bày và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp trong giao lưu, toạ đàm trên sân khấu. Đến nay, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 80 tham luận của đại biểu đến từ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh, đại biểu hội VHNT một số tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, văn nghệ sĩ và các nhà khoa học.

Các tham luận đã tập trung làm rõ những nội dung về đường lối lãnh đạo của Đảng về văn hoá văn nghệ và công tác lãnh đạo của tỉnh; thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm phát triển VHNT tỉnh Quảng Ninh 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; thời cơ, thách thức và giải pháp trọng tâm phát triển VHNT trong kỷ nguyên mới.
Ý kiến ()