
Quảng Ninh – Hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến miền Nam
Sau khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập vào tháng 10/1963, giữa lúc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đang trên đà phát triển, Vùng mỏ lập tức bước vào giai đoạn thử thách mới: vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, vừa dồn sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” lan rộng khắp Vùng mỏ. Những năm tháng gian khổ ấy đã hun đúc một tinh thần Quảng Ninh quật cường, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975.
Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam
Năm 1963, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Quảng Ninh không chỉ đối mặt với những khó khăn của chiến tranh mà còn phải chịu đựng các cuộc chiến tranh phá hoại từ không quân Mỹ. Đặc biệt là trong giai đoạn 1965-1968 và 1972, khi Mỹ tấn công các khu công nghiệp, cảng biển và các cơ sở hạ tầng quan trọng của tỉnh. Trong suốt 8 năm bị Mỹ đánh phá ác liệt, Quảng Ninh vẫn duy trì nhịp sản xuất ở mức cao, bất chấp bom đạn kẻ thù không để một mỏ nào bị đánh sập vĩnh viễn, không một nhà máy nào ngừng sản xuất quá 3 ngày, không một con đường huyết mạch nào bị tê liệt lâu dài. Quảng Ninh đã chiến đấu – không chỉ bằng vũ khí, mà bằng ý chí thép và tinh thần “sản xuất là chiến đấu – bảo vệ nhà máy là bảo vệ Tổ quốc”.
Với khẩu hiệu “Tay búa, tay súng”, “Sẵn sàng chia lửa diệt Mỹ với miền Nam ruột thịt”, nhân dân Quảng Ninh vừa sản xuất tốt, vừa chiến đấu giành thắng lợi trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của Mỹ, bảo vệ và ổn định đời sống, sản xuất. Trong đó, sản xuất than – ngành mũi nhọn của kinh tế quốc dân miền Bắc – được Trung ương và Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Bác từng nói: “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”.
Đầu năm 1965, khi giặc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, toàn bộ các mỏ, công xưởng, nhà máy sản xuất chủ yếu của ngành than đều bị đánh phá ác liệt. Mặc dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn, song với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt”, các mỏ lớn như Hà Tu, Cọc Sáu, Vàng Danh, Hà Lầm, Mạo Khê… vẫn tăng năng suất, vượt kế hoạch đề ra. Từ 1965 đến 1968 – những năm tháng Mỹ đánh phá ác liệt – tổng sản lượng than của Quảng Ninh vẫn duy trì trên 2 triệu tấn/năm, góp phần đảm bảo năng lượng cho miền Bắc và phục vụ quốc phòng.

Do tầm quan trọng của ngành than và điện, Đảng và Nhà nước đã đầu tư xây dựng Nhà máy điện Uông Bí công suất 100MW – lớn nhất miền Bắc lúc đó. Ngày 26/11/1963, dưới sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, dòng điện đầu tiên từ Tổ máy số 1 của Nhà máy điện Uông Bí đã sáng bừng, hòa vào lưới điện miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Dù đây là thời điểm không quân Mỹ đánh phá ác liệt, nhưng với khẩu hiệu “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, cán bộ, công nhân Nhà máy đã dũng cảm chiến đấu, sáng tạo trong lao động để sản xuất điện cho hậu phương miền Bắc. Từ 1964-1971, Nhà máy đóng góp 835.540.780 kWh, năm nào cũng vượt mức kế hoạch.
Từ tháng 4/1972 đến đầu năm 1973, Mỹ leo thang đánh phá trở lại miền Bắc, phong tỏa các cảng Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông. Trong bối cảnh đó, Quảng Ninh thực hiện phương châm “vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu” với tinh thần “tay cuốc, tay súng”, giữ vững vai trò hậu phương lớn. Các khu công nghiệp như mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí… được đặt trong tình trạng chiến đấu khẩn cấp. Sản xuất phân tán, thực hiện “ba tại chỗ”: làm việc – sinh hoạt – trú ẩn tại mỏ. Hầm lò được mở rộng làm nơi trú ẩn. Các ngành điện, cơ khí, vật tư… cũng được điều chỉnh để tránh thiệt hại. Năm 1972, dù trong điều kiện chiến tranh, Quảng Ninh vẫn khai thác được gần 3 triệu tấn than, phần lớn vận chuyển vào Nam và một phần xuất khẩu lấy ngoại tệ.

Ông Nguyễn Văn Phượng, nguyên công nhân Xí nghiệp Bến Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông) hồi tưởng: "Thời ấy, không khí lao động thật sôi nổi, ai cũng làm việc quên mình với tinh thần ‘tất cả vì miền Nam ruột thịt’. Chúng tôi không chỉ nỗ lực khôi phục kinh tế sau chiến tranh, mà còn ra sức vượt mọi chỉ tiêu sản xuất, bởi mỗi tấn than làm ra đều mang theo tình cảm và trách nhiệm hậu phương gửi tới chiến trường miền Nam."
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Miền Bắc bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế giai đoạn 1973-1975, tiếp tục chi viện cho miền Nam. Ngày 28/1/1973, Trung ương Đảng và Chính phủ kêu gọi toàn Đảng, toàn dân tăng cường đoàn kết, ra sức củng cố những thắng lợi đã giành được, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Chỉ sau 3 ngày, ngành than Quảng Ninh bắt đầu hoạt động trở lại. Máy móc từ nơi sơ tán được đưa về, rút ngắn thời gian phục hồi từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Trong quá trình đó đã xuất hiện nhiều đơn vị có thành tích cao như Tổ máy khoan vỉa 14 mỏ Hà Tu đạt 152% kế hoạch, tổ máy EKG công trình Tả Ngạn, Mỏ Cọc Sáu đạt 118% kế hoạch; tổ Lò Cái 1, mỏ Thống Nhất đạt 152% kế hoạch… góp phần đẩy nhanh khôi phục sản xuất.
Nhiều đơn vị ngành than được phong tặng danh hiệu Anh hùng: Mỏ than Cọc Sáu, Đèo Nai, Hà Tu, Hà Lầm, Xí nghiệp tuyển than Cửa Ông, tuyển than Hòn Gai, cơ khí Hòn Gai, cơ khí Cẩm Phả…
Giai đoạn 1964-1975, Phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp đồng bào miền Nam ruột thịt” lan rộng khắp trên địa bàn tỉnh, không riêng ngành sản xuất mũi nhọn mà các ngành kinh tế khác cũng phục hồi mạnh mẽ. Khẩu hiệu “Mỗi tấn than là một viên đạn đánh Mỹ”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” được treo khắp các nhà máy, công trường. Công nhân, nông dân, ngư dân… thi đua vượt chỉ tiêu. Ngành Giao thông vận tải được phục hồi, sửa chữa, làm mới đường giao thông, bến cảng. Ngành cơ khí tăng cường đóng mới phương tiện. Ngành khai thác lâm sản, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, thủ công nghiệp cũng nhanh chóng hoạt động trở lại. Riêng đánh bắt thủy sản - một ngành kinh tế có thế mạnh của tỉnh, sản lượng đánh bắt năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 1974, toàn tỉnh có 22 hợp tác xã vượt kế hoạch bán cá nghĩa vụ cho Nhà nước phục vụ miền Nam.
Trong những năm đánh Mỹ, Đảng bộ Quảng Ninh đã phát động toàn dân thi đua sản xuất, chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Từ 1965-1968, tỉnh cung cấp 42.240 tấn lương thực (trong đó lương thực nghĩa vụ: 4.927 tấn), chiếm 13,2% tổng sản lượng lương thực hằng năm, giá trị nông sản cung cấp là 43.649 đồng.
Tháng 4/1975, toàn tỉnh tổ chức vận động tiết kiệm, vay lương thực hỗ trợ vùng mới giải phóng. Chỉ trong hai năm 1974-1975, Quảng Ninh cung cấp cho Nhà nước 10.000 tấn lương thực, 13.500 tấn rau xanh, 6 triệu quả trứng, 4.500 tấn thịt lợn…
Các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc phát động phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Hũ gạo tiết kiệm”… thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân. Tình cảm hậu phương còn gửi gắm qua hàng vạn bức thư, chiếc khăn tay thêu vội, tranh học sinh vẽ, tấm chăn của mẹ già vùng biển gửi cho con nơi rừng sâu… Tất cả tạo nên một mạch nguồn tiếp sức không thể đo đếm được cho chiến trường miền Nam.
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” – Lớp lớp thanh niên Vùng mỏ lên đường
Cùng với sức của, Quảng Ninh còn huy động sức người chi viện cho miền Nam. Hàng vạn thanh niên Vùng mỏ tình nguyện nhập ngũ, nhiều người còn khai tăng tuổi để được ra trận sớm. Khí thế lên đường lan tỏa khắp Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Tiên Yên… Các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” phát triển mạnh, nhất là trong nữ công nhân, học sinh, sinh viên. Từ 1965-1968, tỉnh luôn vượt chỉ tiêu giao quân từ 2% trở lên. Từ năm 1973-1975, năm nào công tác tuyển quân của tỉnh cũng đạt và vượt chỉ tiêu, là một trong 2 tỉnh hoàn thành xuất sắc việc tuyển quân chi viện cho chiến trường, được Quân khu và Chính phủ biểu dương.
Giai đoạn 1965-1975, đã có hàng chục nghìn thanh niên Quảng Ninh lên đường nhập ngũ, chiến đấu trong các đơn vị chủ lực như Quân khu Đông Bắc, Quân khu Tả Ngạn, Sư đoàn 312, 320, 308… Nhiều người khác tham gia TNXP, dân công hỏa tuyến, vận tải, y tế… đảm nhiệm các tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, đường 20 Quyết Thắng, đường Hồ Chí Minh.

Riêng năm 1966-1967, Quảng Ninh đã huy động gần 2.000 thanh niên, chủ yếu là công nhân mỏ, chi viện trực tiếp cho miền Nam. Ngày 30/7/1967, Binh đoàn Than lên đường vào Nam, tham gia các chiến dịch lớn như: Đường 9 – Nam Lào (1971), Quảng Trị (1972), Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). 113 chiến sĩ Binh đoàn Than được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Dù không là phiên hiệu chính thức, nhưng Binh đoàn Than đã trở thành huyền thoại, niềm tự hào của Vùng mỏ, nỗi khiếp sợ của kẻ thù.
Ông Bùi Duy Thinh, cựu binh Binh đoàn Than nhớ lại, năm 1967 khi ông đang lái máy xúc ở mỏ Hà Tu, đã xung phong nhập ngũ. Trận đầu tiên là điểm cao 833 ở Tây Bắc Tà Cơn. Từ đó đến ngày miền Nam giải phóng, ông tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ trên khắp các chiến trường.


Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Ninh còn có hơn 80 chiến sĩ tham gia “tàu không số” trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Không hải đồ, không định vị, nhưng bằng ý chí và lòng dũng cảm, họ đã hoàn thành hơn 2.000 chuyến vận tải, đưa 25.000 tấn vũ khí, hàng chục nghìn lượt cán bộ chiến sĩ chi viện miền Nam. Xí nghiệp đóng tàu Hạ Long đã đóng 6 tàu không số phục vụ chiến trường trong giai đoạn này.
Ngày nay, khi đất nước hòa bình, Quảng Ninh tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhưng ký ức về một thời “chia lửa với tiền tuyến” Miền Nam vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân Vùng mỏ như ngọn lửa không bao giờ tắt.
Ý kiến ()